Việt Hà, phóng viên RFA
2010-07-29
Phát biểu mới đây của Ngoại trưởng Hoa kỳ Hillary Clinton về thái độ của Mỹ về biển Đông tại diễn đàn khu vực Asean ở Hà nội hôm 23 tháng 7 đã cho thấy những biến chuyển trong việc giải quyết tranh chấp trên biển giữa Trung quốc và một số nước thành viên Asean.
AFP photo
Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton và Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào tại phiên khai mạc vòng 2 cuộc Đối thoại Chiến lược, Kinh tế Mỹ-Trung tại Bắc Kinh hôm 24-5-2010.
Trong khi đó, các nước trong khu vực này cũng đang trong tiến trình củng cố và hiện đại hóa quốc phòng, đặc biệt là lực lượng hải quân. Liệu những diễn biến mới này có ý nghĩa gì và liệu các nước đang có tranh chấp chủ quyền trên biển Đông với Trung quốc có thể hy vọng gì vào một giải pháp có thể đang cận kề?
Hoa Kỳ lên tiếng và hy vọng mới
Tranh chấp chủ quyền trên biển Đông giữa Trung quốc và một số nước thành viên Asean trong đó có Việt nam dường như đang sang một bước ngoặc mới, sau khi ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton chính thức bày tỏ quan tâm của Hoa kỳ đến khu vực này tại diễn đàn khu vực Asean ở Hà nội hôm 23 tháng 7 vừa qua:
"Hoa kỳ, như mọi quốc gia, có lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại, tự do đi vào vùng biển chung của châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông. Chúng tôi chia sẻ những lợi ích không chỉ với các thành viên Asean hoặc những người tham dự Diễn đàn khu vực Asean, mà còn với các quốc gia gần biển khác và cộng đồng quốc tế rộng hơn."
“Hoa kỳ, như mọi quốc gia, có lợi ích quốc gia trong việc tự do đi lại, tự do đi vào vùng biển chung của châu Á, và tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông.
Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton
Bà ngoại trưởng cũng bày tỏ sự ủng hộ cho việc đa phương hóa trong giải quyết các tranh chấp trên biển Đông, và khẳng định Hoa Kỳ phản đối việc sử dụng vũ lực để giải quyết các tranh chấp tại đây.
Trung quốc từ trước tới nay vẫn luôn cố gắng tránh việc quốc tế hóa vấn đề biển Đông và chỉ muốn giải quyết vấn đề này trên cơ sở song phương với từng nước.
Các nước thuộc Asean đang có tranh chấp với Trung quốc về chủ quyền các đảo trên biển Đông bao gồm Việt nam, Philippine, Brunei và Malaysia.
Giáo sư Carl Thayer, thuộc học viện quốc phòng Úc, trường đại học New South Wales, chuyên gia về châu Á nhận xét, phát biểu mới này của ngoại trưởng Mỹ đã cho thấy một thay đổi lớn trong việc giải quyết vấn đề biển Đông. Ông nói:
"Phát biểu của ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton cho thấy một thay đổi lớn trong việc giải quyết vấn đề biển Đông. Từ năm 2007 đến nay, lập trường của Trung quốc về chủ quyền trên biển Đông luôn trái ngược với Việt nam. Trung quốc có nói chuyện hợp tác nhưng họ vẫn giữ thái độ quả quyết. Nhưng khi họ làm như vậy thì đồng thời cũng dẫm chân lên quyền lợi của Hoa kỳ và các công ty thương mại Hoa Kỳ. Trung quốc cũng tỏ ra khá căng thẳng với những nghiên cứu của tàu quân sự Mỹ trên biển gần đảo Hải nam. Cho nên theo ý kiến của tôi, Hoa Kỳ đã giành lại ưu thế, và sử dụng phương cách đa phương hóa để đối đầu với Trung quốc."
Một máy bay trực thăng CH-46E của thủy quân lục chiến Mỹ cất cánh từ căn cứ không quân Futenma ở Okinawa hôm 26/4/2010. AFP PHOTO / TOSHIFUMI KITAMURA Ngay sau khi tuyên bố này của ngoại trưởng Hoa Kỳ được đưa ra, Trung quốc đã lên tiếng phản đối. Trong bài bình luận đăng trên trang web của bộ ngoại giao Trung Quốc, bộ trưởng ngoại giao Trung quốc Dương Khiết Trì viết:
"Quốc tế hóa vấn đề này thì liệu mang lại được kết quả gì hay chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn và khó giải quyết hơn mà thôi?"
