NGUYỄN XUÂN NGHĨA-
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ 2010 được coi là có ý nghĩa lịch sử như một trận động đất vì đảo lộn kết quả của hai kỳ bầu cử trước, 2006 và 2008. Quốc hội Hoa Kỳ khóa 112, được khai mạc vào đầu tháng Giêng năm 2011, sẽ nghiêng về phía Cộng Hoà. Chuyện này không có gì lạ.
Chuyện lạ là sau cơn động đất sẽ là một trận hoả hoạn năm 2012, khi Hoa Kỳ lại có tổng tuyển cử.
Hãy nói về hiện tại đã.
Cuộc bầu cử 2010 được gọi là giữa nhiệm kỳ hay “bán kỳ” vì tổ chức giữa một nhiệm kỳ bốn năm của tổng thống. Trong cuộc bầu cử, ngoài các chức vụ dân cử ở địa phương và một số đề luật – propositions – cử tri bầu lại toàn thể 435 ghế Dân biểu Hạ viện, 37 ghế Nghị sĩ Thượng viện và 38 ghế Thống đốc Tiểu bang. Cuộc bầu cử 2010 được coi là tốn kém nhất lịch sử vì các ứng viên, đảng phái và nhóm áp lực lẫn cảm tình viên đã tung vào bốn tỷ Mỹ kim để thuyết phục cử tri. Chuyện tranh cử tốn kém ấy vẫn chưa đáng kể.
Đáng kể hơn cả, đây là một cuộc tranh cử có đặc tính “tiêu cực” nhất. Tại sao?
Sau khi Quốc hội khóa 110 và 111 rơi vào tay đảng Dân Chủ trong hai cuộc bầu cử 2006 và 2008, đảng Dân Chủ và Tổng thống Barack Obama có một đa số áp đảo để tiến hành nhiều chương trình mang nội dung cải tạo xã hội ở giữa vụ Tổng suy trầm kinh tế 2008-2009. Ưu tiên xã hội hơn là kinh tế của Lập pháp và Hành pháp Dân chủ khiến đảng Cộng Hoà triệt để chống đối trong suốt hai năm 2009-2010, nửa nhiệm kỳ đầu của ông Obama. Do phản ứng đó, dù có đa số áp đảo, đảng Dân Chủ vẫn không đủ phiếu thông qua nhiều đạo luật cải tạo, thí dụ như “cap and trade” về năng lượng và môi sinh, và phải dùng thủ thuật chính trị, kể cả mua chuộc từng lá phiếu Cộng Hoà hay ôn hòa bên trong đảng Dân Chủ. Thủ thuật ấy càng gây phản ứng chống đối bên phía Cộng Hoà.
Một nghịch lý của chính trường Mỹ trong hai năm 2009-2010 là đảng Cộng Hoà ráo riết chống lại mọi quyết định về nội chính của Hành pháp Obama nhưng lại ít nhiều ủng hộ Hành pháp về đối ngoại. Hoặc ít ra, không ào ạt tấn công Obama về đối ngoại, trừ vấn đề an ninh, là cách hành xử với nghi can khủng bố hay việc đóng cửa trại tù Guantanamo. Thế rồi, sau khi dại dột mở ra hồ sơ này mà không có giải pháp, Obama đành lửng lơ thả nổi.
Còn lại là trận chiến về nội chính, về kinh tế và xã hội.
Sau khi ào ạt tung ra các chương trình cải tạo xã hội mà không đem lại kết quả về kinh tế, làm kinh tế tiếp tục suy đồi, với thất nghiệp quá cao trên một núi nợ khổng lồ vì bội chi ngân sách quá lớn, đảng Dân Chủ gây bất mãn cho cử tri, kể cả các thành phần ôn hòa hay độc lập đã từng ủng hộ ứng cử viên Obama năm 2008. Huyền thoại Obama trở thành bong bóng xà phòng và đảng Dân Chủ thất thế nặng. Không những vậy, các ứng cử viên đương nhiệm, là các chính khách đang có chức vụ, ở cả hai đảng, đều gặp sự hoài nghi và chống đối của cử tri.
Họ đều phải tìm cách chứng tỏ là không liên hệ gì tới các vấn đề đang được cử tri quan tâm nhất: kinh tế, thất nghiệp, bội chi, công trái, v.v… Vì cũng đều biết rằng các vấn đề này không dễ có giải pháp.
Kết quả là trong cuộc tranh cử, các ứng viên tránh nói về thành tích của mình – ở phe đa số – và cũng khó trình bày chương trình hành động một cách lớp lang, hợp lý – trong phe đối lập – để chứng minh vì sao cử tri nên bỏ phiếu cho mình. Giải pháp dễ dãi hơn đã được tận dụng, đó là chứng minh vì sao cử tri không nên bỏ phiếu cho đối thủ. Tranh cử tiêu cực là như vậy.
Nhưng, cùng với ngân khoản kỷ lục là bốn tỷ bạc để tranh cử, sự tiêu cực cũng đạt mức kỷ lục. Tức là có rất nhiều trò vu cáo, xuyên tạc, hàm hồ kết án mà không có cơ sở. Sự suy đồi ấy được thấy ngay từ Tổng thống Obama và Toà Bạch Cung ra tới bên ngoài, khi Obama kết án đối lập là nhận tiền ủng hộ của ngoại bang – mà không thèm chúng minh vì chứng minh không được. Hoặc thậm chí kêu gọi cử tri Latino là nên xiết chặt hàng ngũ chống lại “kẻ thù”.
Trong giờ tuyệt vọng, Obama quên mất chức năng tổng thống là lãnh đạo toàn dân cùng nhìn về một hướng – một yếu tố kết hợp lưỡng đảng cho sau này. Ông trở thành một trụ đối lập, trong vị thế cực đoan hơn. Điều ấy sẽ ảnh hưởng tới chính trường Mỹ trong hai năm tới.
Nhìn chung thì nhiều cuộc thăm dò bên trong các ban tham mưu cho thấy rằng đòn tranh cử tích cực không ăn khách bằng đòn tiêu cực. Nhưng, khi đã mở vòng tiêu cực thì người ta sẽ chìm dần vào trò bẩn, xuống bùn. Đây là vết nhơ cho nền dân chủ Hoa Kỳ.
Nhưng là chuyện đã xong! Chuyện sắp tới mới là ly kỳ.
Do sự bất mãn của cử tri với đảng Dân Chủ đang cầm quyền, đảng Cộng Hoà có thể thắng lớn với số ghế Thống đốc và chiếm lại đa số tại Hạ viện. Ai cũng có thể đồng ý với dự đoán này. Đảng Cộng Hoà cũng có thể chiếm đủ 10 ghế để “lấy lại” Thượng viện, là chuyện khó hơn.
Nhưng điều này chưa đủ. Cộng Hoà không thể chiếm được siêu đa số là 60 ghế Nghị sĩ – để vượt qua rào cản của thủ tục câu giờ, filibuster – mà hoàn toàn làm chủ nghị trình. Vì vậy, Quốc hội khóa 112 sẽ gặp hiện tượng ách tắc vì đa số Cộng Hoà vẫn phải sống chung với Hành pháp Dân Chủ và không đảng nào có thể giật tay lái để đưa Hoa Kỳ ra khỏi tình trạng suy đồi hiện nay.
Trong suốt cuộc tranh cử, đề mục an ninh và đối ngoại không là ưu tiên. Chuyện dễ hiểu vì bầu cử giữa nhiệm kỳ là để đưa người làm luật vào Quốc hội, cơ chế có trách nhiệm ưu tiên là nội chính. Trách nhiệm về đối ngoại là ưu thế hiến định của Tổng thống. Cuộc tranh cử cũng ít đề cập tới hồ sơ nhạy cảm là giá trị xã hội – cụ thể là quyền phá thai hay hôn nhân đồng tính – vì đảng Cộng Hoà đối lập cần ưu tiên tranh thủ lá phiếu ôn hòa và vì các thế lực bảo thủ về đạo đức đều biết như vậy nên cố tránh nêu thành vấn đề.
Chuyện ưu tiên là áo cơm và việc làm của mình và gánh nợ của quốc gia.
Sau cuộc tranh cử, từ mùng ba tháng 11 này, các chính khách mới nhìn qua một ưu tiên mới, là tranh cử Tổng thống năm 2012. Từ nay đến đó, Hành pháp Dân Chủ và Lập pháp Cộng Hoà sẽ kéo nước Mỹ vào một vũng sâu khác. Vào trận khủng hoảng 2012. Nghĩa là sau cơn động đất 2010, Hoa Kỳ có thể bị một đợt hoả hoạn 2012.
Xin hãy lạnh lùng nhìn vào thực tế.
Cuối năm 2007, Hoa Kỳ bị suy trầm kinh tế – recession – trong khi bong bóng đầu tư địa ốc đã bể và gây ra khủng hoảng về tín dụng thứ cấp – subprime – rồi khủng hoảng tài chánh bùng nổ vào tháng Chín năm 2008. Giữa một chu kỳ suy trầm cứ sáu bảy năm lại xảy ra một lần, vụ khủng hoảng tài chánh này dẫn tới khủng hoảng chính trị 2008 khi người ta khai thác tâm lý hốt hoảng của dân chúng. Các chính khách Dân Chủ trình bày nạn suy trầm như một trận Tổng khủng hoảng tương tự thời kỳ 1029-1933.
Tâm lý hốt hoảng ấy khiến dân Mỹ uống nước đường và tưởng rằng Chính quyền sẽ kéo mình ra khỏi hố sâu.
Cuộc bầu cử giữa cơn hốt hoảng vào tháng 11 năm 2008 là cơ hội không thể lỡ – chữ của ban tham mưu của ông Obama – để cải tạo xã hội, làm thay đổi nước Mỹ. Kết quả là hàng loạt biện pháp tưởng là cứu nguy kinh tế hay giải trừ nguy cơ tái diễn khủng hoảng tài chánh mà thực chất là bành trướng ảnh hưởng của chính quyền trong mọi lãnh vực sinh hoạt của dân chúng. Ba điển hình là kế hoạch kích thích kinh tế trị giá hơn 800 tỷ đô la, là đạo luật cải tổ chế độ bảo dưỡng y tế và đạo luật chấn chỉnh tài chánh và ngân hàng.
Mà không giải quyết chuyện quốc kế dân sinh.
Trong khi ấy, biện pháp tăng chi để kích cầu gây bội chi ngân sách tới mức kỷ lục. Rồi bị thiếu hụt ngân sách thì người ta đi vay. Nghĩa là thổi gánh công trái – công nợ của quốc gia – lên trời. Hoa Kỳ trở thành siêu cường ngập nợ ở giữa thời chiến. Rồi khủng hoảng chính trị năm 2008 tiếp tục trong hai năm liền. Bây giờ, trước ngày bầu cử, Quốc hội trong tay đảng Dân Chủ bó tay. Không dám đưa ra dự luật tài chánh – là đề nghị về ngân sách cho tài khoá 2010-2011 – cũng chẳng dám biểu quyết việc nên hay không nên triển hạn hai đạo luật miễn thuế 2001 và 2003 của Chính quyền Bush. Và không ứng viên nào trong đảng Dân Chủ còn dám nhắc đến chữ “kích thích kinh tế” – stimulus – chứ đừng nói tới việc đề nghị một biện pháp kích thích mới.
Khi cỗ xe kinh tế ì ạch trước sự tê liệt của đảng lãnh đạo, chỉ còn Ngân hàng Trung ương, một định chế độc lập, là có khả năng cứu nguy kinh tế. Nhưng, vì lãi suất đã giảm tới số không, Ngân hàng Trung ương chỉ còn biện pháp in bạc bơm tiền, gọi là “tăng mức lưu hoạt có định lượng” quantitative easing. Biện pháp cực kỳ bất thường này đã được áp dụng với kết quả là gần hai ngàn tỷ đã được bơm vào kinh tế (ngoài hay kế hoạch kích thích của thời Bush trị giá 185 tỷ và thời Obama trị giá 862 tỷ) – mà không kết quả vì thị trường vẫn hoang mang và hoài nghi dụng ý thật của chính trường.
Trong tháng 11 này, Ngân hàng Trung ương sẽ lại in bạc bơm tiền nữa, khoảng mấy trăm tỷ, mà chưa ai biết là có công hiệu hay không. Có khi, kinh tế đụng đáy lần thứ hai, bị suy trầm nữa!
Khi ấy, Quốc hội khóa 112 trong tay đảng Cộng Hoà và Hành pháp Obama bên đảng Dân Chủ sẽ làm gì? Hỏi cách khác, ưu tiên của Chính quyền hai đầu sẽ lãnh đạo nước Mỹ trong hai năm tới đây là gì? Là cứu nguy kinh tế hay cứu lấy cái ghế của mình? Nhiều phần thì họ sẽ làm cả hai. Và dân chúng lọt vào hố sâu ở giữa.
Hoa Kỳ đang vay mượn quá khả năng hoàn trái và tùy thuộc vào một thành phần… bỏ phiếu bằng tiền, bằng trái phiếu. Là những nhà đầu tư sẽ mua Công khố phiếu của Mỹ để kiếm lời. Họ chỉ cho vay khi có phân lời (yield) đủ cao, phân lời ấy chính là lãi suất dài hạn trên thị trường tín dụng. Khi Hoa Kỳ tiếp tục tăng chi và mắc nợ thì kỳ vọng kiếm lời của “bọn xấu xa đi buôn trái phiếu” – chữ của Tổng thống Bill Clinton – phải suy giảm, nghĩa là cho vay khó hơn. Và đi vay đắt hơn.
Kinh tế Mỹ chỉ có hy vọng ra khỏi hầm tối khi giảm bội chi: phải giảm chi và tăng thu. Giảm chi là cắt bớt công chi, điều Chính quyền Obama và đảng Dân Chủ sẽ chống. Tăng thu là điều chỉnh thuế suất để thu thêm tiền cho ngân sách, điều mà đảng Cộng Hoà chưa chắc đã chịu nếu thực tế là tăng thuế. Các khẩu hiệu mị dân như giảm thuế cho bọn nhà giầu và cắt trợ cấp cho người già, học sinh hay dân thất nghiệp, tư nhân hóa quỹ An sinh Xã hội cho bọn tài phiệt kiếm lời, v.v… sẽ lại bay như bươm bướm ngày xuân vì các chính trị gia đều không quên tấm lịch tranh cử 2012.
Trong hai năm tới, đảng Cộng Hoà sẽ ráo riết tấn công thành tích công chi tệ hại của Chính quyền Obama và Obama sẽ phản đòn bằng cách kể tội Bush. Nhưng không phe nào dám nói thẳng, rằng dân Mỹ phải uống thuốc đắng, là trả thuế nhiều hơn và nhận trợ cấp ít hơn. Vả chẳng ai dám đụng tới các chương trình nhạy cảm – những núi nợ – như An sinh Xã hội hay cứu trợ Y tế cho người nghèo và người già.
Trong khi ấy, việc vay nợ chẳng thể kéo dài vì quốc gia có ngày vỡ nợ, như California hay Hy Lạp.
Trường hợp ấy mà xảy ra, Hoa Kỳ sẽ tụt đáy vì tuột vào vòng xoáy của hai động lực tương tác là lãi suất và bội chi cùng gia tăng. Trường hợp bi đát này dễ bùng nổ vào năm 2012 vì Chính quyền hai đầu mà không có tinh thần hợp tác lưỡng đảng sẽ cùng trì hoãn giải quyết vấn đề thật. Là nói thật với người dân. Khi ấy, ngay trong năm tranh cử 2012, dân Mỹ sẽ biết thế nào là kinh tế khắc khổ và kiệm ước ngân sách. Và sẽ có phản ứng, lan rộng trong trận hỏa hoạn 2012!
Trong lịch sử, Hoa Kỳ đã từng gặp trường hợp này.
Năm 1932, Chính quyền Dân Chủ của F. D. Roosevelt đắc cử mà không dám giải quyết vấn đề thật và làm cơn khủng hoảng lan rộng kéo dài, thực tế chỉ chấm dứt… nhờ Đại chiến năm 1939. Tháng Tám năm 1971, Chính quyền Cộng Hoà của Richard Nixon cũng đã quịt nợ thiên hạ với quyết định thả nổi đồng Mỹ kim – thực tế khai tử hệ thống tiền tệ quốc tế lập ra sau Thế chiến – và ban hành biện pháp kiểm soát vật giá và lương bổng. Lý do của trò khoả lấp vấn đề thật là tái tranh cử năm 1972. Nixon tái đắc cử vẻ vang nhưng kinh tế bị lạm phát và thất nghiệp đã là cơn hỏa hoạn oan uổng cho người dân.
Vì vậy, sau cơn địa chấn chính trị 2010, ta nên chờ đợi trận hoả hoạn kinh tế 2012!
No comments:
Post a Comment