XIN MỞ ĐỌC & PHỔ BIẾN www.vietthuc. org
Toàn Bộ Bài Đăng Mới Hằng Ngày
Xin thưa, hôm nay, nhân gần đến ngày lễ thượng thọ cho anh Liêm do Văn đàn Đồng Tâm tổ chức, tôi cũng xin góp vài lời viết về anh Liêm của tôi.
Trước hết, sở dĩ tôi gọi bằng anh Liêm, vì giữa tôi và anh Liêm có nhiều kỷ niệm với nhau trong suốt thời gian sinh hoạt cộng đồng ở tại đất nước Hoa Kỳ.
Tôi gặp lại anh Liêm vào khoảng cuối năm 1989 tại San Jose, lúc anh còn làm việc cho Health Department của thành phố nầy. Tôi gặp anh tại nhà của một người bạn cũng là một giáo chức “mất dạy” sau khi cộng sản chiếm đóng miền Nam năm 1975. Tại đây, anh Liêm của tôi không là một nhà giáo, không là một tiến sĩ giáo dục…mà là một nhà chiêm tinh.
Và dĩ nhiên, câu chuyện ngày hôm đó không là câu chuyện trao đổi giữa những người đã “tháo giày” mà là câu chuyện …tử vi. Tôi không còn nhớ anh đã nói gì về tôi, nhưng trong hơn 10 năm gặp lại nhau tại chốn “gió tanh mưa máu” Bolsa, anh và tôi nhiều lần sinh hoạt gần gũi nhau qua suốt thời gian vận nước nổi trôi trên bước đường lưu vong nầy.
Anh Liêm của tôi rất đa dạng. Nơi đây tôi xin miễn nói những nét đa tình của anh Liêm trong thời gian ở Việt Nam (xin chị Phương yên chí). Cảm giác đầu tiên của tôi khi gặp lại anh ở San Jose là anh tương đối nhanh nhẹn hơn, không bệ vệ, trang nghiêm, đứng đắn quá mức khi còn tại chức ở Việt Nam.
Cho đến bây giờ anh vẫn còn cái phong cách trang nhã của một nhà giáo đúng nghĩa, nhưng không vì đó mà làm cho anh mất tính hòa đồng với những người anh đã tiếp xúc. Tính khiêm cung của một nhà giáo “chân chánh” luôn là kim chỉ nam trong giao tiếp nơi anh, cho nên, dù cho ở giữa khung trời binh lửa rừng rực như “thủ đô tị nạn” Bolsa, anh vẫn được nhiều người “ưa” hơn “ghét”.
Nhưng nếu có ghét, thì cũng chỉ là những bất đồng về cung cách hành xử, không đồng ý vì những hoạt động hết sức đa dạng của anh. Thêm nữa cũng có thể vì những ghen tị thường tình của con người.
Nhưng rốt ráo lại, anh Liêm không hề phản biện hay đối chất trước những thách thức đôi khi mang tính “giang hồ” ở xứ sở trong đó tu chính án thứ nhứt đã được tôn trọng hầu như tuyệt đối.
Con đường anh đang đi rất rõ ràng.
Đó là văn hóa và dân tộc
Văn hóa là vì anh đã và đang sống với văn hóa miền Nam. Anh khơi mở những sắc thái đặc thù của người miền Nam từ khi “tạo thiên lập địa” hay “lập quốc” (thời khai phóng miền đất phía Nam của nhà Nguyễn) cho đến những tập tục chỉ có ở miền Nam như Lăng Tả quân Lê Văn Duyệt. Anh điều hành và phát triển Lăng Ông từ một căn phòng nhỏ hẹp thành một nơi đồng hương có thể đến thăm viếng và cúng bái, cũng như các Hội đoàn có thể mượn nơi đây làm nơi sinh hoạt hay hội họp với sức chứa trên dưới 100 chỗ ngồi. Anh không ngừng nơi đây, và vẫn tiếp tục khai triển miền đất nước thân yêu qua những bài khảo cứu trên Đặc san Đống Nai, sau đó Đồng Nai Cửu Long.
Nét đặc trưng của mỗi vùng cũng được anh và các bạn trong nhóm trình bày khá chi tiết, nhiều khi làm cho người dân địa phương của những vùng được nói đến cũng chưa biết qua.
Còn dân tộc là vì anh cũng tham gia vào những sinh hoạt thời sự cùng với cộng đồng, cùng tranh đấu ngõ hầu rút ngắn tiến trình mang lại tự do dân chủ cho Việt Nam.
Ngày hôm nay, bước lần vào tuổi “bát thập cổ lai hi”, nhưng tôi vẫn thấy anh Liêm chưa chịu dừng bước. Anh càng năng động hơn nữa. Dù anh đã về hưu, nhưng thời gian anh sinh hoạt trong các hội đoàn, phụ trách các chương trình truyền hình, truyền thanh có thể nói chiếm hơn 8 giờ vàng ngọc như trong lúc đi làm việc. Không kể thời gian dành cho đọc sách, tìm tòi và viết lách, anh có sức làm việc của một nhà tranh đấu không ngừng nghĩ.
