Giờ đây Hoa Kỳ lại mời độc tài toàn trị qua Washington thắt cổ mình.
Trung Quốc và Hoa Kỳ - Thế và Lực
Việt Long và Nguyễn Xuân Nghĩa, RFA
2011-01-19
Chủ tịch Trung Quốc chính thức thăm viếng Hoa Kỳ trong chuyến đi được Tổng thống Mỹ mô tả là quan trọng nhất từ 30 năm nay, kể từ chuyển đi lịch sử của lãnh tụ Đặng Tiểu Bình thăm nước Mỹ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama bắt tay với Chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trong cuộc họp báo chung tại Phòng Đông của Nhà Trắng ở Washington, DC, ngày 19 tháng 1 năm 2011.
Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh
Email bản tin này
Hiển nhiên vấn đề kinh tế là một vấn đề quan trọng trong lịch trình thăm viếng của nhà lãnh đạo Trung Quốc. Việt-Long tìm hiểu về hồ sơ này cuộc trao đổi cùng nhà tư vấn kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa.
Vị trí tương xứng?
Việt Long: Xin kính chào ông Nguyễn Xuân Nghĩa. Chủ tịch Hồ Cẩm Đào chính thức thăm viếng Hoa Kỳ trong bốn ngày. Khác với lần trước vào năm 2006, lần này, có lẽ ông được đón rước trọng thể hơn, nhưng quan hệ giữa hai quốc gia lại có nhiều vấn đề khá gay gắt, trong đó tất nhiên là có hồ sơ kinh tế. Để dễ theo dõi diễn biến của chuyến thăm viếng và những mâu thuẫn trong hồ sơ kinh tế, chúng tôi đề nghị ông trình bày về bối cảnh của vấn đề.
Dù mới chỉ bằng 40% của Mỹ thì cũng vượt qua Nhật từ năm ngoái để thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, nếu kể về mệnh giá của đồng bạc.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Nói về bối cảnh, tôi xin trình bày sự thể khách quan trước, sau đó sẽ nói về các vấn đề riêng của từng nước, rồi mình mới đề cập tới hồ sơ kinh tế giữa hai quốc gia.
Trước hết, Hoa Kỳ là siêu cường Á châu từ 60 năm nay, đã buôn bán với châu Á nhiều hơn với châu Âu từ gần ba chục năm nay. Với dân Mỹ, đại lục địa này là vùng địa dư chiến lược cho quyền lợi quốc gia, nơi mà họ đầu tư trực tiếp nhiều gấp rưỡi tổng số đầu tư ngoại quốc của tất cả 24 nước Á, kể cả Nhật Bản, Hong Kong hay Úc Đại Lợi. Hoa Kỳ cũng tiếp nhận gần 300 tỷ đô la đầu tư của các nước Á châu, kể cả Trung Quốc hiện nay thật ra chưa sánh vào đâu.
Với dân số là một tỷ 300 triệu, đông hơn bốn lần nước Mỹ, Trung Quốc có sản lượng gần 6.000 tỷ đô la. Dù mới chỉ bằng 40% của Mỹ thì cũng vượt qua Nhật từ năm ngoái để thành nền kinh tế thứ nhì thế giới, nếu kể về mệnh giá của đồng bạc. Trung Quốc là một cường quốc đang lên và muốn có vị trí tương xứng với thế lực kinh tế của mình, trước tiên là tại châu Á.
Việt Long: Thưa ông, như vậy, khách quan mà nói thì Hoa Kỳ là siêu cường toàn cầu và coi châu Á là khu vực chiến lược. Trung Quốc là cường quốc mới nổi và đòi có cái thế xứng đáng với cái lực kinh tế của mình, trước tiên là tại Á châu. Thế rồi, quan hệ đôi bên xoay chuyển ra sao mà sau khi giải tỏa cho Trung Quốc mở ra ngoài từ năm 1972, và cho xứ này gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới WTO 10 năm về trước, Hoa Kỳ lại thấy Trung Quốc là vấn đề?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Lý do thì có rất nhiều. Lãnh đạo Trung Quốc cho là mình có cái thế kinh tế và cái quyền chính đáng sau khi xứ sở bị lụn bại trong hơn một thế kỷ và bị liệt cường sâu xé. Tinh thần "tự kỷ ám thị" truyền thống khiến họ cho rằng các nước khác - nhất là Mỹ - có ý đồ thù nghịch khi đòi họ phải tuân thủ những nguyên tắc hành xử có thể thu hẹp khả năng của họ.
Lãnh đạo Mỹ thuộc cả hai đảng thì trông đợi Trung Quốc là cường quốc biết điều và cùng thế giới tham gia giải quyết các vấn đề lớn của địa cầu nên muốn hợp tác trong tinh thần tích cực đó. Từ mấy năm nay, họ thấy sự thể lại không tốt đẹp như vậy, nhất là khi Hoa Kỳ còn mắc bận vào trận chiến chống khủng bố thì Trung Quốc trở thành ngang ngược hơn.
Quốc hội Mỹ có nêu vấn đề, như Bắc Kinh thiếu thiện chí hợp tác trong nhiều hồ sơ của thế giới, từ việc giải trừ nguy cơ nhiệt hoá địa cầu tới việc can gián các chế độ gây bất ổn, như Iran tại Trung Đông và Bắc Hàn tại Đông Bắc Á hay nguy cơ nội chiến tại Sudan. Đã chẳng hợp tác, Bắc Kinh còn tìm lợi thế riêng khi khai thác sự bất ổn do các chế độ ấy gây ra, lẫn lợi dụng diễn đàn quốc tế, kể cả Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc, để cản trở cộng đồng thế giới. Bên trong, Bắc Kinh chà đạp nhân quyền và đàn áp các khu vực như Tân Cương, Tây Tạng. Bên ngoài, Bắc Kinh bành trướng thế lực quân sự để uy hiếp các nước Á châu và còn trực tiếp đe dọa quyền lợi Mỹ bằng các nghiệp vụ tình báo, phá hoại mạng lưới điện toán, tuyên truyền và xuyên tạc.
Loại vấn đề ấy khiến quan hệ đôi bên căng thẳng và thượng đỉnh bị trở ngại cho tới khi lãnh đạo hai nước đồng ý là phải gặp gỡ, dù để nói ra chuyện bất đồng. Lần này người ta cho rằng có ít ra năm đề mục then chốt sẽ phải được thảo luận. Thứ nhất là nhân quyền, thứ nhì là Bắc Hàn, thứ ba là Iran, thứ tư là đối thoại về quân sự và thứ năm mới là hồ sơ kinh tế.
Mâu thuẫn
Việt Long: Bây giờ, bước qua hồ sơ kinh tế và tiến vào loại vấn đề chủ quan của hai nước, thưa ông, mâu thuẫn ở đây là gì?
Mỹ và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc neo giá đồng bạc của họ vào Mỹ kim theo tỷ giá quá thấp làm hàng Trung Quốc thành quá rẻ nên thực tế là cạnh tranh bất chính.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Nguyễn Xuân Nghĩa: Trước hết là vấn đề ngoại hối, nhưng không chỉ có chuyện ấy.
Kinh tế Hoa Kỳ có sức tiêu thụ trị giá hơn 10.000 tỷ đô la một năm và là thị trường nhập khẩu số một của thế giới. Trung Quốc là nước xuất khẩu số một và bán cho Mỹ hơn 290 tỷ đô la hàng hóa mà chỉ mua có hơn 70 tỷ, nhờ đó đạt xuất siêu mạnh với Hoa Kỳ và càng ngày càng nhiều.
Từ năm năm nay, Hoa Kỳ thấy đó là vấn đề và yêu cầu Bắc Kinh chấm dứt việc neo giá đồng bạc của họ vào Mỹ kim theo tỷ giá quá thấp làm hàng Trung Quốc thành quá rẻ nên thực tế là cạnh tranh bất chính. Vì bị áp lực, Bắc Kinh có điều chỉnh tỷ giá đồng bạc, mà chỉ được vài năm và lên chừng 20% thì kinh tế thế giới bị Tổng suy trầm 2008-2009 nên lại trở về nếp cũ là định giá đồng Nguyên rất thấp để xuất khẩu dễ hơn hầu kinh tế của họ khỏi suy sụp. Do đó, Quốc hội Mỹ mới gây áp lực suốt năm ngoái và lần này, vấn đề ngoại hối sẽ lại được đặt ra.
