"Tại quận Cam, những cuộc tranh cử địa phương rất có thể sẽ sát nút và sẽ không rõ ai thắng ai thua khi phòng phiếu đóng lúc 8 giờ. Tại San Jose, Nghị Viên Madison Nguyễn đang đấu với ứng cử viên Minh Dương, và nhiều người cho rằng người nghị viên đương nhiệm đang dẫn trước, nhưng kết quả chắc chắn có thể phải chờ nhiều giờ sau khi phòng phiếu đóng cửa mới biết" ( Ngưng trích )
Ngày hôm nay bầu cử
Monday, November 01, 2010
Cán cân quyền lực trong tay cử tri
Cộng Hòa, Dân Chủ, độc lập, đấu nhau từ Ðông sang Tây
Vũ Quí Hạo Nhiên, Ðỗ Dzũng, Tiffany Lê/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Hôm nay là ngày bầu cử. Như thường lệ, ngày hôm nay sẽ là ngày bận bịu nhất của các văn phòng tranh cử.
Hai ứng cử viên cho chức vụ thống đốc California, Jerry Brown (trái) và Meg Whitman, chạy nước rút trong ngày cuối cùng trước bầu cử 2 tháng 11. (Hình: AP Photo/Chris Carlson & Rich Pedroncelli)
Từ sáng đến chiều, chừng nào phòng phiếu còn mở cửa, các văn phòng tranh cử sẽ liên tục tìm cách liên lạc với cử tri mà họ nghĩ là ủng hộ họ mà chưa đi bầu, rồi tìm đủ mọi cách để thúc giục người ta đi bỏ phiếu.
Nguyên tắc rất đơn giản: Nếu một ứng cử viên có nhiều người ủng hộ, mà những người này không đi bầu, thì sẽ thua một ứng cử viên ít người ủng hộ hơn nhưng người ủng hộ đi bầu nhiều hơn.
Việc thúc giục “phe mình” đi bầu quan trọng tới mức có cả chữ tắt cho hoạt động này, là “GOTV” tức “Get Out The Vote.” Và đó là việc tất cả các văn phòng tranh cử lớn nhỏ, nếu hoạt động chuyên nghiệp, sẽ làm trong suốt ngày hôm nay.
Và có ít nhất hai cuộc bầu cử địa phương mà cán cân nằm ở ngay trong nỗ lực GOTV này, đó là địa hạt 47 Hạ Viện liên bang và địa hạt 68 Hạ Viện tiểu bang.
Hầu hết các nhà phân tích đều cho rằng ai thắng hai cuộc tranh cử này, là tùy ai đưa cử tri của mình tới phòng phiếu được đông hơn.
Tại địa hạt 47 Hạ Viện liên bang, số cử tri Dân Chủ là 47% và số cử tri Cộng Hòa là 31%. Dân Biểu Tiểu Bang Trần Thái Văn đảng Cộng Hòa, đang tranh ghế của đương kim Dân Biểu Loretta Sanchez, có hy vọng thắng nếu lôi kéo đủ cử tri ủng hộ ông đi bầu, để lấp lại khoảng cách giữa hai bên.
Và ở địa hạt 68 Hạ Viện tiểu bang cũng vậy, số cử tri Cộng Hòa là 41%, số cử tri Dân Chủ là 32%. Và ứng cử viên Phú Nguyễn, tranh cử với ứng cử viên Allan Mansoor, cũng đang hy vọng thắng nếu nỗ lực GOTV hiệu quả hơn của đối phương.
Trong thành phố Westminster, nơi bỏ phiếu cho 2 ghế nghị viên, có tới 3 ứng cử viên gốc Việt trong số 7 người tranh cử. Cả ba đều được xem là có tầm ủng hộ cao trong Little Saigon: Trí Tạ, Andy Quách và Khoa Ðỗ tức Ðỗ Tân Khoa. Hy vọng thắng cũng rất có thể lệ thuộc và khả năng GOTV của các ứng cử viên này.
Không phải chỉ có các phe phái muốn lôi kéo người ta đi bầu. Rất nhiều các tổ chức phi đảng phái cũng cố gắng kêu gọi cử tri đi bỏ phiếu, như một cách nâng cao trình độ dân chủ của đất nước. Luật Sư Trần Kinh Luân, trong hội đồng quản trị nhóm Center for Asian Americans United for Self Empowerment (CAUSE), nói ông hy vọng người gốc Á đi bầu nhiều hơn. “Thường thì người gốc Á chịu khó đi bầu hơn mức trung bình, có lẽ vì có nhiều ứng cử viên gốc Á tranh cử các loại chức vụ.”
Tea Party
Có một yếu tố khiến cuộc bầu cử giữa kỳ của năm nay khác với những cuộc bầu cử giữa kỳ trước đây: Ðảng Cộng Hòa đang muốn giật quyền kiểm soát Quốc Hội từ đảng Dân Chủ, và đảng Dân Chủ đang cưỡng lại. Cỗ máy giúp đảng Cộng Hòa nhiều nhất là phong trào Tea Party, và kỳ bầu cử này cũng là một phép thử đối với sức mạnh của phong trào này.
Ông Dan Shippey, một người từng tổ chức một cuộc tập hợp của Tea Party tại Santa Ana, cười và nói với báo Người Việt, “Ngày 2 tháng 11 không phải là ngày cuối cùng của nhóm Tea Party. Chúng tôi sẽ không đi đâu cả.”
Ông nói chủ trương của Tea Party là “tự do,” và theo ông định nghĩa thì tự do là “một chính quyền nhỏ và tuân thủ hiến pháp.”
Không phải chỉ nhắm mũi dùi vào đảng Dân Chủ, vốn chủ trương là chính quyền phải làm điều này điều nọ giúp dân - tức là phải lớn, phong trào Tea Party còn nhắm vào những ứng cử viên Cộng Hòa mà họ cho là không theo đúng chủ trương của họ. Nhiều ứng cử viên được lãnh tụ đảng Cộng Hòa chống lưng nhưng không vừa lòng Tea Party, đã thất cử.
Tiêu biểu nhất là Dân Biểu Mike Castle ở Delaware. Vì Delaware ít dân, tiểu bang này có 2 thượng nghị sĩ liên bang nhưng chỉ có một dân biểu liên bang, đó là ông Castle. Nhưng khi ra ứng cử Thượng Viện, ông đã thua vào tay ứng cử viên Christine O'Donnell được Tea Party ủng hộ. Nhiều nhà quan sát cho rằng ông Castle, nếu thắng, rất có thể đã thắng luôn ứng cử viên Dân Chủ. Còn bà O'Donnell thì không có hy vọng thắng.
Thất bại bất ngờ của ông Mike Castle tại Delaware cũng cướp đi hy vọng cuối cùng của đảng Cộng Hòa để kiểm soát Thượng Viện. Hầu hết các nhà quan sát bây giờ cho rằng Dân Chủ có thể mất tối đa 9 ghế Thượng Viện, và nếu vậy vẫn còn đủ để nắm đa số, 51-49.
Xem kết quả sớm
Tại California, phòng phiếu sẽ đóng cửa lúc 8 giờ tối. Tuy nhiên, vì múi giờ chênh lệch, trong lúc California còn đi bầu, nhiều tiểu bang khác có thể đã có kết quả rồi.
Tất cả những kết quả này sẽ được tường trình ngay lập tức trên trang mạng nguoi-viet.com.
Với người Mỹ gốc Việt, ở Louisiana, Dân Biểu Joseph Cao đảng Cộng Hòa tái tranh cử với đối thủ là Dân Biểu Tiểu Bang Cedric Richmond đảng Dân Chủ. Khi phòng phiếu Louisiana đóng cửa lúc 8 giờ địa phương, ở California chỉ mới là 6 giờ chiều. Khi người cử tri cuối cùng ở California bỏ phiếu, kết quả cuộc tranh tài giữa ông Joseph Cao và ông Cedric Richmond có thể đã có rồi.
Còn sớm hơn cả ông Cao, là Dân Biểu Tiểu Bang Hubert Võ tại Texas. Ông Hubert Võ, đảng Dân Chủ, đang tranh cử với ông Jack O'Connor đảng Cộng Hòa. Phòng phiếu Texas đóng cửa lúc 7 giờ địa phương, tức 5 giờ California.
Với những người theo dõi tầm ảnh hưởng của phong trào Tea Party, cuộc tranh cử vào Thượng Viện tại Kentucky là một chỉ dấu quan trọng. Phòng phiếu Kentucky đóng cửa lúc 6 giờ địa phương, tức 3 giờ California.
Ứng cử viên được Tea Party ủng hộ là Rand Paul đang dẫn đầu ứng cử viên Dân Chủ, Jack Conway, tới 15 điểm, theo thăm dò mới nhất do PPP thực hiện. Tuy nhiên, nếu kết quả không được lớn như vậy, điều đó có thể là một dấu hiệu Tea Party không hùng mạnh như người ta tưởng.
Chờ kết quả trễ
Ngược lại, có những cuộc tranh cử nhiều người quan tâm mà phải tới tối mới xong. Tại Nevada, TNS Harry Reid, lãnh tụ khối đa số Thượng Viện, đang đấu kịch liệt với ứng cử viên được Tea Party ủng hộ, bà Sharron Angle. Phòng phiếu ở Nevada tới 8 giờ địa phương tức 7 giờ California mới đóng cửa, mà lúc đó kết quả có thể vẫn chưa có gì chắc chắn.
Tại quận Cam, những cuộc tranh cử địa phương rất có thể sẽ sát nút và sẽ không rõ ai thắng ai thua khi phòng phiếu đóng lúc 8 giờ. Tại San Jose, Nghị Viên Madison Nguyễn đang đấu với ứng cử viên Minh Dương, và nhiều người cho rằng người nghị viên đương nhiệm đang dẫn trước, nhưng kết quả chắc chắn có thể phải chờ nhiều giờ sau khi phòng phiếu đóng cửa mới biết.
Một cuộc tranh cử khác cũng nhiều người quan tâm diễn ra tại Alaska, tiểu bang nhà của bà Sarah Palin, một nhân vật trụ cột của Tea Party.
Tại đây, có tới 3 ứng cử viên giành giựt ghế Thượng Viện liên bang. Một người là ứng cử viên chính thức của đảng Cộng Hòa, Joe Miller, được Tea Party ủng hộ. Người thứ nhì là ứng cử viên của đảng Dân Chủ, Scott McAdams.
Và còn có một ứng cử viên nữa, là vị thượng nghị sĩ đương nhiệm, bà Lisa Murkowski. Bà Murkowski bị đánh bại trong kỳ bầu cử sơ bộ, nhưng bà nhất định không bỏ cuộc. Bắt chước tiền lệ của TNS Joe Lieberman ở Connecticut, sau khi thua kỳ sơ bộ bà tuyên bố ra ứng cử độc lập.
Trong những ngày chót, bà Palin đang nỗ lực giúp đỡ gà nhà Miller. Kết quả thăm dò cho thấy Miller và Murkowski đang khít khao. Nhưng kết quả bầu cử thì sẽ phải chờ rất lâu mới có: Phòng phiếu Alaska đóng cửa lúc 8 giờ địa phương, tức là 9 giờ California, và nửa đêm giờ miền Ðông.
Tro ve dau trang
====================================
====================================================
No comments:
Post a Comment