Nguyên Huy/Người Việt
WESTMINSTER (NV) - Vào ngày Chủ Nhật, 16 tháng 1 tuần này, Hội Hải Quân Cửu Long sẽ tổ chức “Ngày Hoàng Sa” để kỷ niệm trận hải chiến Hoàng Sa, lúc 11 giờ trưa tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt Mỹ theo nghi lễ quân cách.
Cựu Hải Quân Vũ Ðình Thọ trong Hội Cửu Long giới thiệu Hộ Tống Hạm HQ 10 Nhựt Tảo thu nhỏ, một trong những chiến hạm của HQ/VNCH tham dự trận hải chiến với Hải Quân Trung Cộng được trưng bầy trong một cuộc triển lãm vào Ngày Hoàng Sa năm ngoái.
Ðồng thời buổi lễ cũng nhắc đến tinh thần chiến đấu bảo vệ đất nước trong bất cứ hoàn cảnh nào của người lính VNCH.
Từ khi Trung Cộng công khai tiến chiếm hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, sáp nhập vào làm tỉnh Nam Sa của họ, Cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là các cựu chiến binh Hải Quân QLVNCH, hàng năm lại nhắc đến trận hải chiến Hoàng Sa vào đầu năm 1974 giữa Hải Quân VNCH và Hải Quân Cộng Sản Trung Quốc.
Nhắc đến trận hải chiến này, theo những tài liệu được Hải Quân VNCH viết ra cũng như một số những bài viết được phổ biến trước 1954, người đọc đều rút ra được cái tinh thần bảo vệ đất nước của người lính VNCH dù trong hoàn cảnh rất bất lợi cho mình, phía địch mạnh hơn gấp bội và phía bạn thì dứt khoát bỏ mặc cho đồng minh chiến đấu đơn độc.
Phó Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại, vị tư lệnh Hải Quân vùng I vào thời gian ấy đã cho biết trong một buổi gặp gỡ với các cựu chiến binh VNCH vào năm ngoái rằng: “Ðánh giá tình hình phía cố vấn, tôi thấy rõ rệt hiện trạng Hoàng Sa ngay từ đầu năm 1974. Người bạn mình không để cho mình tham dự vào việc thương lượng, bàn tính cái gì cả mà mình (trong hòa đàm Paris), Tổng Thống Thiệu hoàn toàn trong bóng tối. Nếu ông đã biết cái điều gì thì chưa chắc ông đã có cái quyết định một cách lẹ làng như vậy (trong vụ Hoàng Sa). Là vì ông đã có cái phản ứng của người quân nhân, một vị quốc trưởng là phải giữ đất, không để cho mất một tấc đất nào. Chính ông cũng nói ngay trong buổi họp cũng vậy là vì ổng nói đúng ra là không phải vì chủ quan mà chính là làm cái bổn phận của một nguyên thủ quốc gia. Theo nhận định của người ngồi trong phòng họp, của một thuộc cấp thì tôi thấy ổng phản ứng rất là tự nhiên, phản ứng một cách theo nguyên tắc chứ không cân nhắc vì tình hình quốc tế. Nếu không thì ổng đã giải thích rồi. Ổng nói với tôi là nhiệm vụ của anh là thấy tầu lạ tới anh phải báo cáo là anh vô nhà tôi mời anh ra, không ra thì bắn trước mũi tầu cho người ta biết mà vẫn không ra thì phải tiêu diệt.”
Vẫn theo lời vị tư lệnh này thì khi phía tầu của HQ/VNCH ra lệnh bắn trước mũi tầu Trung Cộng thì một vị hạm trưởng có cho biết bây giờ tầu của hai bên quá gần nhau, 4 chiếc nằm trong thế răng lược, nếu bắn trước mũi tầu địch có thể trúng chiến hạm của mình, thành ra Tư Lệnh Hồ Văn Kỳ Thoại đã nghĩ rằng trước sau gì cũng nổ súng thôi, chi bằng mình nổ súng trước thì sự thiệt hại sẽ ít hơn là để họ bắn trước.
Kể về tình hình căng thẳng lúc bấy giờ, Cựu Ðề Ðốc Hồ Văn Kỳ Thoại kể tiếp:
“Tôi đến bên tổng thống nói nhỏ với ông là tình hình nó như vậy đó, thì tổng thống nói 'thôi được rồi bây giờ anh Thoại đi về đi, chuẩn bị thuyết trình cho tôi ngày mai 8 giờ sáng tôi sẽ qua Bộ Tư Lệnh duyên hải.' Ðêm đó tôi đã phải thức tới 3 giờ sáng để tìm lịch sử về Hoàng Sa, về hiện tình lực lượng địch và hiện tình lực lượng ta. Sáng hôm sau, tổng thống tới cùng các tướng lãnh, tôi đã thuyết trình. Nghe xong tổng thống lấy giấy bút viết. Ổng viết lâu lắm đến 15, 20 phút. Trong phòng họp êm ru, không ai biết ông viết gì. Xong, ông nói anh Thoại ra đây, đứng trước mặt tôi này và ông bảo tôi đọc cho kỹ, chỗ nào không hiểu thì hỏi ngay, không để sau lại thắc mắc hiểu lầm. Tôi đọc thấy cái phần đầu làm tôi hơi khó chịu vì dòng chữ bự ở trên rằng 'Chỉ thị cho tư lệnh vùng I Duyên Hải'. Phần dưới nơi trang thứ ba thì phải, mới chỉ thị cho thủ tướng chính phủ.
“Tôi ngạc nhiên là sao không chỉ thị cho tư lệnh Hải Quân hay cho tư lệnh vùng. Tôi nghĩ ổng chỉ thị thẳng cho tôi vì ổng là tổng tư lệnh có quyền chỉ thị thẳng mà không cần qua hệ thống quân giai. Tôi vẫn thi hành dù rằng sau này có ra Tòa Án Quân Sự cũng sẽ là mình. Ðọc xong, tôi nói tôi hiểu. Ổng day qua hỏi các tướng lãnh có ý kiến gì không, mọi người êm ru. Lúc ấy ông tổng thống có nói một câu mà nhiều người nay còn nhắc tôi, đó là câu ‘không để mất một tấc đất.’
“Ðêm hôm đó tôi có nói tình hình với Ðại Tá Ngạc lúc ấy là hải đội trưởng đang đi thăm các chiến hạm và tình hình nhân viên, nhiên liệu chứ ông không là người chỉ huy tác chiến. Tôi cũng gọi về hỏi tư lệnh Hải Quân là Ðề Ðốc Trần Văn Chơn rằng: 'Bây giờ tổng thống chỉ thị như vậy thì tôi sẽ gửi thêm hai chiến hạm nữa ra và sẽ ra ngoài đó chỉ huy 2 chiến hạm này'. Ðề Ðốc Trần Văn Chơn bảo tôi: 'Anh chờ tôi ra đã rồi mình tính.' Tôi mới nhờ ông Ngạc ra thăm các chiến hạm. Bữa cơm tối đó chỉ có tôi với ông Ngạc.
“Chúng tôi tâm tình chuyện gia đình ít phút rồi nói đến tình hình và diễn tiến công việc thì ông Ngạc có hỏi tôi là tư lệnh có cần tôi không thì tôi mới nói nếu anh tình nguyện thì hãy xuống đi với 4 chiến hạm ra Hoàng Sa coi tình hình ra sao còn không, anh ở lại cũng không sao. Ông Ngạc có nói tư lệnh bảo thì tôi đi, linh tính báo cho tôi biết là sẽ nguy kịch. Chúng tôi tâm sự với nhau về tình hình này, bắn cũng chết mà bỏ chạy cũng chết vì tổng thống đã chỉ thị rõ ràng. Tôi có nói với ông Ngạc là 'anh ra, cố gắng ôn hòa đừng có nổ súng vội.' Khi ông ra tới nơi ông thấy tình hình khiêu khích cố tình của địch thì ông có gọi về nói: 'Trước sau gì nó cũng sẽ nổ súng, hiện súng của chúng đã chỉa thẳng vào tầu mình rồi trong khi chúng làm đủ mọi hành động khiêu khích.' Tôi nói: 'Anh đã sẵn sàng chưa, nếu xong thì anh cứ tự do khai hỏa.' Trong máy, ông xin tắt máy khi chiến đấu, thì tôi đã nghe thấy tiếng nổ liên hồi cùng lúc ông báo về 'đã khai hỏa!' Sau đó là im lặng đến rùng rợn. Một hồi sau, tin về cho biết tầu bị trúng đạn nặng có thể bị chìm. Tôi có bảo anh em cố cho tầu ủi vào bãi san hô để chiếc tầu nằm cho có dấu vết nhưng tầu mới đến cách bờ 1 hải lý thì chìm hẳn.”
Trong khi đó thì bạn đồng minh Hoa Kỳ có thái độ như thế nào thì cựu đề đốc cũng cho biết: “Mỹ họ cũng biết cái vị trí của Hoàng Sa vì nó là một vị trí chiến lược quan trọng trong vùng Ðông Nam Á. Nếu nói rằng Mỹ bất ngờ hay không biết trước thì tôi không tin. Có thể Mỹ đã sẵn sàng nhường cho Trung Cộng mà có sự đổi chác nào mình không biết. Bởi vì sao, hồi còn Mỹ yểm trợ cho VNCH, Trung Cộng lại không lấy vì khi ấy chỉ có 24 Ðịa Phương Quân giữ 4 cái đảo. Việc càng rõ ràng hơn là sau cuộc hải chiến ấy, người Mỹ qua các cố vấn đã không tỏ một chút quan tâm nào đến độ làm cho tôi cũng tủi thân. Ngay cả đến nhờ cậy họ đi tìm vớt những hải quân bị lênh đênh tứ tán trên biển sau khi tầu chìm họ cũng không đáp ứng.”
Ba mươi lăm năm nhìn lại trận hải chiến Hoàng Sa, chúng ta cùng ngậm ngùi thương tiếc những chiến sĩ đã hy sinh trong cuộc chiến bảo vệ tự do, đặc biệt là 58 chiến sĩ hải quân trong trận hải chiến không cân sức này. Cuộc hải chiến ấy, so với thái độ của Cộng Sản VN hiện nay, cả quân lẫn dân sự, trước tình trạng Trung Cộng lấn chiếm đất đai, vùng biển và hải đảo của VN, thì đã thấy rõ bên nào, người quốc gia hay người cộng sản là những người yêu nước thực sự, dám cang cường bảo vệ từng tấc đất của ông cha chứ không vì quyền lợi cho một cái Ðảng của những người đang nắm quyền đè đầu cưỡi cổ người dân Việt.
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment