Nam Nguyên, phóng viên RFA
2010-11-05
Đại biểu Quốc hội Việt Nam lên tiếng mạnh mẽ về những vấn đề nhức nhối của đất nước. Sự kiện này thể hiện điều gì, tại sao lại có sự chuyển biến tích cực như một sự đột phá dân chủ ở bề mặt.
Photo courtesy of na.gov.vn
Phiên họp Quốc Hội Việt Nam khóa XII ở Hà Nội
Những phiên họp toàn thể đầu tháng 11 của Quốc Hội Việt Nam ở Hà Nội được trực tiếp truyền hình và báo chí tường thuật đầy đủ, nhờ vậy cử tri và người dân lần đầu tiên được nghe đại biểu của mình đặt vấn đề tín nhiệm Thủ tướng và các thành viên chính phủ, khi họ đòi truy cứu tới cùng về vụ Vinashin sụp đổ với món nợ khổng lồ hơn 100 ngàn tỷ đồng.
Thái độ chính trị chưa từng có
Các bài báo trên Vietnam Net, Tuổi Trẻ Online thể hiện thái độ chính trị tích cực chưa từng có của một số đại biểu Quốc Hội, trong đó tiêu biểu là GS Nguyễn Minh Thuyết, ông Lê Văn Cuông và một số người khác. Được yêu cầu nhận định về vấn đề này, nhà báo Nguyễn Quốc Thái người có thời gian giữ các vị trí chủ chốt ở báo Doanh Nghiệp và tuần san Du Lịch từ TP.HCM phát biểu:
“Trước hết là lương tâm họ mách bảo họ phải lên tiếng, thứ hai là họ nghĩ có sự ủng hộ của cử tri đứng sau lưng và thứ ba là trong tình hình chung ở Việt Nam hiện nay.
Ô. Nguyễn Quốc Thái
“Trước hết là lương tâm họ mách bảo họ phải lên tiếng, thứ hai là họ nghĩ có sự ủng hộ của cử tri đứng sau lưng và thứ ba là trong tình hình chung ở Việt Nam hiện nay, thì không chỉ trong diễn đàn Quốc Hội mà trên mặt bằng báo chí cả nước cũng có những tờ báo lên tiếng rất mạnh mẽ về vấn đề này. Vì thế có thể gọi đó là biến chuyển cũng được, mà có thể nói là ý thức lương tâm và trách nhiệm của mình cũng được. Dĩ nhiên những phát biểu đó ở diễn đàn Quốc hội, các đại biểu với tư cách đại diện nhân dân họ có quyền lên tiếng và sự lên tiếng đó phải được tôn trọng và suy nghĩ.”
Tờ Đất Việt, Diễn đàn của Liên hiệp các Hội khoa học và Kỹ thuật Việt Nam ngày 4/11 trích lời Đại biểu Quốc hội Nguyễn Lân Dũng nói rằng: “Kỳ họp này, đại biểu phát biểu quyết liệt vì dân bức xúc nhiều.Trong đó những vấn đề người dân quan tâm nhất cũng là những vấn đề đại biểu quốc hội nói nhiều nhất như vụ Vinashin, an toàn Bauxite, vấn đề tham nhũng, cải cách hành chính và phát triển nông nghiệp.” GS Nguyễn Lân Dũng nhấn mạnh rằng, kỳ họp này các đại biểu nói mạnh mẽ hơn vì đây là không khí chung của cả xã hội.
Trong khi đó Luật Sư Trần Lâm, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao ghi nhận sự thay đổi trong sinh hoạt ở Quốc hội Việt Nam như một sự chuyển mình bắt buộc của chế độ. Ông nói:
Đại biểu Quốc Hội, GS Nguyễn Minh Thuyết phát biểu tại một kỳ họp quốc hội. Photo courtesy of na.gov.vn “Những năm tháng gần đây, tình hình dân chủ ở trong nước mỗi ngày mỗi phát triển rộng hơn lên, thế rồi việc các cơ quan Nhà nước sai phạm ngày càng nhiều hơn. Khả năng tình hình thay đổi, ở trong nước bây giờ thay đổi ghê gớm lắm. Những người cầm quyền hiện nay, phải nói rằng họ không với tới nhiệm vụ của họ, ngoài ra họ lại có vấn đề tiêu cực tham nhũng, thành ra Quốc hội người ta vươn lên. Người ta đòi xét cái xét cái kia, xem ông này xem ông kia, tức là tự họ họ vươn lên. Như vậy đấy là một điều mừng, tình hình ở trong nhân dân đã thay đổi. Quốc hội cũng từ tình hình nhân dân thay đổi mà vươn lên. Bắt đầu khoảng một năm nay vươn lên nhiều lắm, đấy là điều mừng.”
Thay đổi để khỏi sụp đổ
“Tôi nghĩ là phát biểu trong diễn đàn Quốc hội dù trắng trợn đến đâu, chính quyền cũng không thể nào có một thái độ gì đối với người phát biểu công khai như vậy.
Ô. Nguyễn Quốc Thái
Việt Nam là nước Xã hội Chủ nghĩa với chế độ chính trị một đảng lãnh đạo. Chính phủ hay Quốc hội đều nằm dưới sự lãnh đạo tối cao của Đảng Cộng Sản. Năm nay cũng với Quốc hội ấy, các vị đại biểu cũng được sắp xếp chọn lựa giới thiệu ra ứng cử theo cơ chế, vậy thì tại sao Quốc hội trước đây đại biểu rất e dè thận trọng, mà nay lại rất kiên cường hành sử quyền và trách nhiệm của mình. Nhà báo Nguyễn Quốc Thái nhận định:
“Với tư cách đại biểu Quốc hội mà không dám lên tiếng phản ảnh bức xúc của người dân thì tôi nghĩ là họ ‘tự sợ’, chứ tôi nghĩ là phát biểu trong diễn đàn Quốc hội dù trắng trợn đến đâu, chính quyền cũng không thể nào có một thái độ gì đối với người phát biểu công khai như vậy. Tôi nghĩ thời gian qua họ không nói là vì bầu khí chung của cả nước và những người đó ‘tự sợ’ mà không dám phát biểu. Còn bây giờ thấy ý kiến của nhân dân được phản ánh trên báo chí, cơ quan ngôn luận và một số đại biểu đã can đảm đặt ra những vấn đề với tư cách đại biểu của dân chúng, họ phải nói vì còn giữ được lòng tin của những người bỏ phiếu cho mình. Nếu họ không nói thì tôi nghĩ rằng người dân cho là anh hèn anh không dám nói trong khi tôi bỏ phiếu cho anh.”
Xem báo Tuổi Trẻ Online, Vietnam Net với các bài tường thuật ghi nhận đầy đủ hai ngày họp toàn thể đầu tháng 11 của Quốc hội, người đọc báo có cảm giác sinh hoạt nghị trường ở Việt Nam đang thay đổi rất nhiều, một sự mới lạ khác thường trong bối cảnh một quốc gia cộng sản chủ trương dân chủ tập trung.
“Sự thay đổi bây giờ có hai kiểu: một kiểu gọi là phải thay đổi để khỏi đổ và một kiểu là muốn thay đổi thực sự để mở rộng dân chủ.
LS Trần Lâm
Phải chăng nhu cầu đổi mới là xu thế tất yếu của cuộc sống, những gì đang diễn ra trong sinh hoạt chính trị ở Việt Nam được Luật Sư Trần Lâm, nguyên thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối Cao nhận định:
“Những người tốt ở trong Đảng thì người ta muốn thay đổi nhiều, còn những người khác thấy cần phải thay đổi để khỏi sụp đổ. Tức là sự thay đổi bây giờ có hai kiểu: một kiểu gọi là phải thay đổi để khỏi đổ và một kiểu là muốn thay đổi thực sự để mở rộng dân chủ. Thế thì hiện nay tôi tin là một thời gian ngắn nữa rồi Đảng cũng phải mở, nếu không mở thì đổ. Hiện nay ở Trung Quốc người ta cũng đang tranh luận về điều cần phải mở, nếu không mở thì đổ. Thành ra đó là cái mở cũng không thật sự vui vẻ, nhưng cái mở vẫn là mở và tôi tin tưởng ở Việt Nam sắp sửa sẽ mở.”
Nguyện vọng của cử tri
Đại biểu Quốc Hội Lê Văn Cuông. Photo courtesy of na.gov.vn Theo Tuổi Trẻ Online bản tin trên mạng ngày 2/11, đại biểu Nguyễn Minh Thuyết, phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng của Quốc Hội xác định những ý kiến của ông là nguyện vọng của cử tri. GS Thuyết nhận định rằng, Tập đoàn Vinashin sụp đổ đã trút lên vai người dân món nợ khổng lồ 100.000 tỉ đồng. GS Thuyết đưa ra ba phương án, thứ nhất đề nghị Thủ tướng và một số thành viên Chính phủ có liên quan trong vụ Vinashin từ chức. Thứ hai là đề nghị Quốc hội bỏ phiếu tín nhiệm ngay với Thủ tướng và một số thành viên chính phủ có liên quan trong vụ Vinashin. Thứ ba là kiến nghị lập ủy ban lâm thời điều tra, rồi trên cơ sở đó mới đi đến việc bỏ phiếu tín nhiệm như ông đã chính thức phát biểu trước Quốc hội. Phương án thứ ba là khả thi vì có căn cứ pháp lý dựa vào qui định của hiến pháp về Quốc hội và điều 23 Luật tổ chức quốc hội.
Báo chí cũng cho thấy đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết được sự ủng hộ của một số đại biểu khác như Lê Văn Cuông, Lê Quang Bình, Huỳnh Ngọc Đáng, Phạm Thị Loan, Huỳnh Nghĩa…
Theo tường thuật của Tuổi Trẻ Online, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nói rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét đề nghị của đại biểu Nguyễn Minh Thuyết.
Sự nóng bỏng ở Quốc hội Việt Nam trong những ngày qua liệu có phải là một khởi đầu mới trong sinh hoạt chính trị ở đây. Giới quan sát đang chờ xem những biến chuyển trong thời gian tới, cho tới nay Quốc hội Việt Nam dù phản biện đóng góp rất nhiều ý kiến xác đáng và được chính phủ lắng nghe, nhưng theo Luật sư Trần Lâm ông chưa hề thấy Quốc hội thay đổi được một chính sách căn bản nào.
==============================
=====================================================
No comments:
Post a Comment