18/07/2011
Biểu tình và trò đùa chính trị!
Trấn áp biểu tình của người dân theo một đường parabol. Nếu thời gian trước là sự ngăn trở, sau là dọa dẫm, tiếp đó là “thả” tại Hà Nội, thì giờ đây, những hình ảnh “súc vật tại thủ đô ngàn năm văn hiến” lại như đồng điệu tại “hình ảnh súc vật” trước đó tại thành phố Hồ Chí Minh.
Có lẽ người tham gia biểu tình 17/7 đã “ngây thơ” khi không chịu tin một sự “đồng thuận” đã được đặt ra sau cuộc gặp giữa Thứ trưởng Ngoại giao Hồ Xuân Sơn và ông Đới Bỉnh Quốc, Ủy viên Quốc vụ viện Trung Quốc hay là trách cho việc tại sao các vị nhân sĩ ta không chịu “ngậm bồ hòn làm ngọt” trong đợt tiếp xúc với cơ quan ngoại giao (dù rằng cơ quan này đã cố gắng làm khó khi trước đó chỉ điện thoại cho Giáo sư Chu Hảo, và sau đó chỉ gọi điện cho 4 trong số những người ký Kiến nghị). Hay là tự than trách vì mình “vượt lề”, đã dám bày tỏ cái lòng yêu nước trong hoàn cảnh “không được sắp đặt” bởi chính quyền để rồi sau đó sẽ được an ninh nơi cư trú, học tập “mời làm việc” nhằm gây áp lực trên cả mặt vật chất, tinh thần.
Người biểu tình có quyền nghi ngờ, người dân theo dõi tình hình trong nước cũng có quyền trách móc những điều trên. Nhưng điều lớn nhất còn đọng lại có lẽ là một sự “nghi ngờ” về tính thiếu minh bạch của chính quyền trong việc thông tin về mối quan hệ với Trung Quốc và sự bảo đảm tình hữu hảo với Trung Quốc trong bất cứ hoàn cảnh nào! Điều này cũng dẫn đến một hệ quả là sự thiếu tin tưởng và nỗi sợ hãi bao trùm sau mỗi đợt bắt người biểu tình yêu nước. Điều này được dẫn ra như một kết quả cho cái việc tình yêu nước cũng cần phải hạn chế, dù rằng nó diễn ra trong ôn hòa. Nhất là sự nhanh chóng trấn áp biểu tình ngày 17/7, số lượng người tham gia biểu tình... Tất cả như thể hiện một cách nhìn, một biểu hiện cho sự bi quan về lòng yêu nước, sự thắng thế của việc giữ gìn mối giao hảo Việt Nam – Trung Quốc trên quyền lợi dân tộc, của nhóm lợi ích... Nhưng nó đã thực sự “dở” vì nó “đi ngược lại nguyện vọng của nhân dân, đi ngược lại lòng yêu nước và sự thiết tha của nhân dân đối với lãnh thổ và lãnh hải của đất nước” như TS. Nguyễn Xuân Diện đã nhận định sau cuộc biểu tình 10/7 tại Thủ đô.
Cuộc biểu tình 17/7 nối tiếp các cuộc biểu tình trước đó là biểu thị thái độ cần thiết khi nhân dân hiểu rõ tình hình và hẳn, sau cuộc biểu tình này thì vẫn sẽ có những “biểu tình” khác ở những hình thức và mức độ khác nhau, vì "làm sao ngăn được các cuộc biểu tình, làm sao ngăn được lòng yêu nước? Và cũng không thể ngăn được" (Giáo sư Tương Lai). Người viết cũng cho rằng không ngăn được, nhưng e ngại sự “ra tay quá trớn”, sự thiếu quan tâm đúng mức về sức mạnh nhân dân thông qua các hành động “dở’ là trấn áp, “đồng thuận” về ngoại giao với các “đồng chí Trung Quốc anh em” sẽ khiến cho lòng yêu nước bị ăn mòn, trơ ra và thay vào đó là một nỗi sợ hãi thường trực!
Bởi cảm giác như chính quyền đang chơi một trò chơi chính trị, một trò chơi đùa bỡn với lòng yêu nước của nhân dân.
LHMT
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.
No comments:
Post a Comment