Luật Sư Nguyễn Quốc Lân
[LTS: Trong vài ngày qua có nhiều dư luận liên quan đến bản tin từ Việt Herald liên quan đến việc Gs Nguyễn Lâm KimOanh cho rằng Ls Nguyễn Quốc Lân đã vi phạm luật Brown Act trong việc bầu các chức vụ trong Hội Đồng Giáo Dục. Bản tin có nhiều sơ sót trong cách viết bản tin của ký giả cũng như các tin tức không được chính xác. Người viết đã gởi bài viết dưới đây đến Việt Herald để trả lời về bản tin và giải thích vấn đề một cách tường tận hơn. Viet Herald đã từ chối cho đăng bài viết này. Người viết xin kính gởi đến các cơ quan truyền thông khác để giải thích vấn đề cũng như để giúp rộng đường dư luận liên quan đến vấn đề này. ]
Bản tin “Gs Kim Oanh tố cáo LS Lân ‘phạm luật’ bỏ ra khỏi phòng họp” của Ký Giả Đỗ Dzũng trên Việt Herald Daily News trong số ra ngày 7 tháng 1 năm 2010 thể hiện một bài viết đầy tính cách xuyên tạc và bôi nhọ cá nhân hơn là một bản tin của một tờ báo, cho dầu là chuyên nghiệp hay không chuyên nghiệp.
Bản tin được đăng trên trang nhất, bốn cột ngang và trải dài qua ba trang báo với đầy những hình ảnh và hàng tít lớn với những từ ngữ kích động như “tố cáo”, “phạm luật” hay “bỏ ra phòng họp” cũng như những dữ kiện bịa đặt, xuyên tạc và mạ lỵ đối với cá nhân tôi, nhưng chính ký giả hay tòa báo không hề liên lạc với tôi để kiểm chứng sự việc hay cho tôi có cơ hội trình bày khía cạnh vấn đề từ phía của tôi. Đây là một vi phạm căn bản nhất của một ký giả hay một tòa báo.
Bản tin chỉ xử dụng các dữ kiện một chiều được cung cấp bởi Gs KimOanh nhưng không hề nhắc đến các dữ kiện từ một khía cạnh khác, mặc dầu các dữ kiện đó đã có đầy đủ nếu người ký giả hiện diện tại phiên họp của Hội Đồng Giáo Dục hay biết theo dõi vấn đề. Bản tin không hề nhắc đầy đủ đến các lời tuyên bố hay thái độ của các thành viên khác trong Hội Đồng Giáo Dục khi trả lời những lời cáo buộc của Gs Kim Oanh.
Đến khi bản tin viết lại một câu nói của tôi tại phiên họp, thì lại dịch thuật một cách bóp méo và xuyên tạc, khi chỉ viết lại đơn thuần rằng “Kể từ lúc này, tôi nghĩ không thuận tiện cho tôi phát biểu gì thêm.” Sự thực là, khi trả lời câu tuyên bố của Gs KimOanh với đại ý là “nếu ông chối, tức là tôi nói dối ....,” tôi trả lời thẳng thắng rằng “Tôi xác nhận lại những gì tôi đã nói trước đây .... và tôi cảm thấy không tự làm mất tư cách của mình để trả lời hàng loạt những lời cáo buộc của cô tại nơi này (It’s too indignified to respond to a whole array of your allegations at this forum). Đây không phải là một sự thiếu xót trong khả năng dịch thuật, mà là thuần tuý một cách nói xuyên tạc và bóp méo sự việc để tránh né sự thật của ký giả Đỗ Dũng.
Ngoài việc thiếu xót có tính cách xuyên tạc của ký giả, vấn đề cần được giải thích một cách tường tận như sau để đọc giả hiểu rõ tường tận hơn.
Thiếu sót của Gs KimOanh
Là một thành viên trong HĐGD, Gs KimOanh có trách nhiệm và toàn quyền phát biểu, góp ý, lên tiếng hay biểu quyết mọi vấn đề trong phiên họp như mọi thành viên khác. Trong phiên họp hay trong lúc biểu quyết bất cứ vấn đề gì, Gs KimOanh cần phải lên tiếng đồng ý, không đồng ý, hay không ý kiến để mọi người đều biết. Nếu có dấu hiệu nào cho thấy là có thể có sự hiểu lầm, Gs KimOanh cần lên tiếng ngay lập tức, hay ngay cả tiếng đồng hồ sau đó trong cùng phiên họp. HĐGD Học Khu Garden Grove dùng phương pháp bỏ phiếu bằng cách lên tiếng nên nếu không lên tiếng thì không ai biết ý định của mình hết.
Trong trường hợp nhận thấy có sự sai lầm trong phiếu bầu, thủ tục bầu bán hay biên bản phiên họp, các thành viên đều có quyền xin điều chỉnh biên bản hay phiếu bầu của mình, hay đề nghị bầu lại hay thảo luận lại vấn đề để có thể bầu lại. Tất cả mọi thành viên đều có thẩm quyền như nhau và mọi ý kiến đều được cứu xét một cách thoả đáng như nhau. Gs KimOanh đã không thi hành bất cứ thủ tục nào trên đây nhưng lại bất thình lình sắp xếp báo chí và những người thân cận đến buổi họp HĐGD để tiến hành một tiến trình kết án hay xét xử đột kích mà không hề ai từ Học Khu được hay biết trước.
Trên thực tế, Gs KimOanh vẫn có quyền tự đề cử mình vào bất cứ chức vụ nào để các thành viên có thể tham gia bỏ phiếu chọn lựa. Không có luật lệ nào bắt buộc ai phải tín nhiệm, hỗ trợ hay tin tưởng ai hết.
Cho dầu là được tự do phát biểu, nguyên tắc dân chủ và qui luật hội đồng qui định rằng một khi vấn đề đã được biểu quyết qua bỏ phiếu, quyết định đó sẽ có giá trị thi hành và mọi người cần phải tuân theo. Nguyên tắc dân chủ không thể thực hiện được nếu mỗi khi có sự bất đồng ý kiến thì lại khiếu nại lên báo chí hay tòa án để đòi hỏi thực hiện theo ý của mình.
Thực tâm của Gs KimOanh
Tôi đã xác nhận trước phiên họp là tôi chỉ thảo luận vấn đề với một thành viên là ông Bob Harden mà thôi. Còn những gì khác Gs KimOanh thấy hay tưởng tượng ra thì tôi không thể biết được. Tôi cũng đã đồng ý với các thành viên khác của HĐGD để chuyển giao vấn đề này đến luật sư của Học Khu để điều tra và thẩm định để giải tỏa mọi nghi vấn nếu có.
Thực tế là Gs KimOanh chỉ ganh tị vì HĐGD đã không hề hỗ trợ cô ta vào chức vụ Chủ Tịch hay Phó Chủ Tịch trong suốt nhiều năm qua. Mặc dầu đây chỉ là các chức vụ có tính cách tượng trưng, việc bỏ phiếu cũng thể hiện sự tín nhiệm, hỗ trợ và tin tưởng lẫn nhau. Khi nhận thấy là các thành viên khác không tỏ ra hỗ trợ mình, Gs KimOanh cần phải tự hỏi là tại sao sự tin tưởng của các đồng viện lại không có hay quan hệ của mình đối với những người khác ra sao. Không thể nào mỗi khi người khác đồng ý không ủng hộ mình thì lập tức cho rằng đó là âm mưu chính trị, phe đảng hay ngay cả kỳ thị.
Đây không phải là lần đầu tiên Gs KimOanh đã hành động như vậy. Trong nhiều năm qua kể từ năm 2005, khi đơn xin được bổ nhiệm vào chức vụ Giám Đốc Học Khu Westminster bị từ chối, Gs KimOanh đã xách động cộng đồng vào những cuộc biểu tình phản đối bằng những lời cáo buộc nghiêm trọng như là kỳ thị chủng tộc, coi thường cộng đồng hay xuyên tạc và bóp méo thành tích học vấn và chính sách của Học khu Westminster. Sau đó, Gs KimOanh còn chỉ đạo vận động một cuộc bầu cử thất bại để đưa người của mình vào Hội Đồng Giáo Dục Học Khu Westminster cũng với những lập luận hay cáo buộc xuyên tạc như trong thời gian vận động biểu tình. Sau khi thất bại cuộc vận động bầu cử, Gs KimOanh đã tiến hành đơn kiện Học Khu Westminter và nhiều người khác dựa trên những lời cáo buộc vu khống và xuyên tạc để đòi hỏi bồi thường đến cả triệu dollar và cả lời xin lỗi trên danh nghĩa “vì quyền lợi và danh dự của cộng đồng.” Tòa án đã nhiều lần bác bỏ đơn kiện và phán quyết rằng những lời cáo buộc đó không những là hoàn toàn vô căn cứ, mà còn có tác dụng xử dụng việc tranh tụng tại tòa án để ngăn cản những sinh hoạt hợp pháp của học khu cũng như ngăn cản các cư dân tham dự và lên tiếng vào chương trình nghị sự của cơ quan chính quyền (Strategic Lawsuit Against Public Participation – SLAPP). Các phán quyết này của tòa án cho thấy hoàn toàn không có vấn đề kỳ thị trong tiến trình tuyển chọn Giám Đốc Học Khu đối với Gs KimOanh và cộng đồng đã bị thúc đẩy vô một cuộc tranh chấp hoàn toàn vô lý. Hậu quả là những người bị kiện, kể cả Học Khu Westminster, đã phải tốn tới hàng chục ngàn dollars để chống lại những thủ tục pháp lý mà đã kéo dài đến nhiều năm cho đến nay. Cũng may là đạo luật anti-SLAPP cho phép những người bị kiện vô cớ có thể đòi bồi hoàn số tiền luật sư phí đã bỏ ra để chống lại các đơn kiện đó.
Chính vì những lý do đó, những người hiểu biết về vấn đề giáo dục hiểu rõ hơn về cá nhân Gs KimOanh, đặc biệt là về khả năng hiểu biết về chính sách giáo dục, thực tâm về vấn đề phục vụ cộng đồng hay cá nhân, cũng như khả năng sẵn sàng bóp méo sự thật để phục vụ cho mục đích cá nhân của mình. Đây là vấn đề gây kinh ngạc cho nhiều người trong lãnh vực giáo dục vì Gs KimOanh vẫn tiếp tục lớn tiếng về vấn đề danh dự, tư cách, thành tín hay can đảm nói lên sự thật khi đưa ra những lời cáo buộc người khác để biện minh cho hành động của mình.
Thực tế về Đạo Luật Brown Act
Đạo Luật Brown Act chỉ nhằm mục đích khuyến khích các cơ quan lập pháp không được họp riêng để quyết định những vấn đề của cơ quan mà không có thông báo trước với hay góp ý của quần chúng. Nếu có vi phạm những điều luật này, luật pháp chỉ yêu cầu là đừng làm như vậy nữa và có thể thảo luận hay bầu bán lại những vấn đề đã thảo luận. Mục đích của đạo luật này là để ngăn cản những thảo luận có ảnh hưởng đến quyền lợi của cơ quan chính phủ hay cử tri, đặc biệt đối với những vấn đề mà các vị dân cử liên hệ không muốn thảo luận công khai trong phiên họp có thông báo trước.
Khi các vị dân cử gặp mặt trong trong nhiều hoàn cảnh khác nhau, không thể nào giới hạn họ chỉ nói chuyện trời trăng mây nước mà không được đả động gì đến vấn đề chính quyền liên quan đến cơ quan của họ. Khi các nghị viên thành phố hay ủy viên giáo dục gặp nhau trong các dịp lễ lạc trong cộng đồng, không thể nào tránh các vị dân cử này không được đề cập đến vấn đề thành phố hay giáo dục. Việc ngăn cản này cũng giống như ngăn cấm các bác sĩ họp nhau không được nói về chuyện y khoa hay luật sư gặp nhau không được nói về chuyện luật pháp.
Trong một hoàn cảnh bị ràng buộc bởi luật lệ như vậy, mọi người vẫn cần có sự tin tưởng lẫn nhau là không phải mỗi khi có ai bất đồng ý kiến với nhau là vấn đề có thể được đưa ra báo chí hay dư luận để tố cáo nhau. Sự tin tưởng và tôn trọng lẫn nhau là một yếu tố hết sức quan trọng để các vị dân cử có thể làm việc và hợp tác với nhau trong một hoàn cảnh mà mọi người vẫn thường xuyên bất đồng ý kiến với nhau và mỗi người đều có quan điểm riêng của mình.
Vấn đề thực sự cần được đặt ra ở đây là vấn đề vi phạm Đạo Luật Brown Act hay là tín nhiệm để được bầu vào các chức vụ trong Hội Đồng Giáo Dục.
No comments:
Post a Comment