Có rất nhiều lý do để chúng ta cần biểu tình trước tòa đại sứ Trung Quốc ở Hà Nội và tòa lãnh sự TQ tại Sài Gòn mỗi ngày Chủ Nhật. Nhưng cũng khẩn thiết tương tự là nhu cầu biểu tình trước tòa nhà Quốc Hội VN tại Hà Nội vào những ngày trong tuần, nghĩa là những ngày làm việc của khóa họp này.
Cả hai cuộc biểu tình này có tính khẩn cấp. Biểu tình trước trụ sở các cơ quan ngoại giao Trung Quốc cần làm hàng tuần, để cho cả thế giới thấy được tiếng vang của lòng dân Việt, để họ nhìn qua hình ảnh cụ thể trên bản tin và màn ảnh truyền hình tiếng nói khẳng định của người dân Việt về chủ quyền Biển Đông, và cũng để chia sẻ và an ủi ngư dân Việt đang bị hải quân TQ truy bức, cướp bóc...
Tương tự, biểu tình trước tòa nhà Quốc Hội VN hàng ngày trong các ngày làm việc trong tuần là để nhắc nhở toàn dân rằng Quốc Hội là cơ quan quyền lực cao nhất nước, và các viên chức trong Quốc Hội cần khẳng định vai trò cao nhất nước để bảo vệ Hiến Pháp, và để xét lại các văn bản có thể làm cho quê nhà mất đảo, mất biển... thí dụ cụ thể, trước tiên là lên tiếng giải thích, hoặc xóa bỏ, bản công hàm 1958 mà ông Phạm Văn Đồng đã ký, trong đó nội dung công nhận chủ quyền biển 12 hải lý của Trung Quốc, và bây giờ bản văn đang được nhà nước Bắc Kinh lấy cớ là VN đã công nhận Hoàng Sa, Trường Sa là của TQ.
Biểu tình trước các trụ sở ngoại giao TQ cần đông người, cần biểu ngữ bằng tiếng Anh và tiếng Việt để phóng viên quốc tế có hình ảnh sống động dễ gây tác động dư luận quốc tế.
Biểu tình trước tòa nhà Quốc Hội VN vì là trong ngày làm việc, có thể chỉ cần tượng trưng 10 người cũng là đủ, vì trong ngày thường sẽ rất khó có đông người tham dự. Không cần đi bộ, chỉ cần đứng trước tòa nhà Quốc Hội, mỗi người cầm biểu ngữ mang các trích dẫn cần thiết từ Hiến Pháp về quyền tự do ngôn luận, quyền lập hội, quyền biểu tình... Và trong tận cùng, yêu cầu Quốc Hội phải họp về Biển Đông.
Trong khi biểu tình trước tòa nhà Quốc Hội, nếu vẽ biểu ngữ hình ảnh ngư dân trên biển bị cướp cũng nên. Hoặc nếu có nghệ sĩ khéo léo cải trang thành hải tặc Biển Đông mang mặt nạ Tần Thủy Hoàng thì sẽ thu hút thêm các ống kính phóng viên quốc tế.
Những cuộc biểu tình trước trụ sở ngoại giao TQ là nhu cầu đối ngoại, là hỗ trợ ngư dân Việt, là nuôi dưỡng lòng yêu nước và khát vọng gìn giữ cõi bờ. Hình ảnh những người cha, những người mẹ, những bậc đàn anh, đàn chị... trở về từ các cuộc biểu tình trước sứ quán TQ, là những bài học lớn cho các con, cho các em, cho các cháu trong dòng họ và cho mọi người trong khu phố rằng cũng nhờ người xưa đã từng biểu tình trước cột đồng Mã Viện, đã từng ném cục đá vào quanh trụ đồng Mã Viện, nên bây giờ chúng ta mới còn giữ được tiếng Việt và văn hóa Việt.
Những cuộc biểu tình trước tòa nhà Quốc Hội VN là nhu cầu đối nội, là tiếng mời gọi các viên chức trong tòa nhà Quốc Hội hãy tỉnh thức, hãy làm đúng chức năng mà Hiến Pháp trao phó. Bất kể rằng họ bước lên từ một cơ chế độc tàì và tham nhũng, nhưng đất nước cần từng người một hãy tỉnh thức và hãy trở về với lương tâm. Sẽ tuyệt vời nếu hàng ngũ biểu tình bên ngoàì lại có mặt những người con có cha, có mẹ trong tòa nhà Quốc Hội. Và cũng tuyệt vời nếu người biểu tình có bạn hữu là quan chức Quốc Hội. Vì như thế, hình ảnh này không phải là tiếng nói đối lập, không phảỉ là tiếng nói phản kháng, không phải là “mắc mưu kẻ xấu diễn biến hòa bình,” mà chỉ là lời mời gọi thân thiện, rằng hãy làm đúng chức năng Hiến Pháp, và thay vì phục vụ 3 triệu người trong Đảng cầm quyền, các quan chức Quốc Hội hãy tỉnh thức để phục vụ 87 triệu người dân Việt.
Bản tin trên báo Dân Trí nói rằng kỳ họp đầu tiên của Quốc Hội khóa XIII khai mạc tuần tới sẽ bắt đầu từ ngày 21-7-2011, tức là Thứ Năm tuần tới. Bản tin nói, chương trình kỳ họp “được bổ sung báo cáo về những vấn đề liên quan đến tình hình Biển Đông. Nội dung này được bố trí thêm vì đang được dư luận xã hội và nhân dân cả nước rất quan tâm.” Khóa họp năm nay của Quốc Hội dự kiến chỉ hơn hai tuần lễ, chính xác là, theo bản tin, chỉ họp có mười bốn ngày rưỡi.
Như thế, những cuộc biểu tình hàng ngaỳ trước Quốc Hội lại càng khẩn thiết nữa, bởi vì người đứng biểu tình bên ngoài sẽ là hỗ trợ cho những cuộc thảo luận trong nghị trình Biển Đông của các viên chức bên trong. Thêm nữa, trong cả một năm với 365 ngaỳ, Quốc Hội chỉ họp có hai tuần lễ, không biểu tình dịp này thì để tới bao giờ.
Bản tin Dân Trí còn nói, “Một nội dung khác UB Thường vụ thống nhất bổ sung là trình QH xem xét thông qua Nghị quyết về việc sửa đổi, bổ sung hiến pháp và thành lập Ủy ban dự thảo sửa đổi hiến pháp năm 1992. Chương trình dự kiến bố trí thêm nửa ngày để QH nghe và thảo luận về nội dung này.”
Như thế, nếu người dân bên ngoài không biểu tình, có thể các quan chức Quốc Hội bên trong sẽ cho cắt bớt những đoạn văn, những câu, những ý về quyền tự do ngôn luận, hay là sẽ xóa hẳn về quyền lập hội, hay là sẽ ghi rõ cụ thể trong dự thảỏ sửa đổi Hiến Pháp là “cấm ngặt biểu tình.”
Chuyện gì cũng có thể xảy ra trong thời này, trong thời mà Hà Nội học theo Bắc Kinh đủ thứ phương pháp trấn áp người dân, và từ đó Đảng CSVN đã mang đủ thứ gánh nợ cho toàn dân đối với đàn anh Phương Bắc, từ nợ tình như kiểu lãng mạn của ông Hồ đối với tiểu thư Tăng Tuyết Minh, cho tới nợ ơn nghĩa như kiểu cấn nợ bằng Ải Nam Quan và Thác Bản Giốc, cho tới nợ tiền để phải đền đáp bằng hàng trăm ngàn mẫu rừng nguyên sinh cho thuê trăm năm và các mỏ bôxit khai thác vô tội vạ.
Thế nên, không biểu tình là sẽ mang tội với đời sau.
Đặc biệt, khẩu hiệu biểu tình trước tòa nhà Quốc Hội có thể cũng là dịp viết biểu ngữ, ghi lại trích đoạn từ bản văn trên Boxitvn có tên là Kiến Nghị Về Bảo Vệ Và Phát Triển Đất Nước Trong Tình Hình Hiện Nay, một bản văn do nhiều vị trí thức, nhân sĩ đệ trình và phổ biến.
Điểm cần chú ý về bản văn là, những dòng đầu tiên đề gửi đã ghi theo thứ tự sau, xín trích:
“KIẾN NGHỊ VỀ BẢO VỆ VÀ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC TRONG TÌNH HÌNH HIỆN NAY
Kính gửi: Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam
và Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.” (hết trích)
Tuyệt vời, viết như thế mới là đúng Hiến Pháp, vì Quốc Hội mới là cơ quan quyền lực cao nhất nước.
Trong bản văn này, có một số điểm như sau:
“...Độc lập, tự chủ và toàn vẹn lãnh thổ của nước ta đang bị uy hiếp, xâm phạm nghiêm trọng...
