WASHINGTON D.C. - Sáng sớm ngày 9 tháng Tư, gần 200 người, trang phục chỉnh tề, tụ tập tại phòng họp lớn của Câu Lạc Bộ Hải Quân Hoa Kỳ, tọa lạc trên đường 17th Street Northwest, ngay trung tâm thủ đô.
Họ là những người Mỹ gốc Việt, sử gia, học giả, chính trị gia, giáo sư các trường quân sự, cựu quân nhân và sĩ quan các cấp, cựu đại sứ, cố vấn, của hai quốc gia Hoa Kỳ, và Việt Nam trước đây (VNCH).
Họ đến từ nhiều nơi, từ California, Canada, Florida, Texas... để tham dự cuộc hội thảo có tên: “Việt Nam, 35 Năm Nhìn Lại” (“Vietnam – a 35 Year Retrospective Conference”).
Toàn cảnh buổi hội thảo Việt Nam-35 Năm Nhìn Lại. (Hình: Hà Giang)
Họ đến để cùng nghe, cùng tìm hiểu và cùng nói lên sự thật về “Chiến Tranh Việt Nam,” cuộc chiến đã gây không biết bao nhiêu tranh cãi, và ngộ nhận trong suốt 35 năm qua.
Những ngộ nhận và những sự thật về cuộc chiến này là gì? Lý do nào thực sự khiến Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh Hoa Kỳ thua trận?
Mở đầu buổi hội thảo, cựu đại sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ, ông Bùi Diễm, nói: “Người thắng trận có quyền viết lịch sử theo ý họ, nhưng qua một thời gian thật lâu, thì lịch sử thật sự sẽ được phơi bày.”
“Thời gian thật lâu,” là bao lâu? Ba mươi lăm năm có thể được xem là “đủ lâu?”
Cựu Đại Sứ Việt Nam tại Hoa Kỳ trong cuộc hội thảo Việt Nam - 35 Năm Nhìn Lại:
“Người thắng trận có quyền viết lịch sử theo ý họ, nhưng qua một thời gian thật lâu, thì lịch sử thật sự sẽ được phơi bầy.”
(Hình: Hà Giang)
Tiến sĩ Stephen Randolph, cựu đại tá không quan Hoa Kỳ, hiện là phó khoa của Đại Học Không Quân Quốc Gia, tác giả cuốn sách có tên: “Powerful and Brutal Weapons: Nixon, Kissinger, and the Easter Offensive,” do Havard University Press xuất bản, cả quyết: “Năm 1972, trong một cuộc gặp gỡ tại Tòa Bạch Ốc, Henry Kissinger báo cho tổng thốngNixonbiết là tình báo Hoa Kỳ khám phá rất nhiều xe vận tải chứa vũ khí tối tân tại miền Bắc Việt Nam, tiêu hủy những chiếc vận tải này là việc rất dễ, nhưng nếu chậm trễ để cho chỉ một chiếc xe vận tải này lọt vào Việt Nam thôi, thì Nam Việt Nam sẽ khốn đốn.”
Cũng theo lời tiến sĩ Stephen Randolph, thì Henry Kissinger nói rằng tổng thống Nixonlúc đó “băn khoăn, đi ra đi vào mãi” mà không quyết định được, lý do là vì Hoa Kỳ sắp hội thảo với Bắc Kinh trong vòng mười ngày nữa.
Cuối cùng, Tổng Thống Nixon quyết định làm lơ với tin tình báo này.
“Tổng thống (Nixon) sợ là phá hủy vũ khí của Bắc Việt sẽ ảnh hưởng không tốt đến tương quan với Bắc Kinh.”
Tiến sĩ Stephen Randolph kết luận, rằng Việt Nam và Hoa Kỳ thua cuộc “là vì lý do chính sách,” và vì Hoa Kỳ lúc đó “has bigger fish to fry” (đang câu con cá lớn hơn).
Ngậm ngùi, ông nói: “Đây là nhận thức mà tôi biết rằng sẽ ám ảnh tôi cho đến suốt cuộc đời.”
Ngoài một vài tiếng thở dài, cả phòng họp dường như yên lặng sau lời tâm sự của ông.
Cuộc hội thảo hoàn toàn bằng Anh ngữ cũng đã dẫn cử tọa đi ngược thời gian, chứng kiến những trận đánh quan trọng của chiến tranh Việt Nam, qua lời kể của những nhân chứng sống, cũng như những tài liệu tham khảo, trong cuộc thảm sát Tết Mậu Thân, trận chiến An Lộc, kỳ công tái chiếm cổ thành Quảng Trị.
Bằng giọng kể vừa linh hoạt vừa đầy xúc cảm, Trung Tá (lieutenant colonel) biệt cách dù Nguyễn Văn Lân, lãnh đạo của Liên Đoàn 81 Biệt Cách Dù vẽ lên một cách sống động trận chiến An Lộc, mà tiến sĩ Jim Willbanks cho là “trận đánh quan trọng nhất trong chiến tranh Việt Nam.”
“Thời điểm 1972, Bắc Việt rất tin là họ sẽ chiếm được miền Nam, vì chính sách “Việt Nam Hóa” chiến tranh của Hoa Kỳ đã cho Bắc Việt nhiều lợi thế, cả về quân sự lẫn chính trị.”
“Binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa đã phải đơn phương chống cự với một đạo quân đông gấp bội, và hỏa lực ngày càng hùng hậu và tối tân do Nga và Tàu cung cấp.”
Trung Tá Nguyễn Văn Lân nói.
“Thế nhưng, lòng quả cảm của quân đội VNCH đã khiến chúng ta đẩy lui được quân Bắc Việt, dù phải chịu thiệt hại nặng nề.”
Chỉ lên tấm hình một nghĩa trang ngút ngàn thập tự giá, Trung Tá Nguyễn Văn Lân chia sẻ: “Không gì đau lòng hơn cảnh nhìn các binh sĩ của mình tìm cách chôn cất đồng đội, trong khi chính bản thân họ cũng đang cận kề cái chết.”
Rồi ông đọc một câu thơ do một phụ nữ trong vùng làm tặng các chiến sĩ bỏ mình vì thương cảm trước hoàn cảnh bi đát của họ:
“An Lộc địa sử ghi chiến tích
Biệt Kích Dù… vị quốc vong thân…”
Cử tọa xúc động khi ông nghẹn lời, run giọng, không đọc rõ nổi bốn chữ “Vị Quốc Vong Thân.”
“Đã đến lúc phải trả lại sự thật cho lịch sử. Chúng ta phải cho các thế hệ con cháu biết là cha ông chúng đã anh dũng hy sinh để bảo vệ đất nước, để họ không bao giờ phải hỏi tại sao chúng ta đã thua trận. Chúng ta không thể để cho những người đã nằm xuống phải tức tưởi.”
Ông kết luận.
Nếu lòng quả cảm, ý chí bảo vệ bờ cõi đến giọt máu cuối cùng, và sự hy sinh anh dũng của quân đội Việt Nam Cộng Hòa, bên cạnh đồng minh Hoa Kỳ được làm sáng tỏ, thì mặt khác, cử tọa cũng được các diễn giả cho thấy rõ quyết tâm tiến chiếm Miền Nam của quân đội miền Bắc, bên cạnh sự hỗ trợ ngày càng cao của hai nước Nga Sô và Trung Quốc.
Giáo sư kiêm học giả Nguyễn Ngọc Bích trình bày cuộc thảm sát, rằng Bắc Việt “chối bỏ cáo buộc là chính họ ra lệnh cho cuộc tổng tấn công và thảm sát,” và “đổ tội cho những hành động riêng lẻ của cấp dưới.”
Ông cũng nói đến vai trò của giới truyền thông trong việc tạo nên những ngộ nhận về cuộc chiến, qua biến cố Mậu Thân, “cuối cùng dẫn đến quyết định bỏ rơi Việt Nam của Tổng Thống Nixon.”
Trong một buổi hội thảo có mặt của biết bao nhân vật có tầm cỡ của cả hai chính quyền, sự có mặt và phần trình bày của thứ trưởng John Negroponte được nhiều người chú ý nhất, và ông cũng là người được nhiều người và các cơ quan truyền thông đặt câu hỏi “hóc búa” nhất.
Trả lời câu hỏi của phóng viên nhật báo Người Việt, rằng ông nghĩ gì về nhận định cho rằng việc Mỹ bỏ rơi đồng minh đã dẫn đến việc thua trận của họ và miền Nam Việt Nam, ông trả lời: “Hoa Kỳ đã hỗ trợ Việt Nam từ năm 1950 cho đến năm 1975, khi đã hỗ trợ nhau một thời gian dài như thế thì không thể gọi là bỏ rơi được. Chỉ là vấn đề lúc đó Tổng Thống Johnson đã quá kiệt sức, không “deal” nổi với cuộc chiến đó nữa.”
“Nên nhớ là sau đóJohnson quyết định không tái ứng cử nữa. Ông đã quá mệt mỏi!”
Cuộc hội thảo có sự góp mặt của một danh sách hùng hậu nhiều diễn giả có tầm vóc, và các nhân chứng sống của cuộc chiến như: Sử Gia Dale Andrade (Trung Tâm Lịch Sử Quân Đội Hoa Kỳ, người đã viết ba cuốn sách về cuộc chiến Việt Nam: “Ashes to Ashes: The Phoenix Program and the Vietnam War”, “Spies and Commandos: How America Lost the Secret War in North Vietnam”, and “America’s Last Vietname Battle: Halting Hanoi’s 1972 Easter Offensive”), Tiến sĩ John Carland (Trung Tâm Lịch Sử Quân Đội Hoa Kỳ, và là một chuyên gia nghiên cứu về chiến tranh Việt Nam), ông Hoàng Đức Nhã (cựu Bộ trưởng bộ Thông Tin VNCH), Đại Tá Cảnh Sát Trần Minh Công, Đại Tá Hoàng Ngọc Lung...
Nhiều người tham dự ra về trong tiếc rẻ, vì khó có thể tóm tắt quá nhiều sự kiện quan trọng của một cuộc chiến đã làm thay đổi bàn cờ thế giới trong vòng một ngày, nhưng ai cũng đồng ý, đây là bước đầu trong việc trả sự thật cho lịch sử, và danh dự cho quân đội Việt Nam Cộng Hòa và đồng minh, cũng như ghi ơn những người đã nằm xuống.
Hà Giang/Người Việt (từ Washington D.C. )
***
HUYỀN SỬ VỀ NGƯỜI LÍNH
VIỆT NAM CỘNG HÒA
Sơn Tùng
Trong nỗi buồn của những ngày Tháng Tư, tôi có một niềm vui bất ngờ, niềm vui thầm lặng pha lẫn nỗi xót xa khi đọc được một bài viết ngắn trong mục “CASUAL” trên tuần báo The Weekly Standard số ra ngày 5.4.2010.
Bài viết mang tựa đề War Music của tác giả Robert Messenger nói về các bản nhạc nổi tiếng mà những người lính đã hát trên chiến địa ở mọi nơi trong lịch sử, nhưng hầu như toàn bài viết đã được dùng để thuật lại một trận đánh ác liệt khi quân Pháp bị bao vây trong tám tuần lễ tại Điện Biên Phủ năm 1954.
Messenger kể rằng vào cao điểm của cuộc vây hãm, một đơn vị phòng thủ nhỏ của quân đội Pháp đã quyết định phản công sau 11 ngày đêm đẩy lui các đợt tấn công liên tục của Việt Minh nhắm vào những ngọn đồi trọng yếu ở tuyến phòng thủ phiá đông. Khởi sự từ 6 giờ 10 phút sáng ngày 10 tháng 4, ba đại đội “trừ” của Tiểu đoàn 6 Dù Thuộc địa, khoảng 180 người, đã tái chiếm một trong những cứ điểm giao tranh dữ dội nhất là đồi Eliane
Bộ đội Việt Minh tức thì phản công, và tuy quân lính Pháp giữ vững phòng tuyến, những cuộc tấn công vẫn không ngừng. Cuộc giao tranh đã diễn ra ngang ngửa trong đêm tối, và cuộc chiến đấu tiếp tục dưới ánh sáng ma trơi của những trái hoả châu treo lơ lửng dưới những chiếc dù. Viên sĩ quan Pháp chỉ huy dùng máy truyền tin gửi đi một lời kêu gọi tới các đơn vị bạn ở gần để xin tiếp cứu.
Lực lượng tiếp cứu đến đầu tiên là hai Đại đội 2 và 3 của Tiểu đoàn Dù Lê Dương Ngoại quốc. Quân số bình thường của các đại đội gồm từ 150 tới 200 người, nhưng sau một tháng giao tranh tại Điện Biên Phủ đã làm quân số mỗi đại đội giảm xuống còn khoảng 50 tay súng. Khi tiến lên ngọn đồi đang giao chiến ác liệt dưới ánh sáng hoả châu màu xanh lục, họ bắt đầu hát vang bài quân hành của Lữ đoàn mang tên “Contre les Viets” (được đổi từ bài hát nguyên thủy “Contre les Rouges”).
Điện Biên Phủ thất thủ và trở thành một địa danh lớn trong chiến sử thế giới, và là một vết nhơ trong lịch sử nước Pháp, nhưng có lẽ không sử sách nào ghi lại cuộc chiến đấu hào hùng của hai đại đội Dù của Quân đội Việt Nam lúc ấy còn non trẻ vừa được thành lập trong một hoàn cảnh lịch sử cay nghiệt.
Trong cuốn “Tôn Vinh Cuộc Chiến Đấu Thần Thánh Của Quân Lực VNCH”, xuất bản năm 1999, cuốn sách thứ 36 và cuối cùng của ông, cố Học giả Phạm Kim Vinh đã viết như sau về sự ra đời của Quân Lực VNCH:
“Được coi như ra đời trên thực tế từ năm 1950, quân đội quốc gia Việt Nam chỉ có hân hạnh được chính thức hoá sự hiện hữu của mình mười lăm năm sau đó, bằng một văn kiện hành chánh ấn định lập Ngày Quân Lực Việt Nam. Đây mới chỉ là một trong bao nhiêu điều nghịch thường chồng chất lên quân đội quốc gia Việt Nam, một quân đội gặp nhiều bất hạnh ngay từ khi mới được thành lập.
“Dưới áp lực ấy, Pháp chịu ký thoả hiệp tại Điện Elysée ngày 8.3.1949, thừa nhận sự độc lập của nước Việt Nam dưới sự lãnh đạo của cựu hoàng Bảo Đại, nhưng là độc lập trong khuôn khổ ‘Liên Hiệp Pháp’. Dĩ nhiên là hình thức độc lập nhỏ giọt ấy làm cho nhiều người quốc gia thất vọng. Trong số những người có khả năng trở thành người lãnh đạo của phiá quốc gia, nhiều người chán nản vì thái độ ngoan cố của Pháp nên đã tìm đường lưu vong. Cũng có người nhắm mắt theo chân cộng sản.
“Đến khi thấy Hồ Chí Minh tổng động viên, nước Pháp (lúc ấy là nội các René Pleven) mới vội vàng ‘long trọng cam kết’ một lần nữa là sẽ thi hành thoả hiệp Elysée 8.3.1949, và hứa đến ngày 1.1.1951 là chậm nhất, sẽ trao lại quyền hành chánh cho người Việt Nam, và trao quyền quân sự cho quân đội quốc gia càng sớm càng hay. Vì sự cam kết ấy cho nên về mặt hành chánh, quân đội quốc gia Việt Nam được coi như ra đời năm 1950 (11.5.1950).” (ngưng trích)
Từ khi được thành lập, Quân đội Quốc gia Việt Nam đã không ngừng phát triển và trưởng thành trong khói lửa dù bị người Pháp chèn ép, ăn chặn viện trợ Mỹ, và cướp đoạt nhiều loại vũ khí của Mỹ giúp cho quân đội non trẻ Việt Nam.
Dù ra đời trong hoàn cảnh nghiệt ngã, vì phần nào bị nhìn như tay sai của thực dân Pháp, người lính quốc gia đã chiến đấu dũng cảm, như hai đại đội Dù trong trận Điện Biên Phủ được thuật lại trong bài viết của Robert Messenger. Có lẽ Messenger không biết rằng binh chủng Dù tinh nhuệ oai hùng của Quân đội Việt Nam cho đến sau này cũng chỉ có một khẩu hiệu đơn giản: “Nhảy dù - cố gắng!” Những người lính can trường ấy đã “cố gắng” trong suốt cuộc đời chiến binh của họ!
Chỉ sau khi Pháp thua trận Điện Biên Phủ và Việt Nam bị chia đôi, chế độ Cộng Hoà được thành lập tại miền Nam năm 1955, Quân đội Quốc gia mới thực sự độc lập và chiến đấu bảo vệ đất nước trong 20 năm, để rồi cuối cùng tan rã trong 55 ngày và bị “bạn” cũng như thù bôi nhọ.
Sau năm 1975, đã có một số tác giả ở Mỹ và phương Tây viết những cuốn sách nói lên sự thật, mà có lẽ cuốn mới nhất là Ride The Thunder của Richard Botkin, do WorldNetDaily xuất bản năm 2009. Đây là một cuốn sách được viết bằng lương tâm của một người lính Mỹ về người lính Việt Nam trong cuộc chiến Việt Nam - một cuộc chiến thảm khốc với nhiều toan tính bất lương từ bên ngoài và bên trong, với những nhân danh giả tạo từ phiá bên này và phiá bên kia. Chỉ có máu của người lính là thật. Sự hy sinh vô bờ bến của họ là thật.
Người lính ấy cũng không cần ai “phục hồi danh dự”, vì họ đã có danh dự do chính họ tạo ra bằng những hy sinh cao quý không gì sánh được. Trên mỗi vùng đất miền Nam Việt Nam, từ An Lộc, Bình Long, tới Gio Linh, Quảng Trị …, đều có thấm những giọt máu của người lính đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng mà huyền sử đã được ghi trên đá, trên hoa.
Thưa Quý Vị, Quý NT và CH…
Ông Đoàn Hửu Định, Chủ tịch Liên Hội CCS VNCH vùng HTTĐ và Phụ cận cho biết:
Đại tá Phan Văn Huấn, Chỉ Huy Trưởng Liên đoàn 81 Biệt Cách Dù về HTĐ để dự cuộc Hội thảo “35 Năm Nhìn Lại”
mà Đaị tá Huấn và Trung Tá Nguyễn Văn Lân, Chỉ Huy Phó LĐ81BCD là những diển giả chánh trong đề tài “Trận đánh An Lộc”.
Đêm Thứ Năm, 8 tháng 4, 2010, các chiến hữu của Gia đình 81BCD/HTĐ đón Đại tá Huấn, trên đường đến chổ dùng cơm tối,
không may trong cơn mưa, xe chở ĐT Huấn đã bị tai nạn. Xe đã bị một chiếc vận tải lớn đụng mạnh, hất từ xa lộ vào trong trong lề và húc vào một trụ đèn đường.
Chiếc xe chở ĐT Huấn và các Chiến hữu đã bị dẹp đầu và toán cấp cứu phải cưa xe để cứu các nạn nhân. ĐT Huấn bị gảy xương sườn. CH nguyễn Ngọc Dũng,
một Biệt Đội Trưởng của LĐ81BCD, người lái xe, vừa qua khỏi cơn coma, sau khi được giải phẩu đầu vào tối thứ Sáu, để lấy máu bầm ra.
Hiện ĐT Huấn và CH Dũng vẫn còn nằm tại nhà thương Suburban ở Bethesda, Maryland. (Suburban Hospital 8600 Old Georgetown Road Bethesda, MD 20814 301.896.3100) .
Nạn nhân thứ ba là Th. Tá Cao Kỳ Sơn, ông bị gảy bả vai, và miểng kiếng văng vào mặt (mắt?) đã được vào MedStar Health.( MedStar Health 5565 Sterrett Place Columbia, MD 21044 1-877-772-6505 )
Ông Đ.H. Định cho biết, ông và Đại Sứ Bùi Diểm đã vào thăm ĐT Huấn, dù bị đau nhiều, nhưng tỉnh táo và nói chuyện được.
Ông, Bà Tr. Tá N.V Lân hiện đang chăm sóc cho ĐT Huấn hàng ngày.
Xin vắn tắt chuyển tin để Quý Vị, Quý NT và CH được tường.....
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment