Phương Anh, phóng viên RFA
2010-07-20
Vào ngày 22-7-2010, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton viếng thăm Việt Nam trong chuyến công du châu Á. Đây là lần thứ hai bà đến thăm Việt Nam, và là lần đầu tiên trong tư cách Ngoại trưởng Mỹ.
Photo courtesy of state.gov
Bà Hillary Clinton nhận bó hoa từ một bé gái trong trang phục truyền thống Pakistan nhân dịp bà đến thăm Islamabad hôm 18/7/2010
Lần đầu tiên, vào ngày 17 tháng 11 năm 2000, khi đi cùng với chồng là tổng thống Bill Clinton và con gái Chelsea. Là một phụ nữ từng được báo Fober bình chọn, đứng thứ 18 trong 100 nhân vật có nhiều ảnh hưởng nhất trên thế giới, bà đã có nhiều đóng góp cho quốc gia trong thời gian chồng bà Bill Clinton làm tổng thống.
Nhân dịp bà Hillary đến thăm Việt Nam, Phương Anh xin được gửi tới quí vị đôi nét về người phụ nữ tài ba lỗi lạc nhưng cũng đã gây ra rất nhiều tranh cãi này.
Sơ lược tiểu sử
Bà Hillary Clinton tên thật là Hillary Diane Rodham, sinh ngày 26 tháng 10 năm 1947. Bà chào đời tại Chicago, bang Illinois, trong một gia đình đạo Tin Lành. Cha là hậu duệ của những người di dân đến từ Anh Quốc và xứ Wales, và là chủ nhân của một tiệm bán vải rất thịnh vượng. Mẹ là hậu duệ của người di dân gốc Anh đến từ Scotland và chỉ ở nhà lo việc nội trợ. Bà có hai người em trai là Hugh và Tony.
Ngay từ khi còn bé, Hillary Rodham thích chơi thể thao, đi nhà thờ và học rất giỏi. Hillary theo học tại trường trung học Maine South, là lớp trưởng, thành viên đội hùng biện, thành viên Hiệp Hội Quốc Gia.
Vào năm 1964, khi mới 16 tuổi, Hillary đã bắt đầu làm quen với chính trường quốc gia khi tham gia vào cuộc vận động tranh cử tổng thống của Thựơng Nghị Sĩ Đảng Cộng Hòa Barry Goldwater. Cha mẹ Hillary lúc bấy giờ luôn khuyến khích con mình theo con đường mà cô muốn chọn. Sau khi hoàn tất trung học, Hillary theo học tại Đại Học Wellesley ở bang Massachusetts và theo ngành khoa học chính trị. Nơi đây, cô đã có nhiều đóng góp tích cực cho các hoạt động về chính trị.
“Năm 1969, lần đầu tiên trong lịch sử của trường đại học Wellesley, cô sinh viên Hillary được chọn là người đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp.
Năm 1968, với cái chết của mục sư Martin Luther King, Hillary đã bị tác động mạnh và dưới ảnh hưởng của giáo sư chính trị Alan Schechter, quan điểm của Hillary ngày càng thiên về khuynh hướng tự do và cô quyết định gia nhập Đảng Dân Chủ. Năm 1969, lần đầu tiên trong lịch sử của trường đại học Wellesley, cô sinh viên Hillary được chọn là người đọc diễn văn trong lễ tốt nghiệp.
Sau đó, cô ghi danh vào đại học luật Yale và chính nơi đây, Hillary đã gặp Bill Clinton khi đang làm luận án tiến sĩ Luật. Vào năm 1974, Hillary được mời vào làm việc trong ban thẩm tra luận tội tổng thống, cố vấn cho Ủy Ban Tư Pháp của Hạ Viện trong vụ tai tiếng Watergate. Vào ngày 11 tháng 10 năm 1975, Hillary thành hôn với Bill Clinton tại Fayettevile, theo nghi lễ Tin Lành. Và vào ngày 22 tháng 7 năm 1980, cô con gái Chelsea Clinton ra đời.
Sự nghiệp chính trị
Có thể nói, sự nghiệp chính trị của Hillary Clinton bắt đầu khởi sự vào năm 1982, khi Bill Clinton thắng cử chức vụ thống đốc bang Arkansas sau khi ra tranh cử lần thứ hai. Với tư cách là đệ nhất phu nhân của tiểu bang, bà đã thay đổi một số điều trong lãnh vực giáo dục và trẻ em của Arkansas. Trong thời gian là đệ nhất phu nhân của bang, bà vẫn làm việc cho công ty Luật Rose, nơi bà đã cộng tác từ năm 1977. Từ năm 1988 đến năm 1991, bà được tạp chí Luật Quốc Gia bình chọn vào danh sách 100 luật sư có ảnh hưởng lớn nhất nước Mỹ.
