Một trực thăng quân đội trên bầu trời thủ đô Cairo ngày 31/01/2011 nhằm kiểm tra việc chấp hành lệnh giới nghiêm.
Reuters
Thanh Phương
Các chế độ độc tài thường cai trị bằng sức mạnh, hoặc là dựa trên cảnh sát hoặc dựa trên quân đội hoặc trên cả hai lực lượng. Chẳng hạn như ở Việt Nam, quân đội không phải là trung thành với Tổ quốc, mà là « trung với Đảng», như khẩu hiệu vẫn thường thấy.
Khác với chế độ Ben Ali ở Tunisia coi trọng cảnh sát hơn, chế độ Hosni Mubarak ở Ai Cập dựa hẳn vào quân đội, cho lực lượng này được hưởng rất nhiều ưu đãi. Bản thân ông Mubarak cũng xuất thân từ binh nghiệp (trước đây ông là tướng không quân).
Cách đây vài ngày, khi thấy tình thế trở nên nguy cấp hơn cho sự tồn vong của chế độ, Tổng thống Ai Cập đã triển khai quân đội, thay thế hoàn toàn lực lượng cảnh sát, để đối phó với phong trào biểu tình ngày càng lớn mạnh. Đồng thời ông đã chỉ định hai viên tướng và cũng là hai nhân vật thân cận vào hai chức vụ chủ chốt, đó là tướng Omar Suleiman, Phó tổng thống và tướng Ahmed Shafig, Thủ tướng. Dẫu sao thì ông Mubarak nay chỉ còn chỗ dựa cuối cùng là quân đội.
Trong những ngày qua, trên bầu trời thủ đô Cairo, chiến đấu cơ F-16 gầm rú liên tục, trực thăng bay lượn suốt ngày, nhưng đó chỉ là sự biểu dương sức mạnh có tính chất răn đe. Trên thực tế, ngay từ hôm qua, quân đội Ai Cập đã tỏ cho thấy là họ sẽ không nổ súng vào dân, qua những cử chỉ thân thiện với người biểu tình.
Đến tối hôm qua, quân đội Ai Cập ra tuyên bố nói rõ là họ sẽ không sử dụng vũ lực đối với người biểu tình. Bản tuyên bố nhấn mạnh, « Quyền tự do phát biểu một cách ôn hòa được bảo đảm cho tất cả mọi người. Quân đội rất hiểu tính chính đáng của những đòi hỏi của nhân dân Ai Cập và sẽ chu toàn trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc và công dân ».
Cho tới nay, dưới con mắt người dân Ai Cập, quân đội là một định chế « sạch », không mang tai tiếng tham nhũng nhiều như trong chính quyền Mubarak. Trên thực tế, như đã nói ở trên, giới quân sự Ai Cập vẫn được hưởng nhiều đặc quyền đặc lợi và các sĩ quan quân đội sống với thu nhập rất thoải mái.
Trong điều kiện như vậy, dĩ nhiên là quân đội Ai Cập muốn giữ nguyên trạng, chứ không ủng hộ việc dân chủ hóa hay thay đổi chế độ. Nhưng nếu ra tay đàn áp biểu tình để bảo vệ Mubarak, thì quân đội Ai Cập sẽ mất đi tính chính đáng và sự ủng hộ của dân chúng.
Khi tuyên bố dứt khoát không nổ súng vào người biểu tình và công nhận tính chính đáng của những đòi hỏi dân chủ, quân đội Ai Cập có vẻ như đã chọn đứng về phía nhân dân, tuy rằng chưa hoàn toàn bỏ rơi Mubarak.
Theo một số nhà phân tích, để thoát khỏi tình thế nan giải hiện nay, quân đội có thể ủng hộ một tiến trình chuyển tiếp do chế độ Mubarak dàn xếp, theo như yêu cầu của Hoa Kỳ, tức là vừa bảo đảm ổn định vừa mở cửa chính trị. Tổ chức Human Rights Watch hôm nay cũng ra thông cáo nhấn mạnh rằng quân đội Ai Cập có một «trách nhiệm lịch sử » để bảo đảm tiến trình « chuyển tiếp hòa bình đến dân chủ ».
Thái độ của quân đội trong những ngày tới tùy thuộc phần lớn vào tầm mức của phong trào biểu tình. Phong trào này chắn chắn sẽ còn lớn mạnh hơn nữa, bởi vì do không còn sợ bị đàn áp, người dân Ai Cập sẽ lại càng rầm rộ xuống đường cho đến khi nào lật đổ được chế độ Tổng thống Mubarak.
http://www.viet.rfi.fr/quoc-te/20110201-quan-doi-ai-cap-ung-ho-nhung-doi-hoi-dan-chu-cua-nguoi-bieu-tinh
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment