VÕ ĐẠI TÔN: VIÊN GẠCH LÓT ÐƯỜNG
Giao Chỉ, San Jose
Ngày xưa, thi sĩ Nguyên Sa gọi ông là Kinh Kha. Trên báo Ðời số đặc biệt năm 1982 xuất bản ở quận Cam, nhà văn Hư Trúc gọi ông là Mặt Trời Không Bao Giờ Lặn. Ðồng bào Việt ở Úc Châu gọi ông là Chiến Sĩ. Báo chí Hoa Kỳ gọi ông là Người Tù Anh Hùng. Trên tờ báo lớn ở miền Tây Úc, ký giả nổi tiếng Norman Aisbett gọi ông là Ðại Tá Cô Ðơn. Trong quân đội tên ông là Võ Ðại Tôn, với bí danh Wòng-A-Lìn. Ngoài văn giới ông mang bút hiệu Hoàng Phong Linh. Và sau cùng, khi tìm đường gai góc mà đi, ông tự coi mình là Viên Gạch Lót Ðường.
Với chuyến trở về vào đầu thập niên 80, viên gạch quý của chúng ta được sản xuất tại miền đất Quảng anh hùng đã làm nên lịch sử. Khi tin tức về cuộc họp báo tại Hà Nội ngày 13-07-1982 được loan báo trên hầu hết các hệ thống truyền thông thế giới, đồng bào Việt Nam hải ngoại lập tức coi Võ Ðại Tôn như là một biểu tượng chung của người quốc gia đang tìm đường quang phục quê hương.
Ðoạn phim ngắn của truyền hình Nhật Bản đã làm nhỏ lệ biết bao khán giả xen lẫn niềm hãnh diện vốn đã vắng bóng từ lâu. Từ màn ảnh nhỏ, Võ Ðại Tôn xuất hiện vĩ đại, bất khuất. Một trận thư hùng đã mở màn. Một bên là toàn thể bộ máy cầm quyền, cao ngạo, hùng mạnh, khốc liệt và vô cùng hiểm độc. Một bên là người tù biệt giam, cô đơn, đói khát, tuyệt vọng. Ðây là cuộc chiến của một người chống một chế độ trước ống kính của truyền hình, máy ảnh và những cây bút ghi chép đại diện cho hàng trăm cơ sở truyền thông trong và ngoài nước. Trong số này có trên 10 phóng viên ngoại quốc đã được Hà Nội triệu tập khẩn cấp từ Vọng Các qua. Không ai biết chuyện gì sẽ xảy ra. Trong khi đó, nhà cầm quyền Hà Nội úp mở nói rằng sẽ cho trình diện một gián điệp của Hoa Kỳ và của tình báo Thái, xâm nhập vào làm công tác phá hoại Việt Nam.
Từ loa phóng thanh, tiếng viên Thứ Trưởng Bộ Văn Hóa Thông Tin Cộng Sản Hà Nội, Lê Thành Công, chủ tọa và điều hợp buổi họp báo vang lên: Ðây là tên tay sai của trung ương tình báo Hoa Kỳ CIA.
Với gương mặt khắc khổ và cặp mắt cương nghị, người đàn ông họ Võ, sinh năm 1936 tại Ðà Nẵng cúi đầu chào cử tọa. Tiếp theo ông đứng lên phía sau một chiếc bàn gỗ ghé đầu xuống micro: Tôi, Võ Ðại Tôn, chỉ huy trưởng Chí Nguyện Ðoàn Phục Quốc, tôi xác nhận hoàn toàn chịu trách nhiện về dự mưu xâm nhập Việt Nam...Tôi xin các nhà báo vì lương tâm chức nghiệp của người cầm bút, xin hãy tường thuật trung thực.
Một cách gián tiếp, Võ đại Tôn bác bỏ vai trò của trung ương tình báo Hoa Kỳ. Ông xác nhận đã là người chủ dộng và chấp nhận tất cả mọi hậu quả. Như chúng ta đã thấy, hậu quả tàn khốc nhất là ông đã làm mất mặt toàn thể guồng máy công an và tình báo Hà Nội. Sau khi thấy Võ đại Tôn nói không đúng bài bản dự trù là sẽ thành khẩn thú nhận tội lỗi, lập tức cộng sản cúp điện, và lôi ông vào.
Sau đó khán giả không được thấy hình ảnh tiếp theo. Bình luận gia của đài truyền hình cho biết là người ta đã đem ông Võ đi và cuộc họp báo chấm dứt. Cuộc chiến đã ngưng ở đây. Một người đã thắng một chế độ. Kinh Kha của Việt Nam đã hoàn tất sứ mạng và không ai nghĩ rằng người tráng sĩ đó lại có ngày trở về.
Trần Bình Trọng của lịch sử Việt Nam, lúc sa cơ trong tay giặc đã bày tỏ tâm nguyện không làm vương đất Bắc. Người chiến sĩ họ Võ ra đi năm 1975, trở về năm 1981 vỏn vẹn với hai chiến hữu, sa cơ ở miền biên giới, đã đành quyết một lòng làm quỷ nước Nam. Sau này, khi đã xin tỵ nạn tại Pháp, nguyên đại tá cộng sản Bùi Tín kể lại rằng năm 82 Võ đại Tôn đã đem chính thân xác ra hy sinh để đánh lừa cả bộ chính trị Hà Nội một quả vô tiền khoáng hậu. Ai cũng biết rằng ông đã phải trả giá cho cuộc họp báo quốc tế phi thường như thế nào.
Tại San Jose, những thước phim ngắn trên truyền hình Nhật Bản được in ra phổ biến trong cộng đồng và một cuộc biểu dương hàng ngàn người đã được tổ chức tại công viên St James
Từ đó đến nay, giữa ngục tù Cộng Sản, ông Tôn đã đếm được 10 năm 1 tháng và 17 ngày. Báo chí ở Úc nói rằng: Mr. Võ có một trí nhớ sắc bén như lưỡi dao cạo. Ông nhớ rằng với trọn năm tù đầu tiên ông bị đánh suốt 45 ngày. Biệt giam trong một xà lim 3 thước và 2 thước rưỡi. Suốt 10 năm ông đã bị đánh đập 96 lần.
Sau ngày 13-7-1982, khắp thế giới nói đến Võ Ðại Tôn, nhưng cũng từ ngày ấy không một ai biết thêm tin tức gì về viên gạch lót đường yêu quý đó nữa.
Tại Úc châu, tiểu bang New South Wales, nơi cộng đồng Việt Nam thân yêu mà ông từ giã, vẫn mòn mỏi chờ đợi là một người vợ trẻ và đứa con trai 3 tuổi.
Năm 1990, khi có cơ hội qua Úc châu thăm bà Võ Ðại Tôn, chúng tôi đã tìm thấy một gia đình rất bình thường như bất cứ một gia đình tỵ nạn nào của cộng đồng Việt Nam. Bà Tuyết Mai, vợ Võ Ðại Tôn đi làm công chức và thay chồng nuôi con. Trong căn nhà nhỏ bé, có treo một tấm chân dung vĩ đại của người chồng và người cha ngàn trùng xa cách. Trở về Hoa Kỳ, chúng tôi đã bắt đầu công cuộc vận động với các giới lập pháp Hoa Kỳ, kể cả việc gửi người trong phái đoàn về đấu tranh với Hà Nội. Cuối thập niên 80, các hội đoàn tại San Jose hòa nhịp với người Việt toàn thế giới cùng lên tiếng đấu tranh cho tù tập trung “Lao Cải”. Tên của Phan nhật Nam và Võ đại Tôn dược nhắc nhở nhiều lần. Sau đó, đại diện cơ quan IRCC là ông phó giám đốc Nguyễn đức Lâm trong phái đoàn quốc hội California đã về Sài gòn trong sứ mạng thăm dò với cùng muc đích của bộ ngoại giao Hoa Kỳ. Cũng vào thời gian đó, Phan Nhật Nam vừa được tự do và IRCC đã có dịp phỏng vấn trực tiếp ông tại Sài Gòn đem về phát lại trên radio San Jose. Nhưng trường hợp Võ đại Tôn hy vọng rất mong manh.
Ðối với gia đình của ông Tôn, tin tức ghi nhận được ngày 13-7-1982 cũng là tin tức chính thức cuối cùng. Ít nhất cho đến 9 năm sau, với sự vận động rất tích cực của chính phủ Úc Ðại Lợi, Hà Nội đã cho phép ông nhận quà và gửi thư về. Rồi đến áp lực chung của toàn thế giới và sự lưu tâm đặc biệt của Úc châu. Sau cùng Cộng Sản Việt Nam quyết định trả tự do cho ông Võ Ðại Tôn ngày 10-12-1991.
Ông trở về Úc châu với cả một cộng đồng thân yêu chào đón. Với người vợ đỏ mắt chờ mong và đứa con trai mà người cha như là một huyền thoại. Hà Nội đã giam giữ ông trên 10 năm, từ 72 kg xuống còn 48 kg. Thân hình tiều tụy trông già hơn 20 tuổi. Tuy nhiên, trí óc sắc bén còn nhớ hàng trăm bài thơ dài ngắn và 3 cuốn sách mà ông đã viết bằng ký ức trong thời gian biệt giam, vì không có ánh đèn và giấy bút. Ngay như cuốn hồi ký Tắm Máu Đen (đường về quê hương và cuộc chiến cô đơn trong lao tù Hà Nội) dày hơn 500 trang, ngay sau khi ra khỏi tù trở về Sydney, đã được đánh máy trong vòng một tuần lễ và phát hành ngay tại Úc, 1992. Tái bản tại Hoa Kỳ năm 2000. Như vậy là, sau cùng người chiến sĩ xuất thân từ biệt kích đã có nhiều lần đảm nhận nhiều công tác tình báo đặc biệt, nay đã trở về. Lần cuối cùng ông đi vào lòng địch không hề có lệnh công tác mà cũng không có được một tiểu đội xung kích. Nếu không kể toán lính kháng chiến Lào hộ tống đã tan hàng, thì thầy trò chỉ vỏn vẹn có 3 người. Một người là Vũ Ðình Khoa đã hy sinh tại chỗ, một người thứ hai đã bị bắt cùng một lượt với Võ Ðại Tôn và được thả năm 1987.
Năm 1981, khi ông Võ Ðại Tôn lên tiếng với toàn thế giới là ông đang tìm đường trở về quang phục quê hương, trong chúng ta đã có nhiều người bày tỏ sự hoài nghi rất hợp lý.
Dứt bỏ cuộc sống ổn định, bỏ gia đình vợ con đơn chiếc để tìm con đường về mịt mù vô vọng. Quyết định này không dễ gì thực hiện. Mở cuộc thánh chiến cô đơn để chống chế độ Hà Nội lúc đó còn đầy đủ sắt máu và phong độ vào thập niên 80, rõ ràng đối với nhiều người thì đây là một hành động không khôn ngoan và thiếu thực tế.
Nhưng chúng ta không thể lấy tri thức của mọi người mà đo lòng của một người. Không thể lấy bụng dạ của thường nhân mà đo lòng chiến sĩ. Và không thể lấy đất mà đo với gạch. Vì vậy mới có Võ Ðại Tôn. Con người này khi đi làm anh hùng thể hiện sứ mạng lịch sử, quả thực đã thiếu sự khôn ngoan của đa số bình thường. Chúng ta đâu có biết ông đã nghĩ gì khi quyết “Tìm đường gai góc mà đi”.
Tháng 4 năm 1992, miền đất ấm California đã có dịp chào đón Võ Ðại Tôn trên đường từ Úc Châu qua Hoa Kỳ. Lúc đó phong độ vẫn quả cảm quyết liệt, nhưng già dặn chín chắn hơn. Chúng ta thường có thói quen dành hết lòng thương yêu thành kính cho những người liệt sĩ ra đi vĩnh viễn vào cõi vô cùng. Trong khi đó cộng đồng và quê hương thực sự rất cần những anh hùng còn tồn tại.
Hai mươi năm trước San Jose đã lên tiếng cảm ơn đất Quảng đã sản xuất ra một Võ Ðại Tôn trước sau như một. Chúng ta đã ca ngợi cộng đồng Việt tại Úc châu có được một Võ Ðại Tôn hơn một lần bước chân đi, lẫm liệt đường hoàng.
Con đường đấu tranh cho tự do, dân chủ và nhân quyền dù trong hoàn cảnh nào cũng luôn luôn mở rộng trong một cuộc chiến mới đầy hy vọng cho quê hương và dân tộc.
Trên con đường đó vẫn cần rất nhiều viên gạch lót đường. Trong đó, chúng ta đã có sẵn một viên gạch bất khuất. Viên gạch lót đường mang họ Võ.
Tháng 4 năm nay, chúng tôi lại mời ông Võ Ðại Tôn qua Mỹ.
Ngày thứ bẩy 15 tháng 5-2010 lúc 1 giờ trưa ông sẽ có dịp gặp gỡ đồng hương và chiến hữu tại San Jose. Tại hội trường Santa Clara County số 90 W. Hedding. Ông sẽ giới thiệu những cuốn sách mới viết xong, trong đó có cuốn hồi ký “Tuổi thơ và chiến tranh” và quan trọng hơn hết là ông sẽ trải rộng tâm tình với bà con San Jose, nơi cũng đã trải tấm lòng ra với ông suốt 30 năm qua.
Rồi một tuần sau, đến ngày chủ nhật 23 tháng 5-2010 trong chương trình văn nghệ 35 năm nhìn lại tại đại hí viện CPA, nhà thơ Hoàng Phong Linh, bút hiệu văn nghệ của Võ Ðại Tôn sẽ cất tiếng hát lời thơ do chính ông sáng tác (Nguyễn Ánh 9 phổ nhạc) :” Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây...
Tháng tư 1975, cách đây 35 năm miền Nam đã có biết bao nhiêu anh hùng tuẫn tiết. Tình cờ chúng tôi ghi nhận được tướng Nguyễn Khoa Nam của đất Thần kinh, Trung Việt. Tướng Lê Nguyên Vỹ, quê Sơn Tây, Bắc Việt và tướng Lê văn Hưng, Nam Việt. Quả thực anh hùng ở khắp mọi nơi và hào kiệt thời nào cũng có.
Trên con đướng đấu tranh phục quốc Trần văn Bá về từ Âu Châu, Hoàng cơ Minh về từ Mỹ Châu và Võ Ðại Tôn về từ Úc Châu. Trên sân khấu lịch sử 35 năm nhìn lại ngày 23 tháng 5-2010, chúng tôi ước mong có đại diện sinh viên Trần Văn Bá, có người con trai của tướng Hoàng cơ Minh. Liệt sĩ Trần văn Bá đã bị cộng sản xử tử hình tại Sài Gòn. Ðề đốc Hoàng cơ Minh đã hy sinh miền biên giới. Ta nỡ lòng nào đề một mình viên gạch lót đường cô đơn Võ Đại Tôn đứng đó mà hát rằng:” Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây...
Giao Chỉ - San Jose.
4.2010
HỊCH TRUYỀN TỪ TỔ QUỐC !
(Viết khi nhận được tin Trung Cộng chính thức sát nhập hành chánh kể từ ngày 2.12.2007
quần đảo Hoàng Sa – Trung Sa - Trường Sa của Việt Nam thành huyện Tam Sa,
trực thuộc tỉnh Hải Nam của Trung Cộng, do đảng Cộng Sản Việt Nam dâng hiến).
Võ Ðại Tôn (Hoàng Phong Linh)
Ông Cha ta vạch kiếm chỉ lòng sông
Chân vững thạch, tay chống Trời ngạo nghễ.
Chí đại bàng vượt muôn ngàn sóng bể
Thách trùng dương, đi mở rộng cõi bờ.
Hải đảo xa xôi thêm máu dựng cờ
Rồng tung cánh rợp Trời Nam hiển hách.
Vó ngựa Hung Nô bao lần quét sạch
Chặn xâm lăng qua khí phách kiêu hùng.
Mấy nghìn năm sâu rễ bách tùng
Gươm chém đá – đá mòn, gươm vẫn sắc.
Gốc tre thiêng làm kinh hoàng phương Bắc
Cọc Ðằng Giang xuyên thủng mộng quân thù.
Từ Diên Hồng cho đến chốn thảo lư
Lời Tâm Nguyện chung lòng lo giữ Nước.
Bành tượng uy linh chắn ngang bạo ngược
Ðống Ða mồ, bia sử sáng nghìn năm.
Dù phong ba theo mệnh Nước thăng trầm
Luôn giữ vững từng dòng sông, đỉnh núi.
Từ Ải Nam Quan đến Cà Mau đất mũi
Là của Ta, xuyên suốt ba miền.
Từ dảy Trường Sơn ôm ấp khí hùng thiêng
Thân đại thụ cũng nguyên lòng chung dạ.
Tất cả ! Tất cả !
Dù là máu xương
Khô cằn sỏi đá .
Dù là hướng dương
Hoa hồng tám ngã
Ðều là của Ta !
Không ai có quyền đem máu của Ông Cha
Ði dâng hiến, vết nhơ nhòe trang sử !
Lũ tội đồ khom lưng cống sứ
Làm ô danh, tủi nhục giống Rồng Tiên.
