Xin chuyển bài viết của Ô. Trần Củng Sơn trên Báo Cali Today on line ngày 15/7/2011
Không ai có thể quên thủ môn Solo Hope, cô gái có đôi mắt quyến rũ như câu thơ Đinh Hùng “Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại”, đến nỗi triệu phú Stefan Plister đã nhờ máy bay kéo biểu ngữ xin cầu hôn cô trên bầu trời khi trận đấu Mỹ- Pháp đang diễn ra, đã xuất sắc chận quả sút 11 mét đem chiến thắng trận tứ kết.( ngưng trích )
Chung kết World Cup nữ- trận thư hùng giữa Hoa Kỳ và Nhật Bản sẽ gay cấn ???
Friday, 15 July 2011 20:44
Ra đời từ năm 1991, giải bóng đá nữ thế giới lần đầu tổ chức tại Trung Quốc với đội Mỹ vô địch và từ đó cho đến nay, đội thắng giải năm 1995 là Norway, năm 1999 là đội Mỹ, năm 2003 và năm 2007 đội Đức liên tiếp giữ cúp vàng.
Năm nay người ta cứ nghĩ là 4 đội mạnh như Hoa Kỳ, Ba Tây, Đức và Thụy Điển sẽ vào bán kết hoặc chung kết. Thế nhưng có sự bất ngờ khi đội Nhật Bản quật ngã Đức 1-0 rồi hạ Thụy Điển (Sweden) 3-1 để gặp Hoa Kỳ tranh nhất nhì chủ nhật này.
Mặc dù vóc dáng nhỏ bé so với các đội khác, nhưng đội nữ Nhật Bản đã kiên cường và nhanh nhẹn trong lối chuyền banh, đã tạo nên chiến tích vang dội và với khí thế đang lên, cũng có nhiều hi vọng đoạt cúp.
Điều bất ngờ của đội Nhật Bản đã tạo sự hấp dẫn cho giải bóng đá nữ thế giới lần thứ 6.
Nhưng cũng có thêm một số điều thú vị từ đội Hoa Kỳ trong hai trận gặp Ba Tây và Pháp làm thích thú người coi bóng đá nữ.
Được xếp hạng đầu trong các đội nữ thế giới, từng vô địch hai lần năm 1991, 1999 nhưng đội Mỹ đã thua đội Thụy Điển 1-2 trong vòng một để rồi gặp Ba Tây trận tứ kết vừa rồi. Có thể nói đây là trận bóng đá hào hứng nhất trong lịch sử giải Women World Cup, tính cho đến thời điểm này, và để lại trong lòng khán giả yêu bóng đá và yêu thích đội Hoa Kỳ một cảm giác khó quên.
Mới đầu đội Mỹ dẫn trước 1-0 do hậu vệ Ba Tây đá phản vào lưới nhà, nhưng qua hiệp hai Ba Tây gỡ lại 1-1 bằng trái phạt đền.
Trái phạt đền này cũng gây tranh cãi. Phút 65, tiền đạo Marta dẫn banh vào vùng cấm địa, hậu vệ Buehler truy cản và trọng tài người Úc là Jacki Melksham thổi phạt, giơ thẻ đỏ đuổi Buehler ra sân và chỉ vào chấm 11 mét. Cầu thủ Ba Tây là Cristiane đá nhưng thủ môn Solo Hope chận được trái banh, cả đội Mỹ reo mừng. Nhưng trọng tài không công nhận và bắt phải đá lại với lý do là thủ môn đã di chuyển trước khi trái banh được đối thủ đá. Khi xem lại đoạn phim quay chậm thì thủ môn Mỹ không vi phạm luật vì cô chỉ di chuyển trên đường lằn vôi của khung thành.
Thủ thành Hope phản đối liền vị trọng tài cảnh cáo bằng thẻ vàng. Marta thực hiện lại trái phạt đền và dĩ nhiên lần này banh vào lưới Mỹ và tỉ số 1-1 cho hai bên.
Lúc này thì tình thế có vẻ bất lợi cho đội Mỹ vì mất đi một cầu thủ, nhưng họ vẫn cố gắng để giữ thế trận cân bằng trong 25 phút còn lại.
Sau 90 phút bất phân thắng bại, có thêm 30 phút của hai hiệp phụ, và con đường chiến đấu của đội Mỹ trở nên dài hơn với sự vất vả của 10 cầu thủ đối chọi với 11 người.
Quả nhiên tới phút 92, Marta sút tung lưới Mỹ ghi 2-1, quả thắng này bị coi là việt vị (offside) nhưng trọng tài biên không thấy để phất cờ. Đoạn phim quay lại cho thấy Maurine (Ba Tây) khi nhận banh đã ở tình trạng việt vị, trước khi chuyền lại cho Marta đá vào.
Tới hoàn cảnh này thì khán giả Mỹ cảm thấy tuyệt vọng, sự thua trận đã hầu như rõ nét, tuy vậy đội Mỹ vẫn cố gắng tấn công hầu kiếm bàn gỡ hòa.
Ba mươi phút của hai hiệp phụ dần trôi qua, đội Ba Tây mong trọng tài thổi còi chấm dứt trận đấu để họ cầm chắc chiến thắng. Một pha va chạm nhẹ xảy ra, nhưng cầu thủ áo vàng Ba Tây Erika giả vờ nằm vạ và trọng tài phải nhờ tới đội cứu thương khiêng cáng cô này ra sân. Thay vì đóng kịch thì nên ráng đóng tròn vai cho hết vở tuồng, cô này vừa được khiêng ra khỏi sân, liền ngồi dậy và chạy ra tiếp tục tham gia trận đấu. Khán giả la ó trước hành động phi thể thao này của đội Ba Tây.
Có lẽ vì thế mà trọng tài cho thêm 3 phút bù giờ để đội Mỹ có thêm hi vọng làm nên điều thần kỳ. Phút thứ 122, điều thần kỳ đã xảy ra. Cầu thủ số 15 Megan Rapinoe, cô gái 26 tuổi có mái tóc ngắn nhuộm vàng óng trông rất dễ thương, từ cánh trái cách 30 mét đã rót banh bỗng vào khung thành Ba Tây, cái đầu của Abby Wambach nhảy lên cao trong sự hụt hẫng của đôi bàn tay thủ môn Ba Tây và banh chạm rung mành lưới gỡ 2-2 trong sự reo hò của khán giả. Bình luận gia trận đấu đã thốt lên câu rằng không thể nào tin nổi, phép lạ đã tới cho đội Mỹ.
Tuy vậy trận banh vẫn chưa kết thúc và giai đoạn hồi hộp lại tiếp tục với pha sút luân lưu 5 trái của hai bên. Đội Mỹ đã thoát nguy và có vẻ hình như thần may mắn đang đứng về phía họ. Thủ môn Solo Hope đã chận được một lần quả phạt đền phút 67, mặc dù không được công nhận, nhưng cú chận banh này đã tạo niềm tin cho cô để đối đầu với đường banh của đối thủ Ba Tây.
Quả nhiên, Solo Hope đã chận được một quả sút của Daiane (cô này đã đá phản lưới nhà để đội Mỹ dẫn trước 1-0; có lẽ cô là sao quả tạ của đội Ba Tây trong trận này) và cuối cùng đội Mỹ đã thành công trong 5 lần sút đưa kết quả 5-3 chiến thắng để vào bán kết.
Sự hấp dẫn của trận tứ kết giữa đội Mỹ và Ba Tây ở chỗ hồi hộp từ đầu cho đến cuối, hi vọng rồi thất vọng, rồi hi vọng và dĩ nhiên kết quả ngọt ngào cho khán giả Mỹ là hương vị của chiến thắng sau hơn 60 phút vất vả cầm cự trên sân.
Có sự tranh cãi từ sự yếu kém của trọng tài trong hai quả thắng của Ba Tây nhưng quả đội đầu của cầu thủ số 20 là Abby Wambach gỡ hòa 2-2 cho đội Mỹ ở phút thứ 122 phải công nhận là tuyệt đẹp và diệu kỳ đưa tới kết quả Mỹ thắng Ba Tây bằng sút phạt luân lưu đã đi vào lịch sử bóng đá nữ thế giới.
Trong trận bán kết gặp Pháp kế tiếp, đội Mỹ cũng tạo nên một sự thích thú khác cho khán giả Hoa Kỳ. Mới đầu đội Mỹ dẫn trước 1-0 với công của Lauren Cheney ở phút 9 nhưng qua hiệp hai đội Pháp vùng lên và gỡ hòa
1-1 ở phút 55 khi cầu thủ Sonia Bompastor sút banh vào vùng cấm địa, banh chạm đất và nhảy chạm cột thành vào lưới trong sự ngỡ ngàng của thủ môn Solo Hope. Tới đây khí thế đội Pháp hăng lên, áp đảo đội Mỹ và tưởng như là họ sẽ chiến thắng.
Nhưng cầu thủ số 15 Megan Rapinoe được tung vào thay thế Carli Loydd ở phút 65. Cô gái tóc ngắn nhuộm màu vàng óng này đã làm cục diện trận đấu thay đổi và đội Mỹ trở thành chủ động tấn công. Phút 79, Lauren Cheney đá phạt góc phải, banh bay bỗng và một lần nữa cái đầu của số 20 Abby Wambach nhảy lên cao tung lưới Pháp dẫn 2-1. Ba phút sau, Alex Morgan nhận đường chuyền tuyệt đẹp của Megan Rapinoe để ghi thêm bàn thắng 3-1, đặt dấu chiến thắng cho đội Mỹ.
Trận đấu bán kết Mỹ - Pháp khá gây cấn, và giữa hiệp hai, ai cũng nghĩ là đội Pháp thắng, ai dè chỉ một cú thay người của đội Mỹ là tình thế trái ngược.
Cũng cú đội đầu tuyệt đẹp của Abby Wambach và những đường chuyền banh thông minh của Megan Rampinoe là yếu tố quan trọng cho sự chiến thắng của đội Mỹ.
Hai trận tứ kết gặp Ba Tây và bán kết gặp Pháp, đội Mỹ đã cống hiến cho khán giả những phút hồi hộp và những pha làm bàn đáng nhớ.
Không ai có thể quên thủ môn Solo Hope, cô gái có đôi mắt quyến rũ như câu thơ Đinh Hùng “Mắt xanh lả bóng dừa hoang dại”, đến nỗi triệu phú Stefan Plister đã nhờ máy bay kéo biểu ngữ xin cầu hôn cô trên bầu trời khi trận đấu Mỹ- Pháp đang diễn ra, đã xuất sắc chận quả sút 11 mét đem chiến thắng trận tứ kết.
Không ai có thể quên Abby Wambach với cú đội đầu phút 122 gỡ hòa 2-2 và cú đội đầu khác phút 79 trận sau ghi 2-1. Báo chí nói rằng cô này đã từng chơi bóng rỗ và có khả năng đọc được đường đi của quả banh trong không gian. Có lẽ đây là lý do mà những cú làm bàn bằng đầu của cô đã đi vào lịch sử.
Và tôi lại chú ý đến những đường chuyền của cô gái tóc ngắn 26 tuổi Megan Rapinoe, nhìn cô chạy trên sân chợt nhớ tới câu thơ Nguyên Sa “Em ở đâu hỡi mùa thu tóc ngắn”. Hình ảnh đường banh bay tới khung thành từ cú sút của cô ở phút 122 và từ đó cái đầu tuyệt vời của Abby Wambach tạo nên khoảnh khắc đáng nhớ.
Trong trận chung kết với Nhật Bản sắp tới, yếu tố Megan Rampinoe được trở thành câu hỏi cho đội tuyển Mỹ. Có nên để cô số 15 này vào trận ngay từ đầu hay để ở hiệp hai. Nếu vào hiệp hai thì trong hiệp đầu cô ngồi bên ngoài có thể thấy rõ tình hình hai đội để khi vào thì áp dụng những đường chuyền thông minh hơn. Nhưng vào hiệp hai thì cần phải có thời gian để bắt nhịp với trận đấu, có khi quá muộn.
Và cầu thủ Lauren Cheney cũng được coi là có óc sáng tạo trong trận đấu.
Thủ môn Solo Hope, đường chuyền Megan Rapinoe, cú đội đầu của Abby Wambach là những yếu tố để đội Hoa Kỳ đăng quang lần thứ 3 kỳ này.
Theo thống kê thì trong các lần gặp nhau thì đội Mỹ thắng đội Nhật Bản nhiều hơn.
Nhưng đội Nhật Bản cũng có thể làm nên điều kỳ diệu vì họ đã từng hạ Đức 1-0 và Sweden 3-1 trước khi vào chung kết.
Trận đấu phải ngang ngửa, phải có hồi hộp cho đến khi chấm dứt thì mới đáng xem như trận Mỹ- Ba Tây và trận Mỹ - Pháp.
Nếu đội Mỹ thắng thì họ cũng xứng đáng vì đã vượt qua những hiểm nguy nhớ đời, trận tứ kết vừa qua đã ghi tên vào lịch sử bóng đá.
Nếu Nhật Bản thắng thì cũng là điều tuyệt vời, thử coi chủ nhật này họ có thể làm được chăng. Thảm họa động đất sóng thần tại Nhật mấy tháng vừa rồi đã làm cho thế giới cảm phục sự kỷ luật và chịu đựng của dân tộc xứ Phù Tang.
Xin chúc cho trận đấu chung kết gây cấn và tạo được sự hấp dẫn để cho những mùa Women World Cup kế tiếp và các giải bóng đá nữ trở nên được ưa chuộng hơn.
Trần Củng Sơn
San Jose 15-7-2011
Tặng Nguyễn Thành Lân, người bạn yêu bóng đá
No comments:
Post a Comment