NGƯỜI LÍNH GIÀ VỪA MỚI CHẾT ĐÊM QUA
Người lính già Việt Nam
Vừa mới chết đêm qua
Trên đường phố San Jose bụi bặm
Anh đã đi bao nhiêu nghìn dặm
Ðến nơi đây chỉ để chết âm thầm
Không một phát súng chào
Không cả một người thân
Không ai nói với anh một lời tiễn biệt.
Người lính già Việt Nam
Như con thú hoang lạc loài
Trên freeway nhộn nhịp
Một tiếng rên thảng thốt chảy trong mưa
Một chiếc lá cuốn đi theo cơn gió cuối mùa
Một tiếng nấc rã rời trong đêm vắng.
Vợ anh đâu?
Sao không về đây vuốt mắt
Con anh đâu?
Sao không đến vấn khăn tang
Anh ra đi như anh đến
Rất vội vàng
Chẳng còn ai trên đời để khóc.
Nhân loại văn minh có nhiều cách sống
Nhưng đồng bào tôi có những kiểu chết rất lạ đời
Người vợ mang thai
Ôm lấy chồng cùng nhảy xuống biển khơi
Ðể khỏi phải rơi vào tay giặc Thái
Cho sóng biển Ðông nghìn năm còn ru mãi
Một bài ca chung thủy vọng về Nam
Ðể mỗi sớm chiều khi thủy triều dâng
Tổ quốc sẽ được bồi thêm
Bằng máu anh thịt chị.
Có những bà mẹ nửa đêm thức dậy
Ði bán máu mình mua gạo nuôi con
Ðường về chưa tới đầu thôn
Bà gục chết không kịp nhìn mặt con lần cuối
Ðứa con út cũng chết dần trong cơn đói
Miệng còn thì thào hai tiếng “Mẹ ơi !”
Những giọt máu tươi đã giết chết hai người
Sẽ đọng lại trong nghìn trang lịch sử
Cho nước sông Hồng bao giờ cũng đỏ
Như màu máu Mẹ Việt Nam.
Ðêm qua thêm một đứa con
Vừa mới chết trên đường phố San Jose nhộn nhịp
Anh không chết ở Hạ Lào, Bình Long, Cửa Việt
Anh không chết ở Hàm Tân, Suối Máu, Hoàng Liên Sơn
Chết ở đây đất lạ sẽ thêm buồn
Trên mộ bia anh thêm một dòng chữ Mỹ
Một người Việt Nam sinh nhầm thế kỷ
Và chết cũng nhầm nơi
Ðêm nay bên kia bờ trái đất xa xôi
Quê hương anh vẫn còn chìm trong lửa đỏ.
Tôi gởi anh đôi dòng thơ
Từ trái tim của một thằng em nhỏ
Cũng lạc loài lưu lạc như anh
Chúng ta, hai chiếc lá chung cành
Bay phơ phất trước từng cơn bão tố
Ngủ đi anh bình yên nơi chín suối
Ðau thương nầy em sẽ viết thay anh.
Trần Trung Ðạo
=================================================
Để nhớ tới anh Nguyễn mạnh Tường
Đầu năm 1971 tôi dẫn hai tiểu đoàn 1 và 2/44 di chuyển từ Sông Mao lên trình diện BTL/QĐ 2 tại Pleiku. Đơn vị tôi sau đó được đặt dưới quyền điều động của BTL nhẹ QĐ2 đóng tại Hàm Rồng. Nhiệm vụ của chúng tôi là tổ chức các cuộc hành quân vùng phía tây trục lộ 14 khu vực Đèo Tử Sĩ, theo tin tình báo, đang có sự hiện diện của một đơn vị bộ đội miền Bắc xâm nhập. Chỉ huy cuộc hành quân là đại tá Lê Trung Tường, sĩ quan phụ tá hành quân là Trung tá Nguyễn mạnh Tường. Gặp nhau trao đổi tình hình và qua vài câu chuyện tôi có cảm tình đặc biệt với anh. Tính cởi mở và chân thành, anh không ngại khi cùng tôi bàn định mọi kế hoạch hành quân, về cách phối trí lực lượng và quan niệm hành quân. Qua câu chuyện tâm tình, tôi được biết anh cũng mới giã từ chức vụ Chĩ huy trưởng CS dã chiến ở Sài Gòn trước đó đổi về Quân Đoàn 2 ngôì chờ bổ nhiệm. Tôi cười nói chọc anh. “ Có phải anh là người hai lần đậu thủ khoa hai khóa tham mưu trung và cao cấp không ở trường Chỉ Huy Tham Mưu không?” Anh cười “ Chính tớ !”. Tôi bảo” Mai mốt đây nếu Trường Chỉ Huy Tham Mưu mở thêm một khóa đặc biệt nào nữa chắc anh lại thủ khoa và như thế là ngang với cụ Tam nguyên Yên Đổ rồi , anh giỏi thiệt!” Anh khiêm nhường bảo “ Giỏi chó gì! Các cậu quan niệm đi học là đi chơi, xả xú báp còn tớ thì tớ muốn làm việc gì cũng đâu ra đó nên mới thủ khoa thôi. “ Tôi bảo “ không phải thế đâu, hồi tôi đi học chỉ huy tham mưu trung cấp năm 1968 tôi cũng học ra trò đấy chứ mà nào có được thủ khoa như anh? “Đặc biệt khóa tôi lại có cả các tiểu đoàn trưởng quân y của các sư đoàn bộ binh, nhẩy dù và TQLC nữa cũng về học, mà anh biết đó, mấy cha bác sĩ này nói đến học là nghề của mấy chả, thế mà cũng có ai đậu thủ khoa đâu! ngoại trừ bác sĩ Đích y sĩ trưởng SĐ 21 thì phải , chỉ đậu thứ 3 thứ 4 gì đó.” Hoạt động với nhau gần hai tháng tôi mới vui miệng hỏi sao anh lận đận quá vậy? với khả năng như anh thiếu gì vị trí xứng đáng để thi thố tài năng. Anh chỉ mỉm cười bảo “Cái số mình nó thế.” Được biết anh từng xuất thân là một sĩ quan nhẩy dù, rồi tham gia lực lượng đặc biệt… ở đơn vị nào anh cũng đều được thượng cấp nhận xét là sĩ quan trẻ có khả năng , phải nhận rằng anh là một sĩ quan toàn diện về cả khả năng chỉ huy và tham mưu; thế mà… Tháng 6 đơn vị tôi rời vùng hành quân trở lại Sông Mao và nghe tin anh về phụ tá phòng 3 QĐ cho trung tá Nguyễn văn Đệ rồi làm giám đốc trung tâm hành quân Quân Đoàn 2. Từ đó tôi không có tin tức gì của anh nữa.
Cho mãi đến cuối năm 1972, trong lúc các lực lượng cộng sản tung ra các cuộc hành quân quy mô nhằm hỗ trợ cho những đề nghị chính trị của họ tại cuộc hoà đàm Paris. Đơn vị tôi tham gia các cuộc hành quân trên chiến trường Kontum và vùng Quảng Đức thì nghe tin anh cũng đang điều binh khiển tướng trên mặt trận Bắc Bình Định. Tôi nghĩ thầm trong bụng cũng mừng cho một sỹ quan đa tài như anh lại có dịp phục vụ quân đội và đất nước. Đến khoảng giữa năm 1974 thì lại nghe tin anh mới được thăng cấp đại tá đặc cách tại mặt trận do tổng thống Thiệu gắn tại Bình Định, khi với chức vụ Tiểu khu phó, anh chỉ huy điều động các đơn vị địa phương và tăng phái đánh thắng hai cuộc tấn công qui mô của các lực lượng Cộng quân thuộc mặt trận B3 vào căn cứ Đề Gi và căn cứ Không Quân Phù Cát, gây tổn thất nặng nề cho các đơn vị địch. Nghe tin vui của anh tôi tự nhủ “Ít ra cũng phải như thế, dù muộn nhưng vẫn còn hơn!” Rồi những diễn biến chính trị và quân sự phức tạp kéo theo sau đó. Tôi lại không có dịp liên lạc với anh nữa.
Cho mãi đến cuối năm 1977 tôi mới gặp lại anh tại trại 4 Hoàng Liên Sơn. Vẫn một Nguyễn mạnh Tường xốc vác, trẻ trung và đa tài. Kỷ niệm có với anh thời gian này chính là ngày tết năm ấy khi trại mua được một con trâu gìà phế thải của hợp tác xã mang về mổ thịt ăn tết cho toàn trại. Con trâu kềnh tuy đã lão và mẻ một sừng nhưng trông vẫn còn dềnh dàng dễ sợ. Con trâu được cột vào một bụi tre già. Vì là ngày giáp tết, trại nghỉ lao động nên các cải tạo viên đứng thành vòng ngó coi lần đầu tiên cách thức mổ trâu như thế nào. Người bàn ra tán vào đủ kiểu làm cách nào để vật được con trâu nằm xuống mới thọc huyết được. Có tay công an quản giáo đề nghị lấy súng bắn vào đầu con trâu cho đỡ rách việc! Trong lúc đang bàn tán lao xao như vậy thì anh Tường xuất hiện. Anh bảo để anh tính cho. Ngay sau đó anh yêu cầu một người chặt cho anh một khúc nứa dài khỏang 2 thước, chặt vát một đầu. Còn đích thân anh lấy một sợi dây thừng buộc vàm con trâu rồi bằng một động tác bất ngờ, anh kéo ghì đầu trâu qua một bên, níu ràng xuồng dưới bốn chân con trâu và yêu cầu vài người khoẻ mạnh phụ anh đẩy con trâu vì vướng giây chụm vào nhau ngã nhào cuống cỏ. Từ đó anh dùng cây nứa nhằm ngang dưới cổ thọc thẳng vào tim con trâu. Con trâu chết rất nhanh và gọn trước sự thích thú ngạc nhiên của đám tù chúng tôi.
Buổi chiều 30 tết năm ấy khi ngồi nói chuyện tâm sự cuối năm tôi có hỏi “ Làm sao mà đại ca biết cách giết trâu nghề vậy? “ Anh mỉm cuời, “ Thì cũng học đồng bào cao nguyên thôi, lúc tớ còn trong lực lượng đặc biệt khi tham dự lễ giết trâu tế thần”.Trại 4 giải tán, chúng tôi lại xa nhau lần nữa, lần này anh trở về trại 1 còn tôi di chuyển đi Thác Bà.
Tháng 4 năm 1982 tôi từ Nam Hà theo đoàn tù cải tạo còn lại sau đợt di chuyền năm trước trở về Miền Nam. Về trại Z30A. Tôi gặp lại anh.
Anh thuộc đội nhà bếp, trong khâu bổ củi. mặc dù tuổi tác lớn nhất trong toán cuả anh nhưng phải nói anh có sức khoẻ phi thường. Suốt ngày cởi trần trùng trục, mỗi buổi sáng nhìn anh đứng trước một đống gổ gồm các gốc cây khô vặn vẹo vằn vện tay cầm cây búa mà thấy phục. Tôi cũng được biết anh đang tập thiền và nghiên cứu thiền. Hết giờ lao động, anh hoặc ngồi tập thở hoạc đọc sách. Ngồi nói chuyện với anh câu chuyện luôn xoay quanh về các đề tài tu tập. Hồi ấy trong trại các tin tức về đủ loại đủ kiểu râm ran bàn tán về các giải pháp cho tù chính trị. Nhiều khi tâm sự, anh vẫn nhận định tình hình chưa chín. Sự việc còn nhiều gay go, theo anh khuyên giờ đây là lúc tự rèn luyện mình có đủ minh mẫn và sức khoẻ để có thể đáp ứng được khi tình thế đòi hỏi. Thời gian này anh sử dụng khí công và day huyệt để chữa trị một số bịnh cho anh em trong trại nên anh có tên mới “Thầy Tường”.
Anh thuộc diện mồ côi, tiếng chúng tôi chỉ các sĩ quan cải tạo không được thăm nuôi thường xuyên. Dăm chừng mười họa, khi vợ con hoặc người quen biết gởi gắm cho một ít thức ăn nhờ người thân tiện đường thăm thân nhân gởi ké vào trại. Anh bảo gia đình anh có chị và hai cháu đã vượt biên sang Úc ,giờ đây chắc cũng đang phải cày dữ lắm để mưu sinh nên anh chẳng có kỳ vọng gì cả. Vả chăng đối với anh, cuộc sống thanh đạm trong tù cũng là một điều kiện thuận lợi cho việc tu dưỡng của anh nữa. Lâu lâu có bà chị ruột lên thăm anh, chị cũng nghèo nên chủ yếu là thăm em thôi, quà cáp là ít lạng mè, đâu phọng và muối để anh ăn chay. So sánh với các người khác cùng cấp bực hoặc chức vụ như anh , anh thường bào “ Tớ là thằng vô sản chân chính đấy !” rồi anh nói thêm “ Chỉ có điều tớ đếch tin vào chủ nghĩa Marx nên mới bỏ quê lên tỉnh và vào Nam thôi.” Anh em ở chung trại Z30A với nhau gần 6 năm đến giữa tháng 2 1988 chúng tôi mới được thả ra về. Anh trở về tạm trú nhà bà chị ở gần cầu Công Lý. Tôi có đến thăm anh đôi lần. Anh bảo anh sẽ lên chùa Vĩnh Nghiêm để tu tập trong khi chờ đợi ra đi. Sau đó ít lâu thì anh vào chùa.
Tôi sang Hoa Kỳ theo HO 11 vào năm 1992 còn anh hình như năm 1998 mới qua. Anh định cư tại San Diego còn tôi ở San Jose. Hai anh em trao đổi thơ từ, điện thoại thường xuyên thăm hỏi. Lúc này anh cho biết có một số bạn bè muốn bỏ tiền ra mua một khu đất, dựng chùa để anh trụ trì. Rồi có khi anh tâm sự, cái nghiệp của mình còn nặng quá chắc là chưa tĩnh tâm để làm được điều gì cho ra hồn. Bởi vì như anh thường nói, không làm điều gì thì thôi, làm là phải làm cho tới nơi tới chốn.
Năm 1999 anh có lên San Jose chơi và đến ở chung nhà với một người quen ở đường Rincon. Từ đó mỗi buổi sáng khi tôi băng qua Park Morgan đi bộ là gặp anh và anh Khiên, người quen chung của cả hai chúng tôi. Câu chuyện lúc nào cũng rôm rả về nhiều đề tài khác nhau. Anh bảo ước nguyện hiện giờ của anh là anh muốn qua Úc để tìm gặp lại gia đình và hai đứa con. Anh Khiên hứa sẽ tìm cách liên lạc với bạn bè bên ấy để tìm địa chỉ của chị và hai cháu giúp anh.
Bẵng đi một thời gian khá lâu, tôi không nhớ rõ vào năm nào, hình như năm 2001 hoặc 02 gì đó, anh bất ngờ đến thăm tôi tại nhà. Trông anh khác hẳn. Anh gầy xọm đi và gương mặt hốc hác. Tôi giật mình, “ Chuyện gì đã làm anh thất thần như thế? “ Anh lặng buồn không nói ngoài một câu gọn “ Moi có qua Úc rồi, vẫn không gặp được hai đứa con. “ Anh Khiên nói chêm vào “ Nhìn thấy bà xã đi chợ nhưng không hỏi chuyện được. Còn con có nhìn thấy đôi lần nhưng cũng không nói được điều gì!”Tôi biết câu chuyện tình cảm gia đình này đã gây cho anh một cơn shock tâm lý quá nặng thành ra tôi tránh không muốn động tới nữa. Tôi rủ anh lên khu Lion Plaza để ăn trưa và đi dạo. Kéo anh vào nhà sách Tự Do tôi bảo anh “ Anh Tường ạ, em rất kính trọng anh và không biết phải nói với anh như thế nào. Nhưng theo em, anh vẫn thường nói với em cái gì thuận duyên mới hết, cái gì nghịch duyên thì còn. Anh cũng thường nói về thiền và cách cất bỏ gánh nặng trên vai của mình để mà bước đi cho thênh thang nhẹ gánh. Giờ em mong anh sẽ cất được gánh nặng ấy trên vai mình mà thung dung bước. ” Sau đó tôi đề nghị anh chọn một cuốn sách mà anh thích để tôi mua tặng anh làm duyên tri ngộ. “ Anh đã chọn cuốn Dòng sông thanh tẩy của Krisnamurti . Điều bất ngờ ấy làm tôi nhớ lại ngày trước khi tôi lên máy bay ra đi tôi đã tặng anh cuốn Giải trừ kiến thức cũng của tác giả này. Trước khi chia tay, ngồi nhâm nhi ly cà phê trong lòng chợ anh bảo tôi “ Trước đây cậu hay hỏi tớ làm sao mà lận đận quá vậy phải không? “ Tôi cười : “Ừ, thì thấy anh cũng vào tù ra khám cách mạng rồi từng trải kinh qua các binh chủng khét tiếng rồi học hành thủ khoa liên tục mà chẳng thấy anh giữ một nhiệm vụ gì cho ra hồn thì hỏi chơi vậy thôi.” Anh bảo “ Cậu có tin là con người có cái số không? Tôi bảo tôi tin. Anh nói “ Hồi đảo chánh 1960, mình là sĩ quan trực sư đoàn dù, nên có chút động chạm với ông Viên. Từ đó ông ta cứ thấy mình đâu là…đì sát ván. , cũng may mà trận Bình Định ông Thiệu gắn lon cho moi rồi gởi giấy tờ về TTM hợp thưc hóa chứ nếu không thì sức mấy! “ . Qua bạn bè thân quen với anh, tôi còn được biết trong cuộc đảo chính bất thành năm 1960, anh và một số đồng đội bị bắt và bị giam chung cùng một số các chính khách quốc gia khác. Chính trong dịp này, anh chiếm được cảm tình của rất nhiều chính khách lúc đó, đặc biệt là cựu tổng thống Phan khắc Sửu. Năm 1963 sau ngày cách mạng thành công, anh được tha về, cũng chính trong thời gian này, anh được cụ Sửu mai mối và đứng ra làm chủ hôn cho anh.Tôi bảo nếu đúng như thế thì anh xui thiệt, tôi cũng bị đì dữ lắm nhưng may mắn là mấy ông đì tôi làm những chức sinh sát nhỏ hơn và trớ trêu là các ông ấy thường…tiêu trước tôi nên không kịp đì sát ván được! cả hai anh em cười vui vẻ. Đất nước mình nó vậy. Cuộc đời nó vậy. Bởi nếu không thì làm gì cần đến một ông trời để chúng ta kêu mỗi khi bất đắc ý !
Sau này tôi nhìn thấy anh trong bàn chủ tọa của hội tập thể Cựu chiến sĩ QLVNCH chiếu trên Tivi trong ngày lễ ra mắt, hình như anh ở trong ban giám sát thì phải. Khi thấy hình ảnh anh tôi thầm nghĩ, anh chắc hẳn đã tìm lại được nguồn vui trong hoạt động.
Bẵng đi mợt thời gian lâu tôi điện thoại cho anh theo số anh cho ở San Diego nhưng chẳng ai bắt phone. Tôi để lại lời nhắn vài lần mà cũng chẳng được anh hồi âm. Rất lâu sau đó, bỗng tôi được phone của anh. Anh bảo tớ mới đi Việt nam về, rồi anh khoe anh đã trở về quê anh ở Thái Bình thăm lại bà con chú bác, những người thân anh đã rời xa kể từ hồi 1955 khi anh đi học sĩ quan. Giọng anh cũng u buồn khi nói tới trong thời gian đó, anh bị strock nhẹ phải nhờ bà con đưa đi chữa trị tại bịnh viện Bạch mai Hànội. Anh bảo, lúc mình ngất ngư như vậy mà cậu em khi muốn đưa mình vào phòng cấp cứu khẩn cấp đã phải xì ra hai chục đô mới được chấp thuận. Tôi nói với anh chuyện đó là chuyện bình thường ở bên ấy mà, báo chí Việt nam cũng đăng hà rầm có gì lạ đâu. Anh Nói : “Điều mình muốn nói ở đây chính là thái độ của tay bác sĩ chìa tay ra nhận tiền của chú em mình. Hắn coi đó như là một thứ thủ tục phải như thế, nhận một cách không xấu hổ gì cả! So ra với cái danh trí thức mà mình vẫn thường hiểu và gắn cho những người như hắn, chính điều ấy làm cho mình lợm giọng và buồn thôi! Có lẽ đất nước này tiêu thật rồi ! “.
Bẵng đi một thời gian lâu sau đó, khi nói chuyện qua điện thoại với anh, anh bảo tôi,” Tớ lại sắp đi lang thang ngao du một thời gian, khi nào về sẽ cho cậu biết.” Anh vẫn thế, quảng giao và chân thành, kín đáo và nhiệt tình với bạn bè là những đức tính của anh. Anh thu mình sống trong một nội tâm sùng sục sôi với những ước vọng mong luôn làm đẹp cho người và chấp nhận những bi lụy cay đắng cho riêng anh. Rồi tôi cũng nghe tin anh đã được cô con gái út vốn là một phi công Úc, trong một dịp tu nghiệp tại Hoa Kỳ có tìm đến thăm anh, còn cậu con trai bác sĩ thì không nghe nói đến. Tôi tự nhủ, thôi thế cũng là một phần thưởng cho anh lúc cuối đời. Bởi vì tôi vốn biết, các con của anh luôn là nỗi bận tâm duy nhất của anh trong lúc này. Anh hình như luôn cố gắng để nói với các con cuả mình rằng anh chẳng có lỗi gì cả, anh luôn trân qúy và thương yêu chúng còn hơn cả bản thân anh nữa. Tổ quốc, trách nhiệm, đồng đội và gia đình, những ràng buộc ấy luôn giằng xé anh trong những giây phút anh ngồi đơn độc một mình. Tôi cũng có nghe nói đến trong những giờ phút sinh tử của Miền nam trong tháng 3 1975 khi anh từ Bình Định trở về Sàigòn anh được bổ sung về Sư đoàn 5. Tại đây anh bám sát đơn vị ngày đêm mà quên đi một gia đình đang cần anh lo toan trong lúc xáo trộn. Điều này khiến cho vợ anh giận dữ bất mãn và đó là lý do khiến chị sau khi cùng hai con vượt biên sang Úc Châu đã không còn liên lạc với anh nữa! Thực hư câu chuyện thực tình tôi không rõ, vì như tôi đã nói, chuyện gia đình anh là một ám ảnh không vui và tôi mỗi lần tâm sự với anh đều luôn né tránh nhắc tới.
Ngày 3 tháng 1 vừa qua, được email của Bùi Quyền cho biết anh bị stroke trở lại và ở một khu nursing home taị Half Moon Bay. Những định sẽ có một ngày lên thăm anh nhưng rôì bịnh thấp khớp hành liên tục, lái xe đi xa không được nên cũng chưa có dịp trong lòng cứ áy náy mãi. Hôm qua ngày 5 lại được mail của Phạm Tín An Ninh cho biết anh đang nằm ở Burn center phòng 3 lầu 4 bịnh viện Bascom. Hai vợ chồng tôi vôị đến thăm anh ngay.
Nhìn anh nằm bất động trên giường, đôi mắt nhắm nghiền như chìm trong giấc ngủ say. Ngoài một nùi những dây nhợ giăng mắc khắp người là một ống hơi oxygen ngậm trong miệng.Anh thở dốc như một người đang leo đèo. Chiếc máy monitor theo dõi nhịp tim và mạch đập yếu ớt lên xuống. Vẫn khuôn mặt đầy đặn và cương nghị. Anh như đang cố vượt qua ngọn núi cuối cùng trước khi bay vào hư vô.
Nhìn anh rồi nghĩ lại những bạn bè đồng đội của mình, những người lính chiến VNCH một thời lăn lóc trên các chiến trường. Những cống hiến cho đất nước và dân tộc một thời chưa đủ xa để trôi vào lãng quên. Nhìn anh đang nằm đây một mình, rất cô đơn nhưng bình thản, bỗng dưng tôi thấy lòng chùng xuống, xót xa. Hào quang của một đời sống hùng sống đẹp vẫn không thể soi tỏa hết những bóng đen bi lụy của kiếp nhân sinh phiền não. Tôi nghẹn ngào biết là sắp phải vĩnh biệt anh, người anh tôi kính trọng và ngưỡng mộ. Thắng bại, nhục vinh là chuyện của thế gian. Thế hệ chúng ta đã làm tròn nghĩa vụ của mình một cách trong sáng và hào hùng. Thế là đủ. Nhìn hình dáng anh nằm thở gấp, nét mặt điềm tĩnh tươi tắn kia, tôi hình dung một cách chim bằng đang cố gắng dồn hơi lấy sức lần cuối cùng trước khi từ đỉnh cao bay lên, bỏ lại cái giả tạm xác thân như một chiếc áo cũ, để cho phần tinh anh còn lại bay vút lên trời. Ở trên đó chắc chẳng còn phiền muộn vương vấn gì nữa. Chỉ toàn là bạn bè, những người như anh đã cùng xả thân chiến đấu và dốc lòng với dân tộc, giống nòi.
Song Vũ
(CựuTrung Tá Ngô Văn Xuận, Trung Đoàn Trưởng 44/SĐ 23 BB)
===================================
======================================================
No comments:
Post a Comment