Bọn Bắc Phương luôn ôm mộng bá quyền
Luôn thu tóm, hả hê cười đón nhận.
Lời Hịch Truyền hôm nay đầy uất hận
Từ Cha Ông, từ Sông Núi nghìn thu.
Dòng máu Thiêng từ rừng rú thâm u,
Nơi hải đảo, kinh thành hay xóm vắng.
Kiếp lưu vong đời tha phương trĩu nặng
Hay đọa đày trên mảnh đất quê hương .
Hãy thét vang, cùng truy diệt bạo cường
Ðang chễm chệ ngồi buôn Dân bán Nước.
Toàn Dân Ta kẻ sau người trước
Không cúi đầu khiếp nhược khoanh tay.
Ta làm Chủ đất này
Ai được quyền mua bán ?
Lãnh thổ Thiêng Liêng nghìn năm chói rạng
Là của Toàn Dân !
Dù bể dâu biến đổi phong trần
Ta vẫn đứng trên bờ dâu bể !
Ải Nam Quan còn sôi huyết lệ
Bản Giốc dòng khóc hận đêm thâu.
Ðảo Hoàng Sa ngơ ngác tủi sầu
Thay đổi chủ, sóng đen màu uất nghẹn.
Ðất Nước ta toàn vẹn
Nào ai dám cắt chia ?
Sao giờ đây thịt xẻ xương lìa
Giang sơn đầy vết máu ?
Ðảng vong nô, một phường thảo khấu
Lấy máu dân tô thắm màu cờ.
Làm nhục Cha Ông, dâng hiến cõi bờ
Rồi ngất ngưởng nơi Ba Ðình chuốc rượu !
Dân Tộc ta mấy nghìn năm trường cửu
Lẽ nào đâu khuất phục lũ sài lang ?
Lời Hịch đã rền vang
Quyện Hồn Thiêng Sông Núi.
Hãy ngẩng đầu cao, chuyển xoay hận tủi
Thành cuồng phong, chung Ðại Khối Toàn Dân.
Giành lại non sông, dù phải hiến thân
Vì Ðại Nghĩa, tâm nguyền chung cứu Nước.
Ðá phải mềm vì chân ta cứng bước
Và đời ta nguyên thủy vẫn lòng son.
Trời phương Nam, đất Việt phải còn
Ðến muôn nghìn năm nữa !
Lời Hịch hôm nay, tiếng vang thành lửa
Ðang soi đường dẫn hướng ta đi.
Ðòi lại quê hương, thoát cảnh suy vi
Dân Tộc Việt, trời phương Nam : - Tự Chủ !
Võ Ðại Tôn (Hoàng Phong Linh)
Hải ngoại, 10.12.2007.
TỔ QUỐC DANH DỰ TRÁCH NHIỆM
TỔ QUỐC lâm nguy nguyện dấn thân
Phục hồi DANH DỰ trả toàn dân
Mọi người TRÁCH NHIỆM chung vai gánh
Dân Chủ, Tự Do quyết đoạt thành!
Chiến Sĩ VÕ ĐẠI TÔN
lmqpvn06@gmail. com
Vài nét giới thiệu về Chiến Sĩ VÕ ĐẠI TÔN
Chiến Sĩ Võ Đại Tôn, bút hiệu Hoàng Phong Linh, là sĩ quan cấp tá trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đã từng được biệt phái ngoại ngạch sang nhiều công vụ dân chính tại miền Nam trước 1975 (Phụ Tá Tổng Trưởng Bộ Thông Tin, - Giám Đốc Công Tác Bộ Chiêu Hồi).
Vượt biển đến định cư tại Úc Châu năm 1976 và trở về lại quê hương để tham gia Kháng Chiến Phục Quốc (qua đường rừng Thái-Lào) nhưng đã bị sa cơ vào tháng 10, 1981, tại biên giới Lào Việt.
Vì cương quyết giữ vững lập trường không đầu hàng Cộng Sản trong cuộc họp báo quốc tế ngày 13.7.1982 tại Hà Nội, ông Võ Đại Tôn đã bị Cộng Sản Việt Nam biệt giam hơn 10 năm tại trại tù Thanh Liệt (B-14), ngoại thành Hà Nội.
Được tự do nhờ áp lực của Quốc Tế và trở lại Úc Châu ngày 11.12.1991.