Việt Long: Ông nói hồ sơ kinh tế không chỉ có chuyện ngoại hối, tức là còn vấn đề khác? Thí dụ như việc Trung Quốc nay đã thành chủ nợ của Mỹ và than phiền về chính sách kinh tế Hoa Kỳ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: Quả là có vấn đề này thật, nhưng chỉ là ấn tượng xoay thành chính trị.
Sau nhiều năm xuất siêu và gom vào dự trữ ngoại tệ nay đã lên tới 2.850 tỷ đô la, Trung Quốc quả là cho Mỹ vay tiền và nắm trong tay hơn 900 tỷ đô la Công khố phiếu Hoa Kỳ, chưa kể hơn 450 tỷ đầu tư vào hai doanh nghiệp bán công là Fannie May và Freddie Mac. Vì vậy, lãnh đạo xứ này nghĩ là ta nắm dao đằng chuôi và trên thế mạnh đó có thể gây áp lực về nhiều chuyện khác. Kể cả đòi triệt hạ Mỹ kim và đưa đồng Nhân dân tệ lên loại ngoại tệ dự trữ. Nhưng sự thật nó lại rắc rối hơn vậy, vì cái thế của Trung Quốc chưa thể bằng cái lực của Mỹ!
Ta biết Hoa Kỳ mắc nợ cỡ 14.000 tỷ đô la, trong đó nợ công chúng là hơn 9.000 tỉ, phần còn lại là chính phủ nợ nhà nước! Phân nửa khoản 9.000 này là nợ nước ngoài; phân nửa số ngoại trái hơn 4.000 tỉ đó là nợ các nước Á châu, là hơn 2.000 tỷ. Khoản nợ với Trung Quốc chưa bằng phân nửa số đó, tức là chỉ ở khoảng 10% tổng số nợ của Mỹ với công chúng mà thôi.
Thật ra, nếu đầu tư cách khác mà an toàn và có lời hơn thì Bắc Kinh đã chẳng mua Công khố phiếu Mỹ. Khốn nỗi, thị trường trái phiếu Mỹ có mức lưu hoạt và có độ sâu và rộng nhất so với các thị trường khác, kể cả thị trường lớn hơn mà kém giá trị là Nhật Bản. Vì vậy Bắc Kinh cho Mỹ vay thì vẫn an toàn hơn cả, nhưng vẫn gây ấn tượng, tức là làm ra vẻ, cứu giúp nước Mỹ.
Thứ nữa, Mỹ kim vẫn là ngoại tệ phổ biến nhất, sử dụng cho 40% lượng giao dịch toàn cầu và chiếm 70% số dự trữ ngoại tệ của các nước trên thế giới nên vẫn duy trì được thế đứng của nó ít ra vài chục năm nữa. Trong khi ấy, đồng Nhân dân tệ chưa thể là ngoại tệ giao hoán phổ biến và càng khó là ngoại tệ dự trữ khi chưa được trao đổi tự do, với giá trị lên xuống theo quy luật cung cầu. Muốn như vậy thì Bắc Kinh phải thả nổi đồng bạc, như các nước yêu cầu từ lâu mà họ không dám làm! Tựu trung thì đây chỉ là chuyện tuyên truyền của lãnh đạo để ru ngủ dư luận người dân ở nhà về thế lực của quốc gia và để dọa nạt những người ít hiểu biết ở bên ngoài. Thật ra, tranh chấp kinh tế giữa hai nước nằm ở chỗ khác.
Đồng tiền mạnh
Việt Long: Vậy theo ông thì mối tranh chấp đó là gì khi mà Chủ tịch Hồ Cẩm Đào vừa trả lời báo Washington Post và New York Times đại kháo rằng thời đại mà đồng mỹ kim thống trị nền tài chính thế giới bây giờ đã chấm dứt?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Sau nhiều thập niên tiêu thụ nhiều mà tiết kiệm ít đi, Hoa Kỳ lại bị nạn Tổng suy trầm 2008-2009 và năm qua gây bội chi quá lớn rồi vay mượn quá nhiều. Vì vậy, nước Mỹ đang bước vào chu kỳ điều chỉnh để chi tiêu dè xẻn hơn hầu còn trả nợ. Và phải xuất khẩu nhiều hơn, hết nhập khẩu dễ dàng như trước. Đó là một lẽ khách quan. Khi Tổng thống Obama ban bố quốc sách xuất khẩu vào tháng Ba năm ngoái, với chủ trương là bộ máy công quyền phải yểm trợ các doanh nghiệp tăng gia xuất khẩu, Bắc Kinh coi đó là điều cực bất lợi. Lý do là kinh tế Trung Quốc vẫn còn quá lệ thuộc vào xuất khẩu và vào thị trường nhập khẩu Hoa Kỳ.
Trong bối cảnh bất trắc đó, Trung Quốc lại e sợ là đà tăng trưởng năm nay có thể giảm, chỉ còn hơn 8%, là điều rất nguy vì sẽ gây ra thất nghiệp và động loạn xã hội. Đã vậy, xuất khẩu năm nay có lẽ chỉ tăng 10% thay vì 30% như năm ngoái. Vì đôi bên đều cần bán hàng nhiều hơn nên yêu cầu đối nghịch về ngoại thương đưa hai quốc gia này vào mọi loại tranh chấp kinh tế.
TQ không tôn trọng những cam kết về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cản trở doanh nghiệp My đầu tư vào Hoa lục trong khi vẫn nâng đỡ và trợ cấp doanh nghiệp.
Ô. Nguyễn Xuân Nghĩa
Ngoài vấn đề ngoại hối, hai bên cùng tranh cãi tội vi phạm quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và phía Hoa Kỳ còn khiếu nại nhiều chuyện. Như Trung Quốc không tôn trọng những cam kết về việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cản trở doanh nghiệp My đầu tư vào Hoa lục trong khi vẫn nâng đỡ và trợ cấp doanh nghiệp của mình một cách bất chính. Vì những mâu thuẫn chằng chịt và phải nói là sinh tử cho cả hai, tôi trộm nghĩ là thượng đỉnh kỳ này sẽ không thể giải quyết được hết và kết quả là sẽ gây căng thẳng cho quan hệ giữa hai nước trong năm nay.
Việt Long: Câu hỏi cuối, thưa ông, Chủ tịch Hồ Cầm Đào sẽ về hưu sau Đại hội 18 trong hai năm tới, cũng là khi Tổng thống Obama lại tái tranh cử, vào năm 2012 đó. Vì vậy, hai người phải chứng tỏ là mình có đạt thành quả gì từ Thượng đỉnh này chứ?
Nguyễn Xuân Nghĩa: - Tôi nghĩ là có. Ông Hồ Cẩm Đào có nhu cầu tuyên truyền về thành quả với dân chúng và nhất là thuyết phục các lãnh tụ khác ở nhà về sự cứng rắn của mình khi đi Mỹ. Với dư luận Mỹ, ông cũng cần phô bày thiện chí hợp tác của Trung Quốc. Ông ta vận dụng các doanh nghiệp Mỹ đang làm ăn tại Hoa lục để nói tốt cho Trung Quốc; hứa hẹn nhiều hợp đồng lên tới cả chục tỷ để chiêu dụ doanh gia Mỹ; sẽ thăm một hãng sản xuất phụ tùng có vốn đầu tư Trung Quốc tại Chicago để nói tới sự đóng góp của Trung Quốc cho kinh tế và công nhân Mỹ, sẽ nói tới hy vọng hợp tác để phát triển công nghệ sạch, v.v... Nhưng kể về thực lực thì phần đóng góp đó của Trung Quốc chưa có gì đáng kể và thua xa nhiều nước Á châu khác, từ New Zealand nhỏ xíu tới Đài Loan, Ấn Độ, Nam Hàn đến Úc hay Nhật.
Phần mình, Tổng thống Obama có nhu cầu chứng tỏ sự ôn hoà nhũn nhặn của mình, nhưng khó chờ đợi gì hơn từ phía Bắc Kinh về chuyện kinh tế. Trong khi về an ninh, ông không thể nhượng bộ gì thêm khi mà đảng Cộng Hoà đã chiếm thế mạnh trong Quốc hội và đòi hỏi một lập trường cứng rắn hơn với Bắc Kinh về các hồ sơ an ninh và quân sự. Vì vậy mà thượng đỉnh này sẽ có ấn tượng hào nhoáng tưng bừng, nhưng khó san bằng những dị biệt giữa hai nước.
Việt Long: Xin cảm tạ ông Nguyễn Xuân Nghĩa.
No comments:
Post a Comment