Bài mới "Đảng Cộng Sản Xử Đảng Dân Chủ" về vụ án ngày 20/1/2010, xin gởi đến quý vị rất mong được phổ biến rộng rãi.
Kính
Nguyễn Quang Duy
Đảng Cộng Sản Xử Đảng Dân Chủ.
Nguyễn Quang Duy
Ngày 1/6/2006, ông Hoàng Minh Chính ra thông báo phục họat đảng Dân chủ Việt Nam . Đảng này được thành lập năm 1944 trong thời kỳ chống Pháp, có lúc đã phát triển đến 3 vạn đảng viên. Đảng quy tụ những người không tin theo chủ nghĩa cộng sản và được xem là đảng anh em với đảng Cộng sản cho đến ngày bị giải tán năm 1988. Đến năm 1992, bằng điều 4 Hiến Pháp, Đảng Cộng sản chính thức tuyên bố chế độ độc quyền tòan trị.
Đảng Dân Chủ phục họat chủ trương công khai hoạt động, tôn trọng luật pháp, cộng tác và đối thoại với đảng Cộng sản. Trong suốt 3 năm họat động, ông Trần anh Kim và anh Nguyễn Tiến Trung là hai đảng viên được nhiều người biết đến. Anh Nguyễn Tiến Trung khi gia nhập quân đội đã chính thức khai là đảng viên đảng Dân chủ và hãnh diện tuyên bố thi hành nghiã vụ để quân đội trở nên đa đảng.
Giữa năm 2009, an ninh cộng sản được lệnh “bắt khẩn cấp” một số đảng viên đảng Dân chủ gồm Luật sư Lê công Định, và các ông Trần anh Kim, Trần Huỳnh Duy Thức và Nguyễn Tiến Trung. Một đảng viên khác ông Võ Kevin Huân cũng bị bắt, nhưng nhờ có quốc tịch Hoa Kỳ đã được thả và trục xuất ngay sau khi bị bắt. Riêng trường hợp Luật sư Lê công Định ngay khi bị bắt, ngày 13/6/2009, ông đã bị cả hệ thống truyền thông đảng Cộng sản liên tục công kích và kết án, xem như đầu tầu vụ án.
Xét ra ông Định một luật sư trẻ, có khả năng tranh tụng quốc tế, có công việc vững chắc, đầy triển vọng tương lai. Ông đã phổ biến một số bài viết ôn hòa nhưng dứt khóat đòi hỏi những thay đổi về chính trị và pháp lý. Nhiều bài được đăng trên các báo phát hành tại Việt Nam . Ông cũng tham gia đòi xét lại vụ nhà cầm quyền cộng sản cho phép Trung Quốc khai thác bauxite Tây Nguyên và tranh luận về chủ quyền của Việt Nam trên hai đảo Hòang Sa và Trường Sa. Ông Định cũng là luật sư bào chữa cho hai Lụât sư Nguyễn văn Đài và Nguyễn thị Công Nhân, đều bị cáo buộc về “âm mưu lật đổ chính quyền”. Trong vụ án này ông Định tuyên bố “Nói về dân chủ và nhân quyền không thể bị xem là chống chính quyền trừ phi chính quyền đó chống lại dân chủ.”
Khi dư luận còn đang sôi nổi vì lệnh “bắt khẩn cấp”, ngày 17/6/2009 hình ảnh Lụât sư Lê công Định đọc bản tường trình trước ống kính đã được các đài truyền hình Việt Nam phát đi, được mang lên mạng lưới thông tin tòan cầu (internet) truyền đi khắp năm châu. Báo chí truyền thông đảng Cộng sản lại một lần nữa liên tục công kích và kết án ông.
Đến ngày 19/8/2009, đảng Cộng Sản cho phát hình "nhận tội", xin "khoan hồng”, tố cáo “âm mưu chống phá của thế lực thù địch” của một lượt 4 đảng viên đảng Dân chủ nêu trên. Vụ án đã nhanh chóng trở thành đề tài tạo dư luận và quan tâm từ mọi tầng lớp dân chúng về hiện tình đất nước. Các quốc gia Tây Phương và Tổ Chức Quốc Tế đồng thanh lên tiếng về việc làm sai trái, khủng bố, đàn áp các tiếng nói ôn hòa, của nhà cầm quyền Việt Nam.
Chỉ sau đó ít lâu, Đạo diễn Trần Uy, Phó trưởng Ban Thời sự Đài truyền hình Việt Nam, lại bị điều tra vì nghi ngờ đã dàn dựng cho vụ "thú tội" tạo cơ hội để các đảng viên đảng Dân chủ sử dụng truyền hình tuyên truyền về dân chủ, đa nguyên đa đảng, về đảng Dân chủ Việt Nam đến hàng chục triệu người Việt Nam trong, ngoài nước và dư luận quốc tế, gây bất lợi cho chính sách đối ngoại của Việt Nam.
Ngày 13/10/2009, cơ quan an ninh đã thay đổi tội danh của 4 người từ “tuyên truyền chống nhà nước” như quyết định khởi tố và họ đã nhận, sang tội danh “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân” (điều 79 Luật hình sự). Mức độ hình phạt gia tăng từ cao nhất là 20 năm cho tội “tuyên truyền chống nhà nước” lên tù chung thân hoặc tử hình cho tội “âm mưu lật đổ chính quyền nhân dân”.
Ngày 23/11/2009, Viện Kiểm Sát hoàn tất một bản Cáo trạng dài 15 trang và giao cho tòa án xét xử. Không biết từ nguồn nào mà ngay sau khi hoàn tất, bản Cáo trạng đã được lưu truyền rộng rãi trên mạng tòan cầu. Tổ chức Quốc Tế và dư luận đặc biệt chú tâm đến bản án tử hình dành cho những người Việt yêu nước, yêu tự do dân chủ. Một bản án đi ngược tiến trình văn minh nhân lọai. Tư cách và chính danh của cái goị là “chính quyền nhân dân” cũng đã được dư luận rộng rãi nhận xét. Ngược lại báo chí truyền thông đảng Cộng sản lại im hơi ngậm tiếng.
Bản cáo trạng cho thấy chứng cớ chỉ là các tư liệu, các tài liệu được sọan thảo, được thu nhặt, được thông tin và lưu trữ trên máy điện tóan. Bằng chứng và họat động chủ yếu chỉ qua không gian “ảo”, thế mà có thể “lật đổ chính quyền nhân dân” do đảng Cộng sản lãnh đạo. Thì ra đảng này quá sợ truyền thông tự do. Sợ đến nỗi, trước và trong khi xử án, đảng Cộng sản phải nhờ đến cố vấn và chuyên gia Trung quốc tiếp tay liên tục tấn công phá hoại các diễn đàn tự do như Bauxitevietnam, talawas, Vietland, doi-thoai, danlentieng, caotraodanchu, danluan, x-cafevn…
Mặc dầu bị truy tố là "người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực" cho đảng Dân chủ Việt Nam, trong Bản Cáo Trạng phần Lý Lịch khoản đảng phái chính trị cả bốn ông đều ghi rõ là "Không”. Đúng là chuyện chỉ có thể xẩy ra tại nước Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam .
Ngày 28/12/2009, ông Trần Anh Kim bị tòa sơ thẩm tại Thái Bình khép án 5 năm 6 tháng tù giam, mặc dù ông phát biểu trước tòa rằng ông không làm điều gì sai: "Tôi tham gia Đảng Dân chủ Việt Nam và Khối 8406 để đấu tranh cho tự do dân chủ và nhân quyền thông qua đối thoại hòa bình và hình thức bất bạo động."
Ngày mở phiên tòa chính 20/1/2010, cảnh sát, an ninh và dân quân đã vây kín khu vực quanh trụ sở Tòa án Nhân dân tại Sài Gòn. Trước cổng vào, an ninh kiểm tra chặt chẽ mọi người. Ngay cả phóng viên quốc tế cũng không được mang theo máy ghi âm, điện thoại, máy ảnh, máy quay phim,… chỉ được mang giấy bút. Để chắc ăn an ninh còn đặt thêm hai cổng từ, thường được dùng để khám hành khách tại các sân bay. Hai luật sư thuộc Hội Luật sư Quốc tế cùng thông dịch viên đã bị ngăn trở không được vào tham dự phiên tòa. Phóng viên đài BBC cũng không được phép tham dự. Trong khu vực xét xử, tất cả các phương tiện liên lạc đều bị nhiễu sóng, không thể sử dụng trong suốt thời gian diễn ra phiên xử.
Nguồn: AFP PHOTO/Aude Genet
Trong phiên tòa, người thân của các bị cáo, phóng viên ngoại quốc và các nhà ngoại giao không được tham dự trực tiếp. Họ phải theo dõi phiên tòa qua màn hình ở một phòng riêng. Gia đình Nguyễn tiến Trung tố cáo phòng xử đã được nhét kín nhiều đảng viên trong khu phố của họ. Những người này đều được trả 5 mươi ngàn đồng để tham dự phiên tòa. Anh Trung mấy lần quay xuống nhìn quanh có ý tìm cha mẹ, người thân, nhưng không có ai trong phòng xử. Suốt phiên xử, tiếng nói của bốn nhà dân chủ và luật sư biện hộ luôn bị kiểm duyệt không ai nghe thấy. Như vậy đủ thấy mức độ kín đáo của phiên tòa.
Ngay đầu phiên toà ông Trần Huỳnh Duy Thức đã tố cáo, trong quá trình hỏi cung, ông đã bị truy bức, nhục hình, những điều này đã vi phạm nghiêm trọng Bộ luật tố tụng hình sự. Ông Thức cho rằng tất cả các thành viên hội đồng đều là đảng viên đảng Cộng sản, việc xét xử không thể khách quan, công tâm và yêu cầu được thay toàn bộ hội đồng xét xử. Đề nghị ông Thức đã không được chấp thuận.
Trước tòa, ông Lê Công Định giải thích đảng Dân chủ Việt Nam mà ông là một thành viên chủ trương đa nguyên đa đảng và muốn mang lại một sự thay đổi trong hệ thống chính trị. Vì Hiến pháp Việt Nam bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của đảng Cộng sản, cho nên việc ông kêu gọi đa nguyên chính trị, đồng nghĩa với việc thay đổi thể chế, và vì vậy mặc nhiên vi phạm vào Điều 79 Bộ Luật Hình sự. Nói cách khác ông Định nhận vi phạm luật của đảng cầm quyền. Nguyên văn như sau “Thứ nhất xét về hành vi khách quan, luật pháp và hiến pháp của Việt Nam đã quy định và bảo vệ quyền lãnh đạo duy nhất của đảng CSVN đối với nhà nước và xã hội Việt Nam. Cho nên là những lời kêu gọi đa nguyên đa đảng mặc nhiên là muốn thể hiện ý muốn thay đổi thể chế chính trị hiện nay. Và những tổ chức nào chủ trương đa nguyên đa đảng thì như vậy là đương nhiên vi phạm vào điều 79 theo định nghĩa của điều 79 của luật hình sự. Đảng Dân Chủ Việt Nam là một tổ chức có cương lĩnh và mục đích kêu gọi đa nguyên đa đảng như tôi đã trình bày trong phiên xử sáng nay, mà tôi thì tham gia vào tổ chức này cho nên xét về phương diện hành vi khách quan là tôi đã vi phạm điều 79 của bộ luật hình sự”. Ông Định cũng tuyên bố “chưa đóng góp được gì nhiều cho phong trào dân chủ”.
Phiên tòa bỏ qua một yếu tố quan trọng: Ông Định đã tham gia đòi xét lại vụ nhà cầm quyền cộng sản cho phép Trung Quốc khai thác bauxite Tây Nguyên và tranh luận về chủ quyền của Việt Nam trên hai đảo Hòang Sa và Trường Sa. Trước đây hai tướng Vũ Hải Triều và Hoàng Kông Tư của công an Việt Nam, trước báo chí truyền thông tuyên bố ông Định bị bắt vì lý do nêu trên. Với tầng lớp cầm quyền cũng có thể đây là tội nặng nhất.
Anh Nguyễn Tiến Trung cũng xác nhận tham gia Đảng Dân chủ và sáng lập Tập hợp Thanh niên Dân chủ. Anh Trung nhận thức rằng: để đất nước nhanh chóng phát triển thì phải có dân chủ, đa đảng, do vậy anh muốn đóng góp sức mình cho đất nước. Cũng như luật sư Lê Công Định, anh Trung nhận làm như vậy là vi phạm vào Điều 79 Bộ Luật Hình sự.
Trước tòa Luật sư Đoàn Thái Duyên Hải cho biết anh Trung không biết các ông Nguyễn Sỹ Bình, Lê Công Định và Trần Huỳnh Duy Thức bàn bạc với nhau điều gì. Anh chỉ giới thiệu 3 người với nhau qua điện thư. Còn Tập hợp Thanh niên Dân chủ không có tổ chức chặt chẽ, vì họ cũng chỉ trao đổi với nhau qua các điện thư. Nói cách khác mọi việc anh Trung làm đều qua không gian ảo.
Ông Lê Thăng Long nhận tham gia “nhóm nghiên cứu Chấn” gồm 4 người: ông Trần Huỳnh Duy Thức, ông Lê Thăng Long, bà Lê Thị Thu Thu và bà Trần Thị Thu. Nhóm này chủ yếu nghiên cứu sự phát triển kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước, nhằm giúp các Cơ quan Nhà nước, tìm giải pháp khắc phục khủng hoảng kinh tế nếu xảy ra và để sửa sọan việc phát triển đất nước trong tương lai,… “Chấn kế” chỉ có mục đích làm sao biến khủng hoảng thành cơ hội phát triển đất nước và dùng chính “Đoài” (đảng viên đảng Cộng sản) để thay đổi tình hình. Nhóm này không phải là một tổ chức vì không có cương lĩnh, điều lệ, chương trình hành động.
Phóng viên đài Á Châu Tự Do, ông Trần Văn cho biết nhiều lần ông Lê Thăng Long đã làm nhiều người cười ồ vì những câu trả lời dí dỏm. Chẳng hạn ông đã “khen” Hội đồng xét xử “hay” khi hỏi vì sao ông nhận tội và giải thích sở dĩ ông làm điều đó bởi trong tù, cơ quan an ninh điều tra đã truy bức, dùng nhục hình, khủng bố tinh thần của ông. Ông yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét, xử lý hành vi đó của các điều tra viên. Ông Long cũng được Hội đồng xét xử nhắc nhở rằng, “ông là thành viên trong một gia đình có truyền thống cách mạng lâu đời” và ông Long tiếp tục làm người khác cười khi ông trả lời rằng “trước nay, ông vẫn giữ truyền thống đó”. Ông Long xác nhận không làm gì vi phạm pháp luật và yêu cầu Hội Đồng xét xử không được suy diễn tùy tiện.
Ông Trần Huỳnh Duy Thức nhận có thành lập “Nhóm nghiên cứu Chấn”. Ông Thức cho biết khi thấy đất nước gặp nguy cơ lớn việc nước là trách nhiệm của mọi công dân, chứ không phải chỉ có những người lãnh đạo đảng Cộng sản mới được tham gia vào việc nước. Ông Thức nhận có làm bài thơ “Tuyên ngôn Lạc Hồng” gồm 4 câu tứ tuyệt có nội dung mơ ước về tương lai của dân tộc, chứ không soạn thảo “Tuyên ngôn Lạc Hồng” như cáo trạng đã nêu. Ông Thức nhận chỉ quen ông Nguyễn Sỹ Bình qua điện thư giới thiệu của anh Nguyễn Tiến Trung và phủ nhận là đảng viên đảng Dân chủ. Ông bác bỏ toàn bộ bản Cáo trạng, vì cho rằng nó hoàn toàn viết theo ý của Cơ quan an ninh điều tra và Bản Luận tội của Viện Kiểm sát cũng được viết trước, không căn cứ vào diễn biến của phiên tòa. Khi luật sư Triệu Quốc Mạnh nói, trong phòng riêng và qua màn hình, không ai nghe thấy gì. Chỉ thấy, Luật sư Mạnh và ông Thức thường bị chủ tọa ngắt lời, không cho nói.
Phiên tòa cũng có một số nhân chứng như ông Lê Công Tâm, bà Bùi Thị Phương, bà Lê Thị Thu Thu, bà Trần Thị Thu. Các nhân chứng hầu như đều phủ nhận các điều tòa cáo buột cho hai ông Trần Huỳnh Duy Thức và Lê Thăng Long.
Phiên tòa kết thúc vào cuối ngày. Ông Trần Huỳnh Duy Thức bị kết án 16 năm tù và 4 năm quản chế. Anh Nguyễn Tiến Trung 7 năm tù và 3 năm quản chế. Luật sư Lê Công Định và ông Lê Thăng Long mỗi người 5 năm tù và 3 năm quản chế.
Điều 79, Bộ Luật Hình sự (BLHS) quy định: “Người nào hoạt động thành lập hoặc tham gia tổ chức nhằm lật đổ chính quyền nhân dân thì bị phạt như sau: Khỏan 1. Người tổ chức, người xúi giục, người hoạt động đắc lực hoặc gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình. Khỏan 2. Người đồng phạm khác thì bị phạt tù từ năm năm đến mười lăm năm. Theo cáo trạng luật sư Lê công Định và anh Nguyễn tiến Trung bị truy tố theo khỏan 1 “bị phạt tù từ mười hai năm” chẳng biết vì lý do gì lại trở thành “người đồng phạm” với khép án 5 năm và 7 năm. Đảng Cộng sản đã chơi lại không dám thẳng tay, vì sao vậy ? Trong khi đó Viện Kiểm Sát đề nghị xử ông Trần Huỳnh Duy Thức từ 12-13 năm lại được các đảng viên đảng Cộng sản nâng lên thành 16 năm. Có lẽ do hành động khí khái của ông đã chọc giận các quan tòa cộng sản.
Cũng vậy phải có lý do khi bắt đầu vụ án rất ồn ào thế nhưng khi xử lại rất qua loa, vội vã và kín đáo. Trong thời Cải Cách Ruộng Đất, các cuộc đấu đều được sửa sọan chu đáo. Cuộc đấu nào không thành vì một lý do gì đó đều được đem ra đấu lại. Có so sánh như thế mới nhận ra hiện tại và tương lai của đảng Cộng sản Việt Nam.
Phiên tòa kết thúc, nhưng vụ án lại chỉ mới bắt đầu. Giới truyền thông trong nước dường như tìm cách tránh né đưa tin. Giới truyền thông tự do hiểu thêm và đồng tình với cả năm nhà dân chủ. Dư luận trong và ngòai nước đều nhận ra vụ án chỉ là trong một quá trình trấn áp khủng bố của đảng Cộng sản trước Đại hội lần này. Giới ngọai giao, tổ chức quốc tế và truyền thông quốc tế thì đồng lọat lên tiếng tố cáo và tẩy chay hành động thiếu văn minh lội ngược dòng thời đại của đảng Cộng sản Việt Nam.
Chỉ một ngày sau phiên tòa, bà Hillary Clinton, Ngoại trưởng Hoa Kỳ đã trình bày quan điểm của chính phủ Hoa Kỳ về “Tự do trên Internet”. Bà lên án việc kiểm duyệt Internet, hạn chế quyền tự do thông tin và kêu gọi các công ty của Hoa Kỳ đừng hỗ trợ việc kiểm duyệt Internet. Cũng theo bà, cần phải có biện pháp trừng phạt những quốc gia và những cá nhân thực hiện các cuộc tấn công trên Internet. Bà kêu gọi giới lãnh đạo Việt Nam hãy thảo luận với những người bất đồng quan điểm, đối thoại với các blogger. Dưới nhãn quan của bà tất cả các nhà dân chủ đang trong lao tù cộng sản chỉ là các blogger. Người viết xin mở rộng đề tài này trong một bài viết khác.
Nhìn chung, trong phiên tòa vừa qua, bốn nhà dân chủ đều thuộc thế hệ trẻ, có tài năng, thuộc tầng lớp qúy tộc cộng sản và được đảng Cộng sản ưu đãi. Nhờ nhận ra bản chất của chế độ cộng sản, họ đã dấn thân cho tương lai dân tộc. Lẽ dĩ nhiên mỗi người là một cá thể độc lập, trên con đường chung mỗi cá nhân đã hành động khác nhau. Không phải chỉ riêng 4 người nói trên, còn hàng ngàn những người trẻ đã đang và sẽ tiếp tục dấn thân. Một Việt Nam Tự Do cần hằng ngàn vị lãnh đạo đất nước giữ các vai trò khác nhau. Người dân sẽ cứu xét và chọn lựa những người lãnh đạo tương lai từ tập thể đấu tranh này. Tuổi trẻ là gường cột là tương lai của Tổ Quốc Việt Nam .
Nguyễn Quang Duy
Melbourne, Úc Đại Lợi
27/1/2010
Tài liệu tham khảo chính
Nguyễn Mai Hồng, Phóng Viên Dân Chủ Việt Nam, Tường thuật chi tiết diễn biến phiên tòa xét xử 4 nhà hoạt động dân chủ.
No comments:
Post a Comment