http://www.youtube.com/user/tudodanban#p/u/15/m8LpqM4CK74
Một môn-sinh ca ngợi vị giáo-sư của mình ;một đảng viên ca-ngợi vị thủ lãnh tổ-chức chánh-trị của mình,một đoàn-viên ca ngợi vị lãnh-đạo đoàn-thể của mình,tất cả những công việc đó đều rất bình thường. Đó chỉ là tiếng nói của con tim,của sự mến yêu và tôn-kính !Và khi tình-cảm lên tiếng,sự chủ-quan là đều không thể tránh khỏi.Làm thế nào để có được sự khách quan trong việc phê-phán,phân-tá ch sự nghiệp của một người mình yêu thương quý mến ?Nếu không phải là chỉ phê-phán và phân-tích về những điều đã được phát biểu và đã được thực-hiện ? Ở đây, để nhận xét về sự nghiệp của cố Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy,chúng tôi sẽ cógắng tìm kiếm những điều ông đã nói và những việc ông đã làm,với một ước mong duy nhất rằng những nhận xét đó không chỉ là tiếng nói của tình cảm mến yêu và tôn-kính mà còn là tiếng nói của trí phán-đoán chân-thực.
*****
Đôi dòng tiểu-sử Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy.
Theo những tài-liệu đã thu-thập,người ta được biết ông chào đời ngày 02/11/1924 tại bệnh-viện Chợ Rẫy.Vốn người gốc Biên-Hoà nên thuở nhỏ ông đã theo học bậc tiểu-học ở trường xã Mỹ-Lộc rồi sau đó trường quận Tân-Uyên và học bực trung-học ở trường Pétrus Ký. Ông bắt đầu làm việc năm 1943 khi mới 19 tuổi,làm thôký hành-chánh tại Toà Hành-Chánh tỉnh Cần Thơ. Ông cũng đã tham-gia hoạt động chánh-trị rất sớm,năm 1945 ông đã tham-gia vào Đại-Việt Quốc-Dân-Đảng để tranh-đấu cho độc-lập của đất nước Việt-Nam. Ông cũng đã tham-gia vào phong-trào kháng-chiến và nhờ đó biết rõ mặt thật của cộng-sản việt-nam, đã bỏ về thành.Năm 1946, ông về Sài-Gòn làm việc trong thư-viện quốc-gia và ngủ lại sở ban đêm.Trong thời-kỳ ông viết nhiều tài-liệu chánh-trị cho đoàn-thể và cho hai tổ-chức ngoại-vi là báo Thanh-Niên và báo Đuốc-Việt.Nhiều bài thơ đã được sáng-tác trong thời-gian này ký bút hiệu Việt Tâm và chỉ sau khi được sưu-tập lại trong tập thơ Hồn-Việt xuất bản năm 1950 ông mới lấy bút hiệu Đằng Phương.
