Ngọc Trân, thông tín viên RFA
2010-12-17
Còn chưa đầy một tháng nữa, Đảng CSVN sẽ tổ chức Đại hội Đảng toàn quốc lần XI.
Đại hội đảng CSVN lần X.
Trong dự thảo văn kiện đại hội đảng lần này, đảng vẫn khẳng định con đường đi lên CNXH là đúng đắn và tiếp tục dẫn dắt cả nước Việt Nam “tiến lên” CNXH.
Nhiều câu hỏi được đặt ra như: CNXH mà chúng ta đang đi tới là gì? Vì sao Việt Nam phải kiên định con đường đi lên CNXH? Bao nhiêu năm nữa thì Việt Nam xây dựng thành công CNXH? Và vì sao các khái niệm liên quan đến kinh tế, chính trị, xã hội…phải gắn với “định hướng XHCN”? Rất nhiều người lo ngại, phải chăng ĐCSVN đang tiếp tục dẫn dắt dân tộc đi chệch hướng.
Để làm rõ thêm một số khái niệm, mời quý vị cùng Thông tín viên Ngọc Trân tìm hiểu thêm một số quan điểm trong dự thảo văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ XI, cũng như các ý kiến phản bác của giới trí thức và các đảng viên cao cấp.
“Kiên định” đường lên CNXH
“Chủ nghĩa Mác-Lênin có điều đúng và có điều sai, nhất là những dự đoán của Mác và Lênin về cái gọi là chủ nghĩa xã hội, sai rồi, mà rõ ràng là thực thi 70 năm đã thất bại rồi”!
GS Trần Phương
Cũng như các đại hội trước, đại hội đảng lần thứ XI vẫn tiếp tục “khẳng định tính đúng đắn về sự lựa chọn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”.
Mặc dù đưa các dự thảo văn kiện với mục đích lấy ý kiến của dân, thế nhưng trong “Dự thảo Cương lĩnh xây dựng đất nước thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội”, Ban Chấp hành Trung ương Đảng không còn hỏi ý kiến của dân nữa, mà đã khẳng định: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta, là sự lựa chọn đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh”.
Ông Nông Đức Mạnh, Tổng Bí thư ĐCSVN cũng đã khẳng định, rằng: “Chúng ta khẳng định một lần nữa luận điểm đúng đắn mà Đảng ta đã nêu lên trong Cương lĩnh năm 1991: ‘Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội, vì đó là quy luật tiến hoá của lịch sử’.”
Hà Nội treo cờ và biểu ngữ kỷ niệm 65 Quốc Khánh, ành chụp 31-08-2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam. Liên quan đến sự sụp đổ của chế độ XHCN ở Liên Xô cũ và các các nước Đông Âu, dự thảo cương lĩnh này cho rằng: “Chế độ xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ là một tổn thất lớn đối với phong trào cách mạng thế giới, nhưng một số nước theo con đường xã hội chủ nghĩa vẫn kiên định mục tiêu, lý tưởng, tiến hành cải cách, đổi mới, giành được những thành tựu to lớn, tiếp tục phát triển; phong trào cộng sản và công nhân quốc tế có những bước hồi phục. Tuy nhiên, các nước theo con đường xã hội chủ nghĩa, phong trào cộng sản và cánh tả vẫn còn gặp nhiều khó khăn, các thế lực thù địch tiếp tục chống phá, tìm cách xoá bỏ chủ nghĩa xã hội”.
Do ĐCSVN “kiên định với lập trường XHCN”, cho nên trong hướng dẫn lấy ý kiến góp ý vào các dự thảo văn kiện Đại hội XI, Ban Tuyên giáo Trung ương đã yêu cầu: “Không đăng và phát trên các phương tiện thông tin đại chúng những ý kiến phản bác chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác-Lê nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, về vai trò lãnh đạo của Đảng”.
Đảng viên cao cấp phản bác
Bởi do nhận thấy, chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng về con đường đi lên chủ nghĩa xã hội, về học thuyết Mác-Lê nin hoàn toàn mâu thuẫn với thực tế mà Việt Nam và các nước đã trải qua, cho nên mặc dù Ban Tuyên giáo Trung ương đã ngăn cản mọi góp ý, phản bác về con đường mà đảng đã áp đặt cho cả dân tộc, thế nhưng trên thực tế, đảng không thể ngăn chặn những tiếng nói phản biện rộng rãi trong mọi tầng lớp nhân dân Việt Nam.
“Không có lý do gì để chúng ta kiên định một cách máy móc, học thuyết Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động.
PGS Đào Công Tiến
Hai tháng trước, Hội Khoa học Kinh tế và Trung tâm Thông tin và Dự báo Kinh tế - Xã hội Quốc gia, thuộc Bộ Kế hoạch - Đầu tư, đã tổ chức hội thảo góp ý cho Văn kiện Đại hội XI. Hội thảo này có sự tham dự của rất nhiều trí thức, các vị nguyên là lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước, cùng các nhà khoa học và các cán bộ nghiên cứu từ Văn phòng Trung ương và Hội đồng Lý luận Trung ương Đảng.
Cũng tại hội thảo này, GS Trần Phương, nguyên Phó thủ tướng Chính phủ và hiện là Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam, đã đưa ra nhận xét về CNXH và chủ nghĩa Mác-Lênin trong dự thảo cương lĩnh của đảng như sau: “Ông đưa ra một cái cương lĩnh, cương lĩnh tức là cái đảng này phải tiến lên đến đâu, nó đi theo con đường nào. Thế mà cương lĩnh của ông, ông nói chủ nghĩa Mác-Lênin, thì chủ nghĩa Mác-Lênin có điều đúng và có điều sai, nhất là những dự đoán của Mác và Lênin về cái gọi là chủ nghĩa xã hội, sai rồi, mà rõ ràng là thực thi 70 năm đã thất bại rồi”!
Phát biểu tại hội thảo này, PGS Đào Công Tiến, nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, TP HCM đã nói: “Về cương lĩnh, vấn đề thứ nhứt là vấn đề kim chỉ nam, tôi cho rằng cứ kiên định, cứ khăng khăng giữ lấy kim chỉ nam như chúng ta giữ trong thời gian qua cho đến nay là không ổn, vì học thuyết Mác-Lênin cho đến nay, cuộc sống đã chỉ cho chúng ta khá rõ có cái trước trúng nay trúng. Có cái trước trúng nay không còn phù hợp vì bối cảnh lịch sử đã thay đổi quá nhiều. Có những cái trước và nay đều trật hết. Thế thì không có lý do gì để chúng ta kiên định một cách máy móc, học thuyết Mác – Lênin là nền tảng tư tưởng, là kim chỉ nam cho mọi hành động”.
Trung tâm thành phố biển Nha Trang được treo cờ để kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Đảng, ảnh chụp hôm 02-02-2010. AFP PHOTO / HOANG DINH Nam. Về mô hình XHCN, ông Đào Công Tiến cho rằng, đã đến lúc VN nên đoạn tuyệt với nó và thay thế bằng một nền kinh tế thị trường hiện đại, cùng với một xã hội dân chủ và pháp quyền: “Đem cái mô hình kinh tế tổng quát nhà nước hóa, công hữu hóa, kế hoạch hóa, tập trung quan liêu bao cấp thay cho kinh tế thị trường, dân chủ và pháp quyền, thì cái mô thức tổ chức xã hội đó, XHCN đó, tôi cho rằng đã đến lúc phải đoạn tuyệt. Và thay vào đó là cái mô thức tổ chức xã hội hiện đại, kinh tế thị trường hiện đại, dân chủ và pháp quyền”.
GS Trần Phương thì cho rằng, đảng đã sai lầm khi chọn chủ nghĩa Mác – Lênin làm nền tảng tư tưởng của đảng. GS Trần Phương đã phát biểu như sau: “Thất bại thì rõ ràng rồi! Ông nói chế độ công hữu, thì chế độ công hữu làm mất động lực của xã hội, ông phải trở lại chế độ tư hữu đấy. Ông nói là chuyên chính vô sản, thì ông phải trở lại chế độ dân chủ đấy. Ông nói là phải kế hoạch hóa tập trung, cuối cùng ông phải trở lại kinh tế thị trường đấy. Đó là một sự thất bại rõ ràng rồi, thế thì ông nói cái gì đây? Cho nên, ông nói chủ nghĩa Mác-Lênin là nền tảng tư tưởng của đảng ta, thì tôi không hiểu, xác định nền tảng tư tưởng, thì cái gì là nền tảng, còn cái gì không là nền tảng chứ”?
“Tôi muốn nói thêm là hiện nay người Việt Nam chúng ta, thích nói một cách, làm một cách. Thế tôi hỏi ông là bây giờ ông nói là nền tảng của ông là chủ nghĩa Mác – Lênin thì chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì đây? Thế ông không nói chủ nghĩa duy vật biện chứng, chủ nghĩa duy vật lịch sử đâu? Cái chuyện đó xa xôi, với các nhà học thuật thôi. Có phải không? Thế bây giờ chủ nghĩa Mác – Lênin là cái gì, mà ông nói là nền tảng của ông”?
Trong khi Đảng CSVN vẫn kiên định con đường đi lên CNXH thì giới trí thức, các nhà khoa học và các đảng viên cao cấp ở Việt Nam vẫn không hiểu cái CNXH mà đảng đang dẫn dắt cả dân tộc đi tới đó là cái gì. Ý kiến của những người đã từng nắm giữ trọng trách trong bộ máy đảng về “CNXH” và “định hướng XHCN” ra sao? Mời quý vị đón theo dõi.
=====================================
============================================================
No comments:
Post a Comment