Apr 9, '10 12:12 PM
for everyone
Hình tui, chụp ngày 26/7/2009 ở Giáo phận Phan Thiết
Mới đọc cái đoạn này trên trang của Đảng CSVN:
“Đảng và Nhà nước vẫn giành phần ưu ái để nuôi dạy, giáo dục và đào tạo cho lớp trẻ, thế hệ tương lai của đất nước, mong họ có sức khỏe, có học thức để xây dựng đất nước trong hòa bình, sớm sánh bước với các nước tiên tiến trên thế giới. Trần Huỳnh Duy Thức, Nguyễn Tiến Trung, Lê Công Định, Lê Thăng Long là một trong những người được ưu ái đó. Hơn ai hết, Lê Công Định phải biết rằng, trong khi mình cắp sách đến giảng đường đại học, được ra nước ngoài học tập thì biết bao thanh niên cùng tuổi đang ngày đêm trấn giữ biên cương ở đảo xa hay lao động xây dựng những vùng kinh tế mới ở các miền núi non hẻo lánh.”
Vì vậy, tui nảy sinh ý định viết trước entry này, phòng khi tôi không có điều kiện phản biện, người ta lại thi nhau “kể công, kể ơn” với tui.
1- Suốt 16 năm đi học, tui chưa bao giờ được ăn sáng dù là chén cơm nguội rang hay củ khoai lang luộc, bởi lẽ cơm chỉ đủ ăn một ngày hai bữa mà thôi, nồi cơm nhà tui chưa bao giờ có dư cơm nguội. Tui cũng không bao giờ có tiền để vô căn-tin trường uống ly nước mát hay ly cà phê đá, tức là nhịn khát từ sáng sớm cho đến trưa tan học. Vì vậy, đừng có ai lên giọng “kể công” với tui rằng “vẫn giành phần ưu ái để nuôi dạy” hay “mong họ có sức khỏe” nghen;
2- Gia đình tui tuy mang tiếng là dân xứ ruộng “cò bay thẳng cánh” mà lại không có “cục đất cắm dùi”, sống chuyên nghề làm thợ nên không biết “làm guộng”, sau ngày 30/4/1975 đành bám vào thị xã sống vất vưởng, cơm ăn với rau muống, nước mắm cũng không có ăn đủ no, nhà tôi không phải tư sản, không đầu cơ tích trữ, không có tài sản nào để cho chính quyền mới “đánh”. Vì vậy, đừng ai lên giọng “kể công” rằng đã “ưu ái” không cho chúng tôi lao đầu vào chổ chết bằng cách “lao động xây dựng những vùng kinh tế mới ở các miền núi non hẻo lánh”;
3- Năm học lớp 12 (1986), tui làm hồ sơ dự thi nộp vào trường Sĩ quan Lục Quân 2, khoa Hải quân, cũng định ra đảo Trường Sa đó, nhưng trường không nhận với lý do Hải quân không tuyển nữ. So với ối thằng cùng học bấy giờ, không thằng nào dám nộp hồ sơ vào các trường quân sự. Vì vậy, đừng có ai lên giọng “kể công” với tui rằng “biết bao thanh niên cùng tuổi đang ngày đêm trấn giữ biên cương ở đảo xa” mà tui lại ở nhà nghen;
4- Tui thi đậu vào trường Đại học Pháp Lý Hà Nội với một bộ hồ sơ dự thi duy nhất vào một trường duy nhất, bởi lẽ tui không có tiền để mua nhiều bộ hồ sơ dự thi nộp một lúc nhiều trường như các cháu đi thi ĐH bây giờ (rớt trường này còn hy vọng vớt vát trường kia), tui mà “die” thì rớt thẳng đứng xuống luôn, hổng có chổ nào để bíu lại. Nhưng bằng kiến thức của chính tui, không mua điểm chạy thầy (tiền đâu mà mua), tổng số điểm thi dư so với điểm chuẩn của thí sinh khu vực miền Tây là 9,5 điểm, dư so với điểm chuẩn của thí sinh thành phố HCM là 3,5 điểm. Tôi không được hưởng điểm ưu tiên là con Liệt sĩ, con thương binh hay con của “gia đình có công với cách mạng” (thường gọi là điểm ngu). Vì vậy, đừng ai lên giọng “kể công” với tui là tui được “ưu ái” nghen;