Năm 1993, Bill Clinton thắng cử trong cuộc chạy đua vào Nhà Trắng và bà trở thành đệ nhất phu nhân Hoa Kỳ. Với hai nhiệm kỳ tổng thống, đã có nhiều chỉ trích cho rằng bà đã đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng chính sách quốc gia vì trong chiến dịch vận động tranh cử, Bill Clinton đã nói rằng khi cử tri bỏ phiếu cho ông tức là được “hai trong một”. Lời dí dỏm này đã dẫn đến những suy diễn cho rằng cả hai vợ chồng đã hành xử quyền “đồng Tổng Thống.”
Bà Clinton trong buổi họp báo về tự do Internet ở Newseum - Washington, D.C. hôm 21/1/2010. State Department photo
Nhưng một thực tế, không ai có thể phủ nhận được là bà đã được sự ngưỡng mộ của nhiều người vì lập trường ủng hộ quyền phụ nữ trên khắp thế giới cũng như những cống hiến của bà cho trẻ em. Cũng trong thời gian Bill Clinton tại chức, vào năm 1998, khi mối quan hệ Clinton-Monica Lewinsky vỡ lở, trong khi Clinton trở thành mục tiêu chê cười của hầu hết mọi người, thì bà đã bày tỏ sự vững tin vào mối quan hệ hôn nhân bền vững giữa bà và tổng thống Bill Clinton.
Điều đáng nói hơn cả là trong khi nhiều phụ nữ thông cảm với bà, coi bà như nạn nhân của cách cư xử vô trách nhiệm của chồng thì những người chỉ trích cho rằng bà đang sử dụng việc “không ly dị” để gia tăng ảnh hưởng chính trị của mình. Sau này, trong cuốn hồi ký Living History - xin tạm dịch Sống Trong Lịch Sử - bà đã thú nhận rằng đó là thời kỳ khó khăn và nhiều đau đớn trong cuộc hôn nhân của hai người.
Sau khi chồng mãn nhiệm, bà trở thành Thượng Nghị Sĩ tiểu bang New York và được phân nhiệm làm việc tại 8 tiểu ban quan trọng: từ ngân sách cho đến giáo dục, y tế, lao động và hưu trí. Với tư cách là thượng nghị sĩ trong Ủy Ban Quân Bị Thượng Viện, bà ủng hộ việc quân đội Mỹ can thiệp vào Afghanistan với lợi ích đi kèm là cải thiện đời sống cho phụ nữ tại đất nước này. Năm 2008, bà quyết định chạy đua vào Nhà Trắng cùng với Barack Obama, gây ra nhiều cuộc tranh cãi nhất trong chính trường nước Mỹ.
“Hoa Kỳ bênh vực cho một mạng lưới Internet duy nhất mà nơi đó tất cả mọi người được quyền truy cập như nhau đến mọi kiến thức và tư tưởng. Sự thách đố này là mới mẻ nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải bảo đảm cho sự trao đổi thông tin tự do phải được giống như ngày Hoa kỳ thành lập nền Cộng Hòa.
Bà Hillary Clinton
Ngày 1 tháng 12 năm 2008, Tổng thống Barack Obama cho biết sẽ mời bà làm ngoại trưởng Hoa Kỳ và vào ngày 21 tháng 1 năm 2009, bà được Thượng Viện phê chuẩn để trở thành ngoại trưởng thứ 67 của nước Mỹ. Với tư cách ngoại trưởng Hoa Kỳ, bà tiếp tục chứng tỏ lập trường kiên định cứng rắn của mình với cuộc chiến chống khủng bố và chiến trường Afghanistan, cũng như ủng hộ Pakistan một cách rõ rệt. Trong một cuộc phỏng vấn mới đây trên hệ thống truyền hình CNN, bà đã phát biểu rằng:
Chúng ta biết rằng có rất nhiều câu hỏi được đặt ra và có cả sự nghi ngờ về việc Hoa Kỳ sẽ có thái độ như thế nào với Pakistan. Tôi chỉ có thể trả lời một cách rõ ràng rằng chưa bao giờ chúng ta có nhiệm vụ lớn hơn và nặng nề hơn như trong lúc này với đất nước Pakistan này.
Với vấn đề nhân quyền và tự do ngôn luận cũng như Internet, trong cuộc họp báo tại Newseum ở Washington DC vào ngày 21 tháng 1 năm 2010 vừa qua, bà nhận định:
Trong năm vừa qua, chúng ta đã thấy có sự gia tăng những hăm dọa về tự do sử dụng Internet. Trung Quốc, Tunisia, Pakistan gia tăng kiểm duyệt Internet. Tại Việt Nam, việc vào các trang mạng truyền thông đại chúng tự nhiên biến mất. Tại Ai Cập vừa qua có tới 30 bloggers hoạt động chính trị đã bị bắt. Trong khi sự phổ biến những kỹ thuật này rõ ràng đang chuyển đổi thế giới của chúng ta thì điều chưa rõ ràng là sự chuyển đổi ấy sẽ tác động đến nhân quyền và phúc lợi của con nguời như thế nào.
