Bài viết của ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc
- Chính danh
Khoảng giữa năm 2010, một số anh em làm văn, làm báo ở Hoa Kỳ có ý định thực hiện một tuyển tập thơ Phạm Xuân Ninh, bút danh Hà Thượng Nhân, xước danh Hà Chưởng Môn khi nhà thơ đại thụ này vừa bước qua ngưỡng cửa cửu tuần.
Sức khỏe nhà thơ đã suy phải vào nằm bệnh viện nên anh em gấp gáp, sợ không làm kịp. Có một điều “tréo cẳng ngỗng” là lão thi sĩ từng sáng tác không phải hàng ngàn mà hàng vạn bài thơ, hàng ngàn bài văn mà đến nay không có tác phẩm nào chính thức dưới tay.
Ông bạn nhà văn Giao Chỉ (cựu đại tá Vũ Văn Lộc) cùng ở San Jose với ông Hà có nói rằng: “Một người xứng đáng làm chủ tịchVăn Bút VN hải ngoại lại là người không có tác phẩm.” Đúng như thế, ông Hà quả nhiên là con chim “ngứa cổ hót chơi”, hót xong là bay đi, mặc cho tiếng hót của mình tan trong thinh không. Xét theo khía cạnh văn chương bình dân thì ông Hà là người sáng tác theo kiểu “xem qua rồi bỏ”.
Một điểm nữa khiến anh em đã vội lại càng thêm vội là tháng 8 vừa qua, thứ nam của ông Hà, cháu Xuân Dương vừa tạ thế. Để giảm thiểu phần nào thảm cảnh “lá vàng còn ở trên cây – lá xanh rụng xuống…”, Tuyển Tập Hà Thượng Nhân cần thực hiện sớm lúc nào hay lúc ấy. Nhằm chia buồn với anh chị Phạm Xuân Ninh, tôi có mấy dòng đăng báo phân ưu, viết rằng “Rất xúc động khi được tin cháu Phạm Hoàng Xuân Dương vừa mất”. Khác với mọi người, tôi thêm vào tên cháu chữ Hoàng. “Phạm Hoàng Xuân Dương”.
Thưa anh Ninh, có thể anh không bằng lòng khi tôi làm như vậy nhưng tôi đã nghĩ đến lúc trả cho Cesar cái gì của Cesar. Cái tên Phạm Xuân Ninh mà anh mang trên nửa thế kỷ này chỉ là cái tên “thời cuộc”, cái tên “mượn” mà thôi. Tên thật của anh, tên cha sinh mẹ đẻ, tên cúng cơm, tên mà người quê anh vẫn gọi anh không phải như thế. Anh không phải họ Phạm, anh họ Hoàng. Anh chưa nói ra với tôi nhưng bạn bè rất thân của anh như Lam Giang Phạm Quang Trứ, như Hữu Loan đã nói với tôi rằng tên anh không phải là Phạm Xuân Ninh mà là Hoàng Sĩ Trinh. Một người bạn đồng hương Thanh Hóa với anh, vào lứa tuổi anh (chỉ kém anh vài tuổi), cùng đi dạy, cùng đi “cướp chính quyền năm 1945 ngày ấy” là nhà thơ Trần Thiện Hiếu, 88 tuổi, ở Sydney bây giờ cũng nói anh là Hoàng Sĩ Trinh.
Một em trẻ (trẻ với chúng tôi thôi, cũng đã trên 70 rồi) là nhà thơ Hoàng Song Liêm, người cùng đồng hóa vô quân đội với anh (PXNinh cấp bậc đại úy, HSLiêm cấp bậc thiếu úy) nói: “Một bữa anh Ninh đưa tặng tôi một bài thơ của anh, dưới ký tên Hoàng S. Trinh”. Không những thế, trong tập thơ xướng họa Song Hoàng (Nhà xuất bản Thuận Hóa) giữa hai thi nhân họ Hoàng là nữ sĩ Hoàng Bích Dư và anh được ghi là Thi Hoàng, anh đã viết: “Giá như là mối tình đầu – Thì em sao thoát là dâu họ Hoàng”. Như vậy, chính anh đã tự nhận mình là họ Hoàng rồi, nên trong lời phân ưu, tôi mới ghi tên cháu là Phạm Hoàng Xuân Dương. Vả chăng, con trai đầu lòng của anh cũng mang tên Phạm Hoàng Chương, nên tôi theo đó mà ghi tên cháu cho đúng tên, đúng họ. Vì thế mục này được ghi là “Chính danh”.
Bút danh của anh là Hà Thượng Nhân ký trên mục thơ phiếm Đàn Ngang Cung trước ở báo Tự Do sau mang về Tiền Tuyến. Mục này trước do nhà thơ Đinh Hùng bút danh Thần Đăng phụ trách, rất được độc giả tán thưởng trên tờ Tự Do. Với danh tiếng sẵn có của Đinh Hùng, nhiều người đã lo cho người kế tục. Nhưng càng ngày bút hiệu Hà Thượng Nhân càng tỏ ra vững vàng, mục Đàn Ngang Cung vẫn luôn xôm tụ, “bạn làng Ngang” có nhiều nhà thơ nổi tiếng tham gia. Có lần anh giải thích về bút hiệu của mình. “Tôi nguyên quán làng Hà Thượng, huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa, nên bút hiệu này là để nhớ về nơi chôn nhau, cắt rốn của mình”. Rõ ràng là thế, nhưng cũng từ bút danh này, Lam Giang Nguyễn Quang Trứ, ông đồ già xứ “nẩu”, người tự nhận là bạn tâm giao của anh đã phân tách rất văn hoa: “Hà Thượng Nhân là người đi chơi trên dòng sông cuộc đời”. Với ý niệm này, mỗi dòng sông là một nguồn tâm sự. Dòng sông là chỗ chia tay “ôi cảnh biệt ly sao mà buồn vậy” mà cũng là nơi hội ngộ “Em vẫn chờ anh trên nghĩa nặng vợ chồng”. “Dòng sông bên lở bên bồi”. đó cũng cái lẽ biến thiên, chuyển dịch. Dòng sông nào rồi cũng trôi ra biển, nhưng “Nước trôi ra biển lại mưa về nguồn - Nước non hội ngộ còn luôn - Bảo cho non chớ có buồn làm chi”.
Có lần tôi hỏi ông đồ già: “Theo anh chữ “Hà” trong bút hiệu của chưởng môn nghĩa là con sông. Giả thử chữ “Hà” được hiểu như một dấu hỏi như hà cớ, hà sự, Thượng là trên, Nhân là người thì danh xưng này có thể hiểu là “có ai trên ta không?”
Lam Giang vốn nghiêm túc, liền “át giọng” tôi: “Ông không nên suy diễn kiểu Tạp Ghi như thế”. Tôi xưa nay vẫn kính trọng học vấn của các bậc đàn anh (nhất là về chữ Nho vì vốn liếng Hán văn của tôi không đầy lá mít) nên tôi không dám cãi. Mục Tạp Ghi do tôi phụ trách là một góc bù khú, xả hơi cũng như tôi luôn mong nhận được những nụ cười trong tòa soạn. Cái xước danh Hà Chưởng Môn để gọi ông chủ nhiệm cũng do tôi khởi xướng. Nó bắt đầu từ chuyện võ hiệp Kim Dung lúc đó đang làm mưa làm gió trên văn đàn Đông Nam Á. Kim Dung là người thừa hưởng hơi thở bát ngát của “truyện Tàu” cộng thêm kỹ thuật dựng “toát mồ hôi lạnh” của roman policier, tâm lý nhân vật vừa có cái ly kỳ sẵn có của Trung Hoa vừa có cái ẩn ức của phân tâm học nên là tác giả được đọc nhiều nhất thời bấy giờ. Tòa báo Tiền Tuyến chúng tôi lúc đó “đóng đô” ở cục Tâm Lý Chiến (gần cầu Thị Nghè) nhưng được coi như một tờ báo dân sự nên nhân viên tòa soạn được phép mặc thường phục, không ai mang “lon lá” gì. Vô tòa báo thấy “ai cũng như ai”. Trong trường hợp đó mà lại xưng hô “thưa trung tá, thưa thiếu tá, thưa thượng sĩ” thì khó nghe quá. Gặp chủ nhiệm chào “thưa chưởng môn” vừa hợp thời, vừa vui, vừa “được việc”. Ông Hà cũng hân hoan chấp nhận danh xưng này. Ông nói: “Chúng ta ở đây làm việc bằng đầu óc mà đầu óc thì chưa chắc ai đã hơn ai. Giao việc cho một anh em cấp bậc trung sĩ, anh ta “bôi” ra đấy, nói rằng “tôi trung sĩ chỉ viết được như vậy không lẽ mình phạt trọng cấm anh em được à?”
Anh em trong tòa soạn quý cái nết xuề xòa, dễ dãi ấy của ông chủ nhiệm nhưng cái gì thuộc về nguyên tắc ông lại trân mình bảo vệ thật găng. Chúng tôi là báo “nhà nước”, báo của Quân Đội nhưng khi bộ Kinh Tế nâng giá giấy, khi bộ Thông Tin tăng cường “phối hợp nghệ thuật” - kiểm duyệt – là chúng tôi sát cánh cùng các báo đồng nghiệp phản đối tới cùng.
Ông Thảo Trường ơi, có một việc tôi muốn nhờ ông đứng ra làm chứng mà ông lại bỏ anh em mà đi rồi! Ông là người viết feuilleton cho Tiền Tuyến lâu năm, truyện ông “ăn khách”. Năm ấy ông viết chuyện Bà Phi, một “phu nhân” chịu chơi hết mình, lăng nhăng quá cỡ. Không biết có vị phu nhân nào ngoài đời giống như thế hay không mà tòa soạn chúng tôi bị áp lực từ nhiều phía “ngưng đăng Bà Phi” hay chuyển hướng cho Bà Phi sống cho phải đạo (politically corrected). Ngay cả ông xếp lớn của chúng tôi cũng nhăn nhíu mặt mày “các toa làm phiền moa quá”. Chúng tôi liền thưa với xếp lớn: “Thưa trung tướng, nếu trung tướng muốn báo nhà còn có người đọc, nếu muốn kêu gọi điều gì còn có người nghe thì cũng xin cấp trên cho anh em chúng tôi đôi chút tự do”. Phải thưa ở đây là ông xếp lớn của chúng tôi vốn người quảng đại. Kết cuộc là Bà Phi vẫn cứ là Bà Phi. Tôi muốn nhờ tác giả Thảo Trường minh chứng cho là suốt thời kỳ căng thẳng đó chủ nhiệm họ Hà, chủ bút là tôi có bao giờ can thiệp vào việc viết lách của bạn? Lúc nào bạn cũng free như gió. Nhưng bài báo này xuất hiện hơi muộn. Bạn văn Thảo Trường của chúng tôi vừa mới về nước Thiên Đàng.
(còn tiếp)
Ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment