Trọng Ðạt:
Một bài đăng trên tờ Constellation của Pháp năm 1966 có mô tả đêm 19-6-1946, Võ Nguyên Giáp cho Tự Vệ tấn công quân Pháp tại Hà Nội, cuối bài người ký giả kết luận.“Ðó là trận đánh mở đầu của cuộc chiến tranh dài nhất thế kỷ (La guerre la plus longue du siècle), nó kéo dài từ hai mươi năm qua, và đất nước bị chia đôi mãi mãi”Nhưng cho tới nay thời gian đã trả lời đất nước không bị chia đôi vĩnh viễn mà đã thống nhất làm một dưới chế độ độc tài Cộng Sản sau mấy chục năm binh đao khói lửa.Năm 1945 quân Pháp núp sau xe tăng Mỹ về giải phóng đất nước. Sau khi giành độc lập, De Gaulle tuyên bố tất cả các thuộc địa cũ đều sẽ được chiếm lại. Thực dân còn nhiều quyền lợi như nhà máy, xí nghiệp, đồn điền, cửa hàng, hầm mỏ. . .mà họ cho là tài sản, mồ hôi nước mắt của mình. Pháp theo chân quân Anh vào Sài Gòn giải giới quân Nhật tháng ngày 6-9-1945, thừa cơ chiếm lại các tỉnh Nam, Trung Việt. Sau Pháp áp lực Việt Minh phải cho họ ra Bắc, Hồ Chí Minh tương kế tựu kế cho Pháp ra Hà Nội để đuổi quân Tầu phù của Tưởng Giới Thạch về nước. Pháp đổ bộ vào Hải Phòng, tiến về Hà Nội tháng 18-3-1946. Tháng 7-1946 nhờ Pháp giúp đỡ đạn dược, Việt Minh tấn công tiêu diệt các lực lượng Việt Nam Quốc Dân Ðảng tại các tỉnh Thượng du như Bắc Ninh, Bằng Giang, Lạng Sơn… bắn giết cả tù binh, thương binh. Sau khi giúp Việt Minh tiêu diệt các đảng phái Quốc gia, Pháp trở mặt gây hấn với Việt Minh, chiến tranh sẽ phải diễn ra, tối 19-6-1946 Việt Minh biết là thua nhưng cũng đánh đại một trận rồi rút lui vào hậu phương kháng chiến.Chúng tôi xin sơ lươc về lực lượng quân sự của Việt Minh hồi ấy. Pháp bị Nhật đảo chính 9-3-1945, Việt Minh phục kích đám tàn quân Pháp để lấy vũ khí. Tháng 6-1945 Việt Minh được Mỹ thả dù xuống chiến khu khoảng 5,000 khẩu súng đủ các loại để hợp tác chống Nhật, cứu các phi công Mỹ bị bắn rơi. Việt Minh cướp được chính quyền tháng 8 năm 1945, tháng 9 quân Tầu sang giải giới Nhật, Hồ chí Minh tổ chức quyên vàng rồi đem gái đẹp, thuốc phiện vàng bạc mua chuộc các quan Tầu, mua súng lậu của họ, của các thương gia Hoa Kiều. Cuối năm 1946 Việt Minh có khoảng 90 ngàn quân trên toàn quốc kể cả dân quân du kích, 30 ngàn quân phía trên vĩ tuyến 16, có khoảng 80,000 khẩu súng đủ các loại kể cả súng cối. Sau năm 1945 có khoảng 10 ngàn quân Nhật ở lại theo Việt Minh kháng chiến, họ huấn luyện cho Việt Minh tại Sơn Tây. Người Nhật cũng giúp Việt Minh lập cơ xưởng chế tạo vũ khí tại miền Thượng du Bắc Việt, từ đầu đến cuối năm 1946 họ chế tạo được 10,000 khẩu súng cá nhân, khoảng 30 ngàn vũ khí đủ loại như mìn lựu đạn… tuy nhiên so với Pháp có xe tăng đại bác thì họ vẫn còn quá yếu.Trong những năm 1947, 48 Việt Minh còn yếu thế lẩn trốn đánh du kích, không dám ra mặt. Pháp thừa thắng chiếm Hoà Bình, Sơn Tây, Việt Trì, Bắc Ninh năm 1948. Cuối Năm 1948 Tưởng Giới Thạch mất Mãn Châu, thiệt hại gần nửa triệu quân, ngày 7-10-1948 Hồng quân đại thắng ở Hoa Bắc, Tưởng xin Mỹ viện trợ nhưng không được đáp ứng. Ðầu tháng 12 năm 1948 bà Tống Mỹ Linh, Tưởng phu nhân đích thân sang Mỹ cầu viện nhưng họ lờ đi, trước đây họ giúp Tưởng để chống Nhật nay Nhật đã đầu hàng, họ không cần Tưởng và bỏ rơi không thương tiếc. Trước đây năm 1943 Tống Mỹ Linh sang Mỹ xin cầu viện 50 triệu đô la quân viện để chống Nhật, Mỹ phải thuận cho vì Tưởng doạ ký hoà ước với Nhật.Ngày 21-1-1949 Trung Cộng vào Bắc Kinh, đầu tháng 10-1949 Mao tuyên bố thành lập nước Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hoà Quốc. Trước 1948 Việt Minh vẫn nịnh nọt Quốc Dân Ðảng Trung Hoa để mua vũ khí của họ, nhưng khi thấy Hồng quân thắng lớn, Việt Minh trở cờ theo Mao và xin thần phục làm đệ tử trung thành. Ngày 18-1-1949 Mao thừa nhận Hồ, và ngày 31-1-1949 Hồ cũng thừa nhận Mao.Thế là thời cơ vô cùng thuận lợi tự dưng đem đến tận tay họ Hồ và đồng bọn.Trung Cộng từ đấy chuyển vận vũ khí ồ ạt giúp Hồ, thành lập nhiều trại huấn luyện dọc theo biên giới. Nhờ đó Việt Minh tổ chức đươc trên 40 ngàn quân chính qui, nhiều Ðại đoàn như 308, 312, 316, 320. Năm 1948 họ thành lập được 32 tiểu đoàn chính qui, năm 1950 tăng vọt lên 127 tiểu đoàn. Hồ chí Minh ban hành tổng động viên gia tăng quân số. Năm 1948 Pháp thấy không thể dùng quân sự được mà phải phối hợp chính trị, chiến tranh tâm lý để thắng địch nên họ đã nghĩ đến việc đưa cựu hoàng Bảo Ðại, một người ôn hoà thân Pháp về làm Quốc trưởng. Nhiều phái đoàn tại Huế Sài Gòn, Hà Nội cũng đã đi Hương Cảng mời Ngài trở về gánh vác giang sơn, họ không tin cả Pháp lẫn Việt Minh cho rằng vì Ngài thoái vị nên mới có đổ máu, chiến tranh. Tháng 3-1949 Tổng thống Pháp Vincent Auriol và ông Bảo Ðại cùng ký thoả ước về một nước Việt Nam độc lập trong Liên hiệp Pháp.Chính phủ Quốc Gia Việt Nam được thành lập từ đấy, Thiếu tướng Nguyễn văn Xuân được cử thành lập chính phủ lâm thời, lấy cờ vàng ba sọc đỏ làm quốc kỳ, bài Tiếng Gọi Thanh Niên làm quốc ca, Thủ đô đặt tại Sài Gòn. Chính phủ Bảo Ðại từ tháng 1-1949 cho tới đầu 1950, Nguyễn Phan Long 1950, Trần Văn Hữu 1950-51. . . chế độ không có Hiến pháp, chỉ có hai Ðạo dụ 1-7-1949 về tổ chức công quyền. Quốc trưởng có quyền lập pháp và bổ nhiệm Thủ tướng. Quân Ðội Quốc Gia được thành lập cuối năm 1949, lương bổng do chính phủ trả tượng trưng còn lại do viện trợ Mỹ đài thọ, các công sở Pháp được trao dần dần cho Việt Nam. Quân đội Quốc Gia năm 1950 mới có năm tiểu đoàn, 1951 có 26 tiểu đoàn, chính phủ thành lập các trường võ bị, không quân, quân y.Ðầu năm 1949 Hồng quân chiếm trọn nước Tầu, họ cho 20 sư đoàn đóng dọc theo biên giới Việt Hoa để ngăn chặn Quốc quân chạy sang Việt Nam. Pháp sợ quá nên rút khỏi Cao Bằng. Việt Minh biết trước do tình báo Nga nên tiến đánh chiếm Ðông Khê bằng chiến thuật biển người năm đổi một. Ðại tá Charton triệt thoái 3 tiểu đoàn khỏi Cao Bằng ngày 29-9-1949, đến đầu tháng mười bị Việt Minh chận đánh tơi bời. Ngày 7-10 binh đoàn tan rã, Pháp mất khoảng 7,000 quân và nhiều đơn vị tinh nhuệ, gần 500 quân xa, trên 100 súng cối và 13 khẩu đại bác 10 ngàn súng cá nhân và cộng đồng trung liên, đại liên. Trận đánh làm rung động cả nước Pháp vì không ai ngờ bây giờ Việt Minh lại mạnh đến thế. Lạng Sơn sợ quá cũng rút quân không kịp tiêu hủy đạn dược để lại hàng nghìn lít săng, 450 quân xa, 13 ngàn súng cá nhân, đây là một trận đại phục kích, theo Việt Minh Pháp mất 8 ngàn quân, 3 ngàn rưởi bị bắt làm tù binh.