Tổng thống Mỹ Barack Obama (T), Nobel Hòa bình năm 2009 và nhà ly khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba (P) Nobel Hòa bình năm 2010.
Ảnh ghép RFI
Thanh Phương RFI
Theo tờ New York Times số ra ngày 04/11/2010, Trung Quốc hiện đang gia tăng áp lực lên các chính phủ châu Âu để những nước này không tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, sẽ diễn ra ngày 10/12. Theo Bắc Kinh, Lưu Hiểu Ba là « tên tội phạm » vì đã dám đòi tự do dân chủ cho nước mình.
Cho tới nay, Bắc Kinh vẫn không nuốt trôi việc Uỷ ban Nobel trao giải Nobel Hòa bình 2010 cho nhà ky khai Trung Quốc Lưu Hiểu Ba, một người bị coi là « tên tội phạm » chỉ vì đã dám đòi tự do dân chủ cho nước mình. Trung Quốc càng bực tức hơn nữa, vì nhiều lãnh đạo thế giới, trong đó có tổng thống Mỹ Obama, đã nhân dịp đó kêu gọi Bắc Kinh trả tự do cho Lưu Hiểu Ba. Từ đó đến nay, thông qua báo chí Nhà nước, Trung Quốc đã liên tục chỉ trích việc trao giải Nobel. Hôm nay, tờ Nhân dân Nhật báo vừa đăng thêm một bài xã luận khẳng định rằng giải Nobel Hòa bình là một « công cụ chính trị » phục vụ cho « chiến lược toàn cầu của Mỹ ».
Không chỉ cực lực phản đối việc trao giải Nobel, chính quyền Bắc Kinh còn quản thúc tại gia vợ của Lưu Hiểu Ba cùng với nhiều nhà đối lập khác. Cách đây vài ngày, một nhà hoạt động nhân quyền cũng đã bị công an tỉnh Quảng Đông bắt giữ, khi ông phát truyền đơn thông báo việc trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiều Ba.
Về mặt ngoại giao, Trung Quốc đã hủy nhiều cuộc gặp chính thức với Na Uy, cho dù chính phủ Oslo chẳng có dính dáng gì đến quyết định trao giải Nobel Hòa bình. Nhưng nay, Bắc Kinh còn đi xa hơn. Theo tờ New York Times số ra ngày hôm qua, Trung Quốc hiện đang gia tăng áp lực lên các chính phủ châu Âu để những nước này không tham dự lễ trao giải Nobel Hòa bình cho Lưu Hiểu Ba, sẽ diễn ra ngày 10/12 tới.
Theo hãng tin AP hôm qua, hai nhà ngoại giao phương Tây cho biết là đại sứ quán Trung Quốc ở Oslo đã gởi thư chính thức cho các đại sứ quán châu Âu ở thủ đô Na Uy yêu cầu họ đừng đến dự lễ trao giải Nobel Hòa bình. Bức thư này nhắc lại lập trường của Bắc Kinh, theo đó Lưu Hiểu Ba là một tên tội phạm và việc trao giải Nobel cho nhân vật này là hành động can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc. Bức thư còn yêu cầu các đại sứ quán châu Âu không được ra bất cứ tuyên bố nào ủng hộ Lưu Hiểu Ba nhân ngày trao giải Nobel.
Phần Lan và Iceland xác nhận là đại sứ quán nước họ ở Oslo đã nhận được bức thư với nội dung như trên. Thụy Điển cũng nhận được thư từ Trung Quốc nhưng từ chối tiết lộ nội dung. Các đại sứ của Đan Mạch và Hà Lan cũng không bình luận về bức thư, nhưng cho biết họ sẽ dự lễ trao giải. Đức cũng đã nhận được thông tin về vấn đề này và cũng báo trước là dầu gì đi nữa, đại diện ngoại giao của họ sẽ dự lễ trao giải. Về phần Bộ Ngoại giao Anh cũng cho biết đại sứ nước này mỗi năm vẫn dự lễ trao giải Nobel Hòa bình và năm nay sẽ vẫn làm như thế.
Thư ký của Uỷ ban Nobel, ông Geir Lundestad, đã từ chối bình luận về bức thư của Trung Quốc và nhưng nói rằng, tùy các đại sứ quyết định có dự lễ trao giải hay không. Ông Lundestad cho biết họ đã gởi hơn 1000 giấy mời, trong đó có mời toàn bộ các đại sứ ở Oslo, kể cả đại sứ Trung Quốc, nhưng thư mời đại sứ nước này đã bị gởi trả y nguyên, không có trả lời.
Để tăng thêm áp lực, hôm nay, Bộ Ngoại giao Trung Quốc còn nói thêm là mọi sự ủng hộ của một nước châu Âu đối với Lưu Hiểu Ba sẽ bị xem như là một sự « xúc phạm » Trung Quốc. Rõ ràng là so với các chuyến viếng thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma hay các vấn đề nhân quyền khác, lần này, Bắc Kinh đã tỏ thái độ mạnh hơn đối với các nước châu Âu.
Đây cũng là điều dễ hiểu, vì hiện nay nhiều nước châu Âu đang rất cần đến Trung Quốc, hay nói đúng hơn là cần đến tiền tỷ của Trung Quốc. Chẳng hạn, nhân chuyến viếng thăm của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, Pháp đã ký được các hợp đồng tổng cộng hơn 20 tỷ đô la. Với một khách hàng « xộp » như vậy, Paris dĩ nhiên phải cố tránh đụng đến những vấn đề nhạy cảm.
Theo lời một thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc, trong ngày đầu tiên chuyến viếng thăm đầu tiên hôm qua của chủ tịch Hồ Cẩm Đào, số phận của Lưu Hiểu Ba đã không phải là chủ đề được đề cập đến giữa Pháp với Trung Quốc. Bản thân tổng thống Sarkozy đã bị các hiệp hội nhân quyền chỉ trích vì đã hoàn toàn im lặng sau khi giải Nobel Hòa bình được trao cho Lưu Hiểu Ba, để không làm phật lòng khách mời Hồ Cẩm Đào và để được sự hậu thuẫn của Trung Quốc trước khi Pháp lên giữ chức chủ tịch nhóm G20.
=======================================
=========================================================
No comments:
Post a Comment