Bản thân kỹ thuật không đứng về bên nào trong cuộc tranh đấu cho tự do và tiến bộ, nhưng Hoa Kỳ thì phải chọn phía tự do. Hoa Kỳ bênh vực cho một mạng lưới Internet duy nhất mà nơi đó tất cả mọi người được quyền truy cập như nhau đến mọi kiến thức và tư tưởng. Sự thách đố này là mới mẻ nhưng trách nhiệm của chúng ta là phải bảo đảm cho sự trao đổi thông tin tự do phải được giống như ngày Hoa kỳ thành lập nền Cộng Hòa.
Vai trò người mẹ
Tuy hiện là một nhà ngoại giao của Hoa Kỳ, là một chính khách quan trọng trên chính trường quốc tế, bận rộn với trăm công nghìn việc, nhưng với vai trò làm mẹ, có con gái sắp lấy chồng, bà thông cảm và thấu hiểu con mình hơn ai hết. Bởi thế, trong cuộc phỏng vấn của hãng Truyền Hình NBC vào đêm 19 tháng 7 vừa qua, khi trả lời về sự khác biệt giữa hai tôn giáo của con gái mình là Chelsea Clinton, theo đạo Tin Lành và con rể Marc Mezvinsky, theo đạo Do Thái, bà nói:
Tôi nghĩ sự kiện này nói lên nhiều điều, không những về tình yêu mãnh liệt của đôi trẻ mà còn cả niềm tin tôn giáo sâu xa. Nó còn nói lên biết bao điều về nước Mỹ, những điều về cái trải nghiệm tuyệt vời mang tên xứ Mỹ, nơi được nhìn nhận quyền của mỗi con người đối với cuộc sống, với tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc. Và qua nhiều năm trường, biết bao rào cản ngăn chặn người ta kết hôn, không cho vượt khỏi hàng rào của tín ngưỡng hay màu da, hay chủng tộc, đã phải biến mất. Vì điều quan trọng là người ta có quyết định với sự cân nhắc về trách nhiệm hay không, người ta suy nghĩ kỹ chưa, có hiểu thấu hậu quả hay chăng? Và tôi cho rằng trong thế giới chúng ta đang sống hôm nay, chúng ta cần thêm nhiều hơn thế nữa.
“Tôi nghĩ sự kiện này nói lên nhiều điều, không những về tình yêu mãnh liệt của đôi trẻ mà còn cả niềm tin tôn giáo sâu xa. Nó còn nói lên biết bao điều về nước Mỹ, những điều về cái trải nghiệm tuyệt vời mang tên xứ Mỹ, nơi được nhìn nhận quyền của mỗi con người đối với cuộc sống, với tự do và quyền theo đuổi hạnh phúc.
Bà Hillary Clinton
Được biết, đám cưới của cô con gái duy nhất Chelsea Clinton sẽ được cử hành vào ngày 31 tháng 7 tới đây, tức chỉ còn không đầy hai tuần, thế nhưng bà vẫn đang rất bận rộn với chuyến thăm Pakistan, South Korea và ngay cả viếng thăm Việt Nam. Tuy thế, khi giới truyền thông Hoa Kỳ tò mò về đám cưới của cô con gái “rượu”, bà mỉm cười và nói:
Tôi phải dán kín miệng tôi lại, vì tôi tuyệt đối không được phép tiết lộ gì cả và tôi nghĩ điều đó cũng đúng lắm. Đây là đám cưới của con gái tôi và trong gia đình của chúng tôi. Những người đến tham dự là bạn bè thân thuộc của nó, những người đều có ý nghĩa đặc biệt trong cuộc đời của nó.
Và thưa quí vị, cho dù ở bất cứ vai trò nào, giữ địa vị quan trọng như thế nào đi chăng nữa, bao giờ trong ngày cưới của con mình, người mẹ cũng ở vị thế cao trọng nhất, được mọi người chú ý chẳng khác gì cô dâu. Chẳng thế mà ngay từ bây giờ, trên mạng Internet, đã có hẳn một trang thăm dò ý kiến xem bà ngọai trưởng Mỹ Hillary Clinton nên để tóc kiểu gì trong ngày trọng đại đó. Các chị em phụ nữ có muốn vào xem thì xin viết thư hay gửi email cho Phương Anh nhé. Phương Anh sẽ chỉ dẫn đường link ngay lập tức. Trang Phụ Nữ xin ngừng nơi đây, hẹn gặp quí vị vào kỳ sau.
=============================================
==============================================================
No comments:
Post a Comment