“Hồi Ký” Của Cố Đại Tá Nguyễn Hữu Duệ: Về Gia Đình Nhà Ngô
Nguyen Huu Due
June 30, 2010
Khi ở nhà tôi, tối nào ông và tôi cũng nói chuyện đến khuya, có khi đến 2, 3 giờ sáng. Tôi đã hỏi ông được nhiều chuyện của gia đình, và nhiều việc quốc gia nữa, mà tôi chưa được đọc ở sách nào. Tôi xin kể ra đây để các sử gia có thêm tài liệu về Tổng Thống Ngô Đình Diệm, và nền Đệ Nhất Cộng Hoà do ông thành lập.
Tại sao Ông Diệm nhận lời về làm Thủ Tướng năm 1954?
Theo lời ông Luyện kể, trước đó, mỗi lần muốn thay đổi Thủ Tướng, Quốc Trưởng Bảo Đại đều mời ông Luyện đến, để nhờ thuyết phục Ông Diệm lập nội các. Nhưng Ông Diệm đều từ chối, vì biết nếu về mà còn người Pháp chỉ huy, thì cũng chả làm được gì, chẳng khác gì khi ông được mời làm thượng thư Bộ Lại ngày Bảo Đại mới lên ngôi.
Ông Luyện và Bảo Đại là bạn thân từ thuở nhỏ, cùng học với nhau thời thơ ấu ở Pháp, vì vậy hai người thân thiết với nhau như anh em ruột. Bảo Đại có nhiều người bạn Pháp cũng như ông Luyện, nhưng đối với ông Luyện thì Bảo Đại thân hơn, vì hai người cùng học một thầy người Việt Nam do triều đình cử sang dạy về lễ nghi, lịch sử và cách xưng hô cùng luật lệ của triều đình Việt Nam, hầu khi Hoàng Đế về chấp chánh thì đã sẵn sàng.
Vị thượng thư mà triều đình cử sang là người cao lớn, đen, và mắt trông hơi dữ dằn. Triều đình hy vọng nhờ vị thầy học này, Hoàng Đế sẽ nể nang hơn. Ông Luyện có nói tên vị thượng thư này cho tôi nghe, nhưng nay tôi quên mất rồi (hình như là cụ thượng Thứ thì phải)
Lúc ấy Hoàng Đế đã khá lớn, ông rất thông minh và thích thú khi học về lịch sử và quyền hạn của nhà vua. Mỗi lần ông đến học, thầy giáo phải quỳ để đón và cách xưng hô rất là kính cẩn, luôn miệng phải thưa là “Tâu Ngài”. Ngoài ra, triều đình cũng cử thêm một số thị vệ để hầu hạ Hoàng Đế nữa.
Vì được trọng vọng như vậy, đôi khi Hoàng Đế mải chơi tennis hay cưỡi ngựa mà bỏ học, ông Luyện lại được thầy sai đi mời Hoàng Đế về. Khi ông đi mời Hoàng Đế, bao giờ ngài cũng về ngay, và xin lỗi thầy. Ông Luyện và Hoàng Đế nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp, xưng “mày tao” (tu-toi) với nhau. Nhưng ở trong lớp thầy Việt Nam thì nói với nhau bằng tiếng Việt, ông Luyện cũng thưa là “Tâu Ngài”. Thầy bao giờ cũng để sẵn bánh kẹo, nhất là chocolat, để Hoàng Đế và ông Luyện ăn, ngoài ra thị vệ phải hầu trà.
Ông Luyện kể thêm: Khi Hoàng Đế hồi loan, Ngài nhiều lần căn dặn ông Luyện khi về nước phải đến gặp ngài. Khi ấy ông Luyện còn phải ở lại để học thêm một thời gian nữa. Sau đó, ông đậu kỹ sư và về Việt Nam được bổ đi coi điền địa của hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, ăn lương ngạch Tây nên khá giầu (điền địa là cadastre). Có lần Hoàng Đế đi kinh lý các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Qui Nhơn, có khâm sứ đi theo, các quan đi đón đông lắm, trong số đó có ông Luyện. Khi gặp ông, ngài ôm chầm lấy và la ông bằng tiếng Pháp: Tại sao khi về không đến thăm tôi? Và vẫn “tu, toi” với ông như khi ở Pháp. Ngài giới thiệu ông với ông khâm sứ rằng “Hai chúng tôi là amis d’enfance”. Và ngài bắt ông Luyện tuần tới phải về thăm ngài.
Khi ông Luyện đến thăm, ngài đón tiếp rất niềm nở và mời hoàng hậu Nam Phương ra giới thiệu, cùng giữ lại ăn cơm gia đình. Hoàng Đế cũng muốn giữ ông Luyện làm việc gần ngài, nhưng ông từ chối.
Sau đó, mỗi lần Hoàng Đế có bạn người Pháp sang thăm, Ngài đều mời ông Luyện về Huế chơi cùng các bạn cũ, và ôn lại những ngày thơ ấu ở Pháp một cách vui vẻ lắm. Sau này, Quốc Trưởng và ông Luyện thường gặp nhau ở Pháp. Khi hội nghị Gènève bắt đầu, ông được Quốc Trưởng mời đến, và được giao cho chức vụ đặc phái viên của Quốc Trưởng, để theo dõi hội nghị và trình thẳng với Quốc Trưởng các diễn tiến của hội nghị. Ông cũng từ chối, viện lý là không có quần áo sẵn sàng và phương tiện di chuyển. Quốc Trưởng nói: “Đây là việc nước và của người bạn thân (ami), ông phải giúp tôi. Còn việc quần áo và phương tiện sẽ có người khác lo cho ông”. Nói rồi ngài gọi ông Quang và ra lệnh ông lo cho ông Luyện tất cả những gì ông cần (tôi không rõ ông Quang là ai?) Ngoài ra ông cũng lưu ý ông Luyện thông báo các diễn tiến hội nghị cho Ông Diệm hay để Ông Diệm rõ tình hình.
