CẮT ĐẤT ĐAI TỔ QUỐC TRẢ NỢ: CÁI HỌA KHÔN CÙNG
Chuyện vỉa hè
Bài viết của Nguyễn Quang Thiều trên Tuần Việt Nam ngày 16 tháng 4, 2010 bị xóa
LTS: Nhà thơ, nhà văn, biên kịch, vẽ tranh, dịch giả, nhà báo tự do Nguyễn Quang Thiều, 53 tuổi, đang sống ở Hà Ðông. Ông đã đoạt nhiều giải thưởng văn chương ở Việt Nam. Không những đa tài, nổi tiếng trong ngoài nước, thỉnh thoảng, ông gửi đăng báo những bài tâm cảm, trình bày cái nhìn của ông về các vấn đề thời sự của đất nước. Ông vừa gửi tới “Tuần Việt Nam”, một bộ phận của báo điện tử VietNamNet (cơ quan chủ quản là Bộ Thông Tin Truyền Thông của ông bộ trưởng “lề phải” Lê Doãn Hợp).
Bài viết ngắn có tựa đề “Cắt đất đai tổ quốc trả nợ: Cái họa khôn cùng” vừa mới được bỏ lên tuanvietnam. net sáng sớm ngày Thứ Sáu 16 tháng 4 năm 2010 thì bị giật xuống ngay. Tác giả không nói gì về chuyện ở Việt Nam, nhưng cái đề tài nhậy cảm này “tuy rằng nói đấy mà đây chạnh lòng”. Vấn đề chủ quyền biển đảo, lãnh thổ và cái họa Bắc thuộc đang là nỗi ám ảnh của người Việt Nam khắp nơi, hiển nhiên gồm cả Nguyễn Quang Thiều.
Từ đầu năm đến nay, ông đã gửi cho TuanVietnam và VietNamNet một số bài. Hồi Tháng 3, khi video clip cô nữ sinh đánh bạn tàn nhẫn ngay trên đường phố trước cái nhìn vô cảm của đám học sinh khác và cả người đi đường. Lại còn được phóng lên youtube cho thiên hạ biết. Ông Thiều bình luận cái chuyện này “là cái tát” cho các người lớn.
Vào dịp Tết vừa qua, ông thấy khổ tâm vì người ta nườm nượp dùng đủ mọi loại xe, cả công xa, lên rừng chặt các cành đào về nhà ở Hà Nội trưng bày ăn Tết, không bao lâu đào rừng sẽ hết vì người thành phố.
Năm 2008, Bộ Chính Trị CSVN công bố chính sách “tam nông” với mục tiêu “thực hiện công bằng xã hội”. Báo Nông Nghiệp Việt Nam viết một loạt bài ca ngợi rằng “Ðảng, nhà nước ta luôn đặc biệt quan tâm đến nông nghiệp-nông dân-nông thôn. Trong đó, coi nông dân là trung tâm của những hoạch định chính sách lâu dài.”
Nhưng giữa năm 2009, ông Nguyễn Quang Thiều viết loạt bài “Thư của đứa con những người nông dân” trên VietNamNet cho thấy sau nửa thế kỷ được “giải phóng” và biết bao chính sách, nông dân ở quê ông, nay là Hà Nội mở rộng, vẫn con trâu, cái cày rồi tới người nông dân bám theo nhau trên cánh đồng. Thu nhập đầu người chỉ có 40,000 đồng một tháng không đủ sống. Chữ nghĩa thì, may ra, qua khỏi nạn mù chữ. Y tế cũng không. Một người cha trong gia đình phải lựa chọn bán ruộng vườn nhà cửa để chữa bệnh (con cái sẽ đi ăn mày) hay chết (để cho con còn cơ hội sống) đã chọn cái chết.
Dưới đây là bài của ông Thiều bày tỏ sự ưu tư về tiền đồ của dân tộc đã bị xóa.
Nguyễn Quang Thiều
http://www.tuanviet nam.net/2010- 04-15-cat- dat-dai-to- quoc-tra- no-cai-hoa- khon-cung-
Nhà văn, nhà thơ, nhà báo Nguyễn Quang Thiều.
Mấy ngày trước, VTV1 đưa tin hai đứa trẻ Hy Lạp đã lấy những đồng tiền tiết kiệm trong lợn nhựa của chúng để đóng góp cho đất nước trả nợ chứ đừng mang một số hòn đảo, đất đai của tổ tiên chúng, gán nợ cho nước ngoài. Rất nhiều người lớn nghe tin đó đã cúi đầu...
Họ cúi đầu kính trọng và xấu hổ. Và như một sự vô tình, hành động của những đứa trẻ đã thổi vào lòng những người lớn trên nhiều quốc gia lòng tự trọng dân tộc và tình yêu tổ quốc.
Nợ là chuyện bình thường của mọi quốc gia. Ngay như nước Mỹ, nước Nhật còn là con nợ lớn của thế giới cơ mà. Vậy là chuyện mà có lẽ người nào trong đời cũng phải vay ít nhất một lần và các quốc gia cũng như vậy. Nhưng vay để làm việc gì và trả nợ như thế nào mới là điều đáng nói? Tôi không biết vì lý do nào mà Hy Lạp nợ nước ngoài và vì lý do gì mà Hy Lạp không có cách nào trả nợ nước ngoài.
Nợ nước ngoài có nhiều cách. Nợ vì vay để đầu tư hồi phục nền kinh tế hoặc xây dựng những công trình chiến lược của đất nước. Không trả nợ được có thể vì những người lãnh đạo không biết điều hành đất nước mà cụ thể không biết sử dụng một cách hiệu quả nhất tiền vay. Không trả nợ được có thể vì nạn tham những ăn vào quá lớn những đồng tiền đi vay ấy.
Nợ đến nỗi phải bán cả một hay nhiều phần đất của tổ quốc đi để trả nợ thì đấy là cái họa khôn cùng. (Hình: Theo bài viết của Nguyễn Quang Thiều trên TuanVietnam)
Nhưng nợ đến mức làm cho các thế hệ sau nối nhau còng lưng trả nợ cho những người đi trước quả là họa lớn cho đất nước. Còn nợ đến nỗi phải bán cả một hay nhiều phần đất của tổ quốc đi để trả nợ thì đấy là cái họa khôn cùng cho đất nước.
Việc cắt đất cho nước ngoài không phải chuyện hi hữu. Lịch sử nhiều quốc gia trên thế giới do nhiều nguyên nhân đã bán đất cho nước ngoài. Bán có thời hạn hoặc bán vĩnh viễn. Cắt đất cho nước ngoài cũng có nhiều nguyên nhân. Có nguyên nhân là vì bại trận trong một cuộc chiến tranh, có nguyên nhân cắt đất để có được những lợi ích khác và cũng có nguyên nhân do hèn nhát trước những đe dọa của nước ngoài mà dâng đất. Và với nhiều trường hợp, cho mượn đất với những lý do nào đó đôi khi cũng là một cách dâng đất của tổ quốc cho người ngoài.
Nhưng sớm hay muộn thì những dân tộc đã bị cắt đất bán hoặc dâng đất cho nước ngoài sẽ đều tìm cách đòi lại lãnh thổ của mình cho dù lãnh thổ đã mất chỉ nhỏ bằng một thửa ruộng của một người nông dân. Lịch sử cũng cho chúng ta thấy nhiều ví dụ về chuyện đòi lại đất như thế.
Trước tòa nhà Quốc Hội Úc có một ngôi nhà dựng lên gọi là “Ðại sứ Thổ dân Úc”. Tôi đã trò chuyện với đại sứ thổ dân trong ngôi nhà này trong chuyến đến Úc năm 1999. Những người thổ dân Úc dựng “tòa đại sứ” này để đòi lại đất của tổ tiên, ông cha họ đã bị những người da trắng cướp cho dù những người thổ dân Úc còn lại không nhiều và họ không có một quân đội nào. Nhưng họ đã chiến đấu cho lẽ phải bằng chính lẽ phải hết đời này đến đời khác buộc chính quyền Úc phải thừa nhận chủ quyền của họ. Cuối cùng, chính quyền Úc đã phải công khai xin lỗi những người thổ dân.
Bây giờ, chính quyền Hy Lạp cắt một số hòn đảo để trả nợ nước ngoài. Có thể sau đó, họ đã xóa được món nợ tiền, nợ vàng nước ngoài thì họ lại mang một món nợ khác. Món nợ này lớn hơn và đau đớn hơn bất kỳ món nợ nào khác. Ðó là món nợ với tổ quốc và nhân dân họ.
Chính vì thế mà cả những đứa trẻ như hai đứa trẻ Hy Lạp cũng phải đứng lên bảo vệ lãnh thổ của tổ quốc chúng bằng cách lấy những đồng tiền tiết kiệm trong lợn nhựa của chúng để đóng góp cho đất nước trả nợ chứ đừng mang một số hòn đảo, đất đai của tổ tiên chúng, gán nợ cho nước ngoài, hành động ấy chỉ là hành động của những đứa trẻ nhưng ý nghĩa của hành động ấy thật sâu sắc, thật lớn lao và thật xúc động.
Qua hành động của hai đứa trẻ Hy Lạp ấy, tôi nghĩ, những người có lương tâm ở tất cả các quốc gia đã từng bán đất hay dâng đất cho nước ngoài cho với bất kỳ lý do nào và cho dù mảnh đất ấy chỉ đủ trồng một khóm hoa hay một gốc tre cũng đều cảm thấy hổ nhục.
Phải trả lại sự thật lịch sử cho VNCH qua việc 16 tấn vàng y của
ngân hàng quốc gia bị CS Hà Nội cướp vào ngày 1-5-1975
=============================================
=============================================================
No comments:
Post a Comment