Ðó là một khúc quành trong cuộc chiến tranh Việt-Pháp, Việt Minh đang chuyển bại thành thắng. Khi Mao chuyển vũ khí ồ ạt cho Việt Minh thì cuối tháng 10-1950 Mỹ vội viện trợ quân sự cho Pháp 300 triệu đô la, hàng không mẫu hạm chở tới Sài gòn 40 máy bay Hellcat cho Pháp. Pháp gia tăng quân số leo thang chiến tranh, năm 1945 mới có 32 ngàn , năm1947 lên 128 ngàn, năm 1950 lên 143 ngàn .Ðầu năm 1950 Võ Nguyên Giáp được cố vấn Trung Cộng dạy cho lối đánh biển người, tháng 2 năm ấy Giáp đích thân chỉ huy sư đoàn 308, cho khoảng 6 ngàn người tấn công đồn Phố Lu, trong đồn chỉ có 150 lính với 4 khẩu đại liên ở lô cốt. Giáp cho pháo kích rồi xung phong hết đợt này đến đợt khác, bốn khẩu đại liên bắn như mưa bấc đỏ cả nòng , mặc dù đã đẩy bao nhiêu thanh niên vào chỗ chết nhưng Việt Minh không đạt được mục tiêu.Sau trận Cao Bắc Lạng Pháp hoảng quá cử tướng năm sao De Lattre de Tassigny đến Ðông Dương cuối 1950, tăng thêm 18 ngàn quân xa, 2,300 thiết giáp, 230 tầu chiến giang đĩnh, hơn 500 ngàn súng cá nhân, 1,500 súng cối, 750 đại bác. De Lattre cho xây khoảng 1000 lô cốt đốn bót kiên cố đương đầu với Việt Minh đang thừa thắng. Trận chiến ngày càng leo thang, tính đến cuối năm 1950 đã có 15 ngàn lính Pháp tử trận. Việt Minh bắt đầu đánh lớn, ngày 13-1-1951 họ đánh đồn Bao Chúc gần Vĩnh Yên , chiếm được nhiều cao điển quanh Vĩnh Yên, Hà Nội bị đe doạ, trận chiến diễn ra dữ dội. Trận này Võ Nguyên Giáp cũng đánh biển người thí quân dữ dội, không có cứu thương, Giáp huy động hai sư đoàn 308, 312 xung phong hết lớp này đến lớp khác, đại liên bắn không xuể, hai bên bây giờ trộn trấu. Việt Minh đánh chia cắt 6 ngàn quân Pháp, 24 tiểu đoàn Việt Minh giáp mặt 3 liên đoàn Pháp. De Lattre quyết định táo bạo tàn nhẫn không ai ngờ, Salan cũng không ngờ, ông ta cho tập trung khoảng 100 máy bay ném xuống mặt trận 300 quả bom săng lửa (napalm) thí quân cả hai bên, lửa đỏ rực cả góc trời thiêu đốt cả hai đạo quân đang xáp lá cà. Việt Minh mất khoảng 6,000 người, 500 bị bắt làm tù binh. Võ nguyên Giáp và cố vấn Tầu sợ xanh mặt, không ai ngờ De Lattre chơi bạo đến thế.Giáp bổ sung quân số, trang bị lại rồi dùng Ðại đoàn 308, 312, 316 tấn công Mạo Khê, đe doạ Hải Phòng, mặc dù đánh biển người nhưng cũng không chiếm được mục tiêu. Kế đó là trận bờ sông Ðáy kéo dài trên phòng tuyến 80 cây số, gần một tháng, Sư đoàn 308 đánh Ninh Bình, 304 đánh Phủ Lý, 320 đánh Phát Diệm, Việt Minh để lại 350 xác chết, trận Yên cư Hạ trên mấy ngọn đồi thuộc Nam Bắc Việt vào đầu tháng 6-1951 Việt Minh cũng đánh biển người nhưng không hạ được đồn. Toàn bộ chiến dịch bờ sông Ðáy Việt Minh tổn thất khoảng 10 ngàn người, Pháp mất 2,500 người. De Lattre đánh bại Võ nguyên Giáp mấy trận liên tiếp cứu vãn sự sụp đổ của miền Bắc trước những trận thí quân điên cuồng của địch. Cách đây 4 năm Pháp cho khoảng 1000 lính nhẩy dù xuống Bắc cạn trúng Tổng hành dinh Hồ chí Minh bắt hụt toàn bộ cấp lãnh đạo CSVN, nay tháng 6-1951 Pháp nhẩy dù đột kích chợ Cháy và lại bắt hụt Hồ Chí Minh lần nữa.Pháp thắng lợi về quân sự nhưng thất bại về chính triï, quân Pháp quá tàn bạo, trong các cuộc hành quân vào làng, chúng cướp bóc, hãm hiếp đốt nhà, bắn giết tàn bạo lương dân vô tội. Hành động khát máu của lính Tây đã vô tình đẩy người dân về phía đối phương. Ngay cả báo chí tại Ba Lê hồi ấy cũng đã phơi bầy cho dân chúng thấy tội ác của bọn thực dân. Năm 1952 De Lattre chết vì bệnh ung thư, Salan lên thay hành quân càn quét Hòa Bình, Việt Minh đánh thí quân tàn bạo, Pháp phải rút khỏi Hoà Bình, Việt Minh chết khoảng 5,000 người.Mặc dù những trận biển người không đạt thắng lợi về quân sự nhưng người Pháp đã phải run sợ trước một kẻ thù cố đấm ăn xôi, đánh thí mạng cùi. Người Pháp ngày càng ghê sợ chán ghét chiến tranh Ðông Dương. Chiến sự ngày càng leo thang ác liệt, năm 1953 quân Ðông Dương đã tăng khoảng 440 ngàn người trong số đó lính Pháp và Bắc Phi khoảng 125 ngàn còn lại là người bản xứ. Việt Minh nay có 125 ngàn chính qui, 75 ngàn địa phương quân và 150 ngàn du kích. Quân đội Quốc Gia Việt Nam cuối 1953 có khoảng 150 ngàn chủ lực và 50 ngàn phụ lực quân, trang bị còn yếu kém chưa đủ sức chống Việt Minh.Người Pháp đang tìm cách rút chân ra khỏi bãi lầy, tướng Salan mất tinh thần dự định rút quân xuống dưới vĩ tuyến 16 bỏ miền Bắc nay đã bị Việt Minh làm cho ung thối, dân Pháp đa số chán ghét chiến tranh Ðông Dương vì tốn kém tiền bạc, thiệt hại nhiều nhân mạng, họ muốn rút lui càng sớm càng tốt. Tháng 5-1953 Navarre được cử sang làm tư lệnh quân viễn chinh, mỗi tư lệnh có một kế hoạch khác nhau. Navarre bi quan vì năm 1950 viện trợ quân sự Mỹ cho Pháp mới có 17% , nay đã lên tới 40%, năm sau 1954 lên tới 74%, mọi chi phí quân sự nay đa số do Mỹ đài thọ, Pháp biết rằng dù có thắng trận cũng mất Ðông Dương vì hiện đã mất chủ quyền. Tổng số quân Ðông Dương nay là 444 ngàn, Pháp và Bắc phi khoảng 125 ngàn , lính bản xứ và Quân Ðội Quốc Gia là 320 ngàn , không quân có 550 máy bay đủ các loại, 390 tầu chiến, nhưng chủ lực quân vẫn thua Việt Minh vì phải trải quân giữ đất. Giữa năm 1953 chủ Lực quân Pháp khoảng 170 ngàn nhưng đã bị VM cầm chân 100 ngàn tại vùng trung châu nên thiếu quân di động. Mặc dù Việt Minh trang bị yếu kém không tối tân bằng pháp, không có máy bay, xe tăng, đại bác, tầu bè… hoả lực thua kém Pháp, chính tài liệu của CS cũng đã công nhận như thế nhưng vì không phải trải quân giữ đất, VM lưu động, lựa chọn chiến trường đánh tiêu hao địch nên họ vẫn có ưu thế hơn. Người Pháp chuẩn bị Việt Nam hoá chiến tranh.Mới đầu Navarre cho hành quân nhẩy dù tấn công các căn cứ tiếp liệu hậu cần của Việt Minh, lực lượng tham gia khoảng 15 ngàn người. Họ đã phá được nhiều cơ sở, kho lương thực, quân dụng.. nếu cứ tiếp tục thì đã gây nhiều khó khăn cho Việt Minh nhưng ông lại muốn đối phương phải thò mặt đánh một trận lớn vì