Hiện vẫn đang tiếp tục dấn thân phục vụ Lý Tưởng Tự Do Dân Chủ cho quốc gia Việt Nam, công tác khắp nơi trên thế giới, với cương vị là Tổng Uûy Viên Điều Hợp Trung Ương của tổ chức đấu tranh Liên Minh Quang Phục Việt Nam.
Ngoài các hoạt động đấu tranh chống Cộng Sản, ông Võ Đại Tôn còn là một nhà thơ nổi tiếng về các đề tài Quê Hương Dân Tộc, với bút hiệu Hoàng Phong Linh. Một trong những bài thơ của ông đã được phổ nhạc là bài "Mẹ Việt Nam ơi, chúng con vẫn còn đây", phổ biến khắp nơi tại hải ngoại từ mấy chục năm qua. Các tác phẩm văn-thơ của ông Võ Đại Tôn đã xuất bản là :
(các tập Thơ trước 1975 tại Saigon)
- Hoa Tim
- Đêm Trắng
- Cánh Chim Bằng
- Đăng Trình
- Hồn Ca .
- Lời Viết Cho Quê Hương. (Năm 1979 tại Hoa Kỳ)
- Đoản Khúc Người Ra Đi. (Năm 1986 tại Úc Châu)
- Hồi ký lao tù Tắm Máu Đen
- Tập Thơ Tiếng Chim Bên Dòng Thác CHAMPY (Năm 1992 tại Úc Châu và năm 2000 tái bản tại Hoa Kỳ)
- Tập truyện Chim Bắc Cành Nam (2002)
- Tuyển Tập Thơ-Văn Đấu Tranh "Tổ Quốc – Hành Trình 30 năm" (Úc Châu 2005).
Mọi liên lạc xin gửi về : lmqpvn06@gmail. com
Ông Võ Đại Tôn còn nhận được nhiều Bản Tuyên Dương của Quốc Hội Lưỡng Viện Hoa Kỳ, được đương kim Tổng Thống Hoa Kỳ trao tặng huy chương Quân Công Bội Tinh (2003), và Học Viện Quốc Tế về các Vinh Dự Quân Đội trao tặng Thanh Gươm Hiệp Sĩ Vua Arthur (2003) – ông Võ Đại Tôn là người thứ ba trên thế giới nhận lãnh phần thưởng cao quý này về Lòng Yêu Nước, tình Đồng Đội, và Ý Chí Đấu Tranh cho Nhân Quyền.
Cùng một tác giả
với bút hiệu Hoàng Phong Linh
THƠ
(trước 1975 tại Saigon)
ĐÊM TRẮNG
CÁNH CHIM BẰNG
ĐĂNG TRÌNH
HỒN CA
(năm 1979 tại Hoa Kỳ)
nhà xuất bản Thức Tỉnh
LỜI VIẾT CHO QUÊ HƯƠNG
(bản dịch Anh ngữ của Võ Trường Sơn)
(năm 1986 tại Úc Châu)
Cơ sở xuất bản Bất Khuất
ĐOẢN KHÚC NGƯỜI RA ĐI
(văn thơ sau 10 năm trong ngục tù Cộng Sản Hà Nội)
TIẾNG CHIM BÊN DÒNG THÁC CHAMPY (thơ)
TẮM MÁU ĐEN (bút ký lao tù) tái bản nhiều lần
CHIM BẮC CÀNH NAM (chuyện kể trong tù,
xuất bản tại Hoa Kỳ, tái bản tại Úc Châu, 2002).
TUYỂN TẬP THƠ VĂN ĐẤU TRANH
“TỔ QUỐC : HÀNH TRÌNH 30 NĂM”
Cơ sở Trúc Việt - Úc Châu - xuất bản, 2005
MỤC LỤC
BA MƯƠI HAI NĂM - Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
CUỐI ĐƯỜNG MẸ ĐI ... - Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
EM và MÙA XUÂN QUÊ HƯƠNG - Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
HỒN SÔNG NÚI TRONG EM ... - Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
NGÀY GIỖ BẠN - Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
THIỆN TÂM VÔ ÚY - Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
LỜI VIẾT CHO QUÊ HƯƠNG - Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
TIẾNG CHIM BÊN DÒNG THÁC CHAMPY - Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
TIẾNG THÉT TỪ LƯƠNG TÂM - Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
TỔ QUỐC - HÀNH TRÌNH BA MƯƠI NĂM 1975 - 2005 - Võ Đại Tôn (Hoàng Phong Linh)
No comments:
Post a Comment