Xin lỗi anh, tôi đã nói anh viết lách. Nhưng anh Liêm của tôi viết mà không lách. Anh viết những gì anh nghĩ đúng. Anh trang trãi những gì anh muốn trang trãi cho thế hệ tiếp nối mà không e dè, không cần thận trọng vo tròn bài viết để làm vừa lòng thêm nhiều người khác nữa..
Mặc dù tuổi đời đã cao, nhưng anh vẫn còn hăng say, chắc chắn không phải vì để chạy theo thời gian còn lại quá ngắn, mà chính vì bầu nhiệt huyết trong anh khiến anh làm việc không ngừng nghĩ. Đây cũng là một bài học lớn cho những người đòi “rữa tay gác kiếm” khi tuổi đời chưa tới 60!
Mặc dù có nhiều người bạn thân quen hay không thân phê phán anh Liêm là ôm đồm, tham gia quá nhiều việc không cần thiết và cũng không nằm trong sở trường của anh, nhưng anh vẫn từ tốn ghi nhận những lời phê bình không thiện cảm đó và cũng không có lời biện giải nào cả dù là trực tiếp hay gián tiếp tiếp nhận. Đây cũng là một đức tính của người thầy giáo chân chánh.
Được khen, hay bị phê bình tiêu cực, đường anh, anh vẫn đi. Nói theo kiểu của Nguyễn Phương Hùng, một phóng viên độc lập nhưng cũng là một người gây nhiều tranh cãi trong cộng đồng là “sugar me, me go, sugar you, you go”. Do đó, anh vẫn chiếm được nhiều thiện cảm của cộng đồng. Nói anh là nhân sĩ cũng không phải là phóng đại vậy!
Một kỷ niệm lý thú nhứt vừa xảy ra tối ngày 25 tháng 5, 2010 là trong chương trình Người Đẹp Việc Đẹp trên VHN, anh đã phỏng vấn 2 “show” liên tục một người khác là một bà cụ trên 89 tuổi (gần 90 tuổi, tính theo tuổi Tây). Đó là bà BS Nguyễnn Tôn Hoàn, nhủ danh Phan Thị Bình.
Trong cuộc phỏng vấn, Bà đã kể lại con đường tranh đấu cùng với BS Nguyễn Tôn Hoàn trong thời gian còn là sinh viên ở Hà Nội. Bà học trường Nữ Hộ sinh quốc gia và BS Hoàn học trường Y khoa Hà Nội. Và cũng chính Bà cho biết là bài Quốc ca Việt Nam đã được Bà hát lần đầu tiên ngày 15/3/1942 tại giàng đường chánh của trường dưới tựa đề “Sinh viên hành khúc” do Lưu Hữu Phước đặt nhạc và lời Việt và Pháp do Đặng Ngọc Tốt, Huỳnh Văn Tiểng, Mai Văn Bộ và Nguyễn Thành Nguyên.
Ý của bài tiếng Pháp là kêu gọi sinh viên học, và phục vụ ‘Mẫu quốc” (Đại học Hà Nội gồm cả sinh viên Việt, Miên và Lào). Còn lời Việt thì kích thích sinh viên đứng lên tranh đấu chống thực dân:
Nầy sinh viên ơi! Đứng lên đáp lời sông núi.
Đồng lòng cùng đi, đi đi mở đường khai lối
Vì non sông nước xưa, truyền muôn năm chớ quên
Cùng nhau ta kết đoàn…
Và để kết thúc buổi phỏng vấn, Bà Bs Hoàn, anh Liêm, và người viết cùng đồng ca bài Thanh niên Hành khúc lời nguyên thủy bằng tiếng Pháp. Xin được ghi lại đây để kỷ niệm buổi phòng vấn đặc biệt một nữ lưu gần 90 do người phụ trách là một thanh niên gần 80.
Marche des etudiants
Etudiants! Du sol l’appel tenace
Pressant et fort retentit dans l’espace.
Du Côte d’Annam aux ruines d’Angkor,
A travers les monts du Sud jusqu’au Nord,
Une voix monte ravie
Servir la chère Patrie
Toujours sans reproche et sans peur
Pour render l’avenir meilleur
La joie, la ferveur, la jeunesse
Sont pleines de fermes promesses
Te servir chère Indochine
Avec coeur et discipline
C’est notre but c’est notre joie
Que rien n’ébrante notre foi.
Xin cám ơn chị Tư Hoàn và cũng xin cám ơn Anh Liêm của tôi.
Chúc anh không chồn chân và tiếp tục giữ gìn sức khỏe để tiến bước trên con đường phụng sự đồng hương và dân tộc.
Mai Thanh Truyết
========================================
=======================================================
No comments:
Post a Comment