Ông tiếp tục nhấn mạnh lập trường của Trung quốc là đàm phán song phương: "Thực tế cho thấy cách thức tốt nhất để giải quyết các tranh chấp dạng này là thông qua thảo luận trực tiếp song phương giữa các nước liên quan."
Lịch sử đã cho thấy Trung quốc cũng đã từng từ chối đa phương hóa các đàm phán về vấn đề biển Đông trước kia, thể hiện trong đàm phán về tuyên bố chung của các bên liên quan về cách ứng xử trên biển Đông. Tuyên bố này phải mất một khoảng thời gian dài từ năm 1995 đến 2002 mới được các bên phê chuẩn và Trung quốc cũng phải đồng ý tham gia một cách miễn cưỡng. Giáo sư Carl Thayer nhận xét lịch sử cho thấy Trung quốc dù muốn hay không cũng không muốn bị cô lập về ngoại giao.
Liệu có phải là quá sớm?
Theo giáo sư Carl Thayer, tuyên bố mới của ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đồng thời giải quyết được vấn đề cho Việt nam, là nước vẫn đang cố gắng tìm cách quốc tế hóa vấn đề biển Đông thay vì phải đối đầu trực tiếp với Trung quốc. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng hy vọng sớm có được một giải pháp cho vấn đề biển Đông bây giờ là quá lạc quan:
“Quốc tế hóa vấn đề này thì liệu mang lại được kết quả gì hay chỉ khiến mọi việc tồi tệ hơn và khó giải quyết hơn mà thôi?"
Bộ trưởng ngoại giao TQ Dương Khiết Trì
"Nếu nói là hy vọng nhiều thì theo tôi có vẻ hơi quá lạc quan, nhưng logic của tình huống bây giờ dù là qua đối đầu hay ngoại giao đều khiến Trung quốc phải đối diện với Mỹ và có ngày càng nhiều các bên cùng lên tiếng về quyền lợi của họ. Điều này theo tôi làm cho Trung quốc thấy rằng vì quyền lợi của chính mình Trung quốc phải nhấn mạnh ngoại giao hơn là quốc phòng."
Giáo sư Carl Thayer cho rằng điều mà các nước đang cố gắng đạt được là để kéo Trung quốc vào các đàm phán đa bên tích cực hơn chứ không phải là ép Trung quốc phải từ bỏ các chủ quyền của mình. Và mong muốn đầu tiên đó là để có một sự hợp tác nghiên cứu phát triển chung, tuân thủ tuyên bố chung của các bên liên quan về cách ứng xử trên biển đông. Ông nói thêm:
"Vấn đề của biển Đông là nếu quy tắc về ứng xử trên biển Đông được thực hiện thì không một nước nào đã ký vào tuyên bố đó có thể làm gì để gây bất ổn, và sẽ phải tham gia vào các họat động hợp tác, và thỏa thuận để giữ thể diện cho các nước là đi theo hướng đó."
Tranh chấp trên biển Đông như vậy đã được đề cập một cách rõ ràng trong diễn đàn Cấp vùng Asean, còn gọi là ARF với 12 nước thành viên. Một điều mà Trung quốc một mực phản đối. Bộ trưởng ngọai giao Trung quốc Dương Khiết Trì viết rằng biển Đông cho tới nay vẫn là một khu vực hòa bình và Asean không phải diễn đàn thích hợp để giải quyết tranh chấp biển Đông.
Bất chấp những phản đối từ phía Trung quốc, khả năng các vấn đề của biển đông được đề cập đến nhiều hơn nữa trong một diễn đàn rộng hơn nữa là điều khó tránh khỏi đối với Trung quốc khi diễn đàn Đông Á được thành lập năm 2005 mở rộng các thành viên của mình là Nga, Mỹ và có thể là Ấn độ và các nước khác. Chính ngoại trưởng Hillary Clinton cũng đã nói rằng tổng thống Hoa kỳ cũng sẽ có thể tham gia thượng đỉnh này vào năm 2011, cho thấy cam kết tham gia tích cực hơn của Hoa kỳ vào an ninh khu vực.
Gia tăng quốc phòng khu vực và an ninh trên biển
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert M. Gates (P) trò chuyện với Đô đốc Mike Mullen, tham mưu trưởng liên quân trong một phiên điều trần về dự toán ngân sách cho Bộ Quốc phòng, tại Washington, DC hôm 16/6/2010. AFP PHOTO / Rod LAMKEY JR Với tuyên bố mới của Hoa kỳ khẳng định mối quan tâm của Mỹ vào an ninh khu vực và phản đối giải quyết tranh chấp bằng vũ lực, các phân tích gia cho rằng Trung quốc giờ đây phải tích cực hơn nữa trong việc tìm giải pháp ngoại giao với các nước khác và hợp tác phát triển. Tuy nhiên, người ta cũng thấy các nước trong khu vực đang ráo riết gia tăng trang bị quốc phòng và củng cố lực lượng hải quân của mình.
Việt nam năm ngoái đã đặt mua 6 chiếc tàu ngầm kilo của Nga trị giá đến 2 tỷ đô la. Việt nam cũng vừa tiếp tục ký hợp đồng mua tiếp 12 máy bay chiến đấu Su 30 của Nga. Trong chuyến thăm Việt nam hồi cuối tuần trước, bộ trưởng Quốc Phòng Pháp Herve Morin cũng hứa sẽ hỗ trợ Việt nam trong quá trình đào tạo và hiện đại hóa quân đội, trong đó có việc bán các thiết bị quân sự do Pháp chế tạo như radar, máy bay trực thăng.
Các nước khác như Singapore, Malaysia cũng đã mua tàu ngầm mới. Indonesia đã hỏi mua tàu ngầm sau đó ngừng lại, nhưng theo các nhà phân tích thì nước này cũng sẽ sớm nối lại việc mua bán này.
Riêng về phía Việt nam, giáo sư Carl Thayer cho rằng việc củng cố lực lượng hải quân của Việt nam từ năm 1995 trở lại đây đã diễn ra khá mạnh mẽ và tạo cho Việt nam khả năng phòng vệ tốt hơn trước Trung quốc trên biển:
"Từ năm 1995 trở lại đây thì Việt nam có các bước tiến khá mạnh trong việc xây dựng lực lượng biển. Tàu ngầm mà Việt nam mới mua cho Việt nam một khả năng đối xứng để phản ứng lại với Trung quốc. Nó giống như là câu chuyện giữa David và Golliath và cái súng cao su. Và điều này sẽ khiến Trung quốc giờ đây phải cân nhắc kỹ hơn khi có bất cứ hành động quân sự nào."
“Từ năm 1995 trở lại đây thì Việt nam có các bước tiến khá mạnh trong việc xây dựng lực lượng biển. Tàu ngầm mà Việt nam mới mua cho Việt nam một khả năng đối xứng để phản ứng lại với Trung quốc.
Giáo sư Carl Thayer
Mặc dù khả năng về đối đầu quân sự trên biển Đông với Trung quốc được các chuyên gia cho là rất thấp, nhất là khi Hoa kỳ tuyên bố đã quay trở lại, nhưng các nước trong khu vực cũng hiểu được rằng trước việc Trung quốc gia tăng trang bị quốc phòng, thì người bảo vệ tốt nhất cho quyền lợi của họ chính là bản thân họ. Và đó chính là nguyên nhân mà các nước đang tích cực đầu tư mua tàu ngầm và trang bị cho lực lượng hải quân.
Những chuyển biến mới được cho là tích cực trong hướng tiếp cận giải quyết vấn đề biển Đông được các nhà phân tích quốc tế cho là thắng lợi của Việt nam, nước chủ tịch luân phiên của Asean năm nay. Tuy nhiên, vẫn còn đó vấn đề lòng tin giữa các nước có tranh chấp, lòng tin mà các nước cần có với nhau và với Trung quốc để có thể hợp tác nghiên cứu khoa học phát triển và khai thác nguồn lợi trên biển, tránh tình trạng như việc Trung quốc đơn phương ra lệnh cấm đánh bắt cá trên biển Đông thời gian gần đây.
=======================================
=============================================================
No comments:
Post a Comment