Bài viết của Phan Lạc Phúc
[tiếp theo]
- Con đường xưa, căn nhà cũ!
Như đã thưa ở trên, ông Giao Chỉ khi viết bài về Hà Chưởng Môn, có gửi cho tôi vì “Bác và bác Ninh thân nhau từ Tiền Tuyến”. Cảm ơn sự chu tất của ông nhưng thưa ông Giao Chỉ, chúng tôi gần nhau từ lâu, trước khi Tiền Tuyến ra đời vào khoảng 1957-58. Sau thời kỳ Tiền Tuyến, chúng tôi cùng đi tù lao cải – ông Ninh 8 năm vì đã giải ngũ, tôi 10 năm - càng thân nhau lúc được tha về. Tôi với ông Ninh không những là bạn đồng nghiệp, đồng tù mà còn là bạn ngoài đời Mẹ cháu cũng rất thân với chị Ninh: Con gái đầu của anh Ninh, Minh Phi, là “gia sư” của mấy đứa con tôi. Minh Phi học chương trình Pháp, đậu “Bac” xong là đến “kèm” cho con gái đầu của tôi sửa soạn thi Brevet. Chị em nó chơi đùa, học hành với nhau rất thân thiết. Lúc bấy giờ anh chị Ninh không còn ở cư xá sĩ quan Chí Hòa mà anh chị và gia đình đã dọn về căn nhà trong hẻm cuối đường Trương Minh Giảng, gần Lăng Cha Cả. Đây là căn nhà kỷ niệm vì anh chị Ninh ở đó cho đến khi HO đi Mỹ (1990), là nơi gặp gỡ bạn bè ngoài Bắc như Hữu Loan, Trần Q., trong Nam như Thanh Tâm Tuyền, Cung Trầm Tưởng, Nguyễn Xuân Thiệp, Lam Giang và tôi. Trời cho anh cái nết xuề xòa lại thêm không biết sợ nên anh cứ việc mở rộng cửa nhà chào đón anh em. Gia đình tôi không được như anh, khi tôi đi tù cải tạo được vài năm (1978) là nhà bị “quản lý”, vợ con đi kinh tế mới ở Thủ Thừa gần Đồng Tháp Mười. Sống không nổi nên trốn về lại Sài Gòn. Mẹ cháu kể rằng “một bữa gặp Minh Phi. Con gái đầu của tôi là Minh Cẩn liền ôm lấy Minh Phi, hai chị em nó cứ ôm nhau mà khóc. Bữa sau Minh Phi trở lại nói với nhà tôi: “Mẹ cháu mời bác và các em về nhà cháu ở”.
Đang cơn hoạn nạn, tứ cố vô thân, quí biết bao tấm lòng bạn hữu. Sau mẹ cháu bòn mót, lo lắng cho 4 đứa con đầu vượt biên, vì con cái gia đình “ngụy” như chúng tôi, học không được học, làm không được làm, chỉ có một cách đâm đầu vào chỗ chết may ra mới tìm ra lối sống. Sau nhiều lần trật vuột, mất mát, tù tội, nhờ Trời thương, Phật độ mấy đứa con tôi cũng đến được bến bờ Tự Do, định cư ở Úc. Mẹ cháu và đứa con gái út của tôi về tá túc với ông bà ngoại trong khu vườn nhỏ Hóc Môn đợi tôi đi cải tạo về.
Khi tôi được tha thì nghe nói vài năm trước bác Ninh rồi bác Tâm (Thanh Tâm Tuyền) cũng đã được về. Ít tháng sau đến lượt bác Tiên (Tô Thùy Yên). Năm 1987 nghe nói có một đợt tha tù khá đông. Tôi lên Sài Gòn, đến khu Chí Hòa đón người bạn tù già Thích Thanh Long. Có thể là một cái duyên nên người bạn tù thượng tọa khi về trụ trì tại chùa Giác Ngạn tọa lạc tại đường Trương Minh Giảng cũ, qua cổng xe lửa chừng 300 mét rẽ phải là tới cổng chùa. Từ chùa Giác Ngạn tới nhà bác Ninh chừng 7, 8 trăm mét. Lúc ấy đường Trương Minh Giảng đổi tên thành Lê Văn Sĩ (tôi có biết Lê Văn Sĩ là thằng cha căng chú kiết nào đâu).
Thời “phỏng dế” thì mình không dám chơi với ai mà cũng ít ai dám chơi với mình ngoài những người bạn cũ. Tôi có một “con đường bạn bè” khởi đầu từ Hóc Môn. Sau khi xin phép “tạm vắng” ở Công An phường, tôi theo đường tỉnh lộ (mà không đi đường số 1) qua Quang Trung tới Gò Vấp, rẽ vào bạn Tô Thùy Yên uống café, có khi bạn còn rủ đi ăn sáng. Vào khoảng nửa buổi, tôi từ Gò Vấp phi sang Bình Hòa, chỗ sau tòa Bố Gia Định thăm Thanh Tâm Tuyền. Trong phòng mờ mờ tối, bạn đọc tôi nghe những bài thơ trong nước cũng như ngoài nước mà bạn cho là ý vị hoặc thư từ ngoại quốc gửi về. Tôi thường ăn trưa nhà bạn. Món canh chua của bà Tâm tuyệt vời. Xế trưa tôi từ tòa Bố Gia Định quẹo ra đường Chi Lăng đi tuốt về Lăng Cha Cả.
Tôi thường đến thăm ông bạn tù già trước. Vài năm sau, ông từ thượng tọa đã lên hòa thượng. Đi tù đói rách quá có lúc tôi và ông phải hút thuốc lào “lá cải”. Bây giờ ông không hút điếu bát mà hút điếu cày để nhớ “chuyện xưa”. Chúng tôi rít thuốc lào Vĩnh Bảo say lừ đừ. Điểm cuối cùng của “con đường bè bạn” là nhà Hà Thượng. Ông Ninh xưa nay vẫn vậy, ham vui và không biết sợ bao giờ. Nhà ông luôn luôn có khách. Nhà thơ Hữu Loan năm 1989 vô Nam đã ăn dầm nằm dề hàng mấy tháng tại nhà Hà Thượng. Rồi những chuyện gặp gỡ, ăn nhậu của anh em văn nghệ thường tổ chức ở nhà ông. Có năm mùng 4 Tết sau một “tăng” quần ẩm, Hà Thượng Nhân, Cung Trầm Tưởng, Thanh Tâm Tuyền và tôi kéo nhau sang con hẻm Công Lý (cũ) mừng tuổi lão họa sĩ Nguyễn Gia Trí. Nhưng có một hôm tới nhà Hà Thượng, tôi giật mình. Nhà đang có tang. Màn đen, cờ đen, vòng hoa xếp lớp, nhang đăng nghi ngút. Linh cữu ai quàn ở giữa nhà? Lúc ấy cụ thân sinh anh Ninh đã 90 ngoài, mới vào thăm anh chị Ninh mấy năm nay nên tôi nghĩ không chừng là đám tang của cụ. Vào nhà gặp anh Ninh, tôi mới biết là không phải vậy. Đám tang của ông anh em cột chèo với anh Ninh là ông Lê Ngọc Chấn.
Ngày xưa, hai cô thiếu nữ đẹp nổi tiếng của tỉnh Thanh, cô chị lấy ông huyện Lê Ngọc Chấn, cô em lấy giáo sư kiêm danh sĩ Hoàng Sĩ Trinh – bây giờ là ông Phạm Xuân Ninh. Ông Lê Ngọc Chấn thời đệ nhất Cộng Hòa là tổng trưởng Quốc Phòng, thời đệ nhị là đại sứ VNCH ở Anh Quốc, nhưng hai vị này đều kẹt lại VN sau ngày “bể dĩa”. Có lẽ ông Lê Ngọc Chấn được Anh Quốc can thiệp nên được tha về sớm. Hai ông bà đã làm thủ tục để sẵn sàng xuất ngoại (nhà cửa đã thanh toán xong) thì ông Lê Ngọc Chấn bị bạo bệnh qua đời. Do vậy, tang lễ của ông Lê Ngọc Chấn mới tổ chức tại nhà ông bà Ninh. Đây là việc lớn không phải việc nhỏ, nhất là trong nhà đang có cha già, mẹ yếu. Mấy ai có được tấm lòng yêu thương rộng mở với anh em, bè bạn như anh chị Phạm Xuân Ninh. Tôi định nói về Hà Chưởng Môn nhiều nữa nhưng vài ba năm nay nghỉ viết, gõ computer thấy ngại, lại thêm tuổi tác già nua, nói trước quên sau nên xin ngừng viết ở đây. Có một điều muốn thưa với anh Ninh – hay anh Trinh - dựa theo ý của một câu phương ngôn Pháp “Người nào được ân sủng yêu người và được người yêu lại, cuộc đời người ấy vô cùng giàu có – Quand quelqu’un a le privilège d’ aimer et d’ être aimé, sa vie est extrêmement riche”. Người ấy là anh đấy, anh Ninh.
[Australia, 2010]
Ký giả Lô Răng Phan Lạc Phúc
Tro ve dau trang
====================================
==================================================
No comments:
Post a Comment