5- Giấy căn cước chính quyền VNCH cấp cho cha tui trước năm 1975 ghi rõ chiều cao 1,80m, cân nặng 80 kg, nhưng cha tui chết khi chưa đầy 58 tuổi vì bệnh ho lao (một thứ bệnh trên thế giới thuộc loại dễ chữa như ăn cháo), nguyên nhân là lao lực quá sức và không có tiền lẫn không có thuốc chữa bệnh. Thời kỳ này cái gì Nhà nước cũng quản lý, có tiền mua thuốc chợ đen cũng hông có. Mẹ tui với 5 đứa con nhỏ nheo nhóc chỉ đủ khả năng nuôi một mình tui đi học bằng cách phải bán bớt ½ căn nhà vốn đã nhỏ bé có mấy chục mét vuông lấy tiền gởi lên Sài Gòn cho tui, hoặc vay bạc góp lãi cao. Bốn đứa em tui chúng nó đều thất học (chưa đứa nào học hết lớp 5 tiểu học). Vì vậy, đừng có ai lên giọng “kể công” rằng “vẫn giành phần ưu ái để nuôi dạy, giáo dục và đào tạo cho lớp trẻ, thế hệ tương lai của đất nước” với tui nghen;
6- Năm 23 tuổi, tui học xong Đại học ra trường với chiều cao 1,55m và cân nặng 36 kg dù gia đình tui có gien “voi”. So với chiều cao hiện nay của tui là 1,61m và cân nặng 57kg (vừa mất 4 kg vì tuyệt thực hồi cuối tháng 3/2010), là một sự chênh lệch khủng khiếp. Người ta nói sở dĩ tui “chậm lớn” là vì tui bị thiếu ăn. Vì vậy, đừng ai lên giọng “kể công” với tui là tui được “ưu ái” nghen;
7- Bằng tốt nghiệp Đại học của tui ghi rõ ngành học của tui là “Đào tạo cán bộ khoa Tòa án”, nhưng tui không được làm việc ở Tòa án, cũng không làm việc ở Viện kiểm sát vì tui không thân không thế. Hai cơ quan này trả lời với tui rằng “không có biên chế”, nhưng năm sau tui thấy họ thu vô hàng loạt em khác mới học xong phổ thông và đưa đi học Đại học Luật tại chức bằng tiền Nhà nước. Trong số này, tui còn nhớ 1 em gái tên Bùi Thanh Nguyên, hiện là Thẩm phán Tòa án tỉnh Bạc Liêu. Tui được mấy anh CSĐT Công an thị xã Bạc Liêu kêu tui nộp hồ sơ xin vào làm việc ở đây vì tại thời điểm này, tui là 1 trong số 3 người đầu tiên của tỉnh Minh Hải (nay tách ra Bạc Liêu và Cà Mau) có trình độ ĐH Luật, trong khi cả đội CSĐT mười mấy người đàn ông chỉ có những người vừa học xong hoặc đang học Trung học cảnh sát, chưa có ai có bằng ĐH. Thời gian thực tập ở đây, người ta thấy tui không sợ thây ma và “làm được” nên mới kêu vô. Vì vậy, đừng ai lên giọng “kể công” với tui là tui được “ưu ái” nghen;
8- Mười một năm sáu tháng công tác trong ngành Công an, từng trải qua các đơn vị Cảnh sát điều tra, Công an phường, Cảnh sát hình sự, An ninh điều tra, ở bất cứ vị trí nào, tui cũng đều được lãnh đạo và tập thể công nhận tui là “cán bộ giỏi” nhưng tui không hề giữ một chức vụ nhỏ xíu nào. Mỗi ngày tui đi làm từ nhà đến cơ quan bằng xe đạp (tui tự tay sơn). Rồi sau mười mấy năm, khi không vừa lòng, người ta viện lý do rằng lý lịch tui không tốt (dù khi vào ngành và vào Đảng đều xác minh lý lịch nhồi qua nhồi lại đến nhàu nhĩ) nên biểu tui “Tự đi kiếm chổ chuyển ngành, nếu không tìm được chổ nào thì cho nghỉ”. Quá là khôi hài, ông bà ta ngày xưa hay nói “Vắt chanh bỏ vỏ” quả không sai. Vì vậy, đừng ai lên giọng “kể công” với tui là tui được “ưu ái” nghen;
9- Tui liên hệ với các Tòa soạn báo tui thường cộng tác định chuyển ngành, mới biết hóa ra ở cái xứ sở “độc lập, tự do, hạnh phúc” này, ngay cả làm nghề phóng viên lý lịch cũng phải “đỏ 3 đời” gắt gao hơn cả tuyển Công an, bất kể anh có viết được cái giống gì hay không, cứ là “đỏ" mới được tuyển vào. Vì vậy, đừng ai lên giọng “kể công” với tui là tui được “ưu ái” nghen;
10- Thời gian còn công tác bên ngành Công an, tui biết ông Huỳnh Việt Trung- Giám đốc Sở Thương mại - Du lịch tỉnh Bạc Liêu (nay đã nghĩ hưu non) có một số “tì vết” v.v… và v.v… Tui bèn “bắn tin” qua một người quen thân của ông rằng bạn tôi tui (phóng viên) chuẩn bị đăng bài về ông. Ông Trung vội vàng cho người nhắn tin tui mang hồ sơ chuyển ngành đến ông ký nhận cái rụp để tui làm thủ tục chuyển công tác sang cơ quan ông làm Phòng Thanh tra. Hồ sơ chuyển ngành xong qua đến chổ ông thì ông Trung ì ra đến gần 6 tháng, viện lý do “không có nhu cầu” và đổ thừa cho Ban Tổ chức chính quyền (nay là Sở Nội vụ). Tui bèn đăng ký xin gặp trực tiếp ông Phan Quốc Hưng - Bí thư tỉnh ủy để khiếu nại (tui là Đảng viên) năm lần bảy lượt ông Hưng mới lệnh cho Ban Tổ Chức chính quyền và ông Trung ra quyết định tiếp nhận, phân công tác cho tui làm chức vụ thiệt bự là “văn thư” chuyên đi nhận thư và gời thư cho các cơ quan. Vì vậy, đừng ai lên giọng “kể công” với tui là tui được “ưu ái” nghen;
11- Tui cũng chẳng lấy làm phiền, có vài trăm ngàn thu nhập ổn định mỗi tháng, tui chuyên tâm viết báo kiếm thêm tiền và tiếp tục kiện lên Bộ trưởng Lê Minh Hương, Lê Hồng Anh về cái vụ “lý lịch” của tui. Tui đã kiện rất nhiều lần suốt mấy năm ròng mà không ai ý kiến ý cò, đưa ra chứng cứ gì thuyết phục được tui rằng cái lý của họ là đúng, mà chỉ có câu trả lời rất chung chung, mù mờ rằng: “Công an tỉnh Bạc Liêu giải quyết như thế là đúng”. Vì vậy, đừng ai lên giọng “kể công” với tui là tui được “ưu ái” nghen;
Chú thích: Người ta nói bác tui chiêu hồi, gây nợ máu gì đó,nhưng thực tế không phải vậy. Quý vị nào muốn biết nội dung sự việc của bác tui, xin đọc bài Dì Tôi ở đây. Bài báo này anh Võ Dắc Danh đã viết đăng báo Văn Nghệ số 21-2001 ngày 9/8/2001.
12- Thời gian tui công tác ở Sở TM-DL (phòng Quản lý du lịch), người ta thông báo với tui rằng sẽ làm thủ tục bổ nhiệm tui chức vụ Phó Phòng Quản lý du lịch,với điều kiện tui phải ghi vô lý lịch tui là bác tui chiêu hồi, có nợ máu, v.v… và v.v… Dĩ nhiên là tui không đồng ý, tui trả lời cái đó tui không biết, tui chưa thấy cơ quan nào đưa ra bằng chứng cho tui xem, vụ đó tui đang khiếu nại lên Bộ trưởng Bộ Công an. Tui hổng có ghi vô như thế được. Hơn 1 năm trôi qua, ông Trần Thanh Tòng - Trưởng phòng Quản lý du lịch (nay đã nghỉ hưu 4 năm rồi) nói với tui: “Tụi nó hổng có bổ nhiệm mày đâu, làm bộ đó. Muốn bổ nhiệm là xong từ lâu rồi, giờ này mà không đưa ra lấy ý kiến cán bộ trong cơ quan thì bổ nhiệm cái gì”. Vì vậy, đừng ai lên giọng “kể công” với tui là tui được “ưu ái” nghen;
….
Còn dài dài nhiệu chuyện khác nữa, nhưng viết đến đây tui cảm thấy hơi mệt rồi, đau lưng quá, để đó hôm khác viết tiếp.
Túm lại là tui “tự thân vận động” bằng năng lực của chính tui. Hiện nay, chỉ có người ta thiếu nợ tui chớ tui hổng có thiếu nợ ai hết. Đừng hứng ẩu lên rồi bảo rằng tui là “con nợ trốn nợ” như sinh viên Công giáo Vũ Hoàng Quang đó nghen! Chơi kiểu ấy vừa đê hèn vừa dị hợm hổng giống ai trên thế giới hết trơn á!.
Tạ Phong Tần
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment