Tổng thống Obama và phu nhân đón tiếp chủ tịch Hồ Cẩm Đào (giữa) tới dự tiệc tại Nhà Trắng, 19/01/2011 (REUTERS)
Đức Tâm
Hãng tin Reuters trích dẫn nguồn tin của nhật báo New York Times, số ra ngày hôm nay, 21/01/2011, cho biết là Hoa Kỳ cảnh cáo Trung Quốc rằng Washington có thể tái triển khai lực lượng ở châu Á trong trường hợp chính quyền Bắc Kinh không kiểm soát được đồng minh Bình Nhưỡng.
Theo nhật báo Mỹ, một quan chức cao cấp trong chính quyền Washington nói rằng lời cảnh cáo của tổng thống Barack Obama nhằm thuyết phục Trung Quốc, chỗ dựa chủ yếu của Bắc Triều Tiên về ngoại giao và kinh tế - phải có chính sách cứng rắn đối với Bình Nhưỡng, thúc đẩy việc nối lại các cuộc thương lượng liên Triều.
Vòng đối thoại này có thể mở đường cho các cuộc thương lượng liên quan đến việc viện trợ cho Bắc Triều Tiên nếu nước này từ bỏ chạy đua vũ trang.
Báo New York Times tiết lộ, tổng thống Obama đã cảnh báo chủ tịch Hồ Cẩm Đào là nếu Bắc Kinh không gây áp lực đối với Bắc Triều Tiên thì Washington sẽ tái triển khai lực lượng tại châu Á nhằm tự bảo vệ, chống lại những cuộc tấn công tiềm tàng của Bắc Triều Tiên vào lãnh thổ Hoa Kỳ.
Tháng trước, tổng thống Obama đã đưa ra lời cảnh cáo nói trên trong một cuộc đàm thoại với chủ tịch Hồ Cẩm Đào. Ông đã nhắc lại điều này trong bữa ăn tối giữa nguyên thủ hai nước, tại Nhà Trắng, hôm thứ ba vừa qua.
Nhà Trắng đã từ chối bình luận về thông tin trên báo New York Times.
Tuần trước, bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates đã cảnh cáo là Bắc Triều Tiên đang trở thành một đe dọa trực tiếp đối với Hoa Kỳ và Bình Nhưỡng có thể phát triển loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa trong 5 năm tới.
Hôm qua, 20/01, Hàn Quốc đã chấp nhận lời đề nghị của Bắc Triều Tiên tiến hành đối thoại cấp cao về quân sự, một bước khai thông quan trọng trong bối cảnh khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên. Đây sẽ là cuộc đối thoại liên Triều đầu tiên kể từ sau vụ quân đội Bắc Triều Tiên nã pháo vào một hòn đảo của Hàn Quốc, làm bốn người thiệt mạng, hồi cuối tháng 11 năm ngoái.
Khi đồng ý nối lại đối thoại quân sự ở cấp cao, chính quyền Seoul cũng đề nghị tổ chức các cuộc đàm phán giữa quan chức cấp cao hai nước về vấn đề phi hạt nhân hóa. Bộ Thống nhất Hàn Quốc nhắc lại những điều kiện để tái lập đối thoại là Bắc Triều Tiên phải thừa nhận trách nhiệm của mình trong vụ chìm tàu Cheonan và vụ tấn công hòn đảo Yeonpyeong, trong năm 2010, cam kết không tái phạm, đồng thời, Bình Nhưỡng phải chứng tỏ quyết tâm muốn phi hạt nhân hóa.
Cũng trong ngày hôm qua, Hoa Kỳ đã hoan nghênh Hàn Quốc chấp nhận nối lại đối thoại quân sự với Bắc Triều Tiên và đánh giá đây là một bước tiến tích cực.
Từ cuối tháng 12 năm ngoái, Bình Nhưỡng trở nên dịu giọng hơn và liên tiếp đưa ra các đề nghị đối thoại với Seoul. Theo giới quan sát, có thể đây là kết quả của việc Trung Quốc gây áp lực, sau những cảnh báo của Washington đối với Bắc Kinh về vấn đề Bắc Triều Tiên.
Tú Anh
Một ngày sau khi được đón tiếp trọng thể tại Nhà Trắng, chủ tịch Trung Quốc cảnh báo Hoa Kỳ về "nguy cơ căng thẳng" giữa hai bên nếu chủ quyền của Bắc Kinh tại Đài Loan và Tây Tạng không được Mỹ tôn trọng. Khác với hành pháp, các nghị sĩ Mỹ đã thẳng thừng nêu hai vấn đề "nhạy cảm" trong buổi tiếp đón ông Hồ Cẩm Đào tại điện Capitol hôm qua (20/1).
Chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh là « vấn đề Đài Loan và Tây Tạng có liên quan đến chủ quyền và sự toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc » và cũng là « quyền lợi cốt lõi » của Trung Quốc. Theo AFP, Ông Hồ Cẩm Đào đã sử dụng lời lẽ cứng rắn này sau khi ông đến viếng Quốc hội Mỹ và tại đây, các vị dân cử Hoa Kỳ ủng hộ Đài Loan và Tây Tạng đã nêu hai hồ sơ nhạy cảm này.
Một mặt, chủ tịch Trung Quốc cảnh báo về nguy cơ « căng thẳng » trong quan hệ song phương, mặt khác ông tìm cách trấn an qua lời tuyên bố : « Trung Quốc không có tham vọng bá quyền, không chạy đua võ trang ».
Tại điện Capitol, các nhà đại diện dân cử Hoa Kỳ đã đặt lên bàn những bất đồng trong thương mại và nhân quyền.
Sau cuộc gặp gỡ, tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ John Boehner, thuộc đảng Cộng Hòa thuật lại là ông bày tỏ với lãnh đạo Trung Quốc mối quan ngại về tình hình thiếu tự do tôn giáo tại Trung Quốc. Ông thẩm định là « hai bên phải tiếp tụcgiải quyết những dị biệt này sao cho có lợi cho dân chúng hai nước ».
Về phần bà Nancy Pelosi, nay là lãnh đạo cánh Dân Chủ tại Quốc hội và cũng là một người thường phê phán Bắc Kinh, cho biết rằng hồ sơ Tây tạng đã được hai bên thảo luận trong cuộc gặp gỡ. Chủ tịch khối dân biểu Dân Chủ tại Hạ Viện đã nêu trường hợp của giải Nobel Hòa bình Lưu Hiểu Ba, đang lãnh án 11 năm tù với tội danh âm mưu lật đổ chế độ.
Chủ tịch Hồ Cẩm Đào cũng gặp chủ tịch khối nghị sĩ Dân Chủ tại Thượng viện là Thượng nghị sĩ Harry Reid. Hai ngày trước, Thượng nghị sĩ Harry Reid đã công khai gọi ông Hồ Cẩm Đào là « nhà độc tài »nhưng hôm qua ông đã tiếp lãnh đạo Trung Quốc tại một trong những phòng tiếp tân sang trọng nhất Thượng Viện.
Một lần nữa, những hồ sơ thuộc loại gây khó chịu cho chính quyền Trung Quốc được thảo hai bên thảo luận : Nhân quyền, Bắc Triều Tiên, Iran, Soudan,quan hệ với Đài Loan và tiền tệ … Theo lãnh đạo nhóm đa số dân chủ tại Thượng Viện thì các cuộc đối thoại này « hữu ích ».
Tuy nhiên theo AFP, các dân biểu Mỹ vẫn dứt khoát chỉ đích danh Trung Quốc là thủ phạm gây khó khăn cho nền kinh tế Mỹ đặc biệt là trong lãnh vực chế biến. Từ khi mở cửa thị trường cho Trung Quốc, lãnh vực hàng biến chế của Mỹ đã mất 50% việc làm.
Hồi đầu tuần, ba Thượng nghị sĩ Mỹ thông báo tiếp tục nỗ lực vận động thông qua một dự luật trừng phạt Trung Quốc đã cố ý kềm giá đồng nhân dân tệ để hỗ trợ xuất khẩu cạnh tranh bất chính. Nhiều dân biểu than phiền chính quyền Trung Quốc không bài trừ nạn làm hàng giả, hàng nhái.
Thượng nghị sĩ Bernie Sanders tỏ ra ngạc nhiên khi thấy những bức tượng bán thân của tổng thống Obama, làm tại Trung Quốc được bày bán trong một viện bảo tàng New York. Ông đặc câu hỏi với giám đốc viện bảo tàng này : phải chăng là công nghiệp biến chế của chúng ta đã xuống cấp đến mức thảm hại như thế sao ?
Tuy nhiên, do một phần nhu cầu của Trung Quốc, một phần để « vượt lên trên » những xung khắc thương mại này, phái đoàn Chủ tịch Hồ Cẩm Đào đã ký hàng loạt hợp đồng lên đến gần 50 tỷ đôla. Còn hồ sơ Đài Loan và Tây Tạng , theo cảnh báo chủ tịch Trung Quốc,có liên quân đến « quyền lợi cốt lõi » của Bắc Kinh.
http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20110121-cac-nghi-si-my-chi-trich-chu-tich-trung-quoc-tren-ho-so-dai-loan-va-tay-tang
No comments:
Post a Comment