...Đặc biệt nghiêm trọng là trong những năm gần đây, 90% các công trình kinh tế quan trọng như các nhà máy điện, luyện kim, hóa chất, khai thác bô-xít, khai thác ti-tan... được xây dựng theo kiểu chìa khóa trao tay (EPC) rơi vào tay các nhà thầu Trung Quốc với nhiều hệ quả khôn lường. Trong khi đó Trung Quốc nhập khẩu từ nước ta chủ yếu dưới dạng vơ vét nguyên liệu, nông sản và khoáng sản, với nhiều hệ quả tàn phá môi trường. Ngoài ra còn nạn cho Trung Quốc thuê đất, thuê rừng ở vùng giáp biên giới, nạn tiền giả từ Trung Quốc tung vào. Sự yếu kém của nền kinh tế trong nước chính là mảnh đất màu mỡ cho sự xâm nhập, thậm chí có mặt chi phối, lũng đoạn về kinh tế của Trung Quốc. Chưa nói tới hệ quả khôn lường của việc Trung Quốc xây nhiều đập trên thượng nguồn hai con sông lớn chảy qua nước ta. Cũng không thể xem thường sự xâm nhập của Trung Quốc vào các nước xung quanh ta. Nếu Trung Quốc thực hiện được mưu đồ độc chiếm Biển Đông, Việt Nam coi như bị bịt đường đi ra thế giới bên ngoài...
... Đặc biệt nghiêm trọng là tệ quan liêu tham nhũng, tình trạng tha hóa phẩm chất, đạo đức đang tiếp tục gia tăng trong bộ máy và đội ngũ cán bộ công chức và viên chức của hệ thống chính trị và nhà nước. Bộ máy này ngày càng phình to, tình trạng bất cập và nạn tham nhũng nặng nề hơn, gây tổn thất ngày càng lớn hơn cho đất nước. Thực trạng này cùng với những sai lầm trong cơ cấu tổ chức và trong cơ cấu đội ngũ cán bộ khiến cho các nỗ lực đổi mới hệ thống chính trị không đem lại kết quả thực tế, mặc dù tốn kém nhiều tiền của, công sức. Trong những việc đã làm có quá nhiều cái phô diễn, mang tính hình thức, giả dối. Trong đời sống thực tế, nhiều quyền dân chủ của dân tiếp tục bị vi phạm nghiêm trọng. Việc ứng cử, bầu cử các cơ quan quyền lực chưa bảo đảm dân chủ thực chất. Nhiều quyền công dân đã được Hiến pháp quy định nhưng vẫn chưa trở thành hiện thực trong cuộc sống, đặc biệt là quyền tự do ngôn luận, quyền được thông tin, quyền lập hội, quyền biểu tình...
... Nhân dịp này, Nhà nước ta cần chủ động giải thích trước toàn dân và dư luận thế giới bối cảnh ra đời, nội dung thực chất và giá trị pháp lý của công hàm mà Thủ tướng Phạm Văn Đồng gửi Thủ tướng Chu Ân Lai năm 1958 về Biển Đông, để bác bỏ dứt khoát mọi xuyên tạc từ phía Trung Quốc...
...trước hết phải khắc phục tình trạng nền giáo dục và kinh tế của đất nước bị chi phối bởi ý thức hệ giáo điều. Cải cách chính trị, vì vậy, là tiền đề không thể thiếu cho những cải cách sâu rộng khác...”(hết trích)
Kiến Nghị như thế đã nêu lên các nan đề căn bản: người dân có quyền biểu tình nhưng bị công an đàn áp, có quyền tự do ngôn luận nhưng bị Bộ Văn Hóa Thông Tin bịt miệng, có quyền được thông tin nhưng bị tường lửa Internet vây chặt, có quyền lập hội nhưng bị Đảng CSVN tuyên bố là đảng độc quyền, có quyền hiểu rõ về công hàm Biển Đông 1958 nhưng lại bị cấm bàn tới.
Một điểm cũng cần nêu lên trong Kiến Nghị là câu “Cải cách chính trị, vì vậy, là tiền đề không thể thiếu cho những cải cách sâu rộng khác.”
Do vậy, những cuộc biểu tình trước sứ quán TQ không chỉ là hỗ trợ ngư dân, không chỉ là xác minh ý nghĩa bản công hàm 1958, mà còn là một nối tiếp truyền thống biểu tình chôn cột đồng Mã Viện.
Do vậy, những cuộc biểu tình trước tòa nhà Quốc Hội VN sẽ là những viên gạch đầu tiên cho tòa nhà Pháp Trị, khi nhắc nhở các viên chức Quốc Hội rằng còn bản Hiến Pháp cần phải được tôn trọng, rằng còn những cải cách chính trị cần phải làm trước để đưa đất nước tiến xa hơn, và rằng còn một bản công hàm 1958 cần phải làm cho ý nghĩa minh bạch để giữ gìn Biển Đông.
Và do vậy, biểu tình trước tòa nhà Quốc Hội là một nhu cầu khẩn thiết hơn bao giờ hết. Hãy để cho đời sau thấy rằng thế hệ này đã làm hết sức mình.
--
Trước
No comments:
Post a Comment