tin tưởng ở hoả lực pháo binh, không quân của Pháp.Navarre trình kế hoạch lên bộ Quốc phòng, sau khi được chấp thuận ông bèn cho trấn đóng Ðiện Biên Phủ cách Hà Nội 300 cây số để ngăn chận Việt Minh qua ngả Lào và ngăn chận đường tiếp tế từ Trung Hoa, Việt Minh buộc phải lâm trận nếu không sẽ tuyệt đường sinh lộ. Võ Nguyện Giáp người chỉ huy trận đánh đưa vào đó bốn Sư đoàn, tổng cộng trên 50 ngàn người, chưa kể du kích địa phương, về pháo binh VM có 24 khẩu 105 ly, 15 khẩu sơn pháo 75 ly, 16 súng cối 120 ly, 36 súng cối 82 ly, tổng cộng vào khoảng gần 100 khẩu, ngoài ra họ được viện trợ 64 khẩu pháo phòng không 37 ly tối tân của Nga.Trung Cộng xử dụng 600 xe vận tải chở tiếp tế cho mặt trận, theo tài liệu CS, Việt Minh đã huy động được hai trăm nghìn người dân công chuyên chở, gồng gánh thực phẩm, súng đạn cho chiến dịch. Từ 16-1 đến 25-1 VM huy động hàng mấy nghìn người kéo 24 khẩu đại bác 105 ly qua những dốc núi cao ngất tới tận mặt trận chuẩn bị tấn công . Võ nguyên Giáp thấy lực lượng Pháp rất mạnh rồi lại cho kéo pháo ra chờ tiếp liệu đầy đủ mới cho đánh. Một điều Pháp không thể ngờ được là VM có thể kéo được đại bác qua những dẫy núi cao ngất như thếLực Lượng Pháp khoảng 15 ngàn người đa số là lính nhảy dù, trong đó 4,500 là lực lượng không tác chiến. Ngoài người Âu có người Châu Phi, người Việt, Thái, Nùng…. Pháp xây nhiều pháo đài kiên cố xong phạm phải lỗi lầm trầm trọng là khai quang lòng chảo khiến nơi đây trở thành miếng mồi ngon cho pháo binh VM trên đồi bắn xuống. Trận chiến bắt đầu từ 13-3-1954, Việt Minh ra sức đánh để lấy ưu thế tại bàn Hội nghị Genève khai mạc từ 26-4-1954. Trận đánh kết thúc 7-5 , Việt Minh bị thiệt hại khoảng từ 15 tới 20 ngàn người, có tài liệu nói 10 ngàn người gấp 4 lần Pháp để đổi lấy chiến thắng. Pháp có hơn 4,000 tử thương, trong đó một nửa là người Âu và một nửa là Việt, Châu Phi, Nùng Thái… khoảng 8 ngàn bị bắt làm tù binh nhưng chỉ có một phần ba sống sót sau khi trao trả. Trong suốt cuộc chiến 1947-54 Việt Minh chỉ thắng được hai trận lớn là Cao Bắc Lạng 1950 và Ðiện Biên Phủ 1954, trong những năm 1951, 52, 53 dù đã đẩy bao thanh niên vào họng súng đại liên của địch mà họ vẫn không chiếm được mục tiêu. Những trận đánh biển người ấy đã đạt thắng lợi chính trị tâm lý, nó khiến cho đối phương phải run sợ tinh thần liều mạng cố đấm ăn xôi của họ.Người Pháp nay quá ghê sợ cuộc chiến tranh Ðông Dương, quốc hội lật đổ chính phủ Laniel, Mandes Frances lên thay 14-5 để sớm chấm dứt chiến tranh, ký hiệp ước rút quân ra khỏi Ðông Dương. Trong suốt cuộc chiến tranh 1947-54, tổng cộng 19 chính phủ Pháp bị lật đổ vì không giải quyết được chiến tranh, ngày 20-7-1954 Pháp sợ quá vội ký hiệp định để rút quân. Hội nghị Genève kết thúc, Việt Minh và Pháp ký kết Hiệp Ðịnh ngày 20-7 chia đôi đất nước, quân Pháp vàChính phủ Quốc Gia rút vào Nam lấy vĩ tuyến 17 làm ranh giới tạm thời để chờ tổng tuyển cử thống nhất hai miền. Phái đoàn Quốc Gia Việt Nam và Mỹ không ký vào bất cứ văn kiện nào của Hiệp định.
No comments:
Post a Comment