Ông Luyện cũng kể rằng, Quốc Trưởng có vẻ hận người Pháp lắm, vì họ đã đặt Ngài vào sự việc đã rồi, và không hề có giới chức cao cấp nào của Pháp bàn với Quốc Trưởng điều gì trước đó cả. Quốc Trưởng cũng lưu ý ông Luyện, là phải giao thiệp mật thiết với phái đoàn Mỹ ở hội nghị. Khi hội nghị sắp kết thúc, chỉ còn bàn cãi về việc chia cắt ở vĩ tuyến nào thì ông Luyện được lệnh Quốc Trưởng liên lạc với phái đoàn Mỹ, để nhờ họ giúp cách nào giữ được Huế cho phía quốc gia.
Sau đó, Quốc Trưởng mời Ông Diệm đến để giao cho chức vụ Thủ Tướng. Ông Diệm từ chối, nhưng Quốc Trưởng cố ép, và nói ngài rất lo lắng cho số phận của những người di cư và cán bộ trung kiên của người quốc gia. Ngài thêm một điều kiện là cho Ông Diệm được toàn quyền về hành chánh và quân đội. Thêm nữa, do sự thúc giục của ông Luyện, ông Cẩn cùng Đức Cha Thục và các cán bộ ở trong nước, nên Ông Diệm nhận lời.
Ông Luyện có đọc cho tôi nghe câu thề bằng tiếng Pháp, vì đã lâu tôi không còn nhớ nguyên văn, nhưng tôi hiểu ý là như vậy. Cách đây ít lâu, tôi có đọc một bài của giáo sư Tôn Thất Thiện nói về việc này, và ghi rõ câu thề bằng tiếng Pháp, tôi nghĩ là đúng.
Tôi hỏi ông Luyện:
- Cháu có nghe nói trước khi về nhận chức, Ông Diệm đã thề hết lòng trung thành với Quốc Trưởng, phải không?
-Tôi không rõ lắm là các Thủ Tướng trước đó có phải thề giữ lòng trung thành với Quốc Trưởng không, nhưng Ông Diệm chỉ thề là hết lòng phục vụ và giữ vững nền độc lập của Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Quốc Trưởng. Và Quốc Trưởng cũng nhắc Ông Diệm rằng bất cứ trong trường hợp nào, cũng phải đặt tổ quốc Việt Nam trên hết.
Sau đó, có cuộc nói chuyện riêng giữa Quốc Trưởng và Thủ Tướng, ông Luyện cũng có mặt. Quốc Trưởng nhắc Ông Diệm phải tìm mọi cách đẩy người Pháp đi và củng cố quân đội, đào tạo cán bộ theo người Mỹ v.v…Khi Thủ Tướng về nước, ông Luyện về theo và giúp Ông Diệm mọi việc.
Theo ông Luyện, điều khó khăn nhất là việc đối xử với các giáo phái, và tìm được cán bộ trung kiên. Ông Cẩn đã giúp rất nhiều trong việc này cho miền Trung. Trong Nam, ông Nguyễn Ngọc Thơ là người giúp Thủ Tướng rất nhiều trong việc sắp xếp nhân sự.
Việc đối phó với tướng Nguyễn Văn Hinh và các giáo phái cũng rất khó khăn. Miền Trung thì coi như ủng hộ Thủ Tướng 100%, nhưng trong Nam thì các giáo phái luôn luôn đòi hỏi Thủ Tướng mọi điều. Ngay như Đức Hộ Pháp Phạm Công Tắc, là người ủng hộ và quý mến Ông Diệm, cũng nghe người Pháp mà phá chính phủ. Tuy nhiên, các đơn vị ở Bắc rút vào thì ủng hộ Thủ Tướng hết lòng.
Ông Luyện kể sư đoàn Nùng lúc đó đóng ở sông Mao, ông có ra gặp đại tá Wòng A Sáng để nhờ đưa hai tiểu đoàn bí mật vào bảo vệ dinh Thủ Tướng. Đại tá Sáng nhận lời ngay, và hứa nếu cần ông sẽ đem hết lực lượng Nùng vào bảo vệ Thủ Tướng. Phương tiện di chuyển không có, đại tá Sáng phải trưng dụng xe đò, xe lửa để đưa quân vào. Ngoài ra ông Luyện còn gặp trung tá Thái Quang Hoàng, là người đã rút quân ra lập chiến khu để phản đối trung tướng Hinh v.v…
Tôi hỏi ông Luyện về việc giao thiệp với người Pháp và đại sứ Mỹ ra sao, ông kể: Đại Tướng Ely là cao ủy Pháp lúc bấy giờ rất thân với đại tướng Taylor là đại sứ Mỹ, hai người mỗi lần muốn ép Thủ Tướng Diệm điều gì, đều đi cùng với nhau, mặc quân phục, và cùng một ý kiến. Ông Diệm tức lắm và gọi hai ông này là “hai chị bà sơ”. Ngoài mặt thì phải nhượng bộ, nhưng Ông Diệm cứ âm thầm theo đuổi mục đích của mình là lo cho dân di cư và tìm cách trục xuất cho được người Pháp ra khỏi Việt Nam, cùng dẹp bỏ các giáo phái võ trang [...]
ĐỌC TIẾP/ĐỌC THÊM: XIN MỞ http://www.vietthuc.org/ .org
No comments:
Post a Comment