Vũ Ánh/Việt Herald
“Sau khi buổi họp kết thúc mọi người đã hò reo vui mừng...”. Ðó là một đoạn trích từ phần chót của bài tường thuật vụ họp để quyết định của Hội Ðồng Thành Phố Westminster về việc tổ chức lễ tưởng niệm 30 tháng 4 tại tượng đài Chiến Sĩ Việt Mỹ tối Thứ Tư vừa qua. Theo lời tường thuật của một vài đồng nghiệp, một số người còn la lên “Chiến thắng!” Và nếu những lời tường thuật của các đồng nghiệp là đúng, và nếu quả thật có tiếng chiến thắng chen lẫn với tiếng hò reo vui mừng, dù đến từ phía nào, thì đó cũng không phải là một điều gì đáng vinh hạnh, chiến thắng hoặc chiến bại trong vụ này.
Chiến thắng hay chiến bại trong ngày 30 tháng 4 cách đây 35 năm là điều mà ai cũng có thể thấy được, không cần phải biện bạch. Chỉ có điều kẻ thắng hay người bại sau quyết định của Hội Ðồng Thành Phố Westminster không làm ai chết chóc, cũng chẳng có khả năng làm cho bất cứ người nào trong buổi tối hôm ấy thân bại danh liệt, không làm cho hàng trăm ngàn người lính VNCH một lần nữa lại khăn gói quả mướp bị đẩy vào trong những cánh cửa nhà tù và từ đó, thêm một số nữa bỏ thân trong tù.
Ấy vậy mà đáng buồn thay, dù không phải là kỷ niệm một chiến thắng, ngược lại 30 tháng 4 chỉ là một sự kiện đánh dấu một ngày buồn nhất của tất cả mọi người Việt Nam chạy trốn Cộng Sản sang đất nước này, một số người Việt tị nạn vẫn không ngồi để tưởng niệm chung với nhau được. Ðã không hòa thuận được với nhau, đã không đồng cảm được những năm tháng khốn cùng nhất trước khi chạy sang được đất nước tự do này, đã không còn đau được cái đau của những người mất đất, đã không còn trái tim để nói được câu đoàn kết thì thôi. Sao lại đưa nhau đến chốn công đường để nhờ những người chẳng có liên hệ gì đến cái hồ nước mắt vĩ đại nhất thế kỷ này của dân tộc ta phải phân xử?
Ồn ào, dao to búa lớn, ba hoa, nào là sự kiện là của cộng đồng phải do cộng đồng tổ chức, nào là ai nghĩ đến việc xin giấy phép trước là người đó tranh giành, mưu đồ không trong sáng, cho đến khi một bên nhường bước, thỏa thuận ngồi lại với nhau thì đến mục tranh nhau đọc diễn văn trước thế là tan. Cho đến khi một dân cử gốc Việt đề nghị hai bên tổ chức riêng nhưng cùng ngày, khác giờ nhau, bên được gọi là cộng đồng cũng vẫn bác bỏ. Nhưng trong phiên họp tối Thứ Tư, Hội Ðồng Thành Phố Westminster bỏ phiếu quyết định Janet Nguyễn và các hội đoàn ủng hộ cô sẽ tổ chức tưởng niệm trong thời gian từ 9 giờ sáng đến 4 giờ chiều như đơn xin trước đây, phe một số hội đoàn bên kia từ 5 giờ chiều đến 9 giờ tối cùng ngày 30 tháng 4, khác hẳn với những đòi hỏi của cộng đồng này trước đây là phải truất giấy phép của văn phòng Janet Nguyễn để cho cộng đồng của các ông được quyền tổ chức, vì (các ông cho rằng) đây là sự kiện của cộng đồng và các ông chính là cộng đồng.
Như thế ai chiến thắng? Mà chiến thắng cái gì mới được chứ? Hay là phe ta chiến thắng phe mình? Chiến thắng vì đã biểu lộ được tinh thần nhất định “ngồi riêng,” và khi được mời “ngồi chung” thì đưa ra những điều kiện đến Bụt cũng không chấp nhận được. Chúng tôi là cộng đồng mà, nhất định chúng tôi phải có quyền hơn ông, hơn bà, nhất định chúng tôi phải có quyền làm lễ trước, đâu giỡn mặt được phải không nào? Nhiều lúc tôi trộm nghĩ, may mà mấy ông bà này vẫn còn thuộc diện “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng,” “quyền rơm vạ đá,” chứ nếu mà có thực quyền, tôi sợ rằng người nào làm trái ý các ông, các bà là trở thành Việt Cộng hay thân Cộng “tất tần tật.”
Tội nghiệp cho những người Việt Nam tị nạn trong cộng đồng này đã phải đổi với cái giá đắt mới tránh xa được lũ hủi Cộng Sản bên Việt Nam. Sang đây những tưởng hết còn phải chứng kiến cái cảnh trái tai gai mắt, nhăng nhố, ngô không ra ngô mà khoai cũng chẳng phải khoai, nhưng không ngờ lại phải sống với một thiểu số người không khác gì đám cán bộ xã ấp của cộng sản. Ðã thế, lâu lâu, đồng hương lại bị một ông tự nhận là đại diện cho mình. Ông hay bà là đại diện cũng chẳng sao, nhưng khi người ta cần các ông, các bà giúp điền vào một mẫu đơn thì kiếm đến đỏ con mắt cũng không thấy. Ấy vậy mà chỗ nào có tí tranh luận cần những người cả vú lấp miệng em được thì mấy ông, mấy bà xuất hiện ngay, nhất là lúc họ vồ được microphone hay đứng trước các ống kính truyền hình.
Rút cục người ta phải giải thích hiện tượng tranh giành phép tắc để tổ chức lễ tưởng niệm 30 tháng 4 ra sao? Thành phố Westminster là một thành phố không chỉ có người Việt Nam mà còn nhiều sắc dân khác. Nhưng đồng hương muốn biết người Mỹ dòng chính nhận định như thế nào về các phiên họp của HÐTP. Một trong những công dân của thành phố là ông David Dave phát biểu: “Tôi đã theo dõi cuộc họp của Hội Ðồng Thành Phố hôm 14 tháng 4, thay vì giải quyết vấn đề, quí vị chỉ có cãi nhau xem ai là người phát biểu trước. Ðây là nước Mỹ, chúng ta phải làm việc với nhau. Tôi chỉ xin nói vậy thôi.”
Người Mỹ có truyền thống là “làm việc với nhau” và chính vì tinh thần này mà ngày nay nước Mỹ dù là một hiệp chủng quốc, dù sự kỳ thị chủng tộc và thiếu đoàn kết vẫn còn rơi rớt lại, những người Cộng Hòa hay Dân Chủ dù khác chính kiến một trời một vực, nhưng khi cần làm việc chung, họ sẵn sàng làm việc với nhau để tìm ra một giải pháp. Khi làm việc với nhau, hai bên thế nào cũng phải tương nhượng vì lợi ích chung của hai bên.
Lên tiếng trên đài VNCR trưa Thứ Sáu, nghị viên Andrew Ðỗ tiết lộ rằng ông đề nghị bỏ Janet Nguyễn ra ngoài và để cả hai người đại diện cho 2 ban tổ chức là các ông Phan Tấn Ngưu và Phạm Văn Thuần cùng được mời lên để phát biểu, nhưng vì ông Thuần cấp bậc cũ và tuổi tác lớn hơn nên sẽ nói trước. Tuy nhiên, luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa thuộc ban tổ chức của ông Ngưu gởi email bác bỏ đề nghị trên, vì cho rằng ông Phạm Văn Thuần là một cựu tù cải tạo “không xứng đáng.” Thế nào là xứng đáng hay không xứng đáng trong tù Cộng Sản thì có nhiều cách nhìn khác nhau, nhưng kết luận một người trong trại tù Cộng Sản là một tù nhân không xứng đáng khi họ đã sống ở trên đất Mỹ này rất khó, vì ông Nghĩa cũng cần phải sưu tầm những chứng cớ cụ thể. Hơn thế nữa, thế nào là không xứng đứng theo quan điểm của luật sư Nguyễn Xuân Nghĩa, hay ngay cả quan điểm của những người nói tương tự như luật sư Nghĩa. Theo lời luật sư Andrew Ðỗ, khi bác bỏ ông Thuần, luật sư Nghĩa lại đề nghị mục sư Trần Thanh Vân thuộc Hội Ðồng Liên Tôn.
Sao đâu cũng có Hội Ðồng Liên Tôn vậy? Nếu thấy và có bằng chứng ông Phạm Văn Thuần là tù cải tạo bất xứng thì sao không đề nghị ông Phan Tấn Ngưu hay yêu cầu phía cô Janet Nguyễn cử một vị nào khác nói trước, tự nhiên ông lại để cho mục sư Trần Thanh Vân nhảy vô là thế nào? Liệu mục sư Vân có chịu không? Ðó là chưa kể đến một câu hỏi: Có điều gì để có thể kết luận mục sư Trần Thanh Vân xứng đáng hơn hết thẩy hai ông Ngưu và Thuần?
Nhưng may quá, chuyện đến đây thì có Hội Ðồng Thành Phố Westminster phán rồi cứ thế mà thi hành. Người Mỹ đã phải dùng tới 100 giờ để giải quyết vụ này chứ không phải chơi đâu nhé! Phía ông Phan Tấn Ngưu và các người ủng hộ ông có thể hài lòng tổ chức riêng rồi, phía ông Phạm Văn Thuần cũng đã được quyền tổ chức lễ tưởng niệm theo đúng giờ giấc theo đơn xin của Văn Phòng GSV Janet Nguyễn, lại còn được nới rộng số người mời và dùng hệ thống âm thanh.
Trong mục sổ tay này, tôi chỉ nhắc lại chuyện xảy ra trước phiên họp của Hội Ðồng Thành Phố Westminster ngày Thứ Tư để quí vị nào cười được thì cười. Nhưng tôi hiểu quí vị cũng khó cười lắm bởi vì rõ ràng 35 năm qua rồi, một số nhà làm chính trị, hoạt động cộng đồng ở đây nói mình thành công đủ mọi thứ, nhưng có một thứ vẫn thất bại. Ðó là có một số quí vị hoạt động cộng đồng chưa hiểu câu này: “Ðây là nước Mỹ, chúng ta phải làm việc với nhau dù khác biệt quan điểm” và “Ðây là nước Mỹ cho nên khi đã làm việc chung với nhau thì phải biết tương nhượng vì lợi ích chung.”
Cá nhân, tôi định nghĩa các câu trên là ý thức đoàn kết! Cái ông David Dave ở thành phố Westminster quả là thâm thật khi ông nói “đây là nước Mỹ, chúng ta phải làm việc với nhau.” Không làm việc với nhau được thì không đoàn kết được. Mà đoàn kết rồi thì ai được đọc diễn văn trước, ai phải đọc sau? Khó lắm. (V.A.)
No comments:
Post a Comment