Với bàn thắng cuối cùng không được thừa nhận, đội Mỹ đã “bị cướp tại World Cup”
Jun 18, 2010
Cali Today News – Đó là một tựa đề của bài viết của Michael Lewis trên báo New York Daily News, nói về bàn thắng thứ 3 của đội tuyển Mỹ, thế nhưng đã bị trọng tài không công nhận, để Mỹ phải chấp nhận trận lội ngược dòng ngoạn mục trong lịch sử để gỡ hòa 2-2 với đội Slovenia, sau khi bị hạ đậm đà 0-2 ngay trong hiệp 1.
Đây là cú lội ngược dòng vĩ đại trong lịch sử bóng đá Hoa Kỳ tại World Cup trong một trận đấu đẹp và căng thẳng từ đầu đến cuối, và đầy cảm xúc.
Thú thật mà nói, “yêu” đội Mỹ khiến Hàm Yên bị vỡ tim quá giống như ý niệm “tim vỡ” trong bài thơ Hai Sắc Hoa Ti Gôn của nữ thi sĩ huyền thoại TTKT. Đội tuyển nhà của Hàm Yên cứ lội ngược dòng từ trận này sang trận nọ, khiến trái tim của giới một điệu như lúc nào cũng sẵn sàng nhảy ra ngoài. Hết lội ngược dòng trong trận gặp Anh, thì lại lội ngược dòng trong trận gặp Slovenia, rồi đây, còn lội ngược dòng trong trận nào nữa không?
Yêu đội Mỹ thật đầy cảm xúc và đầy những giây phút của nụ cười và nước mắt.
Khóc cho hiệp 1, rồi lại cười như dại ở hiệp 2,… Những chàng tuyển thủ Mỹ đá banh khi tỉnh khi mê, khi tưng bừng, khi xìu xìu, khiến cho tâm trạng của người một điệu cũng vậy: Lúc chết điến, lúc sung sướng tột cùng…
Anh chàng bình luận viên trên truyền hình ESPN hỏi một chàng bình luận viên khác: Tại sao đội Mỹ mới thức tỉnh sau 45 phút của hiệp đầu? Anh chàng kia cười xòa và trả lời: “I don’t know!” Đúng vậy, chẳng ai hiểu tại sao cái đội này cứ lúc tỉnh và lúc mê như thế?
Yêu đội Mỹ chắc Hàm Yên phải tập chịu đựng cái cảm giác “ups-and-downs” kiểu này quá.
Donavan và Michael Bradley trở thành những hoàng tử của người mộ điệu. Họ bay bỗng trong hiệp 2 của trận đấu, và dệt nên hai bàn thắng tuyệt vời của kỹ thuật, của đẳng cấp, của quyết tâm cháy bỏng, của khao khát tôät cùng, và đã đưa cầu trường – nhất là giới mộ điệu – rơi vào cảm giác đê mê và điên dại…
Hàm Yên sợ lỡ từng phút, cứ nằm trên giường và dán mắt vào chiếc TV, không dám rời khỏi vị trí, vì mỗi phút của cầu trường trong hành trình lội ngược dòng của đội Mỹ là mỗi phút của nguyện cầu, của khổ đau, của sung sướng, và của hạnh phúc,…
Họ đi từ cõi chết (thua 0-1, rồi 0-2) trong hiệp một, để rồi loé lên niềm hy vọng (gỡ 1-2 do công của Donovan), rồi bừng tỉnh giấc mơ hồi sinh (qua bàn gỡ hòa 2-2 của Michael Bradley), rồi tuyệt đỉnh hạnh phúc khi Edu tung lưới Slovenia ở giây phút cuối cùng, rồi thất vọng khi bàn thắng bị phủ nhận bởi trọng tài ở những giây phút cuối cùng của trận đấu…
Khi xem lại (replay), ai cũng thấy rằng bàn thắng đó là hợp lý, là đúng luật, là... hợp lệ, thế nhưng trọng tài là “cha mẹ”, là “vua” nên quyết định đó là không thể đảo ngược, là final, là không thay đổi,… Tiếng còi oan nghiệt đó, sự phủ nhận đó của trọng tài khiến nhiều người cảm thấy như trong tài đã cướp cạn bàn thắng qúy giá của đội Mỹ, cướp đi trận thắng kinh hoàng của đội Mỹ – một trận thắng kiểu như trận thắng Waterloo trong thế chiến thứ hai, một trận thắng làm nên danh phận cho đội Mỹ,… Đội Mỹ cay đắng chấp nhận quyết định đó, dù cho có nhiều phản ứng có khi quá đà của cầu thủ Mỹ ngay sau đó và sau trận đấu…
Error is human! Con người ai mà chẳng sai lầm! Hàm Yên đồng ý như thế, nhưng đó là sai lầm chết người, sai lầm có thể làm mất đi cơ hội làm nên lịch sử của một đội bóng, dù cho người phạm sai lầm có thể trả giá bằng thân bại danh liệt như trọng tài trong trận này…
Vào lúc đó, phút 84, nhận đường bóng từ “phù thủy” Landon Donovan, Maurice Edu đã tung lưới Slovenia, thế nhưng trọng tài Koman Colibaly đã thổi phạt trước khi Edu nhận được bóng.
Tại sao trọng tài lại thổi? Lý do nào ông thổi phạt đội Mỹ và tước đi bàn thắng?
Hãy nghe Donovan nói: “Thật sự tôi hơi nổi cơn điên lên rồi. Tôi không hiểu họ đã ăn trộm bàn thắng từ chúng tôi như thế nào. Tôi không biết họ thổi còi vì lỗi gì. Ông ta (trọng tài) không cho biết lý do… ông thổi còi…”
Hãy nghe huấn luyện viên Bob Bradley nói sau trận đấu: “Tôi vẫn không biết tại sao bàn thắng lại không được công nhận”!
Tiếng còi của trọng tài khiến 45,573 khán giả mà trong đó rất đông cổ động viên Hoa Kỳ, trở nên ngơ ngác, không hiểu nổi. Tiếng còi của trọng tài trở nên một dấu hỏi đến khó hiểu. Và trước đó, trọng tài cũng đã phạt thẻ vàng Findley một cách quá đáng, khiến anh này phải đứng ngoài trận quyết định với đội Algeria, là một thiệt thòi khác cho đội Mỹ. Theo phân tích về đúng – sai của trọng tài, trong bài viết “World Cup 2010: USA 2-2 Slovenia - Referee Analysis” của Luis Bueno, thì cú phạt thẻ vàng đối với Findley là một sai lầm.
Đúng là trọng tài là “sát thủ” của Mỹ trong trận này.
Dầu buồn hay vui, bàn thắng bị phủ nhận đó cũng trở thành một thực tế không thay đổi được, dù bất mãn hay hạnh phúc, trận cầu đó đã là một quá khứ, và mọi người tiếp tục đi về phía trước… với những trận cầu mới, cũng sẽ hứa hẹn nhiều cảm xúc và nhiều bi hài kịch…
Đời sống là vậy, quá khứ là điều không thể thay đổi, và sự thay đổi đó có nghĩa là đi tìm một tương lai khác… đẹp đẻ hơn, để quên đi niềm đau và nỗi khổ của quá khứ…
Trong cái nhìn “tự an ủi” này như triết thuyết của nhà văn Lỗ Tấn, Hàm Yên rất hài lòng với bài viết mới toanh cuả Andrea Canales với tựa đề Winning Is Best Revenge Against Injustice (Chiến thắng là sự báo thù tuyệt diệu nhất đối với sự bất công). Tiếng còi tước đi bàn thắng của đội Mỹ là một sự bất công, nhưng không để nó trở thành một lý do mà đội Mỹ vịn vào nhằm giải thích cho sự thất bại (nếu có) của đội trong trận gặp Algeria như nhận định của Andrea Canales là “Sure, the USA suffers from bad calls, but that can't become an excuse”.
Cần phải thắng Algeria để có mặt ở vòng 2, và đó là cách Mỹ “báo thù” trước sự sai sót của trọng tài…
Trương Thị Hàm Yên
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment