TRỜI ĐÃ SINH EVERETT SAO CÒN SINH LINCOLN
Cùng các thầy cô, các bạn bè thân hữu,
Trong một email trước đây, Huê tôi đã đưa ra tiết mục Kỳ Phùng Địch Thủ 1 giới thiệu hai nhân vật đồng (nửa) cân ngang (tám) lượng là Chu Du và Gia Cát Lượng. Hôm nay cũng ở tiết mục đó nhưng không gian, thời gian đã chuyển đến thế kỷ thứ 19 ở xã hội Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến nam bắc. Hai nhân vật chánh trong chuyện này là cựu Thượng nghị sĩ Edward Everett và Tổng Thống thứ 16 của Hoa Kỳ Abraham Lincoln. Hai đối thủ trong câu chuyện này đã không so tài trong những trận tuyến sống chết quyết liệt như trường hợp của Chu Du và Khổng Minh, tuy nhiên người ngoài cuộc có thể thấy rõ sự thắng bại. Khác với kết quả của câu chuyện trước là có mấy gallon máu của Chu Du để nhuộm đỏ lá cờ Đông Phương, câu chuyện Tây Phương có một kết quả hòa bình êm thắm hơn, người ở thế thượng phong không lộ vẽ kiêu căng và người ở vị trí lu mờ cũng chẳng cảm thấy xấu hổ thua sút (tôi không dùng chữ “thắng”, “thua” trong bài viết nầy). Tuy nhiên kết quả của câu chuyện đã để lại cho đời một bài diễn văn bất hủ xứng đáng được gọi là một tuyệt tác văn chương của một vị tổng thống ít học nhất trong lịch sử nước Hoa Kỳ.
(nguồn từ website http://en.wikipedia.org/wiki/List_of_Presidents_of_the_United_States_by_education)
1. Diễn tiến của câu chuyện:
Năm 1863, một trận chiến khủng khiếp bùng nổ ở địa điểm Gettysburg trong ba ngày từ 1 tháng 7 đến 3 tháng 7 đã vĩnh viễn thay đổi bộ mặt thị trấn thôn dã nhỏ bé này. Bãi chiến trường rộng lớn ngổn ngang thi thể của hơn 7.500 binh sĩ tử trận và mấy ngàn xác ngựa của Binh đoàn Potomac thuộc Liên bang miền Bắc (Union) cũng như Binh đoàn Bắc Virginia của Liên minh miền Nam (Confederacy). Tử khí bốc lên từ hàng ngàn thi thể đang thối rữa của binh sĩ, chiến đấu từ hai bên chiến tuyến nhưng cùng nằm xuống trên một trận địa làm cư dân thị trấn mắc bệnh nghiêm trọng, và việc chôn cất tử tế những người lính trận vong trở nên ưu tiên hàng đầu đối với cư dân Gettysburg. Theo sự hướng dẫn của David Wills, một luật sư giàu có 32 tuổi, tiểu bang Pennsylvania ứng tiền mua một khu đất rộng 17 mẫu Anh (69.000 m2) để xây dựng một nghĩa trang nhằm tôn vinh những người lính thiệt mạng trong trận đánh mùa hè năm ấy.
Lúc đầu, Wills dự định tổ chức lễ cung hiến nghĩa trang vào thứ Tư ngày 12 tháng 9 và mời Edward Everett, một người đã từng là Ngoại trưởng, Thượng nghị sĩ, Dân biểu Hoa Kỳ, Thống đốc tiểu bang Massachusetts và Viện trưởng Đại học đường Harvard làm diễn giả chính. Vào lúc ấy, Everett được xem là nhà hùng biện tài danh nhất. Trong lời phúc đáp, Everett cho biết ông không thể chuẩn bị cho bài diễn văn trong một thời gian ngắn như thế nên ông xin đề nghị dời ngày lễ, ban tổ chức đồng ý và ấn định ngày lễ sẽ được cử hành vào thứ Năm ngày 19 tháng 11.
Sau đó, Wills và ban tổ chức mới nghĩ đến việc mời tổng thống Abraham Lincoln cùng đến tham dự buổi lễ, trong bức thư mời, Wills đã viết: “Chúng tôi mong ước sau phần diễn thuyết của cựu TNS Everett thì tổng thống, với tư cách là người đứng đầu ngành hành pháp của quốc gia, sẽ chính thức công nhận khu đất này cho mục đích thiêng liêng bằng vài lời cung hiến”. Vai trò của Lincoln trong buổi lễ là không quan trọng, chỉ tương tự như tập quán mời một nhân vật nổi tiếng đến cắt băng khánh thành khai trương mà thôi.
Ngày 18 tháng 11 Tổng Thống Lincoln đến Gettysburg bằng xe lửa, nghĩ qua đêm tại nhà của Wills ở quãng trường thị trấn, tại đây ông hoàn tất bài diễn văn đã viết dang dở từ Washington (cũng có các giai thoại khác cho rằng tổng thống Lincoln đã hoàn tất bài diễn văn đơn giản của ông trên tuyến tàu lửa và viết nó trên bì thư). Vào lúc 9:30 sáng ngày 19 tháng 11, tổng thống Lincoln gia nhập cuộc diễu hành với các nhân vật quan trọng trong chánh quyền, hầu hết cư dân của thị trấn và các góa phụ tử sĩ rồi họ cùng đi đến khu đất sẽ được cung hiến.
Ước tính có xấp xỉ 15.000 người đến tham dự buổi lễ, trong đó có các thống đốc đương nhiệm của 6 trong số 24 tiểu bang thuộc Liên bang: Andrew Gregg Curtin, tiểu bang Pennsylvania; Augustus Bradford, tiểu bang Maryland; Oliver P. Morton, tiểu bang Indiana; Horatio Seymour, tiểu bang New York; Joel Parker, tiểu bang New Jersey, và David Tod, tiểu bang Ohio.
Sau những nghi thức khai mạc, nhân vật chánh Edward Everett đứng lên phát biểu trước. Vào thời điểm của 150 năm trước, con người chưa phát minh ra điện, chưa có microphones, chưa có amplifiers và chưa có speakers, những cuộc nói chuyện trước công chúng phải dựa phần lớn vào người diễn giả có một giọng nói thật rõ ràng, trong trẻo và vang dội; khán giả bên dưới khán đài phải giữ im lặng gần như tuyệt đối để lắng nghe từng tiếng từng chữ phát ra từ diễn giả. Everett với nhiều năm kinh nghiệm trong công tác cộng đồng đã biến ông trở thành một nhà hùng biện nhất trên đất nước Hoa Kỳ. Với một giọng nói vang dội, ông có thể nói không ngừng trong suốt nhiều tiếng đồng hồ khiến người nghe quên bẵng luôn cả thời gian. Cái hay của Everett ở chỗ là sau khi soạn thảo xong bài diễn văn thì ông đã nhớ nằm lòng từng chi tiết một, ông không bao giờ cầm đến những trang giấy mà vẫn có thể thao thao bất tuyệt. Một tuần lễ trước đó, Everett đã đắm chìm nhiều giờ trong những báo cáo của trận chiến, ông đã thấm nhuần từng chi tiết nhỏ của trận đánh ba ngày để có thể từng câu từng chữ diễn dịch cho khán giả của ông mường tượng được sự kinh hoàng của trận chiến. Everett trong bài nói chuyện đã đóng vai một sứ giả khuấy động sự xúc động của mọi người. Trong bài diễn văn hai tiếng đồng hồ, ông đã thành công tường thuật trận chiến và nêu đích danh kẻ thù đã gây ra tội ác này. Nhiều người trong đám đông đã sụt sùi rơi lệ. Sử gia sau này đã đánh giá và cho rằng Everett đã xuất sắc hoàn thành nhiệm vụ trong bài diễn văn gần như hay nhất trong thời chiến của ông.
Chấm dứt xong bài diễn văn, Everett ngồi xuống ̣để nhường lời lại cho Tổng Thống. Với giọng nói chậm rãi nhưng bình tĩnh, Abraham Lincoln chỉ dùng đúng 2 phút đồng hồ là làm xong nhiệm vụ đọc bài diễn từ. Bài diễn văn chỉ cô đọng lại có 10 câu (sentence) và bao gồm 285 chữ nhưng đã gói ghém lại tất cả những gì cần phải nói. Mười lăm ngàn khán giả bên dưới khán đài vừa nghe xong lời tường thuật suốt hai tiếng đồng hồ của cựu TNS Everett về một trận chiến kinh hoàng nhất thế kỷ lại tiếp tục say mê uống lấy từng chữ từng câu của bài diễn văn ngắn nhưng súc tích từ tổng thống Abraham Lincoln. Sau khi dứt lời, tổng thống Lincoln ngồi xuống và ngay lập tức tiếp nhận một tràng pháo tay gần như không bao giờ chấm dứt của quần chúng. Bài phát biểu 2 phút của ông đã trở thành một trong những bài diễn văn nổi tiếng nhất trong lịch sử đất nước Hoa Kỳ, hay còn được gọi tắt là Gettysburg's address.
2. Kết quả trận đấu.
Ngày hôm sau, diễn giả Edward Everett tức thì viết một bức thư ngắn gửi đến cho Tổng Thống Lincoln đánh giá cao tính ngắn gọn của bài phát biểu của Lincoln như sau: "Tôi rất vui nếu như tôi có thể tự đề cao mình rằng tôi đã đạt đến gần ý tưởng chính của lễ kỷ niệm trong vòng hai giờ, như là ông đã làm được việc ấy trong hai phút" (I should be glad, if I could flatter myself that I came as near to the central idea of the occasion, in two hours, as you did in two minutes)
Lincoln cũng đã đáp lời bằng một bức thư lễ độ như sau: “Trên cương vị của chúng ta ngày hôm qua, ông không thể đọc một bài diễn văn ngắn ngủi cũng như tôi thì không thể tiếp theo bằng một lời tóm lược quá dài. Tôi rất vui mừng được ngài đánh giá rằng diễn văn của tôi đã không làm hỏng một buổi lễ cung hiến quan trọng” (In our respective parts yesterday, you could not have been excused to make a short address, nor I a long one. I am pleased to know that, in your judgment, the little that I did say was not entirely a failure).
Bài diễn văn nổi tiếng chỉ vỏn vẹn trong 285 chữ, với nội dung như sau:
87 năm trước đây, trên lục địa này, ông cha ta đã khai sinh ra một quốc gia mới - một quốc gia được sinh ra trong tự do, và họ đã đề xướng một bản tuyên ngôn rằng “tất cả mọi người sinh ra đều bình đẳng”.
Giờ đây chúng ta đang bi lôi cuốn vào một cuộc nội chiến lớn lao để thử thách xem dân tộc ta hay bất cứ quốc gia nào khác được sinh ra còn có thể tồn tại lâu dài hay không. Chúng ta đã đụng độ nhau trên chiến trường rộng lớn của trận chiến. Giờ đây, chúng ta cống hiến một phần đất của chiến trường này để làm nơi an nghỉ cuối cùng cho những người đã hiến dâng mạng sống của họ để tổ quốc của ta được tồn tại. Việc làm này hoàn toàn phù hợp, đúng đắn và chúng ta phải nên làm như vậy.
Nhưng trong một ý nghĩa rộng lớn, chúng ta không thể cống hiến, chúng ta không thể hiến dâng, và chúng ta không thể thần thánh hoá mảnh đất này. Chính những con người dũng cảm, còn sống hay đã khuất, những người đã chiến đấu tại nơi đây đã làm điều mà những con người yếu đuối như chúng ta không thể làm gì thêm hơn nữa... Thế giới có thể sẽ không quan tâm và có thể cũng chẳng nhớ những điều chúng ta đang nói tại nơi đây, nhưng thế giới không thể nào quên những gì mà những con người dũng cảm đó đã làm tại đây. Đấy là cho chúng ta, những người còn sống, cần cống hiến mình cho chính nghĩa vẫn chưa hoàn tất, mà những người từng chiến đấu ở đây đã cống hiến đời mình để sự thành công của chính nghĩa ấy mau được hoàn tất.
Đấy là cho chúng ta, những người hiện diện tại nơi này tiếp nhận trọng trách đang đặt trước mặt chúng ta. – chúng ta tiếp nhận từ những người đã khuất hiện đang được vinh danh lòng tận tuỵ với chính nghĩa mà họ đã cống hiến bằng chính sinh mạng của họ – ngay tại đây, chúng ta quyết tâm không để họ chết vô ích – đất nước này, dưới sự che chở của Thiên Chúa, sẽ nẩy sinh một nền tự do mới – và chính quyền này của dân, do dân, vì dân sẽ không tàn lụi khỏi mặt đất.
“Four score and seven years ago our fathers brought forth on this continent, a new nation, conceived in Liberty, and dedicated to the proposition that all men are created equal.
Now we are engaged in a great civil war, testing whether that nation, or any nation so conceived and so dedicated, can long endure. We are met on a great battle-field of that war. We have come to dedicate a portion of that field, as a final resting place for those who here gave their lives that that nation might live. It is altogether fitting and proper that we should do this.
But, in a larger sense, we can not dedicate -- we can not consecrate -- we can not hallow -- this ground. The brave men, living and dead, who struggled here, have consecrated it, far above our poor power to add or detract. The world will little note, nor long remember what we say here, but it can never forget what they did here. It is for us the living, rather, to be dedicated here to the unfinished work which they who fought here have thus far so nobly advanced. It is rather for us to be here dedicated to the great task remaining before us -- that from these honored dead we take increased devotion to that cause for which they gave the last full measure of devotion -- that we here highly resolve that these dead shall not have died in vain -- that this nation, under God, shall have a new birth of freedom -- and that government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the earth."
3 Ảnh hưởng của sự việc.
Cuộc so tài của Everett và Lincoln chỉ ngấm ngầm mà không lộ liểu, nó không có kết quả thắng thua rõ rệt như một trận chiến hay một trận túc cầu với cúp vàng về cho người thắng cuộc. Tuy nhiên khán giả tham dự ngày lễ khánh thành nghĩa trang Gettysburg cũng như hậu thế đã nhìn thấy ngay sự "thắng bại" trong cuộc thi đấu này. Bài phát biểu của Tổng Thống Abraham Lincoln đã đi vào lịch sử và mãi mãi được khắc ghi vào trong ký ức của mọi người. Không những thế, nó đã được dùng làm bài học thuộc lòng cho trẻ em ở bậc tiểu học của toàn quốc và đối với những người lần giỡ lại những trang sử cũ, họ đều phải công nhận đó là những ý nghĩa chân chính hay còn là chân lý của cuộc chiến tranh bảo vệ tự do.
Những người sống trong xã hội miền bắc nước Mỹ trong thời gian cuộc nội chiến nam bắc đều biết đến tên tuổi của Edward Everett. Từ nhỏ, ông đã nổi tiếng là một thần đồng, tốt nghiệp đại học Harvard ở năm 17 tuổi, ông đã có sự nghiệp thành công ở cả ba lãnh vực, giáo dục, tôn giáo và quốc hội. Ông đã phục vụ năm nhiệm kỳ dân biểu, bốn nhiệm kỳ thống đốc tiểu bang Massachusetts, bốn năm làm đại sứ HK tại Luân Đôn, từng giữ chức vụ ngoại trưởng HK vào thời tổng thống Millard Fillmore, đảm nhiệm một nhiệm kỳ Thượng Nghị Sĩ 6 năm và cũng đã làm qua viện trưởng đại học đường Harvard. Ngược lại, thành tích của Tổng Thống Abraham Lincoln thì không đáng kể, là một người ít học nhất trong số những tổng thống Hoa Kỳ trong lịch sử, cọng chung lại thì thời gian Lincoln cắp sách đến trường còn chưa tới một năm. Về thành tích thì hình như cũng chỉ có một mình Abe. Lincoln chưa từng ngồi lên ghế thống đốc tiểu bang hoặc nghị viên của Thượng Nghị Viện. Ông chỉ làm dân biểu liên bang có một nhiệm kỳ. Nói cho đúng thì thành tích của Abe. Lincoln không thể nào so bì ngang hàng với học giả Ed. Everett, thế nhưng bài nói chuyện hai phút đồng hồ, 285 chữ, 10 câu nói của ông đã đánh đỗ cả một gánh học vấn của ngài cựu TNS trong trận so tài này.
Ngày nay, hình như rất ít người trên đất nước Hoa Kỳ (họa hoằng chỉ có những nhà sử học uyên bác) đọc qua, biết quá bài diễn văn thành công của Edward Everett, nhưng khi nhắc tới “Gettysburg address” thì ai ai cũng đều biết đến tên tuổi của Abraham Lincoln, các trẻ em tiểu học có thể thuộc lòng vanh vách từng câu từng chữ của bài nói chuyện này và có thể cũng vì vậy mà Tổng Thống Lincoln được những sử gia bình chọn là một trong bốn vị tổng thống vĩ đại nhất của đất nước Hoa Kỳ.
Chúng ta phải công nhận rằng cuộc nội chiến nam bắc tại Hoa Kỳ vào thập niên 1860 với bốn năm chiến tranh, hàng trăm ngàn nhân mạng hy sinh là một trong những cuộc chiến thảm khốc nhất trên thế giới. Thế nhưng cũng chính tại cuộc chiến này, mỗi một con người, bất kể là miền nam hay phương bắc, khi thân xác của họ hy sinh nằm xuống họ đều được tổ quốc vinh danh, đều được đối xử bình đẳng như một người yêu nước hy sinh vì lý tưởng (bất kể Cộng Hòa hay Liên Hiệp). Cũng chỉ có tại quốc gia nầy vết thương chiến tranh được hàn gắn nhanh nhất và tiếp theo đó là một sự phát triển kinh tế vượt bực để đưa quốc gia nầy tiến lên đến hàng cường quốc trên thế giới.
Trong khi đó ở những cuộc nội chiến khác trên thế giới, từ Liên Bang Xô Viết, Trung Quốc, Hàn Quốc, VietNam, Nam Tư thì những "anh em" trong cùng một nước, ngay cả trong cùng một gia đình nhưng khác ý thức hệ thì lúc nào họ cũng hằn học, cay cú, ăn tươi nuốt sống. Những con người đối xử với nhau không hơn một con vật. Ngay đến khi đối thủ của mình đã nằm xuống mà họ vẫn không chịu buông tha. So với tinh thần rộng rãi của người Mỹ thì những dân tộc kia cần phải mở rộng tấm lòng của họ thì mới đủ sức để ôm ấp và bao dung thế giới này.
Đây là Phạm Huê
Nguồn từ những websites:
http://massmoments.org/moment.cfm?mid=333
http://vi.wikipedia.org/wiki/Di%E1%BB%85n_v%C4%83n_Gettysburg
No comments:
Post a Comment