(04/27/2010)
LTS. Bài viết sau đây do nhà báo Chris Prevatt đăng trên trang blog TheLiberalOC. com hôm 26 tháng 4 vừa qua. Việt Herald dịch và đăng lại để rộng đường dư luận vì có liên quan đến cộng đồng Việt Nam .
Thứ Năm tuần trước tôi có viết trong “Political and Mob Rule Trumps Policy and Procedure in Westminster” về hành động bất thường của HÐTP Westminster sửa đổi lại giấy phép cấp cho một nhóm 38 hội đoàn trong cộng đồng Việt Nam để tổ chức lễ tưởng niệm Tháng Tư Ðen lần thứ 35.
Ban đầu, văn phòng GSV Janet Nguyễn xin giấy phép “Intent to Meet” vào ngày 26 tháng 8, 2009, dự trù có khoảng 300 người tham dự và cuối cùng được thành phố chấp thuận.
Sau đó, văn phòng GSV Janet Nguyễn mời các hội đoàn để tổ chức lễ. Cuối cùng, 37 nhóm đồng ý cùng nhau tổ chức lễ tưởng niệm Tháng Tư Ðen năm nay vào buổi chiều ngày 30 tháng 4, 2010 tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster.
Hôm 27 tháng 1, 2010, ông Timothy Chi Ngo (Ngô Chí Thiềng), thay mặt Cộng Ðồng Việt Nam Nam California (cộng đồng ông Lạc), xin giấy phép tổ chức sự kiện này vào ngày 1 tháng 5, 2010 với số người dự trù là 500 người tối đa.
Ngày 26 tháng 2, 2010, ông Nguyễn Tấn Lạc (chủ tịch cộng đồng ông Lạc) nộp đơn, sửa lại đơn do ông Thiềng nộp, đổi lại ngày tổ chức là ngày 30 tháng 4, 2010, tức là trùng ngày với giấy phép thành phố đã cấp cho văn phòng GSV Janet Nguyễn.
Ðơn của cả hai ông Lạc và ông Thiềng viết rằng “mỗi 30 tháng 4 hàng năm kể từ năm 1975, Cộng Ðồng Việt Nam Nam California tập trung với nhau để tưởng niệm những chiến sĩ và người dân đã khuất trong sự kiện miền Nam Việt Nam bị sụp đổ ngày 30 tháng 4, 1975.”
Vì một lý do nào đó, truyền thông chính giới dựa vào ngôn ngữ này, sửa đi một tí và bắt đầu đăng một cách không đúng là “Cộng Ðồng Việt Nam Nam California” đã cử hành lễ tưởng niệm này hàng năm tại Westminster . Ðiều này không đúng sự thật.
Hồ sơ thành phố cho thấy nhiều hội đoàn đứng ra tổ chức sự kiện này, vào đúng ngày hoặc gần ngày 30 tháng 4 hàng năm trong 6 năm qua.
Lễ tưởng niệm Tháng Tư Ðen không phải lúc nào cũng được tổ chức đúng ngày 30 tháng 4. Thực ra, hầu hết được tổ chức vào ngày Thứ Bảy hoặc Chủ Nhật để có nhiều người tham dự.
Lần cuối cùng Cộng Ðồng Việt Nam Nam California tổ chức lễ tưởng niệm là vào ngày Thứ Bảy, 26 tháng 4, 2008.
Lần cuối cùng lễ tưởng niệm được tổ chức đúng ngày 30 tháng 4 là vào năm 2004, và do Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California đứng ra tổ chức.
Sau đây là các năm và hội đoàn tổ chức lễ tưởng niệm Tháng Tư Ðen tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ:
2009
Thứ Bảy, 25 tháng 4: Ðoàn Thanh Niên Phan Bội Châu
2008
Thứ Bảy, 26 tháng 4: Cộng Ðồng Việt Nam Nam California
Chủ Nhật, 27 tháng 4: Ủy Ban Xây Dựng Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ
2007
Thứ Bảy, 28 tháng 4: Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California
2006
Thứ Bảy, 29 tháng 4: Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California
2005
Thứ Bảy, 30 tháng 4: (Không thể tìm ra hội đoàn nào tổ chức)
2004
Thứ Sáu, 30 tháng 4: Tổng Hội Sinh Viên Việt Nam Nam California
Vấn đề ở đây là hội đoàn với tên gọi “Cộng Ðồng Việt Nam Nam California” ban đầu chọn ngày cuối tuần gần với 30 tháng 4 nhất, Thứ Bảy, 1 tháng 5, 2010. Sau khi biết được có một nhóm cộng đồng khác do GSV Janet Nguyễn lãnh đạo, đã chọn ngày Thứ Sáu, 30 tháng 4, 2010, thế là “cộng đồng” này xin đổi ngày và đòi lấy lại giấy phép tổ chức của nhóm GSV Janet Nguyễn vào ngày hôm đó.
Trên thực tế, “cộng đồng” đã chọn một cuộc đối đầu đáng lẽ không nên có. Thành phố cố gắng làm cho hai phía ngồi lại để đạt một sự tương nhượng. Dựa trên báo cáo của nhân viên và Thị Trưởng Margie Rice hôm 21 tháng 4, 2010, nhóm GSV Janet Nguyễn đã đồng ý tương nhượng và tương nhượng, bao gồm cả việc cô không đóng vai trò nào trong buổi lễ mà theo thông lệ một vị dân cử đáng lẽ phải được theo vị trí của họ. Ðiểm chính trong các cuộc thương lượng là “ai sẽ nói trước” tại buổi lễ.
Sau đó, 3 nghị viên gốc Việt của HÐTP vào cuộc. Ba người này đều là đồng minh của DB Trần Thái Văn, đối thủ chính trị lâu đời của GSV Janet Nguyễn. Vào ngày hoặc khoảng ngày 29 tháng 3, 2010, một lá thư do Nghị Viên Tyler Diệp, thay mặt 3 nghị viên gốc Việt Tyler Diệp, Andy Quách và Tạ Ðức Trí, thảo ra và gởi cho các cơ quan truyền thông Việt ngữ.
Lá thư được đăng trên ít nhất là hai tờ báo Người Việt và Việt Herald.
Trong lá thư, 3 nghị viên gốc Việt này ngụ ý rõ ràng họ đã thảo luận vấn đề này và đạt được một kết luận chung. Lá thư của họ cũng ngụ ý sự thiên vị một cách khôn khéo, nếu không để ý quý vị sẽ không thấy.
Họ tuyên bố:
“Như quý đồng hương đã biết, Lễ Tưởng Niệm 30 tháng Tư đang gặp một số trở ngại, do sự bất đồng liên quan đến ngày, giờ, và địa điểm tưởng niệm. Một phía, do các tổ chức, hội đoàn, cùng đứng tên tổ chức; và phía khác, do Giám Sát Viên Quận Cam, Janet Nguyễn, đứng tên đăng cai. Cả hai phía chọn cùng một ngày và cùng một địa điểm, là ngày 30 tháng Tư, 2010, tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster.”
Ðây là một điều giả dối, cộng thêm vào với sự thiên vị để tuyên bố rằng những người nạp đơn xin giấy phép đối ngược lại với đơn xin của các hội đoàn do GSV Janet Nguyễn dẫn dầu là một nhóm hội đoàn và đoàn thể trong khi vẽ hình ảnh “phía bên kia” chỉ gồm có một mình Janet Nguyễn.
Tuy thế, bản tuyên bố vẫn tiếp tục nói như sau:
“Quan điểm của chúng tôi là biến cố 30 tháng Tư là biến cố đau thương của toàn bộ cộng đồng, do đó tổ chức tưởng niệm phải bao gồm tiếng nói của tất cả người Việt Nam tỵ nạn Cộng Sản. Thiết tưởng, Lễ Tưởng Niệm Quốc Hận sẽ trở thành sức mạnh và tiếng nói của tập thể người Việt tại hải ngoại khi sự phối hợp, đoàn kết, tương nhượng trong cộng đồng được thể hiện.
Ðể đánh dấu 35 năm biến cố 30 tháng Tư, cộng đồng Việt Nam không thể không có một buổi lễ tưởng niệm được tố chức trang trọng tại Tượng Ðài Chiến Sĩ Việt-Mỹ, Westminster, vào đúng ngày 30 tháng Tư, với sự tham dự của tất cả đồng hương, những thành viên của cộng đồng gốc Việt tại Little Saigon.
Là các nghị viên người Mỹ gốc Việt của thành phố, chúng tôi không muốn Westminster bị đặt vào vị trí phải chọn lựa giữa hai phía. Xin quý vị hãy cùng hợp tác để tổ chức một buổi lễ Tưởng Niệm Quốc Hận trong tình đoàn kết và thể hiện tinh thần chống lại bạo quyền độc tài cộng sản.”
Ðây là vấn đề.
Ðạo luật Brown Act cho thấy những cuộc họp liên quan xảy ra không có sự chứng kiến của công chúng.
54952.2. (a) Như đã được dùng trong chương này, “họp” có nghĩa là bất cứ cuộc tập họp của đa số thành viên trong cơ quan lập pháp cùng thời gian và địa điểm, bao gồm cả những vị trí hội thảo từ xa được cho phép bởi Phần (Section) 54953, để lắng nghe, thảo luận, tranh luận hay hành động về bất cứ vấn đề gì nằm trong chủ thể pháp lý của cơ quan lập pháp.
(b) (1) Một đa số thành viên của cơ quan lập pháp sẽ không, ngoài cuộc họp được quy định bởi chương này, dùng một loạt những liên lạc, giao tiếp bất cứ thể loại nào, trực tiếp hay qua trung gian, để thảo luận, tranh luận về bất cứ công việc gì nằm trong chủ thể pháp lý của cơ quan lập pháp.
Bản tuyên bố được đa số thành viên HÐTP đưa ra một vài ngày sau khi vấn đề được trình bày trong phiên họp của hội đồng vào ngày 24 tháng 3, 2010 rõ ràng cho thấy rằng đa số thành viên của HÐTP Westminster gặp nhau tại một địa điểm trước khi đưa ra bản tuyên bố trước bất cứ cuộc điều trần nào của HÐTP và đưa ra một loạt các kết luận đối với hai đơn xin tổ chức lễ tưởng niệm có sự tranh giành mà sự bất đồng được chuyển đến để họ giải quyết.
Ba thành viên trong HÐTP Westminster nêu trên cho thấy trong bản tuyên bố mà họ tin rằng được Cộng Ðồng Việt Nam Nam California đại diện thực sự cho cộng đồng và đơn xin của GSV Janet Nguyễn nhân danh một liên minh thực ra chỉ có lợi chính trị cho một mình cô mà thôi.
Do đó, không có gì là ngạc nhiên khi đa số này (3 nghị viên gốc Việt) vẫn có cùng kết luận về việc nên đổi lại thời gian tổ chức trong giấy phép đã cấp cho nhóm các hội đoàn do GSV Janet Nguyễn dẫn đầu và cấp lại giấy phép tổ chức lễ trong khoảng thời gian mà trước đây đã dành cho nhóm của GSV Janet Nguyễn sang cho tổ chức “Cộng Ðồng Việt Nam Nam California.”
HÐTP không thấy có lý do gì cần phải thay đổi giấy phép đã cấp cho nhóm của cô Janet Nguyễn. Nhóm này đã cố gắng thỏa hiệp, nhưng không muốn trao quyền kiểm soát lại cho Cộng Ðồng Việt Nam Nam California và điều này là hợp lý. Nói cho cùng, họ đã xin phép trước 5 tháng và đã mời mọi hội đoàn trong cộng đồng cùng đến tham gia dự buổi tưởng niệm mà họ sắp tổ chức.
Quyết định thay đổi thời gian trong giấy phép và giao thời gian này lại cho một tổ chức đối lập, là vi phạm mọi điều luật theo như quy định về quyền tự do sử dụng các khu vực công cộng.
Ðây là những điều tôi muốn nói trong tuần trước, khi tôi đưa ra mối quan tâm về việc tiến trình xin giấy phép của thành phố đang bị các chính trị gia lợi dụng. Không có hội đoàn nào có quyền tuyên bố sở hữu nhận thức của cộng đồng về ngày tưởng niệm Tháng Tư Ðen. HÐTP không thể đứng về phía bất kỳ nhóm nào trong cuộc mâu thuẫn không nên xảy ra này. Thỏa hiệp hợp lý nhất là cấp giấy phép cho các hội đoàn theo thời gian và địa điểm mà họ đã nộp đơn xin trước đó.
Cả tờ Orange County Register và tờ LA Times đều có những thông tin để điều tra liên quan đến những sự thật mà tôi vừa nêu trên. Ðiều khó chịu ở đây, thêm vào với hành động chưa hề có tiền lệ và sự vi phạm điều luật của nhóm đa số trong HÐTP, là việc một số cơ quan truyền thông đã không đưa tin gì về điều này, và dẫn dắt những độc giả của họ đi theo các thông tin sai lệch liên quan đến vấn đề.
No comments:
Post a Comment