Tặng Đỗ Ngọc Uyển và các bạn tù chính trị trọng chính danh khác
Cung Trầm Tưởng
Vấn đề tù chính trị có một tầm vóc lịch sử: khoảng một triệu người miền Nam, gồm các quân dân cán chính và những người đi tìm tự do, đã bị cộng sản bắt giam, bỏ tù lâu ngày và đối xử thật tàn nhẫn. Quy mô và cường độ này đã khiến nó trở thành một vấn đề nhạy cảm, dễ lay động lòng người quốc gia mà lương tâm chưa chai đá. Trong lúc tuyệt đại đa số người Việt hải ngoại đều cảm thấy se lòng khi được nhắc nhở đến nó, thì một số ít không phải là tù chính trị đã nắm lấy và khai thác nó để đánh bóng tên tuổi và tạo sự nghiệp chính trị cho bản thân hơn là để giúp những người họ nói là muốn giúp. Họ có đứng ra tổ chức rầm rộ một cuộc họp mặt của một số gia đình tù chính trị nhằm tạo cho những người này cơ hội công khai vinh danh những ân nhân của mình.
Vở kịch diễn ra xoàng xĩnh, cường điệu, không thiếu những pha lố bịch. Với các diễn viên vỗ ngực rêu rao hết năm này qua năm khác rằng, nếu không có sự can thiệp ráo riết, kiên trì và hữu hiệu của họ với chính phủ Hoa Kì, thì đã không có sự ra đi tị nạn tại Mĩ của hàng trăm ngàn người tù chính trị và gia đình của những người này!!??
Dưới tác động của một thứ lên đồng tập thể, thể loại văn chương thậm xưng đã được sử dụng vô tội vạ. Có một ông trong một phút bốc hốt đã mượn dã sử Tầu để vật hoá bà trưởng ban tổ chức thành một “bát cơm phiếu mẫu”, tức nôm na là bát cơm của một bà mẹ giặt giũ quần áo, nhưng ở đây phải được hiểu không là bùa hộ mạng của nghề giặt mà là biểu tượng của một công ơn trời biển người thọ ơn phải ghi lòng tạc dạ và đền đáp suốt đời. Một ông khác trong một phút sảng ngôn đã đẩy sự cung kính lên tới mức siêu hình tôn giáo bằng ảo hoá bà ta thành một “bà tiên nhiệm mầu chan chứa lòng bác ái!!??” Thiển nghĩ cách tụng xưng này chỉ nên dành cho những bậc á thánh như Phật Bà Quan Âm hay Đức Mẹ Maria.
Vẫn với cái tâm lí trịch thượng của thứ “ma cũ bắt nạt ma mới”, nhóm người ấy không hiểu rằng, sau những ngày tháng đầu bỡ ngỡ nơi đất khách quê người, người tù chính trị đã sớm lấy lại được lòng tự tin và đã tỏ ra có một khả năng hội nhập vào nếp sống mới rất cao, khiến người dân bản địa phải trọng nể. Ngoài ra, với một mối hoài nghi có được từ một thực trạng không thiếu những kẻ đầu cơ chính trị giả nhân giả nghĩa, người tù chính trị đã tỏ ra sáng suốt hơn và do đó đã phát hiện được một số hạt sạn trong bát cơm phiếu mẫu người ta đưa cho mình. Ý người viết muốn nói: đó là những kẻ trước kia đã thủ lợi chiến tranh, nay lại muốn hưởng cổ tức hoà bình (peace dividend) trên sự thống khổ của đồng bào đang quằn quại dưới gót sắt của một chế độ tham tàn chưa từng thấy trong lịch sử của đất nước.
Phải chăng thái độ huênh hoang, tự cao tự đại của nhóm người trên xuất phát từ việc họ chủ quan cho rằng, dưới tác động của tuổi tác và một hậu chấn thương gây nên bởi nhiều năm tù đày khắc nghiệt, người tù chính trị chỉ muốn an phận thủ thường và do đó sẽ im lặng để cho họ mượn danh nghĩa mình để múa gậy vườn hoang, hoặc nếu có phản ứng thì sẽ chỉ phản ứng một cách yếu ớt hay chiếu lệ thôi.
Có lẽ đó là lí do tại sao họ đã tỏ ra sửng sốt và lung túng trước những phản ứng bất ngờ, mạnh mẽ, sắc bén và chững chạc từ phía người tù chính trị.
