Nhân dân và xã hội chủ nghĩa
Bình Luận
Cuộc cách mạng hoa lài, tiếp tục càn quét độc tài tại Trung Đông. Lãnh đạo CSVN luôn biện minh rằng tình hình Trung Đông khác xa Việt Nam, cuộc cách mạng dân chủ này sẽ không ảnh hưởng gì đến cơ chế lãnh đạo độc tài tại nước nhà.
Nghiên cứu kỹ, chúng ta nhận thấy có nhiều điểm tương đồng đáng lưu tâm, nhất là sự lạm dụng các cụm từ “nhân dân” và “xã hội chủ nghĩa”.
Trước đây chúng ta đã so sánh hai chính thể độc đảng tại Syria và Việt Nam. Trong khi quốc hiệu Việt Nam là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, thì đảng duy nhất được cầm quyền tại Syria là đảng Phục hưng Xã hội Chủ nghĩa Á Rập. Việt Nam có điều 4 hiến pháp hiến định hóa sự độc tôn của đảng, thì Syria có điều 8 hiến pháp, hiến định hóa sự độc tôn của đảng Phục hưng Xã hội Chủ nghĩa Á Rập. Đảng CSVN dàn dựng Mặt trận Tổ quốc để làm cơ sở ngọai vi củng cố quyền lực, thì đảng Phục hưng Xã hội Chủ nghĩa Á Rập cũng dàn dựng Mặt trận Cấp tiến để làm công việc tương tự. Đảng CSVN thần tượng hóa Hồ Chí Minh để củng cố độc tài, thì đảng Phục hưng Xã hội Chủ nghĩa Á Rập thần tượng hóa hai cha con Hafez Al-Assad và Bashar Al Assad hầu đạt mục tiêu tương tự.
Cụm từ “xã hội chủ nghĩa” phát xuất từ Liên Xô, điều 4 và điều 8 hiến pháp nêu trên cũng được sao chép từ điều 6 hiến pháp Liên Xô.
Vào giai đọan CSVN và các nhà độc tài Syria du nhập các mánh khóe cai trị bằng khẩu hiệu “xã hội chủ nghĩa” và điều 6 hiến pháp Liên Xô, họ đã kỳ vọng rằng chế độ độc tài của họ sẽ muôn năm trường cửu. Nhưng thiên bất dung gian, đảng Phục hưng Xã hội Chủ nghĩa Á Rập tại Syria bắt đầu lung lay trước cao trào dân chủ.
Liên bang Xô viết không phải là mô hình duy nhất để các nhà độc tài học hỏi. Tại quốc gia Trung Đông Libya, nhà độc tài Gaddafi nghĩ rằng việc đánh cắp thêm một số danh từ của cộng sản Trung Quốc sẽ đem lại sự trường cửu cho chế độ, chúng ta thấy quốc hiệu của Libya rất dài dòng là “Nhân dân Á Rập Libya Đại Xã hội Chủ nghĩa” (Great Socialist People's Libyan Arab Jama hiriya). Gaddafi có sáng kiến sử dụng cả cụm từ “nhân dân” phát xuất từ Trung Quốc, lẫn cụm từ “xã hội chủ nghĩa” phát xuất từ Liên Xô.
Trong khi Trung Quốc dưới thời Mao Trạch Đông có cuốn “sách nhỏ màu đỏ” (little red book), tóm lược những tư tưởng chỉ đạo của họ Mao, thì Libya dưới sự cai trị của nhà độc tài Gaddafi có cuốn “sách màu xanh” (green book), nói lên tư tưởng chỉ đạo của Gaddafi, bao gồm quan điểm về quyền lực nhân dân, xã hội chủ nghĩa, nhà nước nhân dân và ý thức hệ Hồi giáo.
Qua một sắc luật năm 1972, Gaddafi giải tán và cấm các đảng chính trị họat động. Chính quyền Gaddafi rất đơn giản, chỉ bao gồm lập pháp là một “Đại Hội đồng Nhân dân” (General People’s Congress) gồm đại diện của 2,700 hội đồng nhân dân địa phương. Hành pháp thì có một “Tổng Ủy ban Nhân dân” dưới quyền lãnh đạo một Tổng bí thư. Hai cơ cấu này cũng thuộc bộ phận nhân dân.
Tuy nhiên thực quyền nằm trong tay một “Hội đồng Lãnh đạo Cách mạng” dưới quyền điều hành trực tiếp của Gaddafi. Hội đồng này không lệ thuộc vào sự bầu cử hay đề cử của các bộ phận nhân dân. Cho đến hôm nay, Gaddafi nắm quyền tuyệt đối, với tư cách là nhà lãnh đạo cách mạng.
Có thể nói rằng, Gaddafi nắm quyền lực lâu vì ông ta học hỏi rất nhiều từ mô thức của Liên Xô lẫn Trung Quốc. Tại Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam và các nước cộng sản khác, tuy các cuộc bầu cử là độc đảng nhưng ít ra cũng được dàn dựng có hình thức hẳn hoi. Ngay cả tại Syria, Ai Cập, Yemen cũng thế, nhưng tại Libya thì Gaddafi chơi bạo hơn nhiều. Kể từ khi đảo chánh và cướp chính quyền, tại Libya chưa bao giờ có việc đi bầu.
Gaddafi quả thật là một học trò xuất sắc của các nhà độc tài tiền bối, như Hitler, Stalin, Lenin, Mao Trạch Đông, Kim Nhật Thành, Hồ Chí Minh và Fidel Castro.
Các chế độ độc tài dù tinh vi đến đâu cũng sẽ có ngày sụp đổ. Phe kháng chiến Libya đã giành được hơn phân nửa đất nước miền Ðông, họ đang tiến quân về thủ đô Tripoli. Tòa án hình sự quốc tế ngày 28 tháng 6 vừa qua đã chính thức ra lệnh truy nã và bắt giam Gaddafi, cùng con trai của ông là Saif Al Islam và trùm công an quân đội là Abdullah Senussi về tội danh chống nhân loại, liên quan đến các thành phần đối lập chính trị.
Nhân lọai ngày nay đã trưởng thành. Một chế độ xã hội chủ nghĩa mà đầy rẫy bất công, một lực lượng võ trang nhân dân mà "hèn với giặc, ác với dân" sẽ không có chỗ đứng trong lòng dân tộc.
Thế kỷ 21 là ngày tàn của các chế độ mạo danh “nhân dân”, hoặc "xã hội chủ nghĩa”, hoặc cả hai. “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Xô Viết” đã cáo chung, “Nhân Dân Á Rập Libya Đại Xã Hội Chủ Nghĩa” đang bị quần chúng đạp đổ. Ngày cáo chung của chế độ “Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam” không còn xa.
Đà Giang
21/7/2011
No comments:
Post a Comment