Hồng Quân
Cái lạnh giá chết trâu chết bò từ Phương Bắc tràn về không làm cho câu chuyện về Đại Hội toàn quốc lần thứ 11 của Đảng CSVN bớt nóng.
Từ Đại Hội tới Đại Hội, thành công lại tiếp tục thành công. Những cụm từ mà khi chưa tổ chức người ta đã sử dụng và biết chắc chắn rằng nó sẽ được nói ra khi Đại Hội kết thúc.
Trong cuộc họp báo đầu tiên ngay sau khi kết thúc Đại Hội (ngày 19/1), tân Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, nói với các phóng viên trong nước và quốc tế rằng Đại Hội đã thành công rực rỡ. Có một vài trục trặc nhỏ nhưng không đáng kể.
Ông Trọng không nhắc đến cụ thể sự trục trặc đó là cái gì nhưng có thể hiểu một trong số đó là danh sách đề cử mà Trung Ương Đảng CSVN khóa X trình Đại Hội đã có 7 trường hợp không được bầu.
Trong đó đáng chú ý nhất là trường hợp của Phó Thủ Tướng kiêm Bộ Trưởng Ngoại Giao Phạm Gia Khiêm cùng với một số vị bộ trưởng khác.
Bí mật thông tin
Người dân không được biết các thông tin và câu chuyện nội bộ của Đại Hội. Các nhà báo theo dõi cũng vô cùng ít thông tin về các cuộc họp bên trong.
Vì thế thông tin ông Trọng đưa ra về việc danh sách Trung Ương trình đã bị Đại Hội thay đổi làm cho người nghe cảm thấy vui vui và có những ý nghĩ lạc quan về không khí dân chủ của Đại Hội.
Nhiều người còn nghĩ đến một tương lai dân chủ hơn ngoài xã hội. Nhiều đại biểu có học thức, có chính kiến riêng và việc họ làm không phải hoàn toàn theo ý kiến chỉ đạo trước.
Tuy nhiên, chuyện những người không trúng cử rồi sẽ qua đi. Nhiều vị sẽ nghỉ hưu và sẽ không còn ảnh hưởng gì đến nền chính trị Việt Nam trong tương lai.
Nhưng điều sẽ còn lại và quyết định việc đưa con thuyền Việt Nam đến bến bờ nào là danh sách của những người tái cử và những người trúng cử.
Đại Hội đã bầu được 200 người vào Ban Chấp Hành Trung Ương.
200 con người được gọi là hiền tài của đất nước ấy là những ai? Già trẻ ra sao? Họ đến từ những nơi nào? Đại diện cho thành phần xã hội nào?
Đảng của giai cấp công nhân và nhân dân lao động thì đại diện của họ trong Trung Ương là những ai? Có bao nhiêu người xuất thân từ lao động?...
Và nhiều câu hỏi nữa mà người dân Việt Nam với dân số gần 90 triệu người rất muốn biết nhưng sẽ chẳng bao giờ có cơ hội để biết.
Câu hỏi không có trả lời
Ngay như Bộ Trưởng Xây Dựng Nguyễn Hồng Quân cũng không hề biết được người vừa trúng cử ủy viên dự khuyết ngồi cạnh mình, ông Trần Sỹ Thanh, Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk là ai thì nói gì đến các đại biểu khác hay dân thường ngoài xã hội?
Ông Trần Sỹ Thanh, sinh năm 1972, là Phó Bí Thư Tỉnh Ủy Đắk Lắk.
Trước khi được bầu giữ chức Phó Bí Thư cuối năm 2010 vừa rồi, ông làm Phó Tổng Giám Đốc Kho Bạc Nhà Nước Việt Nam và luân chuyển vào giữ chức Phó Chủ Tịch Ủy Ban Nhân Dân Tỉnh Đắk Lắk, một địa bàn kinh tế chính trị giàu có quan trọng ở Tây Nguyên.
Ông là cháu ông Nguyễn Sinh Hùng, Ủy Viên Bộ Chính Trị, Phó Thủ Tướng Chính Phủ, người vừa tái cử thêm một nhiệm kỳ nữa và nghe đồn sẽ thay thế ông Nguyễn Phú Trọng làm Chủ Tịch Quốc Hội vào tháng 7 tới.
Trường hợp ông Trần Sỹ Thanh có thể ít người biết đến nhưng ba trường hợp nổi bật khác cũng trúng vào Trung ương lần này phải kể đến ba ‘hoàng tử đỏ” khác.
Đó là ông Nông Quốc Tuấn, Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang, con trai Tổng Bí thư Đảng Cộng Sản Việt Nam khoá IX và X Nông Đức Mạnh.
Trường hợp thứ hai là ông Nguyễn Thanh Nghị, Phó Hiệu Trưởng Trường Đại Học Kiến Trúc Thành Phố Hồ Chí Minh, con trai đương kim Ủy Viên Bộ Chính Trị, Thủ Tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.
Trường hợp thứ ba là ông Nguyễn Xuân Anh, Bí Thư Quận Ủy Liên Chiểu, thành phố Đà Nẵng, con trai Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kiểm tra Trung Ương khoá 10 Nguyễn Văn Chi.
Không thể phủ nhận là trong số các ủy viên trung ương lần này cũng có nhiều người là con cái cán bộ lão thành -- những người được coi như khai quốc công thần, hy sinh cả cuộc đời mình cho cách mạng Việt Nam; nhưng dường như sự thành đạt của họ trên chính trường khó có thể nhận thấy sự can thiệp dìu dắt của cha họ.
Thậm chí nhiều người yêu mến còn cho rằng họ phải rất vất vả để vượt qua cái bóng của cha mình như Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng, con trai cố Đại tướng Bộ trưởng Quốc Phòng Nguyễn Chí Thanh.
Tướng Thanh đã hy sinh vài chục năm nay, khi ông Vịnh còn là trẻ con.
Thứ trưởng thường trực Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh là con trai cố Bộ Trưởng Ngoại Giao Nguyễn Cơ Thạch nhưng nhiều người thậm chí còn không biết họ là cha con.
Đứng sau Phạm Bình Minh trong danh sách trung ương có Trần Bình Minh, Phó Tổng giám đốc Đài Truyền Hình Việt Nam.
Ông Minh nổi tiếng là một nhà báo tài năng, hoạt ngôn và rất thông minh chứ ít được biết đến như con trai nguyên Tổng Giám Đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Trần Lâm, người đã treo cờ tổ quốc ở Nhà Hát Lớn Hà Nội trong ngày 19/8/1945.
Hay một trường hợp khác là bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y Tế.
Bà Tiến bắt đầu nổi tiếng khi được nhắc đến là Viện Trưởng Viện Pasteur Thành Phố Hồ Chí Minh khi dịch cúm gia cầm xảy ra ở Việt Nam cách đây vài năm chứ ít được biết đến với tư cách cháu ngoại cố Tổng Bí Thư Hà Huy Tập.
Chủ nghĩa xã hội hay chủ nghĩa gia đình trị?
Còn bao nhiêu ‘hạt giống đỏ’ trong Trung Ương lần này? Bao nhiêu người là con cán bố lão thành, những người sẽ tiếp nối sự nghiệp cách mạng của cha ông mình ở Việt Nam?
Và bao nhiêu người là con cán bộ đương chức?
Nếu như trường hợp của ông Vịnh, bà Tiến và hai ông Minh không có gì để bàn luận nhiều thì trường hợp của ông Tuấn, ông Nghị và ông Xuân Anh đã được dân chúng râm ran bàn luận trước khi đại hội diễn ra.
Trước đó vài tháng ở Bắc Hàn, con trai út của nhà lãnh đạo Kim Yong-il là Kim Jong-un, 27 tuổi, được phong hàm đại tướng, mở đường cho một sự nối ngôi của gia đình độc tài họ Kim này.
Ông Trần Bình Minh gắn bó nhiều năm với ngành truyền hình
Liệu có sự liên tưởng nào giữa hai đất nước có cùng hệ tư tưởng cộng sản Marxism - Leninism này không?
Ông Nông Quốc Tuấn thuộc thế hệ 6X.
Về tuổi tác ông không hẳn là trẻ nhưng chưa chứng minh được bản thân trong khi bị chỉ trích là bất tài, năng lực thuộc loại yếu.
Ông không có học hành đến nơi đến chốn mà bắt đầu bằng việc đi xuất khẩu lao động ở Đức.
Sau khi cha của ông chuyển công tác từ tỉnh miền núi Bắc Thái về Hà Nội và thăng tiến nhanh ở thủ đô, ông Tuấn gia nhập cơ quan Đoàn Thanh Niên Cộng Sản Hồ Chí Minh, nơi cung cấp cán bộ cho Đảng.
Ông nhanh chóng được đề bạt đến chức bí thư trung ương Đoàn, một cấp hàm tương đương thứ trưởng.
Sau một hồi luân chuyển lòng vòng, nay ông là người đứng đầu một tỉnh phía bắc và có tên trong Trung Ương Ủy Viên.
Khác với ông Tuấn, hai ông Xuân Anh và ông Nghị thuộc thế hệ 7X. Họ còn rất trẻ và được học hành tử tế.
Họ được chuẩn bị để tiếp tục có vị trí cao hơn trong Đảng Cộng Sản vào nhiệm kỳ tới.
Điều này đã được nhiều doanh nhân ở Sài Gòn nhận định rằng, về mặt hình thức, Việt Nam vẫn tuyên bố đi theo chủ nghĩa cộng sản để tiến tới chủ nghĩa xã hội, một xã hội công hữu về tư liệu sản xuất.
Nhưng thực tế thì một số nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Việt Nam đang hành động theo cách ngược lại, là tư hữu hoá mọi thứ có thể cho gia đình mình.
Họ sẽ đưa đất nước theo hướng được điều hành bởi một nhóm gia đình quyền lực về kinh tế và chính trị, trong đó việc đưa con trai mình vào trung ương lần này càng khẳng đình rõ quan điểm cho rằng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ đưa đất nước theo hướng đó và gia đình ông là một trong những gia đình điều hành đất nước Đông Nam Á này.
Nếu như ở Trung Quốc, ông Tập Cận Bình, Phó Chủ Tịch Trung Quốc cho rằng đất nước nên được điều hành bởi con cái của những nhà cách mạng tiền bối thì ở Việt Nam, quan điểm này đang bắt đầu có cơ sở.
Trước khi đại hội 11 diễn ra, Tổng Biên Tập Báo Nhân Dân Đinh Thế Huynh cho rằng chỉ Đảng Cộng Sản là người lãnh đạo thành công nhiều cuộc chiến tranh cho nên chỉ có Đảng Cộng Sản mới có quyền lãnh đạo đất nước(sic).
Nhưng việc con cái các nhà lãnh đạo được chuẩn bị để tiến tới điều hành đất nước sẽ đưa đất nước này đi về đâu?
No comments:
Post a Comment