Thật ra, vì trân quý tình đoàn kết giữa những người đồng hương với nhau, người tù chính trị chỉ muốn sống khiêm nhường, hoà thuận với mọi người, kể cả những người đã coi thường mình, miễn là sự coi thường này đừng vượt ngưỡng cho phép của một xử thế coi tha nhân là một nhân cách phải được tôn trọng. Tiếc rằng những người ấy đã không nhận ra được lằn ranh tinh tế này - một điều kiện cần cho một tương quan xã hội cân đối, hài hoà và văn minh - nên người tù chính trị mới phải lên tiếng.
Ở một thời buổi khi những sinh hoạt quy mô của cộng đồng người Việt hải ngoại, kể cả các sinh hoạt thuộc lãnh vực bất vụ lợi như tôn giáo, cứu trợ nhân đạo và thờ phụng hương linh các tử sĩ đã vì nước hi sinh, thường hay bị lũng đoạn bởi những ý đồ chính trị không lành mạnh như hiện nay, hoài nghi chính trị là một đức tính cần thiết để tránh rơi vào những bẫy giăng trên đường đi tìm sự thật. Với hoài nghi này, người viết cảm thấy thắc mắc về việc một số người có ăn học và biết suy nghĩ đã hơn một lần gọi người tù chính trị là H.O., một mật ngữ của cộng sản. Khi ăn nói như vậy, quý vị có hiểu được cái ý đồ khuất tất núp sau mật ngữ này không?
H.O. thực ra chỉ là cách đánh số thứ tự (H 01, H 02…) trong danh sách xuất cảnh đi Mĩ của những người tù chính trị do cộng sản thiết lập chứ không phải là chữ viết tắt của cái chúng tung tin là Humanitarian Operation nhằm che đậy chân tướng việc làm của chúng. Nếu H.O. được hiểu theo nghĩa này, thì hoá ra sự đi Mĩ của những người tù chính trị và gia đình họ là do chính sách nhân đạo của cộng sản hay sao! Thực ra đây chỉ đơn giản là một nhượng bộ chính trị quan trọng của chúng để được bình thường hoá quan hệ ngoại giao với Hoa Kì và được Hoa Kì bãi bỏ cấm vận kinh tế đang làm cho chúng sống dở chết dở. Đây mới là nguyên nhân cốt tủy của cái gọi là Humanitarian Operation, một đánh lận con đen nhằm tạo một ấn tượng giả: một chiêu bài ngôn ngữ không hơn không kém.
Với thắc mắc về việc từ ngữ H.O. bị thâm dụng bởi những người có ăn học và biết suy nghĩ ấy, người viết xin đặt ra một câu hỏi: họ ăn nói như vậy do thói quen hay có chủ ý?Muốn trả lời chính xác câu hỏi này, ta phải biết được lập trường chính trị thực sự của đối tượng. Việc làm này không dễ bởi vì những người làm điều khuất tất thường khéo che giấu hành tung của họ. Tuy nhiên, đây trước hết là một vấn đề gọi tên, nên ta có thể dựa vào ngôn ngữ học để tìm hiểu nó.
Thoạt đầu, ta thấy có một hiện tượng ngôn ngữ là thời gian lịch đại và tần số sử dụng bào mòn con chữ và làm nó biến thể. Hãy lấy từ ngữ H.O. làm một dẫn chứng điển hình. Việc nó bị lặp đi lặp lại năm này sang năm khác với một tần số cao đã biến nó từ là tiếng lóng của một hội kín - ở đây là Sở Ngoại Vụ của công an cộng sản - thành một từ chính quy được sử dụng rộng rãi, thường xuyên và công khai trên các diễn đàn truyền thông và trong các buổi sinh hoạt của cộng đồng hải ngoại. Đó là nhận xét chung chung. Muốn biết được động cơ thực sự của thâm dụng này ta phải đặt nó vào bối cảnh của khí hậu chính trị hiện thời, một khí hậu không lành mạnh.
Ở trong một môi trường như vậy, nó khó mà không là một thâm dụng có ý xấu. Nói rõ hơn, nó khó mà không là một đích ngắm của cộng sản muốn dùng những hư chiêu ngôn ngữ để tạo ấn tượng giả và qua đó tha hoá người sử dụng, dựa trên một quy luật của tuyên truyền học: tần số tạo thành thói quen, và thói quen lâu ngày hoá thành bản tính. Hãy lấy một thí dụ: sau khi nhiều lần buột miệng nói ra vì thói quen từ ngữ H.O. chẳng hạn - được thiên hạ phiên âm thành Hát Ô hay Ếch Ô - người nói đã vô hình trung bị điều kiện hoá bởi tuyên truyền của cộng sản. Nói cách khác, họ đã tự nguyện một cách không tự nguyện tham gia vào trò chơi chữ bẩn thỉu của chúng. Họ đã tự biến mình thành một cái loa vô giác cho chúng: một sự vong thân thảm hại.
Ngoài ra, trong lãnh vực tâm lí quần chúng, cộng sản đã tỏ ra lãnh hội được bài học của Adolf Hitler, một tổ sư của khoa tuyên truyền hiện đại: “Người dân thường sẵn sàng bị đánh lừa bởi những lời nói dối lớn hơn là bởi những lời nói dối nhỏ. Bởi chính họ thường hay nói những lời dối trá nhỏ… nhưng lại cảm thấy xấu hổ khi phải dùng những lời dối trá lớn. Đầu óc họ không bao giờ nghĩ đến việc tạo ra những điều giả dối vĩ đại (colossal untruths) và không tin rằng những người khác lại có thể trâng tráo bóp méo sự thật một cách đê tiện như vậy.”
Gọi bọn chủ trương đánh tráo ngôn ngữ bằng gán cho sự vật một cái tên không phải của nó, một cái tên bị xâm thực bởi những tà ý chính trị, gọi bọn này là bọn nguỵ danh chủ nghĩa. Trong từ vựng của chúng, người tù chính trị là một vô thể được khoác cho cái lốt tù cải tạo; và, tù cải tạo là tên gọi bóng bẩy của một thành phần bị coi là cặn bã của xã hội: người tù hình sự. Nói theo ngôn ngữ hình tượng, tù cải tạo là cái tốt mã, còn tù hình sự là con dẻ cùi, một loài chim phải ăn phân chó để tồn tại. Cái khốn nạn của ngôn ngữ cộng sản là như thế đó. Ở cuối vận động thoái hoá ngữ nghĩa này là sự ra đời của một định nghĩa quái gở - sự bẻ vặn ngôn ngữ - phản ánh một quan niệm pháp lí quái gở: người tù chính trị là một người tù hình sự không có án. Cách chơi chữ bằng thủ pháp đối lập này ẩn dụ một tương lai vô định, không biết bao giờ người tù chính trị mới được trả tự do để được về đoàn tụ với gia đình họ, cái phao cứu cuối cùng của đời họ.
Bây giờ ta hãy gấp quyển từ điển lại và bước vào hiện thực đòi sống. Với tội danh lấp lửng không minh văn trên và với một chính sách đối xử dựa trên quan điểm trả thù giai cấp chĩa vào họ, người tù chính trị trên thực tế đã phải hứng chịu một hình phạt nặng hơn gấp đôi sự hình phạt đối với người tù hình sự. Bởi vì ngoài hình phạt thể xác, họ còn là đối tượng của một tra tấn tinh thần với liên miên những buổi gọi là học tập và kiểm thảo chính trị mà thực chất chỉ là cái cớ để đàn hặc, nhục mạ gay gắt, quất điếng tim gan và làm chảy máu nhân cách họ. Hậu quả tổng hợp của trận đòn não cân này và nỗi lo sợ triền miên trước một tương lai mờ mịt gây nên bởi cái tội danh lấp lửng trên đã làm cho một số không ít người tù chính trị bị mất trí hoặc tự tử vì tuyệt vọng. Cần phải ghi thêm vào bản liệt kê u ám này một hình thức khủng bố tinh thần khác ác liệt hơn gấp bội: những cuộc thẩm vấn gắt gao, căng thẳng của công an chấp pháp, tức bộ phận hỏi cung chuyên nghiệp, với hậu quả là làm cho người tù chính trị bị mất ngủ thường xuyên, tăng huyết áp và héo tàn thân thể. Trong trường hợp đối tượng bị xếp vào loại tình báo chiến lược bị nghi là trước kia đã nhờ vào kế hoạch cài người mà biết được đường đi nước bước của chúng, chúng bèn sử dụng biện pháp tối hậu: khai thác xong thì thủ tiêu.
Để có một ý niệm về mức độ tội ác của cộng sản, ta hãy nghe lời kể của một chứng nhân trở về từ cõi chết. Theo anh ta, tỉ số sống sót tại trại Cổng Trời, một trại chuyên giam tù chính trị, là cứ mỗi một trăm người vào thì chỉ có mười người ra. Tỉ số kinh dị này dẫn ta trở về một chỉ tiêu kinh dị khác của bộ công an cộng sản đặt ra cho nghiệp đoàn giết người của nó:thà giết lầm mười người còn hơn để lọt một tên phản động. Vẫn lại con số 10 hắc ám đó. Con số bùa chú của bọn đồ tể đỏ, viết bằng máu đỏ của hàng trăm ngàn người tù chính trị đã bị chúng thủ tiêu mất tích.
Xin xem bài viết có giá trị về vấn đề này của Đỗ Ngọc Uyển có tựa đề “Tội Ác Thủ Tiêu Mất Tích 165.000 Quân Dân Cán Chính VNCH.” hiện còn được lưu trữ trên một số Websites toàn cầu.
Dĩ nhiên thời gian mang đến đổi thay. Nhưng, cơ bản, những Ba Khe, Tân Lập, Thanh Cầm, Thanh Phong, Nghệ Tĩnh, Gia Trung, you name it, vẫn chỉ là sự tái bản với dăm ba hiệu đính của những Cổng Trời, Sơn La, Thanh Liệt, Đầm Đùn, Lý Bá Sơ trước kia. Bởi vì trại tập trung là hệ luận tất yếu của logic chuyên chế vô sản toàn trị lấy trấn áp chính trị và thủ tiêu đối lập làm tiền đề để tồn tại.
Ta hãy trở lại với việc làm của bọn nguỵ danh chủ nghĩa. Chúng là đội quân du kích trên mặt trận chữ nghĩa của cộng sản. Để tiến hành âm mưu đánh lén nhằm trục lợi chính trị này, chúng chọn những khoảng xám của không gian ngôn ngữ làm đất dụng võ. Nghề ruột của chúng là đẻ ra một thứ hạ ngôn ngữ (sublanguage) , ngôn ngữ địa đạo, ngôn ngữ chữ chi, ngôn ngữ chập chờn, ngôn ngữ bóng gió, ngôn ngữ nguỵ trang, ngôn ngữ thò lò sáu mặt, ngôn ngữ ba que xỏ lá. Ngôn ngữ chợ đen của một băng đảng đỏ buôn lậu chữ nghĩa đã trên sáu chục năm rồi. Một ngôn ngữ tật nguyền, ngọng nghịu, làm thâm môi méo miệng bầy quỷ biện ngoắt ngoéo.
Tiếng súng đã tắt từ lâu. Nhưng chiến tranh văn hoá vẫn còn tiếp diễn. Thu nhỏ lại, đây là một ngữ chiến giữa người quân tử trọng chính danh và tên tiểu nhân nguỵ danh chủ nghĩa. Trận chiến giữa công khai minh bạch ngoài ánh sáng và khuất tất lập lờ trong bóng tối này chỉ chấm dứt với sự sụp đổ của cộng sản và sự lên ngôi của một chế độ tự do, dân chủ, nhân bản vàtrọng chính danh. Tự do tư tưởng, tự do diễn đạt, tự do sáng tạo chỉ có thể đơm hoa kết trái nếu được gieo trồng và vun xới trên mảnh đất của một xã hội mở. Ở đây những hư chiêu ngôn ngữ sẽ bị nhổ đi như những cỏ dại để nhường chỗ cho những con chữ trung thực, những con chữ-sự vật, những con chữ gọi đúng tên sự vật. Gọi người tù chính trị là người tù chính trị chứ không là cái gì khác. Một người viết văn có ý thức, tự trọng và trọng chính danh hiểu rằng đây là đạo đức tự thân của ngôn ngữ học.
Minnesota, tháng 4 năm 2010
CUNG TRẦM TƯỞNG
http://www.chinhnghia.com/longgiathanhchan.asp ia.com/longgiath anhchan.asp
http://www.chinhnghia.com/danhtraongonngu.asp ia.com/danhtraon gonngu.asp
http://www.chinhnghia.com/cuutunct.htm ia.com/cuutunct. htm
==============================
=======================================
No comments:
Post a Comment