Hop bao ... di tren le phai
Nghe
Tải xuống để lưu giữ
Họp báo ở VN khác hơn họp báo ở bất cứ nước nào trên thế giới, vì nó hoàn toàn có tính cách một chiều. Không biết rằng đây có phải là luật lệ “đi trên lề phải” do quy định của nhà nước hay là vì bản tính nể nang, tôn trọng đối tượng được phỏng vấn của các phóng viên VN. Trong phỏng vấn, thông thường thì câu trả lời có lạc đề, không hợp lý, hoặc tối nghĩa người làm thông tin ghi lại y nguyên cho mọi người cùng biết là đúng, nhưng là phóng viên thì cũng có nhiệm vụ hỏi thêm hay bổ túc để làm sáng tỏ vấn đề như trong các cuộc phỏng vấn ở các nước tự do. Đàng này, ở Việt Nam không có như thế.
Điển hình là buổi họp báo của Đại sứ TQ tại VN, Tôn Quốc Tường, vào sáng ngày 6/1 tại Hà Nội. Ông Tôn Quốc Tường đã trả lời cuộc phỏng vấn bằng những lý lẽ vu vơ, và kẻ cả, không hợp lý nhưng tuyệt nhiên không có nhà báo nào đưa ra những câu hỏi để soi rọi vấn đề.
Khi báo Tuổi Trẻ hỏi về: “chủ trương giải quyết tranh chấp biển Đông với VN”. Câu trả lời là: “Nếu điều kiện chưa chín muồi, làm cản trở cho quan hệ 2 nước, thì điều cần phải làm, là gác lại vấn đề….Chờ đợi điều kiện chin muồi, 2 bên sẽ có điều kiện giải quyết vấn đề này tốt hơn, và sẽ đưa ra phương án giải quyết hợp lý hơn….”
Đáng lẽ thì nên có câu hỏi tiếp thế nào là chin muồi ?, và khi nào thì chin muồi ? Bắn tàu đánh cá, giết ngư dân, cướp ngư sản, xâm nhập lãnh hải VN của TQ là những chuyện …còn xanh ngắt hay sao ? Chín muồi là chờ khi nào chiến hạm TQ bắn phá bờ biển Việt nam rồi điều đình giải quyết hay sao? Đây là một câu trả lời không hợp lý, vì dung túng cho TQ tiếp tục những hành động “hải tặc” trên biển đông, ngay cả trong phần lãnh hải của VN.
Với câu hỏi của Vietnamnet “đâu là thuận lợi và khó khăn trong việc giải quyết vấn đề biên giới trên biển?” Câu trả lời là: “về thuận lợi, thì hai nước đều là XHCN, do Đảng CS lãnh đạo, nên không có lý do nào mà không thể giải quyết được. …Không nên để cho vấn đề Nam Hải ảnh hưởng đến chuyện phát triển, ổn định lâu dài, bình thường của quan hệ 2 nước.”
Câu trả lời này hoàn toàn dựa trên cơ sở vô lý “đảng là nước”, và đảng CSVN là trong đảng CS Trung quốc, trên bảo dưới nghe. Thề mà các nhà báo trong nước ngồi im. Giống như chuyện đã xẩy ra năm ngoái là TQ vẽ lại bản đồ trên quả điạ cầu, cho đất TQ lấn hết miền bắc, biến hình bờ biển VN thành chữ J thay vì là chữ S.
Khi trả lời câu hỏi của báo Tiền phong về : “ cách đối xử của chính quyền TQ đối với ngư dân VN.” thì Đại Sứ trả lời: “ Một số báo chí đưa tin phía TQ đã đối xử với ngư dân VN không nhân đạo. Về vấn đề này, chúng tôi đã xác minh, kiểm tra rất nghiêm túc, nhưng kết quả cho thấy đó không phải là sự thật.”
Như vậy thì đâu là sự thật.? Các câu chuyện về TQ bắn giết, và cướp bóc ngư dân VN không phải chỉ xảy ra có một lần mà lập đi lập lại rất nhiều lần, ngay cả trong lãnh hải VN, với hình ảnh và nhân chứng là các nạn nhân rõ ràng. Các nhà báo trong nước lại cũng ngồi im. Như là nhà nước đã im lặng với lý do vì là vấn đề nhậy cảm!
Khi trả lời câu hỏi của báo Nhân Dân về: “những nét nổi bật trong quan hệ 2 nước 60 năm qua ?” thì Đại Sứ trả lời: “Đó là 2 nước đã tôn trọng nhau, hiểu biết lẫn nhau. Thứ hai là , bình đẳng cùng có lợi, tôn trọng lẫn nhau. Thứ ba là xuất phát từ đại cục, cầu đồng, tồn dị.”
Những câu trả lời hoa mỹ , đầy sáo ngữ này có thể làm cho chính quyền VN vui tai, và vui lòng, nhưng khác hẳn với những hành động của TQ đối với VN : Các ngư nhân VN vào tránh bão mà không cho, và trấn áp, tức là không đối xử với người VN như mọi con người bình thường, như là các ngư dân các nước khác.
Trả lời câu hỏi của báo Tiền phong về: “Quan hệ cấp cao giữa 2 nước có sự thỏa thuận hàng năm trao đổi viếng thăm cấp cao. Hai năm qua, VN không thấy chuyến viếng thăm của lãnh đạo cấp cao nhất TQ ?” Đaị sứ đã trả lời: “ Chúng tôi có chương trình bận rộn, vì coi VN là đồng chí, anh em, nên chúng tôi phải sang trả nợ những đối tác khác trước. Năm 2010, tôi xin hứa chắc chắn sẽ có lãnh đạo cấp cao nhất của TQ sang thăm VN.”
Với câu hỏi nâng bi, cầu cạnh, và câu giải thích “bận rộn” kể trên người ta thấy rõ cái mối tuơng quan chủ tớ giữa lãnh đạo TQ và lãnh đạo VN.
Nói tóm lại, cuộc họp báo của đại sứ TQ có một giá trị đặc biệt, là nó cho thấy cái tinh thần nô lệ của giàn phóng viên Việt nam trong nước, đóng tròn vai trò nâng banh cho viên đặc sứ toàn quyền TQ khẳng định cái tư thế chủ ông của mình.
Cuộc họp báo này, nếu được tổ chức ở các nước tự do, thi ông Đại Sứ sẽ bị chất vấn đến… bá thở. Mà nếu còn tiếp tục phát biểu ấm ớ, thì cũng có hy vọng được lãnh mấy chiếc giày vào mặt như cựu TT Bush con ở Afghanistan ngày nào.
Hoàng Thế Hiển
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment