Tàu ngầm của Trung Cộng
Dưới đáy của đại dương "Thái Bình" đang dậy sóng ngầm. Đại dương này chưa từng biết tới một cuộc đua tranh quyết liệt như vậy.
Khó xác định điểm xuất phát , nhưng cuộc chạy đua tàu nổi và tàu ngầm đang tăng tốc độ.
Giới nghiên cứu nhìn nhận đã xuất hiện những thành tố ban đầu của một cuộc chạy đua vũ trang, trong đó quy mô hơn cả là chạy đua hải quân, trọng điểm là tàu ngầm.
Trung Quốc dẫn đầu châu Á về hiện đại hóa hải quân
Báo Bưu Điện Hoa Nam Buổi Sáng, tờ báo có quan điểm độc lập ở Hong Kong , mới đây cho rằng các nước châu Á - Thái Bình Dương bắt đầu thực hiện “cuộc chạy đua vũ khí dưới đáy biển” và một kỷ nguyên tàu ngầm mới ở châu Á đã bắt đầu, do Trung Quốc kích động. Tàu ngầm là thế mạnh của hải quân, có khả năng đánh đắm các loại tàu nổi, tấn công các cảng biển và công trình dầu khí, rải mìn và thực hiện các chiến dịch đột kích bất ngờ.
Tàu ngầm hạt nhân mang hoả tiển đạn đạo tạo nên những thách thức lớn đối với các hệ thống phòng thủ của đối phương. Chống tàu ngầm hiệu quả nhất chính là tàu ngầm.
Mục tiêu lâu dài là thay đổi cán cân lực lượng tại châu Á - Thái Bình Dương và giảm sự hiện diện quân sự của Mỹ tại khu vực. Theo đánh giá của Bộ Quốc phòng Mỹ trong báo cáo thường niên 2009 trình Quốc hội Mỹ về tiềm năng quân sự Trung Quốc, Trung cộng đã “đạt tiến bộ” trong việc ngăn chặn các nước tiếp cận các khu vực ngoài khơi nước này.
Sách trắng quốc phòng Trung Quốc năm 2008 nêu rõ cùng với việc nâng cao toàn diện khả năng tác chiến tổng hợp biển gần, hải quân nước này từng bước phát triển khả năng hoạt động biển xa. Với lực lượng răn đe và kiềm chế đạt mức áp đảo đối với Đài Loan, mối quan tâm chính của Trung Quốc hiện nay là muốn trở thành một cường quốc đại dương.
Cường quốc đại dương
Hải quân Trung Quốc hiện có 860 tàu chiến, với khoảng 60 tàu ngầm, năm tàu ngầm hạt nhân mang hoả tiển đạn đạo có tầm bắn 8.000km. Trung Quốc đã có thể tự đóng tất cả các loại tàu, từ khu trục hạm đến tàu tuần tra của cảnh sát biển, tàu bệnh viện... theo các kích cỡ phù hợp ý đồ sử dụng. Từ năm 2000, Trung Quốc đã đóng ít nhất 60 tàu chiến các loại.
Các chuyên viên quân sự nước ngoài nhận định hải quân Trung Quốc chưa đủ năng lực điều động lực lượng lớn tàu chiến tới vùng biển xa, và mức độ hiện đại vẫn còn kém hải quân Nhật Bản, Đài Loan. Nhưng giới quân sự Trung Quốc cho rằng trong tương lai gần, Trung Quốc hoàn toàn có thể đối phó với các xung đột trên vùng biển kế cận.
Đầu năm nay tại căn cứ đóng tàu lớn nhất thế giới Trường Hưng, ngoại ô Thượng Hải, Trung Quốc khởi sự đóng hàng không mẫu hạm đầu tiên trong dự án đóng hai tàu cỡ trung vào năm 2015, trọng tải 50.000-60.000 tấn.
Nghe nói chiếc đầu tiên sẽ mang tên “Mao Trạch Đông”. Trung Quốc đã đặt mua của Nga bốn hệ thống đổ bộ - bộ phân phức tạp nhất của hàng không mẫu hạm và 30 chiến đấu cơ
Các nước khác tăng tốc độ
Mỹ có đội hàng không mẫu hạm hiện đại nhất thế giới gồm 11 chiếc.
Ấn Độ đẩy nhanh việc chế tạo ba tàu ngầm hạt nhân trong dự án tự chế tạo năm chiếc và đang sáng chế các loại hoả tiển đạn đạo trang bị cho các tàu ngầm nêu trên. Ngoài ra, Ấn Độ cũng có kế hoạch thuê các tàu ngầm hạt nhân của Nga và dự tính sẽ chi 30 tỉ USD trong năm năm tới để hiện đại hóa các loại súng cho quân đội, xây dựng các hệ thống vũ khí mới nhằm nâng cấp lực lượng hải quân.
Khi tin tức về căn cứ tàu ngầm hạt nhân Tam Á (Hải Nam) của Trung Quốc được tiết lộ tháng 4-2008, có sức chứa 20 tàu ngầm hạt nhân và cầu cảng cho sáu hàng không mẫu hạm, hải quân Ấn Độ được chỉ thị phòng chống nghiêm ngặt tàu ngầm hạt nhân Trung Quốc xâm nhập Ấn Độ Dương.
Ấn Độ đã đề ra nhiều hạng mục mua vũ khí chống tàu ngầm, trong đó có máy bay tuần tra chống tàu ngầm P-81 tối tân nhất của Mỹ. Hiện Ấn Độ đã cử một hạm đội gồm bốn tàu chiến cỡ lớn hành trình viễn dương bốn tháng, lần lượt tiến hành các hạng mục diễn tập liên hợp với hải quân của ít nhất 13 nước.
Đội tàu này sẽ lần lượt diễn tập với sự tham gia của tàu ngầm hạt nhân Anh và Pháp “nhằm đối phó với tàu ngầm hạt nhân của Trung Quốc đang ra vào Ấn Độ Dương”, như một quan chức hải quân Ấn Độ tiết lộ.
Tranh giành kiểm soát Ấn Độ Dương
Ấn Độ Dương trở thành “tấm mạng lớn vận chuyển năng lượng”. Vùng biển này còn là nơi cạnh tranh địa - chính trị gay gắt Ấn - Trung. Trung Quốc đã hình thành được “dải ngọc” (với các đường cao tốc, ống dẫn dầu và các hải cảng lưỡng dụng tại các nước thân hữu quanh Ấn Độ Dương như Myanmar , Pakistan , Sri Lanka ...).
Các luận thuyết đầu thế kỷ trước của một sĩ quan hải quân người Mỹ Alfred Thayer Mahan - người bạn của tổng thống Mỹ Teddy Roosevelt, cha đẻ của nền hải quân hiện đại Hoa Kỳ - đột nhiên được người Trung Quốc và Ấn Độ quan tâm vận dụng: “Ai kiểm soát Ấn Độ Dương, người đó kiểm soát châu Á. Đại dương này là vùng biển then chốt để tới bảy biển trong thế kỷ 21. Tương lai của thế giới sẽ được định đoạt tại đây”.
Đông Nam Á: làm gì trong “tâm bão”?
Đông Nam Á nằm tại “tâm bão” cuộc chạy đua hải quân giữa các nước lớn. Người phương Đông thường nói “Biết lo cái lo ở xa sẽ tránh được cái lo ở gần”. Singapore , Indonesia và Malaysia dẫn đầu cuộc hiện đại hóa hải quân khu vực, tuy từ xuất phát điểm thấp. Hai cuộc khủng hoảng kinh tế 10 năm qua đã làm chậm phần nào tiến trình này. Chưa có khả năng tự chủ về công nghệ quốc phòng, hạm đội hải quân các nước Đông Nam Á trang bị đủ loại tàu nổi hoặc chìm từ Mỹ, Anh, Pháp, Đức đến Hàn Quốc... Một số nước mua loại tàu lớp Kilo của Nga, vừa túi tiền và thích hợp với vùng biển hẹp.
No comments:
Post a Comment