Nguyễn Trọng
Du khách ngoại quốc thường nói Đà Lạt có một vẻ đẹp Tây Phương, nói đúng ra là một vẻ đẹp Pháp quốc. Nói như vậy vì Đà Lạt do một người Pháp tìm ra, người đó là ông Alexandre Yersin. Tên ông sẽ còn mãi với ngôi trường dạy hoàn toàn theo chương trình Pháp là Lycée Yersin, với ngọn tháp cao 54 mét vượt khỏi hàng thông xanh, đứng từ xa cũng trông thấy.
Đây không phải là ngọn tháp chuông Thánh đường mà là một kiến trúc biểu tượng cho đỉnh cao của những người có văn hóa và kiến thức.
Vật liệu để xây ngôi trường độc đáo này hầu hết được chuyên chở từ Pháp và các nước Âu Châu sang, như gạch ép để xây tường và ngói ardroise màu xanh để lớp mái (xin xem hình).
Hiện nay, chung quanh công viên trường, có nhiều tấm bia nhỏ của các cựu học sinh ở rải rác nhiều nơi trên thế giới và hàng năm họ thường rủ nhau về thăm ngôi trường cũ để nhớ lại những kỷ niệm thời niên thiếu, trong khung cảnh Đà Lạt thơ mộng đầy hoa đẹp và ngàn thông reo vi vút.
Nói vậy thì nói vì họ bị ảnh hưởng bởi lớp người thích nói tiếng Pháp và quá đề cao văn hóa Pháp, còn những ai đã từng ở Đà Lạt lâu năm như người viết, lúc nào cũng cố giữ vững tâm hồn Á Đông của con người bình dân, thì Đà Lạt, xưa và nay bao giờ cũng mang một vẻ đẹp vừa Tây Phương vừa Việt Nam. Ngoài ra, Đà Lạt lại còn thêm một vẻ đẹp lạ lùng và huyền thoại nữa là vẻ đẹp của ngọn núi LangBiang mờ mờ ảo ảo như thiên tình sử của chàng K’lang và nàng Hơbiang.
Lấy hai tên gọi nầy ghép lại với nhau đọc là Langbiang, người Việt phiên âm là Lâm Viên. Tên gọi Đà Lạt hay tên gọi Langbiang không phát xuất từ tiếng Việt và cũng không phát xuất từ tiếng Pháp, do đó quang cảnh ngoạn mục của trung tâm du lịch đẹp nhất Đông Nam Á này mang một vẻ đẹp sơn cước của một miền dân tộc thiểu số mà người Việt chúng ta không biết ngôn ngữ và cũng không quen phong tục tập quán rất khác với người Kinh chúng ta.
Vẻ đẹp độc đáo của Đà Lạt không thuần túy là vẻ đẹp cao sang của các ngôi biệt thự của người Pháp mà vẻ đẹp của Đà Lạt còn là sức hấp dẫn huyền bí của ngọn núi Langbiang, cách Đà Lạt 12 cây số.
Kể về sự tích mối tình Langbiang, có lẽ không nhà văn nào mô tả đầy đủ và tỷ mỷ như nhà văn nữ Đức Hạnh trong cuốn Bờ Vai Ân Tình, một trong 3 tác phẩm của bà. Truyện kể như sau:
Huyền thoại về anh chàng K’lang và người con gái tên Hơbiang như sau:
“Nhà K’lang và Hơbiang đều ở dưới chân núi, họ tình cờ gặp nhau trong một lần đi hái trái cây rừng. Hơbiang gặp phải thú dữ và K’lang đã dũng cảm cứu nàng thoát chết. Tuy mới lần đầu gặp mặt nhưng cả hai đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng tim, và rồi họ yêu nhau say đắm. Nhưng do lời nguyền của hai dòng họ mà Hơbiang không được kết hôn với chàng K’lang. Nhưng sau đó họ đã vượt qua tục lệ khắt khe ấy và đã tự do kết hôn. Họ dời lên đỉnh núi cao để xây tổ ấm. Chẳng may, Hơbiang lâm trọng bệnh, K’lang tìm mọi cách để chữa bệnh nhưng bệnh nàng càng ngày càng thêm trầm trọng, chàng đành quay về báo tin cho người làng biết để xin họ đến cứu chữa cho vợ. Nhưng không ngờ K’lang bị một người dương cung bắn với mũi tên có tẩm thuốc độc. Thấy thế, tuy còn yếu sức nhưng Hơbiang đã nhào ra đỡ lấy mũi tên oan nghiệt kia và nàng đã chết trong tay K’lang. Than ôi, còn gì đau lòng hơn là ôm xác người vợ hiền hấp hối trong tay. Trước khi nhắm mắt lìa trần, Hơbiang còn thều thào nói câu “em yêu anh!” rồi mới trút hơi thở cuối cùng! Nàng đã liều mình thế mạng cho chàng, cho nên chàng thương tiếc lắm! Chàng nức nở khóc than thảm thiết!... Nước mắt chàng tuôn ra thành suối mà ngày nay gọi là Đankia (Suối Vàng). Sau đó, K’lang buồn rầu héo hắt dần đi mà chết. Sau cái chết thảm thương của con gái, thân phụ nàng Hơbiang hối hận lắm! Ông đứng ra hô hào việc thống nhất hai bộ tộc thành một, có tên là K’ho. Kể từ đó, nam nữ trong hai dòng họ ấy không còn bị luật lệ khắt khe ngăn cấm nữa, họ được dễ dàng đến với nhau hơn.
Ngọn núi cao ở làng La Ngư Thượng, nơi chàng K’lang và nàng Hơbiang chết lúc bấy giờ được đặt tên là Langbiang, tên ghép của đôi trai tài gái sắc và để tưởng nhớ đến hai người yêu nhau với mối tình chung thủy.
Cách trung tâm thành phố Dalat khoảng 12 cây số về phía Bắc, thuộc địa phận huyện Lạc Dương, hai ngọn núi Langbiang cao sừng sững như một chứng tích thần kỳ! Núi có hai đỉnh nên được gọi là núi Ông và núi Bà. Người dân ở đây thường gọi là núi Bà do quan niệm về chế độ mẫu hệ. Những ngày trời nắng đẹp, đứng từ phía hồ Xuân Hương, ta có thể nhìn thấy hai ngọn núi đứng bên nhau như để che chở cho nhau. Người ta ví dãy núi ấy như người đàn bà nằm ngửa hai đỉnh núi như đôi gò bồng đảo căng tràn nhựa sống của thiên nhiên, của mạch rừng huyền bí... Con đường lên núi uốn lượn quanh co với những hàng thông reo vi vu...”
Leo lên đỉnh núi
Khi tôi còn ở Đà Lạt vào trước năm 1963, muốn lên tận đỉnh núi cao Langbiang, không có cách nào khác ngoài đi bộ. Tôi và các học sinh của tôi đã làm như vậy. Thầy trò đạp xe để ở dưới chân núi và cùng nhau leo bộ từ sáng đến trưa. Lúc đó, đỉnh núi còn trơ trọi, không có ghế ngồi mà cũng chẳng có hàng quán.
Nhưng ngày nay đã khác nhiều vì nhà cầm quyền địa phương đã biết cách khai thác du lịch để phô trương cảnh đẹp thiên nhiên thơ mộng, và cũng để kiếm tiền nuôi dân.
Ngày nay, du khách có thể thuê một loại xe hơi đặc biệt, có động cơ rất mạnh, có bốn chỗ ngồi để lên đỉnh núi. Xe chạy dốc cao một cách kinh khủng, bác tài phải giàu kinh nghiệm và nhanh trí lắm để tránh những xe từ đỉnh núi lao xuống chân núi. Nếu hai xe đụng nhau thì người và xe cùng rơi xuống vực sâu, không chết thì cũng bị trọng thương.
Trên đỉnh núi cao, ngày nay có nhiều ghế ngồi, có hàng rào chắn ngang để du khách tựa vào đó nhìn xuống Suối Vàng ở xa xa, cùng với thành phố Đà Lạt lúc nào cũng ẩn hiện trong sương mờ. Và còn nhiều hàng quán bán thịt dê nướng, thơm phưng phức.
Và trên một mặt phẳng nhỏ trên đỉnh núi, người ta đã đắp tượng chàng K’lang và nàng Hơbiang một cách rất mỹ thuật và tình tứ, tay cầm tay giữa bầu trời bao la bát ngát (xin xem hình).
Tôi và gia đình đã đứng trên đỉnh núi giờ lâu, không muốn rời chân, một phần vì khí hậu mát mẻ dễ chịu, một phần vì không muốn trở lại nơi phồn hoa đô hội với tiếng cười nói ồn ào khó chịu.
Trong hai lần về “Quê Cũ Làng Xưa” tôi đã một mình đứng lặng lẽ trên bờ biển cả hay trong những cánh đồng lúa mênh mông, nhưng không nơi đâu đẹp và thơ mộng cho bằng khi đứng trên đỉnh núi Langbiang nầy, nơi đã ghi lại mối tình đẹp như một bài thơ giữa hai người trai gái sắc tộc vùng Cao Nguyên.
Thảo nào, nhiều người đã chọn Đà Lạt để ghi lại mối tình tuần trăng mật hay để ghi lại mối tình tan vỡ, như ở Hồ Than Thở hay Đồi Thông Hai Mộ sau đây.
Hồ Than Thở
Hồ đã có từ mấy trăm năm qua, không biết bắt đầu từ bao giờ. Theo sách vở và người bản xứ kể lại thì nơi đây, thuở ban đầu chỉ là một cái hồ nhỏ, như hàng trăm chiếc hồ nhỏ vùng Cao Nguyên. Cho tới khi người Pháp tới đây phát triển thành phố Đà Lạt, họ cho xây đập chận nước từ cao chảy xuống, tạo thành một cái hồ lớn mà họ đặt tên bằng tiếng Pháp là Lac des Soupirs. Soupirs là than thở và vì thế người Việt chúng ta dịch là Hồ Than Thở. Có lẽ nơi đây có nhiều cây thông vi vút, quang cảnh chung quanh lại vắng lặng như một bãi tha ma cho nên có tưởng tượng tiếng vi vu của gió là tiếng Than Thở cũng không có gì là khó hiểu.
Khi còn ở Đà Lạt, người viết có tới thăm hồ nhiều lần, không phải vì có mối tình ngang trái phải than thở cùng mây trời sắc nước, mà than thở vì lòng nhớ miền Bắc xa xôi, nơi còn bóng mẹ già và em dại...
Hồ Than Thở nằm trên đồi cao, giữa rừng thông bát ngát, cách xa thành phố Đà Lạt khoảng 6 cây số. Nếu núi Langbiang mang một truyện tình lãng mạn và huyền bí thì Hồ Than Thở cũng mang ấn tích của một mối tình thơ mộng “anh tiền tuyến em hậu phương”, không phải của thời nay mà của thời xưa, dưới thời vua Quang Trung Nguyễn Huệ.
Theo sách “Dalat: Danh Thắng và Huyền Thoại” thì có truyền thuyết kể rằng: Bên hồ biếc, giữa núi rừng Langbiang, chiều chiều có đôi tình nhân Hoàng Tùng và Mai Nương hẹn hò kết mộng, chờ ngày nên duyên. Họ là người Việt ở miền đồng bằng theo cha mẹ lên đây lập nghiệp và gặp nhau quyến luyến như trầu với cau giữa miền Sơn qưốc này.
Năm 1879, vua Quang Trung từ Huế kéo quân ra Bắc đánh đuổi quân xâm lược nhà Mãn Thanh. Dịp này, nhiều nghĩa sĩ khắp nơi từ đồng bằng đến miền sơn cước, từ trấn Gia Định đến đất Thuận Hóa đều tòng quân tham gia đánh giặc, bảo vệ bờ cõi đất nước. Nơi vùng rừng núi Langbiang của Sơn quốc này, chàng Hoàng Tùng cũng chia tay nàng Mai Nương để đầu quân theo tiếng gọi của núi sông.
Nơi quê nhà, nàng Mai Nương ngày đêm trông ngóng bóng dáng người yêu trở về. Người không về, nhưng tin buồn lại đến: Hoàng Tùng đã hy sinh nơi chiến trường. Lòng đau đớn đến tuyệt vọng, nàng đã trầm mình trong lòng nước xanh, quyết chết theo chàng để giữ vẹn tình chung. Xác nàng được chôn cất cạnh hồ.
Mấy tháng sau, Hoàng Tùng đã không chết mà còn thắng trận trở về. Cảnh cũ còn đây nhưng người yêu đã mất, chàng đau khổ đến tận cùng nên gieo mình xuống hồ nước chết theo nàng Mai Nương để minh chứng cho lòng chung thủy sắt son”.
Câu chuyện thực hư thế nào làm sao mà biết được! Chỉ biết rằng chuyện tình rất lãng mạn và thơ mộng!...
Nguyễn Trọng
(Còn tiếp: Hồ Than Thở ngày nay)
Tác giả Nguyễn Trọng
No comments:
Post a Comment