Năm 1949, ông bỏ tất cả mọi công việc để chỉ hoạt-động co đoàn-thể,làm huấn-luyện-viên chánh-trị cho trường Cán-Bộ Thanh-Niên Nha-Trang,sau năm 1951 được đảng đưa ra Bắc Việt hoạt động cho Thanh Niên Bảo Quốc Đoàn.Khi tổ-chức Thanh-Niên Bảo-Quốc-Đoàn bị chánh-phủ Nguyễn Văn Tâm giải-tán, ông trở về Sài-Gòn và dạy quốc-văn ở tư-thục Lê Bá Cang.Trong thời kỳ này, ông tự học để lấy bằng Tú-Tài.Năm 1953, Đại-Việt Quốc-Dân-Đảng hợp-tác cùng với ông Ngô Đình Nhu,với một số nhân-sĩ và các đoàn-thể quốc-gia khác để thành-lập phong-trào đoàn-kết hoà-bình, đòi hỏi Pháp phải trả thực quyền cho Việt-Nam và quốc-trưởng Bảo-Đại phải dân-chủ-hoá xứ sở.Khi ông Diệm được về nước cầm quyền, ông Nhu đã không giữ đúng lời cam-kết là thành-lập một chánh-phủ liên-hiệp các đoàn-thể quốc-gia và dân-chủ-hoá chế-độ,ngược lại, đã thiết lập một thể-chế độc-tài và đàn áp tiêu-diệt các đảng-phái quốc-gia. Ôn Nguyễn Tôn Hoàn phải rời Việt Nam đi Pháp năm 1955, ông Nguyễn Ngọc Huy được đoàn-thể chỉ định đi Pháp phụ giúp cho ông Nguyễng Tôn Hoàn.Vừa làm việc,vừa đi học,vậy mà ông đã lần lượt tốt nghiệp Viện Nghiên-Cứu Chánh-Trị Paris năm 1958,cử-nhân luật năm 59,Cao-học chánh-trị năm 60 và Tiến-Sĩ Chánh-Trị năm 1963.Cùng lúc đó,chánh quyền của ông Ngô Đình Diệm bị lật đổ và ông Nguyễn Ngọc Huy đã trở về nước vào tháng 11 năm 1963.Ngày 30/01/64, ông làm Đổng-Lý Văn Phòng cho ông Nguyễn Tôn Hoàn,Phó Thủ Tướng đặc trách bình-định. Khi tướng Nguyễn Khánh chỉnh-lý tướng Dương Văn Minh, ông Nguyễn Ngọc Huy và Nguyễn Tôn Hoàn bị buộc phải rời khỏi Việt Nam.Giáo-Sư Huy đã phải lưu-vong ở Hồng-Kông và Nhật-Bản trong hai tháng 9 và tháng 10/64.Khi tương Khánh phải lưu-vong,Giáo- Sư Huy trở lại Việt-Nam để cùng với các anh em hoạt-động.
Do những bất-đồng quan-điểm trong nội-bộ Đại-Việt,Giáo-Sư Huy đã cùng với xứ-bộ miền Nam thành-lập Tân Đại-Việt. Kết-hợp với các nhân-sĩ và các chánh-đảng,giáo-sư Huy đã cho thành-lập Phong-Trào Quốc-Gia Cấp-Tiến mà lập-trường của Phong-trào là ủng-hộ chánh-phủ quốc-gia trong mọi nỗ-lực chống cộng,không tham-chánh, đòi hỏi chánh-phủ phải thực-thi dân-chủ và bài trừ nạn tham nhũng,bè phái…Từ năm 1965, ông làm Giáo-Sư cho Học-viện Quốc-Gia Hành-Chánh dạy về Chánh-Trị Học và Luật Hiến-Pháp. Ông còn là giảng-viên cho nhiều viện đại-học khác như Đại-Học ĐầLạt,Huế,Cần-Thơ,Vạn-Hạnh,Minh-Đức và Đại-Học Sư-Phạm Sài-Gòn. Ông cũng được mời làm giảng-viên chánh-trị cho các trường quân-sự như trường Cao-Đẳng Quốc-Phòng,trường Tham-Mưu Cao-Cấp,trường Đại-Học Chiến-Tranh Chánh-Trị ; Ông làm Khoa-Trưởng trường Đại-Học Luật-Khoa và Khoa-Học Xã-Hội Cần-Thơ vào năm 1967,tham-dự phái-đoàn hoà đàm Paris 1968 và 1973.Sau khi VNCH mất,từ năm 1975 ông làm chuyên-gia khảo-cứu cho viện đại-học Harvard,tham dự việc dịch bộ luật Hồng Đức ra anh-ngữ và lo việc chú-thích bộ luật này.Trong khi đó, ông vẫn tiếp tục việc tranh-đấu chống cộng,liên-kết với các nhân-sĩ,cựu đồng-chí,môn-đệ và những người yêu nước để thành-lập Liên-Minh Dân-Chủ Việt-Nam từ năm 1981 và liên-tục hoạt-động cho đến khi từ trần vào ngày thứ bảy 28/7/90 vào lúc 9giờ 30 tối tại nhà một đồng-chí ở Paris,trong lúc ông đang chuẩn-bị tham-dự Đại-Hội LMDCVN thế-giới kỳ I.
*****
Cuộc đời tranh-đấu của chí-sĩ Nguyễn Ngọc Huy : Một trường-hợp ngôn hành hiệp nhất.
Như đã trình-bày trong phần tiểu-sử, ông Nguyễn Ngọc Huy đã tham-gia sinh-hoạt chánh-trị rất sớm khi vừa mới 21 tuổi. Ở lứa tuổi mà những chàng trai khác còn đang mơ màng những chuyện bướm hoa kiểu :
« Hễ thấy gió là ôm là ôm ngang lấy gió/tưởng chừng đâu trong đó có hương/của người mình nhớ mình thương/ngờ đâu gió tạt chẳng vương vấn gì » hoặc « dừng chân trước cửa nhà nàng/thấy hoa vàng với bướm vàng hôn nhau/tìm nàng chẳng thấy nàng đâu/lá rơi lả tả bên lầu như mưa. » thì Nguyễn Ngọc Huy- hay nhà thơ Đằng Phương- đã tìm ra một lẽ sống Vào lúc mà mạch máu căng tràn sinh-lực như nhà thơ Đằng Phương cảm nhận :
« Có những chàng trai sóng dạt dào,
Dòng đời cuồn cuộn mạnh dâng cao,
Bao nhiêu sinh-lực trong cơ-thể,
Náo nức reo vang giữa máu đào”
Thì lẽ sống của ông không phải là mơ ước có một kiếp sống riêng và để mặc nhân dân thống khổ:
“Lẽ sống đời ta chẳng phải là,
Ở trong kiếp sống của riêng ta,
Ai đành tự vạch riêng đường sống,
Giữa lúc chung quanh máu lệ nhoà »
Lẽ sống của ông cũng không phải là mơ-ước áp-đặt một lý-thuyết,một chế-độ làm tàn hại giang-sơn :
« Lẽ sống đời ta quyết cũng không
phải là tàn hại cả non sông !
Bắt toàn dân-tộc đi theo những
Lý-thuyết mơ hồ quá viễn vông »
Nhưng lẽ sống của Đằng Phương Nguyễn Ngọc Huy chính là :
« Tranh đấu cho dân tộc sống còn,
Liều mình để phục-vụ giang-sơn !
Đó là lẽ sống người trai Việt,
Muôn thuở không sờn dạ sắt son »
(Lẽ sống - Tập thơ Hồn Việt trang 49)
Đứng trước cảnh đất nước bị ngoại-bang đô-hộ,chàng trai Nguyễn Ngọc Huy thấy lòng quặn thắt :
« Đang vui sống thảnh thơi ngoài ánh sáng,
Bỗng lọt vào trong bóng tối âm u !
Hồn nước Việt giữa ưu sầu chĩu nặng,
Mãi căm thù nhớ tiếc quãng đời xưa »
Nhưng không như Thế Lữ đã gói kín nỗi niềm u oán như một mãnh hổ trong cũi sắt nhớ tiếc quãng trời cao đất rộng những ngày xưa :
« Ta sống mãi trong tình thương nỗi nhớ,
Thuở tung-hoành hống-hách những ngày xưa »
Nguyễn Ngọc Huy đã đáp ứng những ngậm ngùi than thở của đất nước bằng hành động :
« Hỡi hồn nước mãi ngậm ngùi than thở,
Giống Lạc Hồng đang cố gắng hy sinh,
Để khôi phục những ngày vui rực rỡ,
Hãy an-lòng chờ đợi buổi bình-minh”
(Nhớ thuở tung-hoành - Tập thơ Hồn Việt trang 47)
Chúng ta cũng đã thấy trong phần tiểu-sử,Nguyễn Ngọc Huy cũng đã có dịp lê chân trên những nẻo đường đất nước,từ Cần Thơ,Sài-Gòn đến Nha Trang rồi ra Bắc, ông đã sớm ghi nhận được điều chỉ có một nước Việt Nam,chỉ có một nhân-dân Việt Nam, đất nước Việt Nam là do tập-thể nhân dân tạo dựng ra và góp công gìn giữ:
“Suốt mấy nghìn năm giống Lạc Hồng
Đã cùng hợp sức đắp non sông,
Đã cùng chung sống trong thân ái
Và phải chung mưa nắng bão bùng”
Cho nên trong giòng lịch-sử,mặc những lần bị đô-hộ bởi Trung-Hoa,nhâ n-dân Việt vẫn bền tâm hợp lực tranh-đấu:
“Dưới ách Trung-Hoa mấy bạo-tàn,
Tinh-thần cố-kết vẫn không tan,
Toàn dân hợp-lực lo tranh-đấu,
Cho đến khi ca khúc khải-hoàn”
Và mặc cho những âm mưu nhằm chia rẽ nòi giống Việt,nhân-dân Việt-Nam vẫn đoàn-kết với nhau:
“Mặc những âm-mưu rẽ giống nòi,
Mà người cố dựng mãi không nguôi,
Người dân nước Việt luôbn kiên-quyết,
Nắm chặt tay nhau chẳng để rời!
***
Cùng một non sông một giống dòng,
Sao đành chia rẽ Bắc , Nam ,Trung,
Muốn dân-tộc Việt sinh-tồn được,
Phải để hoà-chung máu Lạc-Hồng”
(Việt-Nam thống-nhất - tập thơ Hồn Việt trang 67)
Công cuộc tranh-đấu cho độc-lập và tự-do,cho dân-tộc và cho đất nước không thể chỉ là công cuộc riêng lẻ của một người hay một nhóm người.Cần phải có sự kết-hợp với nhân-dân,có sự đoàn-kết của những người đồng lý-tưởng:
“Hỡi những bạn đồng-hành chung lý-tưởng,
chung nguyện-thề,chung ước-vọng cùng nhau,
hồn mân mê một mục đích cao sâu,
lòng dào dạt một mối tình sông núi,
dù cách trở vạn dặm đường gió bụi,
hãy chen vai gần gũi ở bên mình,
dù từ xưa đã sẵn mối thâm tình,
hay còn lạ chưa từng quen gặp mặt
dây thân-ái xin cùng nhau xiết chặt,
niềm cảm-thông xin hãy cố khơi sâu,
để cho niềm đoàn-kết mãi dài lâu,
lúc tranh-đấu cũng như hồi chiến-thắng”
(gởi các bạn đồng lý-tưởng - Tập thơ Hồn Việt trang 102)
Nếu như trên bước đường tranh-đấu,vì phương-pháp khác nhau mà tách ra, ông Nguyễn Ngọc Huy vẫn luôn luôn tôn trọng các bạn đồng-hành theo đuổi chung một mục-tiêu phục-vụ quê-hương dân-tộc:
“Ví dẫu đang đi khác nẻo đường,
ta cùng lo phụng-sự quê-hương,
ngày mai mới biết trong hai ngã,
đâu đã đem về được ánh dương !
Em cứ đường em,anh nẻo anh,
miễn sao chung một ý chơn-thành,
ta cùng bền chí lo tranh-đấu,
đến lúc san-hà rạng vẻ thanh”
(Hai Ngã - tập thơ Hồn Việt trang 83)
Nguyễn Ngọc Huy đã theo đuổi một công cuộc tranh-đấu vì quốc-gia dân-tộc. Ông không tìm kiếm một danh-vọng hay chức tước , điều này ông đã trình-bày khi thành-lập Phong-Trào Quốc-Gia Cấp-Tiến, ông đã xác-định rõ là không tham-chánh mà là để giúp chánh-quyền Quốc-Gia đối phó với cộng-sản.Sự hy-sinh cho đất nước mà không cần được biết tới đã từng được ông bày tỏ và ca ngợi trong bài chiến-sĩ vô-danh:
“Họ là những anh-hùng không tên tuổi,
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh!
Không bao giờ được hưởng ánh quang-vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước!
…
Họ là những anh hùng không tên tuổi,
Trong loạn ly như giữa lúc thanh-bình,
bền một lòng dũng cảm,chí hy-sinh,
dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch,
tuy công nghiệp không ghi vào sử sách,
tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên,
không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,
nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
thịt cùng xương trộn lẫn với non sông,
và anh-hồn chung một tấm tinh-trung,
để hoà-hợp làm linh-hồn giống Việt”
lẽ sống của người trai Việt theo Nguyễn Ngọc Huy phải là:
“tranh-đấu cho dân-tộc sống còn,
liều mình để phục-vụ giang-sơn,
đó là lẽ sống người trai Việt,
muôn thuở không sờn dạ sắt son »
Nhưng không phải chỉ tìm ra lẽ sống là đủ mà còn phải dám sống và quyết sống. Đành rằng những người hiểu được lẽ sống sẽ dễ dàng trở thành :
« những người sống là những người biết sống,
là những người không chịu đứng khoanh tay »
và những ngưòi biết sống :
« là những người luôn trông xét,nghĩ suy,
để tự mình vạch lấy lối mình đi,
là những người biết phụng thờ lý-tưởng,
biết say mê một cuộc đời cao thượng,
là những người hiểu nghĩa vụ làm người,
và suốt đời mãi cố gắng không thôi,
để tiến tới những cảnh trời cao rộng »
đó là những người đã dám :
« ..phá lối mở đường cho cả nước,
để tiếp-tục công-nghiệp người lớp trước,
để bảo toàn đời sống kẻ sinh sau »
Biết sống,dám sống và quyết sống đối với Nguyễn Ngọc Huy không phải là sự tham sống,không phải là sự sống ích-kỷ chỉ biết nghĩ đến riêng mình,chịu thu hình,khiếp nhược để mặc cho dòng đời lôi cuốn không chống trả.Biết sống,dám sống và quyết sống được thể hiện trong cuộc sống của :
« . .những người luôn dũng cảm hiên ngang,
đương đầu cùng những trở lực chắn ngang,
là những người không hề màng vất vả »
đó là cuộc sống của :
« của những người khinh khổ cực đớn đau,
dám liều mạng hy-sinh cho nòi giống »
Cuộc đời của Nguyễn Ngọc Huy là một cuộc tranh đấu liên tục cho quyền-lợi của tổ-quốc,mục đích thiêng liêng và cao cả mà ông đã đề ra, ông đã là người có lẽ sống,biết sống,dám sống và quyết sống :
« Những người sống là những người biết sống,
là những người dám sống ra hồn người,
là những người quyết sống bạn lòng ơi,
và quyết sống có nghĩa là tranh-đấu ».
Bên cạnh con người Nguyễn Ngọc Huy có một hoài-bão cao-thượng,có một lý-tưởng thiêng-liêng,có một nhiệt-tình tranh đấu,còn có một con người Nguyễn Ngọc Huy đầy tình cảm.Trên bước đường tranh đấu,nhiều khi phải đặt việc nước trước việc nhà,nhưng đó chỉ là một việc phải làm vì không thể nào làm khác được :
« Đã là kẻ hiến thân đền nợ nước,
Tình thân yêu quyến thuộc phải xem thường,
Éo le thay muốn phục vụ quê-hương,
Phải dẫm nát bao lòng mình kính mến »
(Ngày tang Yên Bái)
không nhớ một nhà thơ kháng-chiến nào đó khi vào chiến khu đã thốt lên « mẹ già coi như là chẳng có,và em thì thôi cũng đừng trông »,Nguyễn Ngọc Huy đã tạ lỗi với mẹ già vì đã không làm tròn chữ hiếu :
« Đời cách-mạng tự bao lâu bôn tẩu,
Để mẹ già sống cực nhọc lầm than,
Trước những giòng lệ ngọc ứa chan chan,
Lòng con há dửng dưng không cảm xúc,
Nhưng cũng đã trót làm cho mẹ khóc”
Biết thế,nhưng Nguyễn Ngọc Huy đã không thể làm khác được:
“Và con sẽ phải làm cho mẹ khóc,
Hỡi quê-hương,hỡi đất nước thân yêu,
Dầu gian truân khổ cực bao nhiêu,
Chúng tôi vẫn sẵn sàng nhận lấy,
Chỉ mong ước một ngày mai được thấy,
Cả non sông giống Việt hết điêu linh,
Cả toàn dân giống Việt được thanh-bình,
Và chỉ dẫu một ngày hay một buổi,
Dẫu một phút hay một giây ngắn ngủi
Được như lời nhất nguyện chốn dương trần,
Còn có cơ quì dưới gối từ thân,
Để khẩn-thiết cúi xin người thứ lỗi
(Lời nguyện cầu của những kẻ làm cho Mẹ khóc)
Chỉ vì phục-vụ quê-hương mà Nguyễn Ngọc Huy đã cố gắng chôn dấu những cảm xúc riêng tư.Sau năm 1975,tiếp-tục hoạt-động để tranh-đấu giành lại tự-do và dân-chủ cho nhân-dân Việt-Nam,Nguyễn Ngọc Huy lúc nào cũng chỉ khoác một chiếc măng-tô cũ.Thấy chiếc áo đã quá cũ,bạc mầu,anh em đã năn nỉ xin ông thay áo khác,lúc đó ông mới tâm sự “không phải vì tôi muốn tiết-kiệm đâu, áo này nhà tôi mua cho tôi lúc còn sống lưu- vong bên Pháp mấy chục năm trước,nay nhà tôi đã mất nên tôi không nỡ bỏ.Ông quyến-luyến tình-cảm với người bạn đời quá cố nên đã không thể bỏ đi chiếc áo,bởi vì chiếc áo đó đã là hình ảnh của mối tình phu phụ,nói lên tình -cảm “tào khang chi thê bất khả hạ đường”.Tình-cảm thầm kín yêu thương của ông dành cho người vợ khi bà bị tai nạn chết đuối ở Vũng Tàu đã được biểu-lộ trong bài “Nhớ Thu”:
“từ lúc em đi chẳng trở về,
Cuộc đời trống trải lạnh lùng ghê,
Trong lòng đã hết còn sinh-thú,
Chỉ thấy u-buồn với chán chê”
Ấy vậy mà ông cứ phải nén buồn để cùng với các bạn đồng tâm chí tiếp-tục công-tác:
“Công việc thường xuyên vẫn chẳng rời,
Nụ cười vẫn phải nở trên môi,
Để cho các bạn đồng tâm chí,
Vẫn giữ niềm tin rạng sáng ngời”
Không còn người vợ hiền ở bên cạnh để an ủi,khích lệ,Nguyễn Ngọc Huy đã hết sức cođơn:
“Đành phải từ đây chỉ một mình,
Trên đường nhiệm-vụ rộng mênh mông,
Một mình nếm hết mùi cay đắng,
Trải hết vui buồn với nhục vinh”
Trên bước đường tranh đấu ở hải ngoại,Nguyễn Ngọc Huy không có nhiều thì giơ để lo cho con:
“Đức bạc tài sơ trí thấp hèn,
Nhưng đường tranh-đấu phải bon chen,
Vì Ba không thể nhìn dân-tộc,
Khổ sở điêu-linh dưới bạo-quyền.
Việc nước đa-đoan bỏ việc nhà,
Trong khi lưu-lạc cõi trời xa,
Để Con đau khổ trong cô-độc,
Cha đã không tròn nhiệm-vụ Cha »
Nhưng,một trong những người con trai của ông đã tự tử ở Hoa-Kỳ khi biết tin ông bị bệnh ung-thư. Ấy thế mà ngay sau khi làm lễ hoả táng cho con, ngày hôm sau ông đã đáp phi cơ đi dự đại-hội Liên Khu Bộ Âu Châu vì có những việc quan-trọng phải thông-báo và phải làm.Nhưng đừng nghĩ là ông đã quên vợ,quên con Những người này vẫn sống mãi trong tâm trí ông, ông chờ đợi giây phút được cùng những người thân yêu này tái-ngộ ở miền cực lạc.Khi người vợ thân yêu, ông đã từng đêm cầu nguyện :
« và cứ đêm đêm lại nguyện cầu,
Hồn em siêu thoát cõi tiên châu,
Đợi Anh đến lúc tròn công quả,
Tìm đón Anh về tái-hội nhau »
Và khi người con trai mất đi, ông đã lại :
« Ba lại ngày đêm mãi khấn nguyền,
Cho Con cùng Má ở non tiên,
Hoàn-toàn siêu-thoát và thanh-thản,
Ngày tháng tiêu-dao hết não phiền .
Rồi khi Ba dứt nợ trần-hoàn,
Với Má,Con về lại thế-gian,
Để đón Ba đi miền cực-lạc,
Cùng nhau đoàn-tụ hưởng thanh-nhàn »
Biết mình bị bện nan-y,Nguyễn Ngọc Huy càng nỗ-lực làm việc để chạy đua với thời gian còn lại :
« gánh nặng, đường xa thân mỏi mệt,
Nhưng còn trách-nhiệm vẫn còn đi »
Nào là vận-động để thành-lập Ủy-Ban Quốc-tế Yểm-Trợ Việt-Nam Tự-Do,nào là móc nối với các chiến-hữu đảng-viên trong nước để tỏchức và thành-lập một lực-lương đối-lập…Ông bất-chấp các ngăn-cản của bác-sĩ,dành hết thì giờ để hoạt động.mặc dù đã suy nhược,tháng 7/90 ông lại lên đường sang Âu Châu để tham-dự Đại Hội LMDCVN thế-giới lần I.Khi máy bay đáp xuống Bỉ, ông bị bất tỉnh phải đưa ra khỏi phi trường bằng băng-ca.Khi tỉnh lại, ông lại sang Pháp để chuẩn-bị cho Đại-Hội sẽ được tổ-chức ở Hoà-Lan. Ông đã thu xếp một số công việc cho Tiền Đại Hội,hoàn tất một số bài tham luận..Nhưng, ông chỉ sống được 10 ngày ở Pháp và đã vĩnh viễn ra đi vào ngày 28/07/90 vào lúc 21 giờ 30 tại nhà anh Trần Cẩn Trọng,một đồng-chí thân-tín. Ông đã liên tục hoạt-động cho đến khi nhắm mắt tàn hơi như chính ông đã từng viết :
« Tiến theo đường định-mạng mãi không thôi,
Lúc hết hơi mới biết được mạng trời,
Và nhắm mắt mới đành thôi hoạt-động »
Ông Nguyễn Ngọc Huy đã suốt đời tranh-đấu tận-tụy cho sự sinh-tồn của dân-tộc.Cho đến lúc tàn hơi, ông vẫn chưa thấy được sự thành-công :
« Lúc bước chân vào nẻo đấu tranh,
Trên đầu mái tóc hãy còn xanh,
Nửa đời nếm đủ mùi cay đắng,
Giấc mộng ngày xưa vẫn chửa thành »
Mặc dù ông vẫn luôn tin-tưởng :
« Ta hãy cười lên đón ánh dương,
Ngày mai sẽ chói rạng quê hương,
Lòng ta đã thoáng nghe văng vẳng,
Tiếng khải-hoàn ca đậy phố phường »
(Giả bạn lên đường )
*****
Có thể nói gì đây về cuộc đời của ông Nguyễn Ngọc Huy ? Chúng tôi xin mượn lời của Phục-Hưng trong bài tưởng niệm cố Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy nhan đề ‘Hồn thiêng khi đã về trời’ : « Cuộc đời của cố GiáôSư Nguyễn Ngọc Huy là một bản trường ca chính-khí,giống như những bản hùng-ca trong tập thơ Hồn Việt do ông sáng tác với bút hiệu Đằng Phương.Thực vậy, đọc thơ ông rồi đối chiếu với cuộc sống,thấy có sự thể hiện trung thực lạ lùng.Thơ của ông từ thuở thanh niên cho đến lúc bạc đầu là tiếng nói đam mê của một đời sống phụng sự tổ quốc cao thương. Ông đã sống đời sống cao thượng ấy cho đến giây phút cuối cùng »Cùng đồng ý với Phục Hưng,chúng tôi coi cuộc đời của cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy là một trường hợp « ngôn hành hiệp nhất ». Đối với những người đã hy-sinh cho tổ-quốc,Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy đã đốt nén hương lòng để tưởng-niệm :
« Hỡi những ai kia đã lụy mình,
Đã vì non nước chịu hy-sinh,
Đã vì chủng-tộc khơi đường sống,
Đây nén hương lòng kẻ hậu-sinh’
Ngày hôm nay,28/07/2006, đúng 16 năm sau ngày Giáo Sư đã vĩnh viễn ra đi,chúng tôi cũng xin ‘đốt nén hương lòng kẻ hậu sinh’ để thành tâm tưởng nhớ đến một người mà từ lời nói chánh trực đến việc làm quang minh chỉ nhằm phục vụ cho tổ quốc và dân-tộc.Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy đã vĩnh viễn ra đi, đó là định mệnh con người như chính Giáo Sư đã nhận định :
« nhung đã gần nhau ắt có xa,
Thường nhân vẫn nhận thế kia mà »
Nhưng, ông vẫn sống mãi trong lòng những người đồng lý-tưởng tranh đấu cho quốc gia dân-tộc :
« Hồn ta vẫn ở bên nhau mãi,
Vẫn sống trong tâm những bạn lòng »
Dâng hiến cuộc đời cho tổ quốc cho đến giọt máu khô kiệt cuối cùng,cho đến khi thân xác trở thành tro bụi,di-sản của ông để lại cho chúng ta là gì nếu không phải là tinh thần phục vụ cho sự sinh tồn dân tộc.Xin thành kính dâng lên hương linh của Giáo-Sư Nguyễn Ngọc Huy :
« Thân anh dù hoá bụi trần,
Anh còn để lại tinh thần Ngọc Huy »
***Nhữ Đình Hùng
Tài liệu tham khảo :
Đằng Phương : Hồn Việt - Thanh Phương thư quán
Thích Giác Đức :Thương tiếc một người đi TDDB bộ cũ số 55
Phục Hưng :Hồn thiêng khi đã về trời TDDB bộ cũ số 55
Nguyễn Duy Ca :Giã biệt Nguyễn Ngọc Huy « như trên »
Trần Hữu Phúc : Tưởng nhớ GS Nguyễn Ngọc Huy TDDB 56
Nguyễn Duy Ca : Khóc nhớ anh Ba Huy
Trần Ngọc : Khóc Thầy
Trường Sơn Lê Xuân Nhị : viết cho một người vừa nằm xuống
Phục Hưng & Huệ Vũ :Liên Minh Dân Chủ Việt Nam –tinh thần Nguyễn Ngọc Huy vàcuộc hẹn ước với lịch sử
Minh Dũng :Sống mãi với thời gian : Nguyễn Ngọc Huy
Lê Duy Việt :Tưởng nhớ cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy
Nguyễn Văn Tiết :Cảm nghĩ về một người Thầy : tinh thần Nguyễn Ngọc Huy
Phạm Đăng Sum :Tưởng niệm cố Giáo Sư Nguyễn Ngọc Huy.
(các bài tham khảo đã đăng trên TDDB )
No comments:
Post a Comment