Ông Gates đã có bài phát biểu tại Đối thoại Shangri-La hôm 05/06
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates nói Biển Đông là nơi quan ngại đang gia tăng và mong muốn các bên
tiếp tục thực hiện chặt chẽ Tuyên bố về Ứng xử (DOC).
Ông Gates vừa có bài phát biểu về 'Tăng cường hợp tác an ninh trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương' đầu giờ sáng thứ
Bảy 05/06 tại hội nghị Đối thoại Shangri-La 2010, trong đó ông dành một phần để đề cập tới chủ đề Biển Đông, mà ông gọi
là "khu vực nơi quan ngại đang gia tăng".
Ông nói Hoa Kỳ hy vọng các bên liên quan sẽ tiếp tục việc thực hiện một cách chặt chẽ thỏa thuận đạt được năm 2002 giữa
các nước Asean và Trung Quốc - Tuyên bố về Ứng xử của các bên liên quan (DOC), trong đó có điều khoản phấn đấu đạt một
bộ Quy tắc Ứng xử tại Biển Đông (COC) trong tương lai.
Ông bộ trưởng nhấn mạnh lập trường của Hoa Kỳ tại Biển Đông: "Điều tối quan trọng là phải duy trì ổn định, quyền tự do lưu
thông hàng hải và phát triển kinh tế một cách tự do và không bị cản trở".
Ông Gates nói Mỹ không đứng về phía bên nào trong các tranh chấp lãnh thổ, thế nhưng phản đối việc sử dụng vũ lực và các
hành động ngằm cản quyền tự do lưu thông hàng hải.
" Chúng tôi phản đối bất cứ hành động nào nhằm sách nhiễu các công ty của Mỹ cũng như của các quốc gia khác
đang thực hiện hoạt động kinh tế hợp pháp (tại Biển Đông) ."
( Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates)
Trung Quốc đã gây áp lực lên các công ty năng lượng như ExxonMobil và British Petroleum đòi họ rút khỏi các dự án dầu khí
với Việt Nam tại Biển Đông.
Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ tuyên bố : " Tất cả các bên cần cố gắng giải quyết các khác biệt thông qua các nỗ lực hòa bình
và đa phương, tuân thủ luật pháp quốc tế."
Mỹ cho rằng Biển Đông không chỉ quan trọng đối với các quốc gia cùng chia sẻ nó, mà còn cho tất cả các nước có quan tâm kinh
tế và an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương.
Ông Gates khẳng định rằng quyền lợi kinh tế và an ninh của Hoa Kỳ gắn chặt với khu vực.
" Nước Mỹ đang và sẽ luôn luôn là một cường quốc Thái Bình Dương " .
Không bành trướng
Trái với thái độ quan tâm một cách khá riết ráo của Hoa Kỳ, Trung Quốc không đề cập nhiều tới chủ đề Biển Đông tại hội nghị
an ninh khu vực ở Singapore.
Phó Tổng tham mưu trưởng Giải phóng quân Trung Quốc Mã Hiểu Thiên chỉ nói một cách ngắn gọn rằng hiện diện của tàu chiến
và chiến đấu cơ của Mỹ tại các vùng kinh tế đặc quyền của Trung Quốc tại Nam Hải (Biển Đông) và Đông Hải là một trong các
"cản trở" cho việc thiết lập quan hệ quân sự trực tiếp giữa hai nước.
Hải quân Trung Quốc và tàu Impeccable của Mỹ đã có cuộc đụng độ hồi tháng Ba năm ngoái.
Thế nhưng, Trung Quốc nhiều lần nêu lập trường rằng giải quyết các tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông là vấn đề song phương
giữa các quốc gia liên quan, chứ không phải đa phương; và thường không mặn mà với ý tưởng mang việc này ra thảo luận quốc tế.
Một đại biểu của đoàn Trung Quốc, Thiếu tướng Châu Thành Hổ, Giám đốc viện Nghiên cứu Chiến lược, Học viện Quốc phòng
Trung Hoa, nói với BBC : " Tất nhiên Nam Hải (Biển Đông) là quyền lợi quan trọng của Trung Quốc, thế nhưng không phải mối
quan tâm ngang hàng với các quan tâm chủ đạo như Đài Loan hay Tây Tạng ."
Ông Châu bác bỏ quan ngại rằng Trung Quốc đang phát triển hải quân để thống lĩnh Biển Đông.
Khi được hỏi về kế hoạch tăng cường năng lực của quân đội Việt Nam, nhất là của hải quân, Tướng Châu nói :
" Đó là việc của Việt Nam, chúng tôi không có ý kiến".
" Nếu họ có đủ nguồn lực tài chính, thì họ cứ việc nâng cấp hải quân. Việc đó không gây đe dọa gì nhiều cho
Trung Quốc."
Tại Đối thoại Shangri-La, một lần nữa đại diện Trung Quốc khẳng định Trung Quốc không bao giờ có ý định bành trướng.
Phó Tổng tham mưu trưởng Mã Hiểu Thiên nhắc lại lời của Chủ tịch Trung Quốc Mao Trạch Đông phát biểu 50 năm trước :
" 50 năm sau này, lãnh thổ Trung Quốc sẽ vẫn là 9.000.000 cây số vuông... Nếu như chúng ta xâm chiếm dù chỉ
một phân đất đai của nước khác, chúng ta sẽ biến mình thành kẻ xâm lược ".
Ông Mã nói thời nay, nhiều người vẫn có thái độ nghi ngờ trước sự phát triển của Trung Quốc, rằng nước này sẽ
" mở rộng và bành trướng như một số quốc gia phương Tây". Tuy nhiên ông nói rằng, "duy trì an ninh trong
khu vực là lợi ích và bổn phận của Trung Quốc".
No comments:
Post a Comment