Họ đã ghi lòng tạc dạ những ân tình đó, để rồi mãi 5 tháng sau, khi VC tấn công vào Sài Gòn trong đợt II, tôi đã sang trại Tỵ Nạn Tình Thương của Ông báo cho họ biết, “Thiếu tướng Loan đã bị trọng thương, ông đã bị địch bắn gãy hai chân trong một trận giao tranh với địch tại cầu Phan Thanh Giản Sài Gòn.”
Những người đó, những kẻ khốn cùng đã được cứu giúp, cả mấy trăm người trong trại tỵ nạn đã bật khóc thành tiếng, những dòng nước mắt của góa phụ, của ông già, của bà lão, đã tuôn trào, giọt lệ xót thương ông khi gặp nạn, và trong những tiếng khóc nghẹn ngào đó đã có tiếng la lớn, đầy uất hận của một cụ già, đã già lắm. “Ông trời! răng người nhân đức như ông mà lại gặp nạn.”
Thiếu tướng, những giọt nước mắt và tiếng than lớn của cụ già là những lời cám ơn chân thành nhất của họ, của người dân Huế đối với ông, mà họ đã ấp ủ trong lòng từ lâu đối với ân nhân của họ.
₪₪₪
Sau Trại Tình Thương, những ngày kế tiếp, Thiếu tướng Loan hỏi lại tôi:
– Bao nhiêu anh em tử trận?
– 150 người, Thiếu tướng.
– Quá nặng !
– Mày nói thằng Trưởng phòng Hành chánh của mày lập thủ tục khẩn cấp tuyển dụng vợ của 150 anh em tử trận vào nữ cảnh sát, ngành Đặc biệt của mày, để họ có lương tiền nuôi nấng con cái, tao không có tiền giúp họ, chỉ còn cách này thôi. Phải làm gấp, tao ký lệnh tuyển dụng, và muốn gặp mặt họ trước khi về lại Saigon.
– Tôi hiểu rõ và thi hành ngay.
Tôi may mắn có được Đại úy Hoàng Thanh Tùng một sĩ quan cảnh sát trẻ, năng động và nhiệt tình, chỉ bốn năm ngày sau vừa là hồ sơ tuyển mộ và hồ sơ xin trợ cấp tử tuất đã làm xong.
Dọc đường số 1 từ Quảng Trị vào Huế (03/04/1968)
Nguồn: Image by © Bettmann/CORBIS
Thật tình đây là một cuộc tuyển mộ phi hành chánh, không hợp với điều lệ tuyển mộ, vì một số các bà quả phụ không biết đọc mà cũng chẳng biết viết một chữ nào cả, nhưng nó lại hợp với lòng nhân đạo, thương người, và nhất là lòng thương mến và lo lắng cho thuộc cấp của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan Tư Lệnh CSQG.
Độc nhất, chỉ có Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan là người tuyển mộ nữ nhân viên cảnh sát như thế này.
Ngày những “Nữ cảnh sát viên” nhận việc, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan đã gặp họ trong một hội trường lớn của BCH/CSQG Thừa Thiên-Huế.
Hội trường đông kín với khăn tang áo chế của 150 quả phụ, với trẻ thơ theo mẹ nhỏ nhất là hai tháng tuổi, lớn nhất là năm, mười tuổi. Quang cảnh đượm nét tang thương, u buồn. Tất cả im lặng và chờ đợi Thiếu tướng Loan lên tiếng. Với giọng nói Bắc pha Huế, ông chia buồn cùng họ, giọng nói nhỏ nhẹ và buồn buồn, trong hội trường đã có tiếng khóc nhỏ. Tôi quan sát ông, bất chợt thấy ông quay mặt đi nơi khác, đã có chút giòng lệ trong mắt ông, thật quả xúc động.
Cuối cùng ông cất tiếng nói to hơn:
– Ngày hôm nay tôi tuyển quí bà vào lực lượng cảnh sát, để các bà, các cô, có đồng lương nuôi nấng các cháu, kể từ ngày hôm nay các cô, các bà là “Nữ cảnh sát viên” của Ty Thừa Thiên-Huế.
Nhiều tiếng “cám ơn Ôn” trong đám đông, cùng với tiếng khóc, có lẽ họ đã quá xúc động trước tấm lòng nhân hậu của ông.
Ông chợt đến gần một quả phụ đang bồng một hài nhi khoảng hơn 1 tháng tuổi, và hỏi cô ta:
– Bây giờ bà là “Nữ cảnh sát” rồi đó, bà muốn làm gì?
– Thưa ôn, cho em làm chi cũng được, em đi chợ, nấu ăn, dọn dẹp nhà cửa.
Ông cười và nói lớn để mọi người cùng nghe:
– Cảnh sát không có việc đi chợ nấu ăn. Thôi, các bà về, hằng tháng đến gặp cái ông Trung úy trẻ Liên Thành này mà lãnh lương. Chẳng có việc gì cho các bà, các cô cả.
Tôi quá hoảng, nói nhỏ với ông:
– Thiếu tướng, chết em, 150 bà đó Thiếu tướng, không phải ít đâu. Em chết chắc.
– Thì Đ....cụ mày, cho mày chết luôn !
Mọi người ra về, ông nói riêng với tôi:
– Mày cố gắng lo cho họ đàng hoàng, sức tao chỉ có thể giúp họ đến đó.
Hơn 40 năm trôi qua kể từ ngày đó, đã bao nhiêu đổi thay cho thân phận và nỗi oan khiên nghiệt ngã của Thiếu tướng Loan, 150 quả phụ và hơn 300 trẻ thơ lúc đó nay đã hơn 40 tuổi, một số đã may mắn định cư tại HK, họ đã nên người, là Kỹ sư, là Bác sĩ , là Luật sư...
Tôi đã có gặp họ, cả mẹ lẫn con, họ nhắc tên Thiếu tướng Loan với sự kính trọng và lòng biết ơn ông, “Không có Thiếu tướng Loan cứu mẹ con tôi, chúng tôi đã không có cơm ăn, áo mặc.” Đó là lời nói của những cô nhi quả phụ năm xưa, những người mà ông không cần luật lệ, thủ tục, tuyển họ vào “Nữ cảnh sát tại gia.”
Ngoài ra cũng phải nói thêm về việc Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan thành lập Trung Tâm Phượng Hoàng tại BCH/CSQG Thừa Thiên Huế.
Vừa khánh thành xong trại tỵ nạn Tình Thương khoảng 12 tiếng, chưa kịp thở, ông lại bày trò chơi khác, lần này là Trung Tâm Phượng Hoàng, một danh từ nghe quá xa lạ với chúng tôi.
Đầu tiên ông bắt dời Trung Tâm Văn Khố đã có từ đời Mật thám Pháp cho đến Mậu Thân 1968, ông muốn dùng phòng này làm Trung Tâm Phượng Hoàng. Thế là phải mất một ngày dời đi chỗ khác. Hồ sơ văn khố vừa dời đi, thì ván ép, gỗ, đinh búa, máy lạnh ập vào, và ông Tướng lại làm Cai thợ. Hai muơi tay cảnh sát viên có tay nghề là thợ mộc, còn tôi là thứ 21, dưới quyền chỉ đạo của anh “Sáu Lèo” bắt đầu cưa, đục, đóng đinh nghe điếc cả tai, cộng thêm anh “Sáu Lèo”, vừa đóng đinh vừa thét, chỉ trỏ lung tung, cuối cùng một đêm một ngày không ngủ, căn phòng rộng mênh mông đã bọc phủ ván ép, máy lạnh chuyên viên điện cũng đã bắt xong.
Tôi nói với anh em:
– Sắp chết , sắp chết, mệt quá...
– Đ ...Cụ thằng Trung úy con nói gì đó?
– Thì nói gì nữa, bóc lột sức lao động quá sá, gần một ngày, một đêm làm hộc hơi mà ông cai không cho ăn.
– Chúng mầy chưa ăn sao? Đi ăn đi.
Ông thọc tay vào túi quần rồi rút tay ra, y như trò chơi năm lớp tư, lớp ba, túi rỗng, ông chẳng có đồng nào. Một sĩ quan cấp tá trong ban tham mưu của ông dúi cho chúng tôi khoảng bảy tám ngàn gì đó.
Thật ra chúng tôi đã thay nhau đi ăn rồi, nhưng muốn tống tiền anh “Sáu Lèo”, tích trữ để tối kéo nhau đi nhậu.
Thế là Trung Tâm Phượng Hoàng cấp tỉnh, có lẽ là đầu tiên được thành lập từ Mậu Thân 1968, do tôi làm Tổng thư ký, điều hành Trung tâm Phượng Hoàng Thừa Thiên-Huế từ cuối tháng 2, 1968 cho đến 1975. Có một điều mà những ai gần gũi và làm việc trực tiếp với Thiếu tướng Loan mới thấy rõ được bản chất thật sự của Ông ta.
Ông là một người rất tình cảm, dễ xúc động, bản chất nhân hậu, thương người, điểm đặc biệt làm việc rất tận tụy, chi tiết, và thông minh lạ thường.
Trung Tâm Phượng Hoàng vừa thành lập xong, ngày hôm sau tôi đã phải ngồi nguyên ngày với ông, để nghe ông giảng bài, để nghe ông nói về mục đích, về điều hành, về phối hợp với các cơ quan tình báo bạn của VNCH và phối hợp với cơ quan tình báo đồng minh như thế nào trong chương trình Phượng Hoàng, rồi thì cách thức thiết lập hồ sơ hạ tầng cơ sở địch v,v... Ông giảng giải cho tôi như là một ông thầy trong trường Tình báo.
Sau gần một tháng ở Huế, Thiếu tướng Loan và toàn BTM của ông về lại Sài Gòn, còn nhớ ngày tôi đưa ông xuống phi trường Phú Bài, Ông dặn tôi hai việc:
1– Trại Tình Thương là cố gắng của lực lượng CSQG chúng ta, nhằm giúp đỡ đồng bào tỵ nạn Huế. Giao lại cho mày, nhớ lo an ninh, giúp đỡ đồng bào cho chu đáo.
2– Đám 150 quả phụ đó và đám trẻ, mày gắng lo cho họ.
Tôi trả lời ông:
– Dạ thưa Thiếu tướng, em sẽ lo chu toàn, Thiếu tướng an tâm.
Tại sân bay Phú Bài, tôi và ông đứng cạnh máy bay đợi anh em cảnh sát chất hàng lên, gồm những vật dụng ông đem ra từ Saigòn, trong đó có 4 xe Jeep của các sĩ quan trong BTM và một chiếc của ông.
Chiếc xe của ông là chiếc chót đưa lên máy bay thì bỗng ông cho lệnh đem xe đó xuống lại, tài xế lái xe lại đậu gần ông. Ông lấy chìa khóa xe trong tay viên tài xế và giao cho tôi:
– Cho mày, chiếc xe này đầy đủ mọi thứ trên xe, mày cần để làm việc. Chỉ có chiếc máy truyền tin Motorola trên xe mày trả lại cho tao vì khác tần số ở đây.
Tôi chưa kịp nói câu gì, cho dù là hai tiếng cám ơn thì ông vỗ vai tôi và đi thẳng lên máy bay chẳng thèm nhìn lại.
Ngày 5 tháng 5 năm 1968, VC mở đợt II Tổng công kích vào thủ đô Sài Gòn, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan đã cùng với các đơn vị can trường cảnh sát của ông, lại xông pha trận mạc, chiến đấu ngày đêm trên đường phố Saigòn-Chợ Lớn.
Tướng Loan bị trọng thương trong trận tổng công kích đợt hai của VC vào Sài Gòn (05/05/1968)
Nguồn: Image by © Christian Simonpietri/Sygma/CORBIS
--------------------------------------------------------------------------------
Lần này “Hùm Thiêng” đã bị sa cơ, Thiếu tướng Loan đã cầm súng chiến đấu bên cạnh những nguời lính cảnh sát can trường của ông y như một khinh binh, thì ông bị địch bắn trọng thương vào cả hai chân tại ngay trên cầu Phan Thanh Giản Sài Gòn, ông đã ngã quỵ
Ông đã ngã quỵ cả thân xác và cả cuộc đời của một anh hùng hào kiệt, của một chiến sĩ không quân VNCH và CSQG.
Những cay đắng, nghiệt ngã nhất của cuộc đời bắt đầu đến với ông ngay ngày đó, cũng chỉ vì tấm hình, tấm hình oan nghiệt mà Eddie Adams, phóng viên của hãng AP đã chụp vào trước đó trong đợt I Tổng công kích của VC tại Sài Gòn.
Eddie Adams và tấm hình của ông ta đã đốn ngã đời của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan một cách tàn bạo.
Sau này ông ta đã phân trần, hối hận, vì hành động ông ta đã tung ra bức hình oan nghiệt đó.
Ngày Thiếu tướng Loan bị trọng thương, ông được chở sang Úc để chữa trị, nhưng công luận Úc phản đối, người ta lại hành hạ ông, hành hạ trên nỗi đau đớn cả thể xác lẫn tâm hồn ông, người ta lại chở ông sang bệnh viện Walter Reed Army Medical Center tại Washington DC, Hoa kỳ. Ông cũng lại gặp sự quay lưng ngoảnh mặt của những kẻ mà mà trước đó ông đã từng xả thân cứu họ, những công dân Hoa kỳ của một quốc gia dân chủ và công bằng nhất thế giới, mà lại đối xử với ông như hành vi của những kẻ man rợ, như những người đã cạn lòng nhân đạo, thấy chết vẫn không cứu, trắng trợn và bẩn thỉu nhất chính là những dân biểu trong quốc hội Hoa Kỳ, họ cũng phản đối một kẻ đang bị thương trầm trọng cần được chữa trị cấp thời, lại còn bẽ bàng và phủ phàng hơn nữa kẻ đó lại là bạn bè, đồng minh và là ân nhân của công dân của họ trong trận đánh Mậu Thân.
Thiếu tướng Loan bị từ chối chữa trị, trở về với đôi chân tật nguyền khập khiễng.
Ông giải ngũ, rời khỏi đời sống mà ông đã suốt đời tận tụy với tấm lòng ái quốc không thể chối cãi, không thể phủ nhận.
Ngày tháng còn lại, ông để hết thì giờ giúp trẻ mồ côi.
Tôi đã viết hết những gì tôi biết về Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan. Những gì tôi biết về ông thật quá ít và quá hạn hẹp, vì thời gian gần ông và làm việc cạnh ông rất ngắn.
Một người khác rất thân cận với ông và cùng sát cánh với ông trong những giờ phút điêu linh và nguy nan nhất của của tổ quốc, của dân tộc, như biến động Miền Trung 1966, Mậu Thân năm 1968, đó là Đại tá Trần Minh Công, nguyên Trưởng ty CSQG thị xã Đà Nẵng 1966. Trưởng Ty CSQG quận II thủ đô Sài Gòn 1968, và sau đó là Viện trưởng Học viện CSQG/VNCH. Tôi nhường lời để Đại Tá Trần Minh Công nói về Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan.
Nhìn phong cách và diện mạo của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan, nhiều người cứ tưởng lầm ông là một bạo Tướng, nhưng nhiều lần tôi đã từng chứng kiến Ông ngồi khóc một mình. Tìm hiểu ra mới biết ông là một người rất giầu tình cảm. Ông thương yêu thuộc cấp và sống chết với họ. Kể cả khi ông bắt gặp đàn em làm bậy, ông cũng không nỡ phạt họ mà chỉ răn đe để họ cải sửa. Mỗi khi thuộc cấp hy sinh tử trận, ông khóc thương, nước mắt đầm đề. Có khi thượng cấp hiểu lầm ông, ông cũng khóc. Ông kể lể, “Tao phục vụ Quốc gia, Dân tộc, chứ tao đâu phuc vụ cho cá nhân nào.”
Tướng Nguyễn Ngọc Loan là một vị Tướng trí thức trong hàng ngũ Tướng lãnh VNCH. Tướng Loan là một người rất can đảm, một cấp chỉ huy tài ba và là một vị Anh hùng dân tộc. Ít có một vị Tướng nào lại cùng cầm súng chiến đấu ngòai mặt trận như một người lính thường.
Nếu không có Tướng Loan xông pha bảo vệ Thủ Đô Sài Gòn trong dịp Tết Mậu Thân, tôi nghĩ Sài Gòn sẽ hoàn toàn không khác gì Huế.
₪₪₪
Dưới đây là những nhận xét và hối hận của Eddie Adams, người phóng viên nhiếp ảnh của hãng thông tấn AP, kẻ đã đưa cuộc đời của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Loan vào khúc quanh nghiệt ngã.
Tôi mặc đồ dạ hội sang trọng để lãnh giải thưởng và tiền thưởng về bức hình đó tại Đại hội nhiếp ảnh Hòa Lan. Khi ban nhạc trổi bài quốc ca Hoa Kỳ, tôi bậc khóc. Không phải tôi khóc vì sung sướng, mà khóc cho Tướng Loan. Cho tới giờ phút đó tôi vẫn chưa ý thức được việc tôi đã làm. Khi chụp tấm hình đó, tôi đã hủy hoại đời ông Tướng, vì ông bị dân chúng ở cả nước ông lẫn Hoa Kỳ lên án về tội giết tù binh chiến tranh. Trong bất cứ cuộc chiến nào, người ta cũng vẫn còn làm như vậy, nhưng hiếm có ảnh viên nào chụp được mà thôi.
... Eddie Adams (tại Đại hội Đảng Cộng Hoà, Houston, TX, August 1992)
Nguồn: © Associated Press, All Rights Reserved
Tướng Loan là một vị anh hùng của chính nghĩa. Bức hình tôi chụp đã lừa dối công luận.... Vậy mà mọi điều nhục nhã lại đổ trên đầu con nguời này .
Sau này, khi Adams đến thăm Tướng Loan tại thành phố Springfield, VA, khi nhắc đến tấm hình oan nghiệt năm xưa, Thiếu tướng Loan không hề nói một lời oán trách Edie Adams, mà ông còn an ủi Adams, “Ông làm nhiệm vụ của ông, tôi làm nhiệm vụ của tôi. Chỉ có thế thôi.”
Khổng Phu Tử sống lại cũng chỉ có thể nói được câu đó đối với người đã hủy họai đời mình, không thể nói hơn được nữa.
Ông đúng là một người luôn sống với một tấm lòng, một tâm hồn cao thượng. Adams xúc động trước lời nói cao thượng đó của tướng Loan, và kể từ đó họ trở thành hai người bạn thân.
====================================
================================================
No comments:
Post a Comment