--------------------------------------------------------------------------------
Links:
http://www.ledinh.ca/Phan%20Uu%20Ky%20Gia%20The%20Phuong.html
http://www.ledinh.ca/Bai%20Viet%20Hai%20Chia%20Tay%20The%20Phuong.html
Khi còn sinh tiền nhà báo Thế Phương rất thích nói chuyện Phật pháp. Tôi xin mở đầu về tí ti chuyện mà tôi có dịp trao đổi cùng anh: Vô Thường và Vô Ngã. Theo căn bản chính của Phật Giáo là học thuyết Vô Ngã. Thuyết Vô Ngã do chính Phật Thích Ca Mâu Ni giảng dạy. Trong kinh Pháp Cú 20:5-7 đã ghi rõ lời dạy của Đức Phật Thích Ca như sau:
"Chư Hành vô thường", tức mọi bản thể đều bị giới hạn được xem là vô thường hay chịu chi phối bởi sự việc luôn biến đổi, và "Chư Hành là khổ", tức mọi sự vật trên đời này bị giới hạn đều là khổ như đời sống không có sự hoan vui mãi tức sẽ có buồn phiền. Rồi thêm nữa "Chư Pháp vô ngã", tức mọi pháp là vô ngã, mang một ý niệm về "pháp" bao gồm sắc pháp tức vật lý và tâm pháp tức tâm lý.
Từ ý niệm vô thường căn bản trên, đi xa hơn thì ý nghĩa vô ngã của giáo lý nhà Phật ta thử nghiệm xét qua yếu tố ảnh huởng trực tiếp đến ta trên quả đất này, đều tôi muốn đề cập là sự sinh diệt vô thường. Nguyên lý sinh diệt vô thường được giải thích theo quan điểm Phật giáo là bất cứ sự biến đổi nào của vạn vật đều chịu sự chi phối bởi chu kỳ sinh diệt không ngừng trong từng sát-na, trong từng khoảnh khắc thời gian ngắn nhất. Ý niệm về thời gian định nghĩa sát-na như sau:
“trong một ngày có 24 giờ, và có 6.499.99.980.000.000 sát-na”. Do vậy, giữa sự sống và chết của một con người diễn ra rất ngắn ngủi tương ứng với con người trong giai đoạn cuối cùng chấm dứt sự sinh hoạt tức sự chết của một cuộc đời, chỉ một hơi thở trút xuống, sự sống kết thúc. Từ đó cuộc sống của một người rất phù vân, vô thường, chỉ kéo dài trong giai đoạn rất ngắn trong một ý niệm thời gian, mà khi ý niệm đó bỗng chấm dứt thì sự sống cũng dừng lại. Vì thế cho nên khi nhìn lại trong quá khứ con người đã sống trong kiếp vô thường, và cuối cùng thì người ấy đã biến đổi và anh đã ra đi rồi.
Như đã nói trên, lý do tôi dùng thuyết nhà Phật để dẫn nhập cho bài viết này, vì ý thích của người bạn quá vãng, và ngày thứ Hai vừa qua, 2 Tây tháng 11, 2010, hai anh 6 Nam Lộc và Nguyễn Xuân Nam gửi tôi email khẩn thông báo ký giả Thế Phương đã qua đời rồi, tôi ngỡ ngàng không tin những điều tôi đọc là đúng như trên màn ảnh computer. Trong ý nghĩ riêng tôi thì anh Thế Phương khỏe như voi, không thể như vậy được, mỗi khi nói chuyện phone, anh đều tinh nghịch đùa giởn.
1/ Nguyễn Xuân Nam:
Nhưng rồi tờ Cali Today News của ký giả 8 Nguyễn Xuân Nam chạy bản tin thật sự như tít breaking news:
"Ký giả Thế Phương, chủ nhiệm Take2Tango, vừa qua đời Nov 02, 2010
Cali Today News – Theo nguồn tin của nhạc sĩ Nam Lộc, nhà báo Thế Phương tên thật là PHẠM TRUNG ĐIỀN, pháp danh DIỆU ÂM, sinh ngày 15 tháng Tư, 1953, vừa qua đời.
Ông qua đời tại nhà riêng ở miền Nam California vào ngày 1 tháng 11, 2010 Dương Lịch. Hưởng thọ 57 tuổi.
Ký giả Thế Phương hiện là đương kim chủ nhiệm kiêm chủ bút trang báo điện tử Take2Tango.
Theo một nguồn tin mới nhận được và chưa được phối kiểm là nhà báo Thế Phương đã chết trước bàn thờ trong căn hộ mà ông ta chỉ sống một mình. Khi hàng xóm nghe tiếng chó sủa nhiều thì gọi cảnh sát và khi cảnh sát đến gõ cửa thì không ai trả lời, và khi cảnh sát phá cửa vào thì anh đã qua đời.
Anh Nghê Lữ, cộng tác viên của trang web Take2Tango cũng loan tin này cho chúng tôi và kể lại những kỷ niệm giữa hai người và anh dành lòng trân trọng đối với anh Thế Phương và bày tỏ lòng thương tiếc.
Chúng tôi xin chân thành chia buồn cùng tang quyến của nhà báo Thế Phương và cầu nguyện cho hương linh của ông được sớm vãng sinh nơi miền Cực Lạc.
Chúng tôi sẽ cập nhật tin tức về sự ra đi của đồng nghiệp Thế Phương trong bản tin tới.
Nguyễn Xuân Nam, nhật báo Cali Today".
Tôi có liên lạc với nhiều thân hữu, những thân nhân của anh Thế Phương để làm một bài tiễn đưa chung, khi một con người ra đi, dù người ấy như thế nào khi còn sinh tiền, thì quan điểm đạo đức học tối thiểu đối với một sinh vật còn hiện hữu trong xã hội nhân tính và với tinh thần hiểu lẽ phải, mang lòng bao dung hay từ bi, bác ái, luôn luôn giữ tâm tôn trọng sự ra đi của người quá cố. Tôi nhớ cuốn quốc văn giáo khoa thư thời tiểu học dạy chúng ta dừng chân đứng lại ngã mũ chào tiễn đưa vong linh của người quá cố khi xe đám tang đi qua. Ý niệm văn minh và nhân bản như vậy của sách quốc văn giáo khoa muôn đời vẫn đúng. Bởi vì sách Tâm Hồn Cao Thượng của những ngày xa xưa cho ta suy diễn được ý niệm: "Nghĩa tử là nghĩa tận" của Đức Khổng Phu tử. Hãy tôn trọng người quá cố.
Tôi liên lạc với gia đình anh Thế Phương để tìm hiểu. tôi quen anh Thế Phương tình cờ, khi các nhà văn Châu Bá Thông, Võ Đôn và Dương Viết Điền cùng tôi ghé Hội quán Báo chí của nhà báo Trọng Viễn trên đường Euclid, Garden Grove, ăn trưa, tôi gặp Thế Phương tại đó, anh rất vui vẻ, nói chuyện huyên thuyên. Rồi khi anh ra trang mạng Take2Tango anh mời tôi giữ mục văn học và cho tôi một khu đất treo bài, thỉnh thoảng tôi emai bài sang. Tôi có thố lộ với anh là trang “Tee Two Tee” càng ngày càng nóng hổi, sexy quá cở thợ mộc, chắc tôi phải bỏ của chạy lấy người. Anh cười chê tôi dở ẹc. Tình bạn chỉ có thế, tôi gặp ngoài đời chỉ có 3 lần, lần nào cũng trao đổi chuyện vui đùa. Tin anh ra đi làm tôi bàng hoàng, và ngậm ngùi lắm.
Anh có 4 em trai, 2 em gái và 3 người con. Con trai út của anh, cháu Phạm Trung Hoài-Việt đã từng là một tennis champ của giới quần vợt trong dòng chính Hoa Kỳ. Em trai Phạm Trung Tấn là một kỹ sư aerospace. Chị Trang, tức bà quả phụ Phạm Trung Điền là một phụ nữ đãm đang, giúp đỡ nhiều cho gia đình chồng, sẽ là người chủ lễ đám tang.
2/ Phạm Trung Dũng:
Tôi có nhận được thư của anh Phạm Trung Dũng, em kế anh Thế Phương, gửi lời ngỏ đại diện gia đình đến cho mọi người. Tôi xin đụợc trích đăng sau đây:
“Thân chào anh Việt Hải, các anh, chị, và bác Giao Chỉ,
Thành thật cám ơn anh và những người bạn có những bài viết về anh Thế Phương. Trước đó tôi và anh Thế Phương cùng phụ giúp cha mẹ làm tờ báo Trắng Đen, tôi chuyên về phần kỹ thuật và tin tức. Nhưng sau này tôi cảm thấy làm báo Việt tại hải ngoại, người thương thì ít mà kẻ ghét thì nhiều, nên tôi chán ngán và rút lui ra khỏi nghề báo. Cha mẹ tôi thông cảm cho tôi, nên cũng không trách phiền. Tôi và vợ chỉ còn giúp ba tôi ấn hành những Kinh Phật mà thôi.
Đối với những bài viết mạ lỵ đối với người đã khuất, gia đình chúng tôi xin miễn bàn. Chúng tôi hy vọng làm cho anh Thế Phương một tang lễ để anh ra đi về bên kia thế giới được thanh thản, không còn những thù hận nữa.
Chúng tôi biết anh Thế Phương đã đụng chạm tới rất nhiều người, dù vô tình hay cố ý. Nhân lá thư này, tôi xin đại diện cho gia đình thành thật cảm tạ và xin lỗi về những sự va chạm cá nhân giữa anh tôi và quý vị. Nghĩa tử là nghĩa tận. Xin hãy tha thứ cho nhau để đời sống còn có một chút ý nghĩa.
Thành thật cảm tạ và hy vọng sẽ gặp các vị trong tình bằng hữu.
Phạm Trung Dũng”
--------------------------------------------------------------------------------
3/ Nguyễn Thụy Minh Ngữ:
* Bài viết dưới đây là về Thế Phương qua tên Thanh, do nhà báo Nguyễn Thụy Minh Ngữ viết để tưởng niệm Thế Phương. Thế Phương rất có hiếu với song thân, khi cha mẹ anh mất, anh bị hụt hẩng, mất hướng đi. một thanh niên gần 60 tuổi đã khóc nức nở như trẻ thơ. Bề ngoài chúng ta thấy một Thế Phương rất ngang tàng, rất giang hồ, nhưng con tim của anh rất yếu đuối, như khi anh đối diện với mẹ cha, với tình yêu thương phụ mẫu.
Về Nhà báo Thế Phương:
Khi ông bà Việt Định Phương mất, Thế Phương như con chim bị đạn lao đao, mất thăng bằng. Anh vô cùng khổ sở vì thương nhớ cha mẹ. Nhà văn Nguyễn Thụy Minh Ngữ được bà Việt Định Phương nhận làm dưỡng nữ, đã chứng kiến khúc quanh sa sút trầm luân cuả nhà báo Thế Phương, Chị kể lại những khổ lụy này trong truyện ngắn mang tên: "Người ở lại... trầm luân. Vai chính tên Thanh là nhà báo Thế Phương.
Hãy đọc phần đầu bài viết:
"Chỉ trong vòng một năm, Thanh đã mất đi những hệ lụy thương yêu nhất của cuộc đời. Khi họ còn sống, Thanh thường dửng dưng, lơ đãng trước những ân cần chăm sóc của cha mẹ . Chàng mang bản chất của một đứa con được nuông chiều trong một gia đình giàu có và hưởng trọn vẹn ân sủng cha mẹ dành cho quá lâu khiến nó thẩm thấu ăn sâu vào máu xương, vào thịt da rồi trở thành tự nhiên phải có trong chàng. Có lẽ vậy; Khi cha mẹ qua đời ở tuổi cũng đã thọ cho một đời người, Thanh đau khổ trong niềm hối hận đã không dành nhiều thời gian cùng ông bà khi còn sống. Mặc dù trước những tháng ngày cha ra đi, Thanh cũng đã ở cùng ông khỏa lấp nỗi buồn trống vắng khi mẹ chàng ra đi đột ngột!
"Trong một lúc nhất thời nào đó giữa tỉnh và mê, Thanh chỉ muốn chết để chấm dứt nỗi dày vò kinh khiếp đang như tàn phá sức lực còn lại trong cơ thể chàng.
Thanh say mềm trong rượu, chàng sợ hãi không dám tỉnh, tỉnh để thấy mình vô nghĩa quá! Ðã hơn ba tháng qua mà sao tiếng nói, hình ảnh cha như mãi còn đâu đây? Trong căn phòng ông nằm, lặng im như đồng tình với nỗi buồn xé ruột gan chàng từng phút. Thanh chưa bao giờ khóc, thế mà chàng đã khóc, khóc thật nhiều và khóc cả trong giấc ngủ mệt nhoài của men rượu mạnh. Giọng nói ai đó mơ hồ như vang về từ cõi âm ti".
Phần kết thúc là "Thế Phương, Người ở lại Trầm luân Không còn nữa" như sau đây:
"Thứ Hai, chiều ngày 1, tháng 11, 2010
Trời ơi! Thế Phương đã chấm dứt trầm luân, bỏ lại tất cả, bỏ lại đời, bỏ lại người, bỏ lại những thương yêu lẫn thù hận… Bên đầu giây điện thoại, giọng em trai của Thế Phương, cứ như con dao nhọn rạch xé tim phổi tôi từng nhát theo từng chữ một của câu nói ngắn: “Thế Phương mất rồi, người ta vừa đem xác anh ấy đi rồi…” Tai tôi ù, miệng tôi la bai bải như người điên, “Thật sao? thật sao, lúc nào…” Câu hỏi ngớ ngẩn vội vã đến lẩm cẩm. Bố, nhà báo Việt Định Phương mới ra đi vào đầu năm. Cuối năm, nhà báo Thế Phương theo chân bố, chấm dứt trầm luân của cuộc đời…
Trên đường đến nhà Thế Phương tôi gọi lung tung, bất kể thù hay bạn, tôi báo tin thảng thốt đoài đoạn, một cái tin mà tôi không bao giờ muốn báo. Tôi hằng nói với Thế Phương, phải sống để đưa tôi. Hôm nay, bạn bắt tôi đưa bạn thật không công bằng. Tôi tức muốn thét lên nhưng chỉ thốt ra tiếng nấc. Thật vậy sao? Bạn tôi mất thật sao?
…Tôi nghẹn ngào…Ừ Thế Phương chết rồi, chết thật rồi, chết trong tư thế quì lạy bàn thờ cha mẹ. Một cái chết thanh thản, cái chết như muốn chết, cái chết hiền hòa làm sao khi người ta đến nâng Thế Phương lên, đặt lên giường và, bạn tôi nằm như ngủ…"
4/ An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên:
Tôi cũng nhận được email của nhà văn, nhà báo Kiều Mỹ Duyên, chị đã từng cộng tác với báo Trắng Đen của song thân anh Thế Phương, kể lại kỷ niệm cũ:
"Việt Hải thân mến,
Viết đôi điều về Thế Phương và gia đình thì chị làm ký giả cho nhật báo Hòa Bình trước 75, sau đó Hoa Bình bị đóng cửa vì có những bài chống đối chính phủ mạnh mẽ, chị sang làm cho nhật báo Trắng Đen, (vì trước đó chị hay sang báo Trắng Đen đánh ping pong, thường gặp bã Việt Định Phương) rồi quen với bà nhờ cây vợt bóng bàn đó em, chị rất quý mến bà Việt Định Phưong, người đàn bà phúc hậu hiền lành, thỉnh thoảng trái banh văng ra khỏi bàn thì bà Phương đi lượm dùm, ở báo Trắng Đen chị thân nhất với nữ ký giả Phan Trần Mai, gốc thuộc đơn vị Nhảy Dù, sau này khi Mai giải ngũ ra làm ký giả cho nhật báo Trắng Đen, chị chỉ làm cho báo Trắng Đen có một thời gian ngắn thì CS tiến chiếm miền Nam, khi đồng bào miền Trung chạy nạn vào miền Nam, ông bà VĐP tổ chức cứu trợ cho đồng bào, từ mì gói, gạo, đường, nước mắn, dầu ăn, đến thuốc men, chị theo đoàn đi cứu trợ ghi nhận tin tức về những khổ sở của đồng bào di tản từ miền Trung tạm định cư ở rãi rác tỉnh Phước Tuy, vì cần người tiếp tay phân phát thực phẩm, nên chị lo hoạt động cứu trợ nhiều hơn viết báo, công tác phân phát quá bận bịu. Chị được biết những ngày cuối ở Phước Tuy, nhiều người tại địa phương và Sài gòn xuống sắm ghe vượt biên, từ đó bà Việt Định Phương lo cho gia đình về Phước Tuy, khi chuẩn bị vượt biên, ông bà Việt Đình Phương khuyên tất cả nhân viên làm cho báo Trắng Đen nên đi theo ghe của ông bà, sang đất tự do bình yên bà không đòi một đồng bạc nào, ông bà có tánh giúp người.
Bà là một Phật tử sùng đạo, tụng kinh hằng đêm; vào 1975 Thế Phương chừng 21, 22 tuổi thôi, chị nhớ thỉnh thoảng các con của ông bà ra tòa soạn báo Trắng Đen để học làm báo, mặc dù các con của bà theo học chương trình Pháp tại Lasan Taberd, nhưng khi về nhà ông bà không ai được nói tiếng Pháp, mà phải nói tiếng Việt, Thế Phương cũng thế, Thế Phương là con trưởng nam, rất vâng lời cha mẹ, Phương rất sùng đạo Phật.
Ông bà Việt Định Phương gồm có 5 con trai, 2 cô con gái, các con đều khá thành công trên thương trường. Riêng Thế Phương số phần lận đận hơn các em. Đặc biệt các con của ông bà rất lễ phép, vâng lời cha mẹ. Khi mới sang Hoa Kỳ, ông bà làm tờ báo Trắng Đen, là một tuần báo ở Glendale, Los Angeles, kế bên có một chợ nhỏ (grocery store), Thế Phương giúp cha quán xuyến tờ báo, lúc đó có nhà báo Tô Văn và nhiều anh em giúp cho tờ báo này.
Sau này gia đình có mở hai rạp chiếu bóng, một ở Los Angeles và một ở San Diego, do Thế Phưong trông coi. Thế Phương thích làm việc, có nhiều sáng kiến, nhưng rất tiếc vì không gặp thời cơ nên không được thành công.
Giờ đây ông bà Việt Định Phương đã ra đi từ giả thế gian, và Thế Phương cũng đã theo đoàn tụ với các đấng sinh thành. Cầu chúc tam vị bình yên trên cõi trên.
An Nguyễn Kiều Mỹ Duyên".
5/ Đặng Hùng Sơn:
Anh bạn tài tử điện ảnh Đặng Hùng Sơn, vốn quen thân với anh Thế Phương, gửi tôi bức email kể về những cử chỉ đáng ghi nhớ của người bạn quá cố:
“Thế Phương không còn nữa !!!
Vừa được tin nhà báo Thế Phương đã qua đời hôm nay 1/11/2010 tại tư gia. Theo tin nhận được thì trong lúc Thế Phương đang lạy trước bàn thờ Phật thì anh ngã xuống đất và đi luôn. Được biết mấy ngày nay anh đã thấy trong người không khỏe và có vẻ bị cảm. Mấy hôm nay trên Website Take2Tango của anh chủ trương cũng chẳng thấy post lên những bài viết mới. Tôi cũng tự hỏi trong lòng và không ngờ là anh đã ra đi. Kể từ khi bố anh là Ông Việt Định Phương (Chủ nhiệm báo Trắng Đen) qua đời. Thế Phương có vẻ như sa sút tinh thần khi có lần gọi điện thoại cho tôi vào buổi tối khuya. Anh nói với tôi là anh nhớ đến bố anh và bà mẹ đã qua đời và anh khóc. Anh nói với tôi là anh ngưỡng mộ tôi vì dù sao thì tôi cũng được diễm phúc săn sóc ông bố lúc cuối đời, còn anh thì bận bịu làm báo và ít có dịp gần gũi cha mẹ anh. Lần cuối cùng gặp anh tại tờ báo Viet Herald rất ngắn ngủi và không ngờ đó là lần cuối tôi gặp anh. Qua lời kể của cô Mai Thy (Con gái của ca sĩ Ngọc Diệp đã qua đời và nay làm trong Peek Family) thì dạo sau này Thế Phương hay gởi tiền về giúp đỡ cho những người nghèo bên Việt Nam. Khi tôi email cho anh để nhờ post lên trang điện báo về câu chuyện của một người đàn bà bị bệnh ung thư vú và không có tiền để giải phẫu thì anh đã gởi tiền về giúp. Nguyện vọng của người phụ nữ này là được ăn nho (Grape). Ở Việt Nam làm gì mà có Nho để ăn nếu không có tiền. Vậy mà bà ấy cũng được ăn nho trước khi lặng lẽ qua đời sau đó.
Qua những nghĩa cử của nhà báo Thế Phương tôi cho là anh đã ngộ được phần nào giáo lý nhà Phật.
Dạo sau này anh cũng thay đổi tâm tính rất nhiều và cũng bắt chước bố anh để quy y Phật và hàng ngày cầu nguyện trước bàn thờ Phật và ăn chay. Tối hôm nay tôi cũng nhận được email từ Đạo Diễn Victor Vũ gởi đến sau khi tôi thông báo về sự ra đi của anh. Victor Vũ đang sửa soạn quay phim mới, anh rất buồn khi nghe chú Thế Phương đột ngột qua đời và anh đã viết cho tôi như sau:
Hello Chu Son, I am very sad to hear this news. Mr. The Phuong and Take2Tango were always very supportive of me and my films. Please send my regards and condolences to Mr. The Phuong's family. Thank you and take care.
Victor Vu
Xin cầu nguyện cho Thế Phương được an nghỉ cõi vĩnh hằng nơi chốn cửa Phật.
Nam Mô tiếp dẫn Đạo sư A Di Đà Phật.
"OM MANI PEME HUM "
Dang Hung Son"
6/ Lâm Mai Thy:
Cô Lâm Mai Thy cộng tác với nhà quàn Peek's Family, cô quen Thế Phương trong kỳ đám tang của cụ Việt Định Phương, cô cho thấy Thế Phương là một con người yếu đuối trong tình cảm với cha mẹ, anh cần tình thương của song thân. Nam Mô tiếp dẫn đạo sự A Dì Đà Như Lại. Lời kinh cầu nguyện cho Thế Phương đoàn viên với thân phụ mẫu ở thế giới bên kia:
“Em đang ngồi cặm cụi làm việc thì chị Linh bước vào phòng nói:
_ Em biết tin gì chưa? Ngồi yên trên ghế, không thôi té xỉu bây giờ. Chú Thế Phương mất rồi!!!!!!
- Thiệt không chị? Thôi đừng giỡn nhe !!!!!!!! Em hỏi.
- Thiệt!!!!!!!!!!!! Ai mà nói giỡn chơi bao giờ!!!!!!!!! Chị Linh đáp.
Em bỗng òa lên khóc, rồi gọi cho chị Trang – vợ cũ của chú để xác nhận. Lúc đó, anh Vinh cũng vừa bước vào để hỏi tang sự cho người chị đang hấp hối trong bệnh viện. Thấy em đang nức nở, nước mắt đầm đìa đầy hai má, anh nói:
- Mấy hôm nay tôi cũng khóc cạn nước mắt rồi. Thôi chị cứ khóc đi, khóc cho đã rồi nói chuyện với tôi cũng được
Chưa lúc nào em bỗng cảm thông với những người có thân nhân vừa quá vãng như lúc ấy. Chú Thế Phương chỉ là người bạn trong gia đình mà em còn thấy đau lòng như thế. Mặc dù làm việc tại Peek Funeral Home gần 5 năm và gần như ngày nào cũng thấy cảnh chết chóc nhưng em thật không ngăn nỗi xúc động đang òa vỡ trong lòng.
Em bắt đầu kết thân với chú từ sau khi ông Tịnh Hải- ba của chú qua đời và để lại nhiều Xá Lợi. Khi ấy, mọi người đều hoang mang không biết đó là gì, nhưng qua kinh nghiệm 3 lần thỉnh Xá Lợi từ Maitreya project đến với công đồng miền Nam California thì em đã có thể xác nhận đó chính là một dạng của Xá Lợi
Em tặng chú tấm khăn Kata màu vàng mà Sungtrul Rinpoche từ Bhutan vừa ân cần trao cho em. Chú mừng rỡ reo lên: “Đẹp quá MaiThy ơi !!!! Chú thích quá!!!!!! Chú sẽ trải Xá Lợi của ông lên tấm khăn đó trong ngày cung nghinh ở Peek”.
Chú tặng lại em tấm vải lụa vàng nhạt duy nhất mà chú có thể tìm được trong các tiệm ngoài Bolsa. Sau đó, em còn giới thiệu cho chú đến Zambala Store ở Alhambra thỉnh những bảo tháp(stupa) nhỏ để đựng các Xá Lợi.
“Chú nhớ nói với họ chú là chú của Thy để được bớt nửa giá, chú nhé”. Em nói như thế và không quên gọi Namgyal để ông ấy đặc biệt giảm giá cho chú.
Chú là người có tấm lòng rất rộng rãi nên đã chia sẻ Xá Lợi đến với những người chung quanh. Qua lời thỉnh cầu của em, chú đã gởi tặng đạo tràng Huyền Không tại Canada 7 viên Xá Lợi mà qua đó các Phật tử khi chiêm ngưỡng sẽ chắc chắn một điều là có tu thì có chứng.
Thượng tọa Thích Mình Thông đã hứa sẽ tụng thất thất lai tuần cho chú và đã gởi lời phân ưu đến với gia đình khi nghe tin chú Phương vừa đột ngột qua đời.
Chú còn mang cả chị Trang- người bạn đời đầu tiên và Hương con gái của chú đến để chiêm ngưỡng phòng thờ của em. Em trở thành người bạn thân thiết của gia đình chú. Tháng 7 vừa rồi khi em tổ chức chương trình triển lãm Xá Lợi cho Dự án Di Lặc ở Chùa Diệu Quang, chị Trang đã tặng cho tụi em từ 200 đến 300 phần ăn mỗi ngày.
Tháng rồi khi chúng em tổ chức 10 ngày Phowa Retreat tại Việt Herald, mỗi ngày chị Trang đã mang thức ăn đến cho chúng em với giá thật đặc biệt, cũng như cúng dường đều đặn ngày hai bữa cho Ayang Rinpoche tại nhà em. Em không biết dùng danh từ gì để bày tỏ sự biết ơn của em đối với chị Trang nên chỉ biết chắp tay búp sen và thầm cảm ơn chú Phương đã mang đến cho em nhưng thiên thần trong cơn nguy khốn. Nói như thế là bởi em thuộc loại ba trợn, không thể nào nấu nướng thức ăn chay cho Sư Phụ trong suốt thời gian nhập thất như vậy.
Em nhớ thời gian đầu lúc ông vừa qua đời, gần như tối nào chú cũng gọi phone cho em và khóc nức nở như trẻ thơ. Em chẳng biết làm gì hơn là mang Phật pháp để xoa dịu những vết thương lòng của chú. Thỉnh thoảng hai chú cháu dẫn nhau đi ăn cơm chay vì chú nói ngồi tán dóc và nhìn ông đi qua, bà đi lại chú còn ráng ăn được một chút, chớ nằm chèo queo ở nhà một mình chú chẳng thiết chi đến việc ăn uống.
Chú còn dẫn em đến tòa soạn Viet Herald gặp chú Bí để xin giảm giá khi em tổ chức các Phật sự trong cộng đồng. Bố Ngọc Hoài Phuơng (người đã nhận em làm con nuôi vì xúc động sau khi đọc bài “Nói với Cha một lần cuối” mà em đã viết khi ba Ngọc Diệp qua đời) cũng là một cộng sự viên của tòa soạn cho nên chú Bí đã nói đùa “Con có bao nhiêu thì trả bấy nhiêu, còn lại tao sẽ đòi Bố Phương và chú Thế Phương của mày!!!!!”
Chú Phương hỏi em “Thy muốn FREE không? Để chú năn nỉ một hơi là được liền.” Nhưng em không chịu vì em nghĩ các cơ sở thương mại cần có income để sống còn. Chú Phương cũng là người đã hỗ trợ cho những công tác từ thiện của em tại Huế. Em hay nói với ông xã của em rằng chớ nên cằn nhằn mỗi khi thấy em cứ “ôm computer “ vì đôi khi em chỉ gởi email cho mọi người thì các cháu bất hạnh cũng như cả ngàn chư Tặng đang thiếu ăn bên Ấn Độ có chút tịnh tài để sống qua ngày. Có hôm em vừa gởi email đi thì chưa đầy nǎm phút sau em đã nhận được email của chú Phương gởi lại: “Cho chú gởi $1,000 nhe”.
Em cũng đã giới thiệu chú cho bác sĩ Hằng ở Huế và không biết chú đã gởi biết bao nhiêu tiền về đó để giúp các trẻ nhỏ mỗ tim đang nằm chờ chết .
Em nghe kể rất nhiều chuyện về chú - xấu cũng như tốt, nhưng riêng em chỉ muốn giữ những hình ảnh đẹp về chú trong tim.
Em hối hận và nước mắt cứ lăn dài khi nghe tin chú mất là vì thứ ba vừa rồi khi đến nhà ăn tối với chị Trang và bé Hương thì được biết là chú không được khỏe. Em dặn lòng khi về nhà sẽ gọi phone cho chú, nhưng cuộc sống bận rộn đã làm cho em quên mất điều đó. Thật lòng mà nói không phải là em quên nhưng mỗi khi nhớ đến, em cứ nhủ thầm “để một chút nữa sẽ gọi …” Nhưng một chút của em đã không bao giờ đến, em đã không bao giờ được nghe những lời thì thầm của chủ trên phone.
Em bổng nghiệm ra một điều là khi muốn thực hiện một việc gì, mình phải làm ngay tức khác chớ không nên chần chừ vì đôi khi mình sẽ mất cơ hội hiếm quý đó. Không trách mẹ của em luôn miệng
nói “Demain, it sera trop tart !!!!!!! Ngày mai, thời đã muộn !!!!!!!!!” Từ khi hay tin chú qua đời, mỗi sáng sớm dạy công phu (kungfu), em đều quán tưởng chú cũng đang đứng bên cạnh em lạy Phật… Khi tập Phowa, em để bồ đoàn và quán chú cùng ngồi kế bên “hit, hit, hit & Phat” để chuyển di thần thức lên cõi Tịnh Độ. Em vẫn chưa hết nỗi bùi ngùi mỗi khi nghĩ đến chú và đã mang hết tình thương đó ôm chầm lấy chị Trang và bé Hương.
Chú Phương oi,
Chú còn nhớ, chú đã nức nở trên phone và luôn thắc mắc về sự nhắn nhủ của ông đối với chú “Con hãy buông hết, buông hết đi con !!!!!” không? Cho đến ngày hôm nay thì chú đã buông gần như hết rồi đó… Thy mong rằng chú sẽ thật sự buông bỏ trọn vẹn những quyển luyến trên cỏi trần gian đầy phiền não và tục lụy này để sẽ về ngự trên tòa sen nơi cõi Tình Độ của Đức Phật A Đi Đà.
Vĩnh viễn ngàn đời chú cháu mình sẽ chẳng còn gặp nhau mặt đối mặt, nhưng mình sẽ gặp nhau qua tâm thức mỗi khi Thy cất lời cầu nguyện. Cảm ơn chú đã mang chị Trang và bé Hương đến cho Thy. Thy thật sự trân quý tình thương mà gia đình chú đã dành cho Thy cũng như cùng chia sẻ với những Phật sự mà Thy muốn hoàn tất trong cuộc đời này ….
Thy và “chúng Thiện Sanh” cũng như các cháu mỗ tim ở Huế ngàn đời thương tiếc chú. Nguyện cầu hương linh của chú sớm tiêu diêu nơi miền Cực Lạc.
Nam Mô tiếp dẫn đạo sự A Dì Đà Như Lại.
Cali fornia,ngày 3,tháng 11 , năm 2010
Maithy”
7/ BS. Nguyễn Thị Thúy Hằng:
Lá thơ từ bên nhà do BS. Nguyễn Thị Thúy Hằng trông coi tổ chức Gia Đình Thiện Sanh, anh Thế Phương hay đạo hữu Phật tử Diệu Âm thường gửi tiền về bên nhà giúp đỡ những cháu bé cần mỗ tim, đạo hữu Diệu Âm mang bịnh tim, tại sao anh không dùng số tiền giúp trẻ em để lo cho bệnh tim của chính mình? Bồ tát tâm là gì?
“THƯ PHÂN ƯU
Kính gửi: Gia đình Ông Phạm Xuân Điềm pháp danh Diệu Âm
Nam mô Tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật
Kính Quý Gia đình
Chúng tôi được tin đạo hữu Phạm Xuân Điềm pháp danh Diệu Âm từ trần vào lúc 8 giờ ngày 01.11.2010 tại nhà riêng miền Nam California. Gia đình Thiện Sanh chúng tôi vô cùng xúc động, thành tâm cầu nguyện chư Phật phóng quang tiếp độ Hương linh sớm về cõi Phật và xin thành kính phân ưu cùng quý tang quyến trước sự mất mát lớn lao này.
Kính thưa Quý vị,
Đạo hữu Diệu Âm Phạm Xuân Điềm là ân nhân của Gia đình Thiện Sanh. Lúc sinh tiền, Đạo hữu đã nhiều lần hỗ trợ tịnh tài để giúp đỡ cho nhiều ca mỗ tim, đem lại cuộc sống an vui cho những mảnh đời lâm bệnh hiểm nghèo. Con người Đạo hữu đầy ắp lòng yêu thương chân thật vô điều kiện. Đức tính quý báu ấy có năng lực dẹp bỏ được sự tham lam, vượt qua các đối nghịch, tị hiềm, ganh ghét và hận thù để vươn tới những giá trị cao cả nhất mà đời thường không gì có thể thay thế được. Thương yêu và tha thứ là sức mạnh mãnh liệt nhất có thể làm thay đổi môi trường sống của chúng ta theo hướng tích cực hơn, và có lẽ chúng ta sẽ không còn có thể tìm đâu ra một xã hội tốt đẹp hơn thế nữa.
Quý vị đã thật sự mất đi một người thân, nhưng trong huyết thống gia đình lại bồi đắp đạo đức, nhân nghĩa cao quý và ảnh hưởng lan tỏa giữa cõi đời. Rất mong quý vị quán sát bản chất vô thường của vạn vật mà kiên định niềm tin Tam bảo, tinh tấn tu tâm dưỡng đức, phát huy thiện nghiệp để người còn kẻ mất đều được ân triêm công đức.
Do quá xa xôi cách trở, không đến viếng trước linh đài thể hiện niềm tri ân đối với Hương linh, cho nên chúng tôi sẽ cử hành lễ cầu siêu và phóng sanh để chú nguyện hồi hướng vào lúc 11 giờ ngày Mồng 2 tháng 10 năm Canh Dần (Chủ Nhật 07.11.2010), tại chùa Từ Lâm thành phố Huế.
Nguyện cầu Tam bảo thùy từ gia hộ.
Nam mô Tiếp dẫn đạo sư A Di Đà Phật.
Kính thư,
TM. GIA ĐÌNH THIỆN SANH
BS. Nguyễn Thị Thúy Hằng”
8/ Nguyễn Văn Tánh:
Kế tiếp là lá thơ của ông Nguyễn Văn Tánh, là cựu Chủ tịch Cộng Đồng Người Việt tại New York, một người bạn thâm giao với ký giả Thế Phương, cho lời cảm nghĩ về sự kiện mất một người bạn đồng hành trong sinh hoạt cộng đồng tại hải ngoại:
"Anh Việt Hải thân.
Tôi nhớ lại hôm chiều Thứ Bảy, 30 tháng 10, trên đường đến Phila tôi có gọi phone thăm để nói chuyện với Thế Phương hơn nửa giờ; đến chiều Thứ Hai, 2 tháng 11, tôi được anh Long và anh Hồng gọi phone thông báo cho biết tình trạng của Thế Phương đã ra đi. Tin buồn này đến với tôi ngỡ như cơn giấc ác mộng chiêm bao, giữa Thế Phương và tôi có rất nhiều kỷ niệm với nhau, như lần Thế Phương lên Washington DC chúng tôi đi sinh hoạt cộng đồng, như chuyến đi Hawaii hai anh em chúng tôi đi sinh hoạt chung, hai chúng tôi đã trao đổi nhiều vấn đề thời sự liên quan đến quê nhà cũng như tại hải ngoại, trong cuộc diện đấu tranh mới, khi mà Cộng Sản tung những kế hoạch lũng đoạn ra hải ngoại, song song tại trong xứ người dân nổi lên chống đối nhà cầm quyền độc tôn vì những khát vọng tự do dân chủ, Thế Phương đến như người đồng hành, Thế Phương hăng hái chia sẻ trách nhiệm chung,...
Tóm lại trong tôi, rất đau buồn khi hay hung tin Thế Phương đột ngột ra đi, còn nhớ lại những hình ảnh cũ của người bạn này, với thói quen mỗi chiều cuối tuần thường thường tôi nói chuyện trò với Thế Phương rất nhiều lần, lắng nghe Thế Phương kể chuyện Cali hay chuyện gia đình khi song thân Thế Phương qua dời, anh buồn bã. Tuần rồi Thế Phương cho biết bị cảm cúm nhẹ. Tôi khuyên Thế Phương nên ăn uống điều độ và tĩnh dưỡng tinh thần. Thế Phương vì hăng say với cái nghiệp làm báo, nên thường làm việc ban đêm, vì bị thiếu ngủ liên tục và thiếu dinh dưỡng nên bị kiệt sức. Phần khác Ba Mẹ Thế Phương mất liên tục, có nhiều đêm sau khi thực hiện bài vở cho Take2Tango xong cho ngày mai, Thế Phương ra lạy Phật trước bàn thờ, rồi lạy bàn thờ Ba Mẹ, rồi ngồi khóc một mình. Khi tôi biết hoàn cảnh như vậy, tôi thường xuyên gọi phone thăm hỏi sức khỏe, an ủi cũng như nhắc nhở đến việc ăn uống của Thế Phương.
Ngẫm nghĩ lại bây giờ tôi đã mất đi một người bạn chân tình, một người bạn thân thiết chia sẻ các vấn đề chung của quê hương. Đây là lần đầu tiên tôi thật sự hoang mang, bối rối vì xúc động và tưởng như mình đã đánh mất đi một cái gì quí báu nhất.
Tôi cầu xin hương linh của Thế Phương sớm vãng sanh cõi niết bàn, nhân tiện cũng xin gời lời chia buồn đến toàn thể tang quyến. Xin anh chuyển lời dùm.
Nguyễn Văn Tánh
New York, 03/11/2010"
9/ Nguyễn Đinh Hoài Việt:
Nhà thơ Nguyễn Đinh Hoài Việt gửi những dòng thơ tiễn biệt tiễn đưa nhà báo Thế Phương qua bài thơ:
Vĩnh Biệt Ký Giả Thế Phương
Trang điện báo đã khoanh tròn dấu chấm
Ý cầu kinh còn khắc dậm tâm sâu,
Khóe mắt buồn vừa khép kín lòng đau
Hạt bụi nhỏ vừa chìm vào bất tử.
Người qùy gối trước bàn thờ Tiên Tổ (1)
Ngước mắt nhìn vào vũ trụ mênh mông
Trí mơ màng vào thiên tận thênh thang
Hồn bất tử bay vào đường vạn tuế.
Sao đột ngột chóng đi mau lắm thế
Không một lời chào từ giã ra đi ?
Trong quán cơm Lục Đỉnh Ký Ca Li
Bao dự định … đâu còn gì nói nữa.
Thôi vĩnh biệt,, xin nghiêng mình tưởng nhớ.
Một kiếp người dáng thon nhỏ tài hoa
Qua thơ văn trên các mạng trang nhà
Anh để lại take tango sáng giá.
Chào vĩnh biệt anh Thế Phương ký giả
Về bên kia với tiên tổ muôn đời
Lòng tôi đau, thươing nhớ lắm người ơi
Xin vĩnh biệt tiễn chào người bạn mến.
Trang điện báo đã khoanh tròn dấu chấm
Ý cầu kinh còn khắc dậm tâm sâu,
Khóe mắt buồn vừa khép kín lòng đau
Hạt bụi nhỏ vừa chìm vào bất tử.
Nguyễn Đinh Hoài Việt
2/11/2010
(1) Thế Phương chết trong tư thế quỳ cầu nguyện trước bàn thơ Tổ Tiên.
10/ Ái Hoa:
Nhạc sĩ Ái Hoa cũng có người chồng mất vì bệnh tim, chị hiểu nhưng nỗi mất mát của người thân của tang gia. Theo báo cáo autopsy của Coroner office, thì anh Thế Phương bị đau tim đột ngột và qua đời ngay lập tức. Tất cả dữ kiện nằm trong báo cáo của cảnh sát. (Tin Phạm Trung Dũng):
“Thành Kính Phân Ưu
"Nghĩa tử là nghĩa tận", một câu mà nhà văn Trần Việt Hải viết tôi đã đọc trước đây làm tôi nghĩ đến người vừa mới ra đi trước mình. Một đời người có nhiều lần ra đi, nhưng ra đi vĩnh viễn thì chỉ có một lần. Người ra đi để lại những gì làm còn chưa trọn vẹn, và vấn vương cho người còn ở lại, những người thân thiết yêu thương mình.
Dù chẳng hề quen biết, nhưng khi nghe anh Thế Phương mất đi vì bị tim thi tôi lại nhớ đến lần ra đi đột ngột của nhà tôi trước đây vì cùng nguyên nhân. Tôi cảm thấy cảm thông với thân nhân của Thế Phương. Cũng như tôi, rất ngỡ ngàng khi người thân đột ngột ra đi, chỉ nhiều ngày sau đó mới thấm thía với nỗi buồn mất mát.
Một khi đã xuôi tay nhắm mắt thì chằng còn gì, yêu thương cũng như hờn oán. Xác thân, sinh khí ai rồi cũng tan tành, vậy nên dù quen biết hay không tôi cũng xin được có đôi lời thành kính tiễn đưa Thế Phương, và xin được chia buồn với thân nhân của ông ấy.
Tôi có một bài thơ dù xưa cũ nhưng xin được gữi lên đây để chia xẻ với tang gia.
ANH ĐI, ANH VỀ
Một người đi, bao người đau!
Thương em Thu cũng nhuốm màu tóc tang.
Đường em theo đến nghĩa trang,
Cỏ cây ủ rủ, lòng ôi bàng hoàng.
Thực hay mộng? Thật ngỡ ngàng!
Hôm qua dương thế, cõi âm bây giờ.
Theo anh, lòng bỗng thẩn thờ,
Hỏi thầm anh đã bỏ đời đi đâu?
Anh đi, nhân thế âu sầu,
Anh về, thượng giới bắc cầu mừng vui.
Thế gian lắm cảnh nổi trôi,
Có gì lưu luyến cản đôi bước người?
Mây bay lơ lững trên trời,
Anh đang cỡi hạc rong chơi mặc tình.
Hay chờ sao sáng lung linh,
Đêm đêm dệt mộng qua song thăm nhà.
Đâu đây vẳng tiếng ai ca,
“Mừng cho ai đó đi xa mới về.”
Ái Hoa”
11/ Nguyễn Hữu Của:
Kế tiếp là bài văn ngắn bút ký kỷ niệm của nhà văn Nguyễn Hữu Của, đương nhiệm Phó Chủ Tịch Văn Bút Việt Nam Hải Ngoại, vùng Tây Nam Hoa Kỳ. Bài viết là: “Thế Phương không còn nữa!"
"Tôi không nhớ lần đầu tiên gặp Thế Phương là năm nào, có lẽ ít nhất là 8 năm,10 năm hay lâu hơn nữa. Nhưng lần gặp nhau lần cuối cùng vẫn còn ghi dấu ấn đậm nét trong tâm hồn tôi.
Lần cuối cùng tôi gặp Thế Phương trong buổi họp của Ủy Ban Xây Dựng Sức Mạnh Cộng Đồng tại phòng sinh hoạt Hội Lê Văn Duyệt Foundation của Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm.
Vừa trong thấy tôi bước qua bậc tam cấp cuối cùng đi vào hành lang phòng họp, anh bước đến vồn vã bắt tay tôi. Sau vài câu xã giao thông thường anh khoát vai tôi vào ngồi trong chiếc ghế trong để hàn huyên tâm sự.
Đến giờ thông báo buổi họp băt đầu, anh đứng dậy xiết chặt tay tôi, anh mặt buồn buồn chậm rãi nói:
- Thôi mình vào họp... chắc lâu lắm tôi mới gặp lại anh.
Tôi không ngờ đó chính là câu nói cuối cùng mà Thế Phương đã dành cho tôi.
Khi nghe tin từ nhà văn Việt Hải cho biết Thế Phương vĩnh viễn ra đi, tôi thật bàng hoàng xúc động, tôi không muốn tin đó là thật vì so ra tuổi đời anh còn rất trẻ, nhưng đó vẫn là sư thật.
Thế Phương đã vĩnh viễn ra đi, chúc anh có giấc ngủ bình an.
Chúc hương linh Thế Phương sớm về cõi vĩnh hằng."
12/ Lê Anh Dũng:
Nhà văn, nhà báo Lê Anh Dũng, tức bút hiệu letamanh gởi bài "Nhớ nhà báo Thế Phương", bài kể kỷ niệm giữa Thế Phương và Lê Tam Anh:
“Suốt mấy tuần liên tiếp, tôi gởi cho Thế Phương mấy bài viết về các họat động văn hóa trong Cộng đồng mà không thấy bài mình trên mạng Take2tango, nhất là bài viết về những thiếu sót trong sách Hải Chiến Hoàng Sa. Tôi email riêng để hỏi thăm sức khỏe Thế Phương như thế nào mà sao không thấy trả lời. Tôi tưởng là anh ta giận tôi điều gì!
Bổng nhiên sáng hôm 1 tháng 11 năm 2010, mở mail thì thấy tin sét đánh ngang tai. Tin Thế Phương đột ngột qua đời làm tôi bị chóang váng. Tôi không tin những gì mình xem trên các email và từ nhà văn Việt Hải. Tôi phone đến nhiều nơi, có nơi chưa biết gì thì nói để xem lại. Mà quả thật, không ai tin một người mới 57 tuổi, nhất là đang ở xứ Hoa Kỳ, thì làm sao chết một cách đột ngột, nếu không có tai nạn hay các bệnh nan y! Mấy lần gặp, nhất là trong hai lần tiển đưa linh cữu hai cụ thân sinh của Thế Phương, tôi thấy nước da của anh ta không được tốt lắm. Nhưng đâu ai ngờ rằng những lần gặp đó là những lần cuối cùng!
Nhớ lại mấy năm về trước, khi tôi còn phụ trách Chủ Bút Tuần Báo Trách Nhiệm của Khu Hội Cựu Tù Chính Trị Nam Cali, Thế Phương là người hổ trợ và hợp tác trong nhiều lãnh vực. Sau nầy những bài viết của tôi lúc nào cũng được Take2tango ưu tiên đăng tải. Dầu tuổi đời tôi và Thế Phương chênh lệch xa nhau, nhưng về mặt nầy mặt khác Thế Phương xứng đáng là một người bạn tốt của tôi trong làng báo, làng văn!
Thế Phương là một phật tử và anh cũng rất mộ đạo - Tôi không hiểu gì nhiều về quá khứ của anh, nhưng tờ báo Trắng Đen của thân phụ anh thì tôi rất rành xuyên qua câu chuyện Baxí - Đời người không ai có thể biết trước được tương lai, và cũng chẳng ai có thể biết một phút giây nào trước mặt. Sự ra đi của người bạn trẻ Thế Phương làm cho tôi suy nghĩ nhiều về cuộc sống ngắn ngũi đầy bất trắc trong cỏi vô thường nầy. Thôi thì nguyện cầu cho linh hồn người bạn trẻ sớm an lạc nơi hào quang Phật.
Thôi anh nhắm mắt xuôi tay,
Thế gian nguồn cội trả vay nghĩa gì!
Vô thường - nghiệt ngã - phân ly!
Bụi trần phủi sạch - đường đi - cỏi về!
Letamanh”
(Lê Anh Dũng)
13/ Đỗ Thị Thuấn:
GS. Đỗ Thị Thuấn là chủ website Ánh Dương cùng hai diễn đàn Thân Hữu và Ánh Dương nhớ chuyện xưa bây giờ chỉ là kỷ niệm đã qua... Chị xúc động khi biết anh Thế Phương ra đi:
“Thế Phương chưa bao giờ là bạn của tôi, có lần tôi còn chế nhạo anh ta bằng cách vẽ hình anh ta cầm túi tiền dollars nữa, những cái hình này (1) của anh ta thật là dễ thương. Hình như tôi đã từng gặp anh ta trong những lần sinh hoạt cộng đồng. Chằc thế nào tôi cũng đã từng gặp anh ta mà tôi không biết, vì trong anh ta quen lắm. Hình này của Thế Phương làm cho tôi cảm đông. Cầu xin linh hồn Thế Phương mau được lên cõi Vĩnh Hằng. Hình như Thế Phương theo đạo Thiên Chúa Giáo? Nếu vậy tôi cầu cho Thế Phương mau sớm gặp Đức Chúa. Từ nay tôi sẽ coi Thế Phương là một người bạn. Tôi không nhớ anh ta có bao giờ đả phá tôi hay không. Nếu có thì cũng xưa quá rồi, tôi không còn nhớ gì nữa cả. Trong hình này dường như anh ta mắt có ngấn lệ. Anh ta làm cho tôi cũng muốn khóc. Toi đang chảy nước mắt đây.
Thân ái,
Thuấn”
- (1): xin xem hình (1) trên hết
14/ Chu Tất Tiến:
Như G. Đỗ Thị Thuấn, nhà văn Chu Tất Tiến cũng có những bất đồng với nhà báo Thế Phương, thời gian qua đã hóa giải 3 người, là những người bạn trên thế giới liên mạng internet. Anh Chu Tất Tiến viết:
“(Xin tiếp lời của bà Đỗ Thuấn)
Như lời Khổng Tử nói: "Người khôn nói một ngàn câu cũng có một câu ngu. Người ngu nói một ngàn câu cũng có một câu khôn", theo thiển ý, Thế Phương hay gửi những bài viết có tính cách chống đối, thậm chí mạ lị, một số nhân vật nào đó lên diễn đàn, nhưng Thế Phương có tinh thần chống Cộng cao và thỉnh thoảng cũng có những nhận định rất sâu sắc. Cho nên, nếu cho rằng Thế Phương là một nhân vật đáng bị lên án đến nỗi sau khi đã quá vãng rồi, vẫn còn đáng bị ... mắng mỏ thì thật là không nên! Chúng ta không thể dùng chính vũ khí mà mình cho là xấu xí của kẻ khác lập trường với mình để tấn công kẻ ấy. Nhất là sau khi kẻ ấy đã không còn trên cuộc đời ngắn ngủi này nữa.
Cá nhân tôi, trước đây, đã nhiều lần bị Thế Phương lên án tàn tệ, đã cho đăng những bài rủa xả tôi trên báo của anh, và gây cho tôi một cảm giác bực bội, khi đọc những luận điệu chụp mũ trắng trợn ấy, nhưng bây giờ, nghe tin anh qua đời, lòng tôi thấy bâng khuâng và buồn bã.
"Cuộc đời như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao..." Vậy thì tại sao chúng ta lại nuôi dưỡng những điều khó chịu về nhau mãi, làm cho chính cuộc sống của chúng ta bị mất đi một phần vui vẻ? Hãy tận hưởng những gì mình đang có để cho thời gian còn lai của chúng ta được thoải mái, và biết đâu, lại chẳng tìm thấy một thứ hạnh phúc mới? Nhất là hạnh phúc được nhìn thấy Tổ Quốc thân yêu sạch bóng Cộng Sản?
Chân thành cầu mong cho người quá vãng được bình an viên mãn.
Bắc Kỳ Di Cư - Chu Tất Tiến”
15/ Mai Thanh Truyết:
Trong khi kêu gọi góp bài hai khuynh hướng thường xảy ra, bên thích, bên không, Tiến sĩ Mai Thanh Truyết cho biết cảm tưởng về anh Thế Phương và xin thế gian một lời cầu nguyện (diễn đàn Thân Hữu) --- Nghĩa Tử là Nghĩa Tận:
“Thưa Quý thân hữu trên diễn đàn,
Tôi được một người bạn báo cho biết anh Thế Phương ra đi ngày thứ hai vừa qua. Sau đó, có nhiều người trên diễn đàn viết về Thế Phương với tư cách bạn cũng có, mà thù cũng có! Tôi trong suốt thời gian qua có gặp Thế Phương, có nói chuyện, có đi ăn cùng. Thỉnh thoảng Thế Phương có lấy bài của tôi đang lên Take2tango (tôi không có gữi cho TP).
Mỗi khi gặp nhau cũng trao đổi tuy không thân mật nhưng cũng là tình người.Tôi biết TP là một người rất là "controversial".
Nhưng thưa Quý Thi Hữu trên diễn đàn,
Chết là hết! Mọi sự đã đi vào lòng đất. Tham Sân Si cũng chỉ làm cho người nghĩ đến thêm phiền muộn mà thôi. Thế Phương đã chu du nơi cõi khác rồi.
Xin một tiếng cầu nguyện cho một kiếp nhân sinh....
EnviroVN - Mai Thanh Truyết"
16/ Đường Sơn:
Nhà văn Đường Sơn từ Melbourne, Úc châu, thường ghé website Take2tango xem bài, được tin Chủ nhiệm Thế Phương đột ngột ra đi, anh viết những dòng chia buồn cùng tang gia, cũng như chúc an lành cho Diệu Âm Phạm Trung Điền siêu thoát về cõi trên:
“Chủ Nhiệm Cô Đơn. Dò, đọc và dọc các website là một trong những cách giải trí của tôi trong lúc dư thời gian suy gẫm; có nhiều điểm lợi là biết thêm những tin tức, các tiết mục mà mình chưa biết hay vì tò mò, nhất là nghệ thuật quảng cáo và kỹ thuật bây giờ khiến cho trang web đó vừa đẹp, vừa gọn, nhìn mát con mắt làm sao. Take2Tango.com đến với tôi do sự tình cờ vì bài viết về “Nhân Điện” và sau đó là các vụ “xì căng đan về giới tính” cho nên tôi cũng tò mò thỉnh thoảng lên web nầy đọc, nghe các tin nóng cập nhật hoá. Thường vào mạng nào thì tôi xem ban biên tập gồm những ai, có nghe tên hay không; họ thuộc phe nào? Nhưng Take2tango rất đặc biệc làm tôi chú ý là khó truy ra ban biên tập ai là ai! Sau nầy anh Việt Hải - chủ bút của Văn Đàn Đồng Tâm cho tôi biết chủ nhiệm là ký giả Thế Phương. Một trang mạng, một tờ báo… khi đã đứng vững trong cộng đồng, gặt hái niềm tin của độc giả thì khó khăn nhất không phải là các tiết mục từ A-Z mà là “gìn giữ (maintain)” và “cải tiến (improve)”. Nói, viết thì dễ lắm như bắt tay vào làm thì “chăm” biết chừng nào quý vị ạ! Chỉ layout tờ đặc san Kiengiang 2003 mà thầy dạy Pháp văn ở trung học và tôi làm từ chiều và thức đến bốn giờ sáng. Riêng tôi về không ngủ mà phải làm xong các phần khuôn mẫu mang đến nhà in. Cập nhật hoá mỗi ngày mà tôi không thấy ban biên tập Take2Tango! Ôi tội cho ông chủ nhiệm - Thế Phương biết chừng nào! Chỉ quan sát như thế, thì tôi cũng hiểu phần nào chỉ lắc đầu mà than:”Oh! Poor man.” Thế Phương phải tốn rất nhiều thời giờ cho đứa con tinh thần của mình, thức đêm, thức hôm đọc tin, chuyển dịch, sắp xếp, layout cả chục thứ từ A đến Z để đưa lên mạng kịp thời – “tin nóng” mà. Tuy chưa có dịp tiếp xúc với anh Thế Phương nhưng qua nhận xét cách làm việc chủ nhiệm trang web nổi tiếng như thế thì tôi cảm thông cái khổ sở cho người workoholic: chịu khó, kiên nhẫn, đầu bạc và … nhiều bịnh tật dù anh chỉ hơn tôi vài tuổi. Làm việc trí óc thả giàn, ăn uống không điều độ như thế - Thì thôi Thế Phương xem như là hy sinh cuộc sống của mình tới giây phút cuối cùng rồi! Tôi cũng lấy làm lạ là Thế Phương cũng ít xuất hiện trước ống kính – làm việc âm thầm, lặng lẽ, không danh xưng và âm thầm đóng góp cho tiếng nói người Việt tự do tại hải ngoại.
Anh Việt Hải, trên một vài diễn đàn, người ta nhắc lại chuyện cũ của anh Thế Phương như hình thức đánh người ngã ngựa, khi anh không thể tự vệ cho mình được. Buồn quá. Nghĩa tử là nghĩa tận. Một nguyên tắc đạo đức rất sơ đẳng. (*)
Thế Phương không hoàn hảo, tuy chưa từng chuyện trò với anh, nhưng tin tức anh ra đi làm tôi nhìn website Take2Tango mà rất bùi ngùi và nghĩ ngợi. Click vào mạng không bao giờ biết tên Thế Phương là chủ nhiệm, nhưng người “kết hợp” và “cải tiến” trang đó từ nay trở đi không phải là anh nữa. Anh là một con người nhiều tâm huyết, can đảm mà tôi dù là chuyên viên về tin học vẫn muốn học hỏi nơi anh để luôn mang lại những món ăn tinh thần cho cộng đồng người Việt tự do tại hải ngoại. Tôi muốn cám ơn anh.
Xin cầu nguyện vong linh anh Thế Phương đã xong nợ trần gian và về an nghỉ nơi cõi Vĩnh Hằng.
Thành thật chia buồn cùng gia quyến Thế Phương!
Sympathy from Australia
Đường Sơn”
(*) Note: ĐS thân,
Như ĐS nói "Nghĩa tử là nghĩa tận", đây là thế giới của khổ đau, của đố kỵ, và của cố chấp. Số người như vậy không nhiều. Đa phần người ta muốn người quá vãng bình yên ra đi. Trong cuộc Thế giới Đại chiến Thứ II, phe Đồng Minh thắng trận biểu lộ một phong cách cao thượng, văn minh khi hòa giải giữa những cựu thù như Nhật, Đức, hòa giải với người ngã ngựa thua trận, và hòa giải với người chết. Vào ngày lễ kỷ niệm 60 năm ngày 06/06/1944 là ngày quân đội Đồng Minh đổ bộ lên bờ biển Normandie để giải phóng nước Pháp và Âu Châu. Đáp lời mời của Tống thống Pháp Jacques Chirac, hơn 20 nhân vật lãnh đạo quốc gia gồm có Tổng thống G.W. Bush, Nữ hoàng Anh Elisabeth... và đặc biệt với sự hiện diện lần đầu tiên trong lịch sử của Thủ Tướng Đức Gerhard Schroeder, đại diện cho nước bại trận tham dự buổi lễ.
Thủ tướng Đức Schroeder đi viếng nghĩa trang La Cambie nằm gần khu vực Normandie và Bayeux, nơi an nghỉ cuối cùng của hơn 21.000 binh sĩ Đức trên phần đất của Pháp. Nước Pháp đã có nghĩa cử cao đẹp cấp cho phần đất nầy để chôn cất tươm tất kẻ thù. Nghĩa trang La Cambe có thảm cỏ xanh đẹp mắt, bóng cây tươi mát, các mộ bia bằng đồng đen đều đặn nằm trên mặt đất, thẳng tấp thăm thẳm chiều trôi.
Nghĩa vụ lương tâm của người sống đối với người quá vãng là hành động phát sinh từ sự đạo đức và bản thiện thiêng liêng. Người đã khuất yên tâm ngủ yên, thân nhân họ còn sống cám ơn phong thái hành sử rất văn minh và cao thượng của La Cambe.
ĐS thân, anh Thế Phương và anh đã bàn về biến cố La Cambe khi anh viết bài 30 tháng Tư. Vì nhìn người mà tủi cho xứ ta. Phe thắng trận Bắc Việt trả thù người dân của Việt Nam Cộng Hòa mình, họ ác tâm hất hủi thương bệnh binh VNCH ra khỏi nhà thuơng, người đã chết cũng không được yên nghỉ, mồ mã của họ bị xâm phạm. Đánh người ngã ngựa là một hành vi đốn mạt, đê hèn tấn công người quá vãng là hành động thiếu văn hóa, vô lương tri. Họ vốn là những kẻ trung thành với tư tưởng bán khai. Những bài học văn minh và đôn hậu luôn được sách vở ca tụng. Hành động ngược lại điều đó mang ý nghĩa man ri, tiêu cực, và xấu xa.
VHLA.
17/ Ngọc Nga:
Cô Ngọc Nga từ Michigan kêu gọi đồng hương trên internet giúp cho tủy sống vì một người bạn của cô bị ung thư máu, nhờ nhà báo Thế Phương sốt sắng quảng bá giúp người. Xin hiểu rõ Thế Phương, Thế Phương luôn giúp người bệnh hoạn, hoạn nạn, ngặt nghèo, hãy chúc một cõi bình an cho anh trên bước đường đi đến:
“Anh Việt Hải,
thật là hụt hẫng khi nghe tin anh Thế Phương đã ra đi... tuy Nga không biết nhiều về anh Thế Phương, nhưng Nga quen anh ấy qua lần Nga đăng tin xin mọi người giúp Nga chuyển tin cô em gái nuôi cần bone marrow transplant vì bị ung thư máu...
Anh Thế Phương là người đầu tiên liên lạc với thẳng với Nga ... và qua lần đó, Nga có dịp chuyện trò với anh ấy qua điện thoại để hiểu rằng ... chẳng những anh ấy rất muốn giúp cô em gái Nga tìm được người donor ... mà điều đó "hình như" là điều mà anh ấy cần phải làm...
The irony of it all is ... cô em gái nuôi của Nga đã tìm ra được một người perfect match với nàng và hiện đang bình phục ... nhưng rồi anh Thế Phương lại là người ra đi...
Nãy giờ ngồi đây... Nga viết lan man, chưng hửng ... not sure how I feel anh Việt Hải ơi... I am truly sad.
Nn”
18/ Trương Nhân:
Nhà tranh đấu cho nhân quyền Trương Nhân từ Đức Quốc thường liên lạc với Thế Phương, cùng Take2tango trong thế phối hợp thông tin liên mạng trong những công tác đánh phá những âm mưu của CS, Trương Nhân ngậm ngùi tiển đưa người bạn cùng lý tưởng đấu tranh:
“Vĩnh biệt Thế Phương!
Please rest in peace.
Anh đã ra đi thật sao, không còn anh gởi Bài Vở Tin Tức trên Website cuả anh cho tôi - mỗi khi anh muốn phổ biến rộng rãi khắp nơi trên Toàn Cầu.
Chúng tôi mất đi một Chiến Hữu chống Cộng, anh có nhiều anh em, các em cuả anh - có ai muốn làm website không ? Anh có truyền nghề làm Website cuả anh lại cho người em ruột nào cuả anh không ? Bao nhiêu câu hỏi, không có câu trả lời - vì anh đã vĩnh viễn ra đi...
"Nghề" làm website là một đam mê, không đam mê không làm được, tôi tin như vậy. Kỹ thuật thì có thể học từ một người Thầy nào đó truyền lại, nhưng sự Đam Mê, nhất là đam mê... chống Cộng - không phải ai cũng có được.
Làm website cũng không hái ra tiền hoặc chưa hái ra tiền, cho nên ít ai muốn thực hiện - ngoại trừ các Chiến Hữu có lòng chống Cộng như Anh trong Cộng Đồng NVQG Hải Ngoại trên Thế Giới và tích cực tham gia vào mặt trận Net Vận, góp phần chống Cộng triệt để trên lãnh vực Trí Vận và Truyền Thông internet, là một vũ khí lợi hại ngày nay và không thể thiếu được.
Anh cũng ít khi viết gì trong Email cho tôi, nếu cần viết gì - Anh có thói quen viết luôn trên Subject cuả emails, tôi vẫn còn nhớ như vậy và biết đó là tánh cuả anh - cho nên tôi cũng không bận tâm.
Tôi nhớ thuở mới lớn - tôi say mê đọc báo "Trắng Đen", một nhật báo chống Cộng cuả Người Việt Quốc Gia, trước Quốc Hận 30.4.1975 ; nhất là Truyện Dài về một con ma phụ nữ trong khám Chí Hoà, SàiGòn, truyện dài do Thân Phụ cuả anh thực hiện (nếu tôi nhớ không lầm), cố ký giả Việt Định Phương, người cũng đã tặng cho chị Bảy bên Paris bút hiệu Việt Dương Nhân.
Năm 2005 anh cho ra đời tờ báo điện tử Take2Tango, có phải không ? Cuộc đời thật là vô thường, điện báo T2T còn đó - mà anh đã ra đi.
Tôi không thể viết tiếp được nữa. Chúng tôi xin thành thật chia buồn cùng chị Thế Phương và Tang Quyến.
Thành tâm nguyện cầu cho Hương Linh cuả Anh sớm được vãng sanh Cực Lạc Quốc.
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật.
Nam Mô Địa Tạng Vương Bồ Tát Ma Ha Tát.
Kính bái,
Trương Nhân
01.11.2010
THÀNH KÍNH PHÂN ƯU cùng Tang Quyến cuả Nhà báo Thế Phương”
19/ Trần Minh Tâm và Trần Kim Vy:
Hai anh chị Trần Minh Tâm và Trần Kim Vy là chù nhân của tuần báo Đẹp tại Houston, họ là những người bạn thân nhau qua báo chí và Phật giáo, lời tiễn đưa Thế Phương từ Texas:
“THẾ PHƯƠNG Phạm Trung Điền (1953-2010):
Ba ngày qua hình ảnh của Thế Phương lúc nào cũng lẩn quẩn trong trí của tôi! Thật ra tuy là đồng nghiệp, nhưng tôi chưa bao giờ gặp tận mặt người bạn “Trai Nam Kỳ” này, mà chỉ quen nhau, liên lạc thường xuyên với nhau qua điện thoại, qua email và qua 2 trang websites Take2Tango.com và Đẹpmagazine.com. Chỉ có nhà tôi là Trần Kim Vy có dịp gặp mặt Thế Phương và chụp được vài tấm ảnh lưu niệm với người bạn tâm đắc này vào tháng Tư năm 2009 khi nàng qua Nam Cali. Cũng nhờ hình ảnh của Thế Phương còn lưu trong files của báo Đẹp đã giúp tôi tập trung tư tưởng vào di ảnh người quá cố để chú tâm niệm Phật A Di Đà cầu nguyện cho hương linh Thế Phương được sớm vãng sanh Cực Lạc Quốc, sum họp với song thân là Cư sĩ Tịnh Hải và Cụ bà Diệu Hải, đúng như niềm tin tôn giáo của tang gia nhà họ Phạm.
--------------------------------------------------------------------------------
Tuy nhiên, dù rằng trong niềm tin mãnh liệt của Tâm Linh muốn bạn mình sớm về Cõi Phật sau khi đã trả hết nợ trần gian, nhưng trong tinh thần đấu tranh chống Cộng của Tâm Đời, tôi đã rất lấy làm đau xót, tiếc nuối rằng Thế Phương, một chiến sĩ văn hoá chống Cộng kiên cường đã vội sớm ra đi, không chịu ở lại thêm vài năm nữa để chứng kiến ngày đất nước Việt Nam thân yêu sẽ hoàn toàn vắng bóng đám cộng sản vô thần. Trang nhà điện tử Take2Tango.com đã chẳng phải là một thành trì chống cộng rất hữu hiệu của cộng đồng tị nạn chúng ta đó sao? Tôi chưa thấy một đồng nghiệp nào tại hải ngoại lại có một lập trường quốc gia, một đường lối chống độc tài đảng trị sắt son, một lòng tin vào đạo pháp vững chải và đặc biệt là yêu nghề làm báo như Thế Phương. Người ký giả nghèo tiền nhưng không nghèo tình cảm này, từ bao năm qua đã lấy đêm (Mỹ) làm ngày (Việt) để liên lạc, tiếp xúc với quốc nội lấy tin tức và ban ngày tại Mỹ anh vẫn phải sống, phải làm việc như những đồng nghiệp khác. Sự đam mê nghề nghiệp đưa đến sự hủy hoại sức khoẻ và nhất là sự hụt hẩn trong đời sống khi song thân lần lượt ra đi đã tạo một vết thương lòng, một căn bệnh tâm thần rất lớn trong con người Thế Phương. Lúc sau này, qua những cuộc điện đàm không giờ giấc giữa Thế Phương và Trần Minh Tâm - Trần Kim Vy để trao đổi những kiến thức về đạo pháp, chúng tôi thấy người bạn của mình đã có nhiều thay đổi trong đời sống tâm linh, tránh bớt việc gây thêm thù, chuốt thêm oán trong nghiệp làm báo và chúng tôi có lời chúc mừng cho bạn.
Nhưng số mệnh đã an bài, Thế Phương đã đột ngột bỏ ra đi không một lời vĩnh biệt bạn bè thân quyến. Tuy chàng chưa có dịp chuẩn bị cho một ngày ra đi như chú Tịnh Hải, nhưng theo lời thân nhân kể lại thì Thế Phương đã từ bỏ cõi đời ô trọc trong lúc quỳ lạy và cầu nguyện cho song thân trước bàn Phật. Theo sự tin tưởng vào giây phút “cận tử nghiệp” của người chết thì chắc hẳn tâm hồn của Phật tử Diệu Âm PHẠM TRUNG ĐIỀN lúc đó đã không vướng bận những Tham, Sân, Si của nhà báo Thế Phương mà chỉ chú tâm vào những lời kinh tiếng kệ, đã hướng về Tam Bảo của một người con có hiếu, một Phật tử để cầu nguyện cho song thân. Và chúng tôi tin tưởng rằng hương linh của Phật Tử Diệu Âm đã được vãng sanh về Miền Lạc Cảnh.
Nam Mô Tiếp Dẫn Đạo Sư A Di Đà Phật
Trần Minh Tâm -Trần Kim Vy, Đẹp Magazine Houston Texas
Đồng thành kính Chung Vui cùng Tang Quyến”
20/ Giao Chỉ San Jose:
Nhà văn Giao Chỉ San Jose có đất cấm dùi trên gia trang Take2Tango, ông viết khỏe, viết hăng những bài giá trị về văn học, chính trị và xã hội. Trong bài viết "Bài Học Từ Cuộc Nội Chiến Hoa Kỳ", tác giả mỗ xẻ yếu tố đạo đức, văn minh và nhân bản của phe Bắc Mỹ khi toàn thắng phe Nam Mỹ, với sự khéo léo của nhà lãnh đạo Abraham Lincoln, xóa bỏ hận thù Bắc-Nam để hòa giải đất nước chung, hàn gắn vết thương chiến tranh để nước Mỹ hợp nhất, để nước Mỹ phồn thịnh đi lên. Nhìn người mà tủi cho ta. Phe thắng trận Bắc Việt trả thù người dân của Việt Nam Cộng Hòa, xua đuổi thương bệnh binh VNCH ra khỏi nhà thuơng, người đã chết cũng không được yên, mồ mã của họ bị đào xới. Đánh người ngã ngựa là một hành vi bẩn thỉu, hèn hạ tấn công người quá vãng là hành động kém văn minh, vô nhân tính. Xin giới thiệu nhà văn Giao Chỉ San Jose, cũng là một vị sĩ quan của QLVNCH năm xưa:
“Viết cho Thế Phương. (Web: take2tango.com)
Thì cũng chẳng khác gì anh em. Tin Thế Phương chết đối với tôi hết sức bất ngờ. Ở Hoa Kỳ, mới ngoài 50 tuổi, chưa về hưu, chưa lãnh tiền già làm sao chết được.
Hay là có tay nào phá, loan tin bố láo. Dám lắm. Chính tôi cũng đã từng có báo đăng chia buồn thắm thiết vì được tin người đã ra đi. Tango thì thiếu gì người muốn khai tử.
Nhưng sau 2 ngày không thấy Thế Phương lên tiếng. Thế là đã đi thật rồi...
Mình đã viết nhiều bài cho các bạn cao niên ra đi, văn chương trôi chẩy. Sao viết cho người trẻ lìa đời, chợt thấy chữ nghĩa ngập ngừng. Dù đã Email bác bác cháu cháu nhưng chưa một lần gặp mặt Thế Phương. Cũng chẳng gọi phôn. Mấy năm trước có người quen ở San Jose cho biết Web Tango hot lắm. Nhân tiện bác gửi bài hàng tuần đi bốn phương trời thì gửi cho Tango. Họ sẽ dành cho bác một cột thường xuyên, tha hồ có cả triệu người đọc. Bèn mở take2tango ra xem. Quả nhiên HOT thật. Toàn những tin hot về cả chính trị lẫn sex. Hình ảnh xem qua đỏ cả mặt mũi chân tay. Nhiều bài chống Cộng triệt để. Cả những bài chống nhau cũng tràn ngập. Phần phản hồi của độc giả lời lẽ kinh hồn. Ðọc kỹ lại thấy những bài thiên hạ chửi cả chính mình. Chết thật. Dù vậy nhưng thấy Tango có nhiều bạn đọc nên tác giả cũng muốn giới thiệu mặt hàng khác biệt của mình. Thế Phương welcome dành cho bác Giao Chỉ cột báo thường xuyên. Những bài viết ngày càng nhiều khách thưởng thức. Nhưng lâu lâu trên Tango vẫn có bài thiên hạ quại luôn bác Giao Chỉ, cháu không đọc kỹ cũng cho đăng luôn. Anh em lại gọi đến nói là Tango của ông sao lại đánh ông. Tôi nói rằng ai bảo Tango của tôi. Thì ông già nhất đám đang làm cố vấn tối cao. Lại phải hết sức cải chính với bạn vàng vốn hay nghi ngờ. Rồi email cho Thế Phương để xin xem lại. Trên sân khấu về khuya, E vừa gửi đi, đã thấy Phương E trở lại:” Xong rồi bác”. Mở Tango ra, bài chửi không còn nữa. Lần khác gửi bài đi, Phương E trở lại. Tango viết: Bài này có vài chỗ sẽ bị đánh, đỡ không nổi. Bác nhận tin bèn hì hục viết lại rồi gửi đi. Phương E trở lại:” Xong rồi bác” Mở Tango ra, bài lên với hình ảnh ngon lành. Ðồng hồ đã quá nửa đêm.
Một lần khác, Thế Phương có chuyện bất bình với vài anh chị em về đề tài Nghĩa trang, chuyển tài liệu lên cho bác đọc. Giao Chỉ San Jose bèn cố vấn rằng: Bỏ đi Tám, không giao chiến, mặc kệ thiên hạ muốn làm gì thì làm. Nếu cần thì kéo cờ hàng. Trong thế giới hải ngoại, phải can đảm mới chơi cờ trắng, nhường cho thiên hạ đi cờ xanh, cờ đỏ, cờ vàng, thua đi để còn làm việc khác. Nhưng Thế Phương đời nào chịu thua. Gửi E lên:” Xong rồi bác”. Lên Tango thấy chàng bút chiến ào ào.
Giao thiệp bác bác, cháu cháu mấy năm sau, tôi mới biết Phương là con ông chủ báo Trắng Ðen, Việt đình Phương. Cũng là chỗ quen biết đầu đời di tản cùng với ông Tô Văn và Võ Ðại Tôn.
Nhưng nói là quen biết qua duyên văn tự mà thôi. Ðời sống ra sao, vợ con thế nào. kẻ ở người đi, chẳng hề thông suốt.
Ðêm về khuya, từ San Jose gửi E lên trời, hỏi Thế Phương rằng trên đó làm sao cháu nhẩy tango một mình. Phải take2tango
Nhận ngay được E mail :”Xong rồi bác”
Giao Chỉ San Jose."
21/ Nam Lộc:
Người gần cuối bài viết là anh Nam Lộc của Hội USCC, anh cho những dòng chữ kỷ niệm với người bạn vốn vui tính, thích tếu lâm, Thế Phương:
"Lại một lần vĩnh biệt!
3 giờ chiều thứ Hai ngày 1 tháng 11, 2010 cậu em Ngụy Vũ gọi báo hung tín “anh Thế Phương mất rồi”! Người tôi bỗng chùng xuống, nhưng nỗi buồn dường như bớt đau đớn hơn năm ngoái, có lẽ chỉ vì trong vòng một năm trước đó trái tim tôi đã phần nào chai đá bởi những mất mát khi ba người bạn thân nhất của mình lần lượt ra đi, từ Trường Kỳ đến Tùng Giang rồi ông “anh nuôi” là kịch sĩ Nguyển Long!
Một tiếng đồng hồ sau, đang miên man với những kỷ niệm của gần 35 năm quen biết người bạn trẻ (hơn mình), nhà báo Thế Phương Phạm Trung Điền thì Việt Dzũng gọi đến, cũng xót xa thông báo “Thế Phương mất rồi anh Nam Lộc ơi”! Tôi chưa kịp trả lời thì bỗng nhiên điện thoại hiện lên hai chữ Thế Phương, tôi vội vã từ giã VD để nhận “in-coming call” từ ông bạn Thế Phương. Quả thật là kể từ ngày quen biết Thế Phương cho đến nay, chưa bao giờ mà trong lòng tôi vui và nồng nhiệt đón nhận cú phone của anh một cách mừng rỡ và sung sướng đến như vậy. Vui mừng vì bạn mình còn sống, và hai đứa chúng tôi sẽ có dịp “chửi thề” vì những lời đồn đãi nhảm nhí! Còn sung sướng là vì Thế Phương chưa chết và Take2Tango sẽ tiếp tục là trang báo điện tử được nhiều độc giả theo dõi nhất từ trước đến nay, dù là người binh hay kẻ chống! Nhưng buồn thay, trên đầu giây là giọng nói của Tấn, em trai Thế Phương, đã dùng điện thoại của anh để liên lạc và thông báo đến bạn bè về sự ra đi bất ngờ của người anh cả. Giọng Tấn lạc đi trong ống nói, tội nghiệp các anh chị em trong gia đình, vì chỉ trong vòng hơn 1 năm, mà cả cha lần mẹ, rồi đến người anh cả đều lần luợt ra đi, để lại những dòng lệ đã khô vì không còn nước mắt để khóc. Tôi lặng lẽ chia buồn và cám ơn Tấn rồi cũng lặng lẽ khóc người bạn vắn số của mình.
Tôi khá thân với Thế Phương, nhưng thật sự không rõ tình cảm mà tôi dành cho anh sâu đậm đến cỡ nào, nhưng khi “vui mừng” nhìn thấy tên anh hiện lên trên điện thoại thì tôi cảm nhận được rằng mối liên hệ của chúng tôi còn nặng hơn tình bằng hữu!
Than ôi, lại một lần vĩnh biệt! Chúc Thế Phương hạnh phúc nơi tiên cảnh và mãi mãi sống vui bên cạnh đấng sinh thành.
Nam Lộc"
22/ Trần Việt Hải:
Anh Thế Phương,
Trần gian này chỉ là cõi tạm, chết là về với cõi vĩnh hằng, tôi nghĩ như vậy. Trong suốt bài viết này, những thân hữu bạn bè, thân nhân của anh đã viết về những kỷ niệm trong quá khứ, viết cho anh, và có những người khi xưa có những điều không vui với anh, nhưng nay tất cả đã chìm vào dĩ vãng trong tình bằng hữu tiễn đưa nhau.
Chuyến du hành này anh sẽ đi rất xa, về vùng đất hứa yên bình, không còn bệnh tật, những lo âu, nhiễu nhương cuộc sống, vùng vĩnh cửu mà nơi đó anh sẽ đoàn viên với hai bác, ba má anh, nguồn vui mà trên này anh đã tụng niệm kinh Phật cho mọi người được bình an, xin hãy phò hộ, cầu nguyện cho các người em của anh, cho các con cháu và chị Trang những phước lộc hanh thông trong cuộc sống. Họ cần sự giúp đỡ của anh.
Một bài thơ tôi làm tặng anh cho chuyến viễn du dài nhất này với lời cầu chúc mãi mãi thân tâm an lạc... Xin giữ cái Tâm bình yên.
Adieu, Sayonara ông bạn vui tính tếu lâm Take2Tango !!!
"Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài"
Trần Việt Hải
Thơ tiễn biệt:
Cõi Tạm Trần Gian
Trần gian chỉ là cõi tạm thôi
Sống gởi thác về cuộc đời ni
Ghé chốn nhân sinh nghĩa lý chi
Đường trần gian trầm luân một cõi
Công danh chỉ là phù vân hão
Một kiếp nhân sinh sống tội tình
Ánh đạo vàng tỏa hướng bình minh
Vô thường vô ngã đạo tâm kinh
Bụi trần phủi sạch về Tam Bảo
Phật pháp qui y nguyện lòng thành
Khoảnh khắc cuộc đời quá mong manh
Khai tâm giác ngộ từ bi Phật
Chân Phương vãng sinh Diệu Âm danh
Rũ bỏ nhiễu nhương bao ưu phiền
Phụ mẫu tình thâm hợp đoàn viên
Chúc anh giấc ngàn thu vĩnh cửu
Vĩnh biệt Thế Phương Take2Tango !!!
--------------------------------------------------------------------------------
Việt Hải Los Angeles
(VHLA gửi Thế Phương Take2Tango)
No comments:
Post a Comment