Thanh Trúc, phóng viên RFA
2010-12-31
Hôm nay, ngày 31 tháng 12 năm 2010, là ngày tất niên của Tết Dương Lịch 2011, Thanh Trúc mời quí vị đi một vòng các nước Âu Á để xem người Việt tha phương tạ từ năm cũ và đón chào năm mới như thế nào?
AFP PHOTO / Drina Thurston
Pháo hoa mừng năm mới tại Sydney vào ngày 1 tháng 1 năm 2011.
Vào khi những giờ khắc cuối của năm 2010 rút ngắn lại đề nhường chỗ cho năm 2011, người Việt khắp nơi trên thế giới ít nhiều gặp nhau tại một điểm tương đồng, đó là mối ưu tư về nền kinh tế toàn cầu, tình trạng thời tiết bất thường gây thiên tai nhiều nơi với lòng mong mỏi con người ý thức nhiều hơn hầu giảm thiểu hiệu ứng ấm nóng dần của trái đất.
Ước mơ hòa bình
Từ vùng Chiang Mai của Thái Lan, ông Bình, đang làm việc trong một tổ chức phi chính phủ, cho rằng năm cũ có nhiều vấn đề lo lắng về kinh tế nhưng thật sự cũng tạo niềm tin vững vàng hơn đối với con người:
“Về năm mới không biết phải nói như thế nào nhưng vẫn có niềm hy vọng. Rất nhiều người ước mơ hòa bình cho con người.
Ông Bình
“Về năm mới không biết phải nói như thế nào nhưng vẫn có niềm hy vọng. Rất nhiều người ước mơ hòa bình cho con người. Có lẽ nhiều người cũng cố gắng đóng góp phần mình như thế nào để giúp xây dựng nền hòa bình cho thế giới, cho quê hương và cho cộng đồng mình đang sống.”
Sống ở thủ đô Đài Bắc nhiều năm, chị Bích, đang làm nghề may gia công ở đây:
“Năm 2010 bên này kinh tế cũng đi xuống, công ăn việc làm của người Việt bên này thì kinh tế xuống thì mức lương cũng sụt. Một số thiên tai khiến người ở đây cũng hoang mang, nhiều cô nói với em người ta về Việt Nam thường hơn, về thăm cha thăm mẹ tại sợ ở đây động đất rồi sợ không thấy cha mẹ.
Trước ngưỡng cửa năm 2011, còn mấy ngày nữa thôi, em mong muốn người dân Việt Nam mình có ý thức biết bảo vệ môi trường hơn, mong những người Việt ở Đài Loan dễ tìm việc làm, con cái được chính phủ hỗ trợ để ăn học chứ bây giờ ở bên này không ai dám sinh đẻ, sinh con càng ngày càng ít. Khu em ở có một hai trường mẫu giáo đã đóng cửa, coi như đất nước không có mầm non.”
Ông Huỳnh Báu, từ đất nước Na Uy xa xôi vùng Bắc Âu với khí hậu buốt lạnh, nói rằng khủng hoảng kinh tế kéo dài từ 2008 đến gần hết 2010 này thực ra không tác động quá nặng đến Na Uy:
“Cuộc sống ở Na Uy thì bình bình vậy thôi, nói chung sướng hơn những nước khác. Bắc Âu thì coi như Na Uy là số một. Chính phủ Na Uy đối với người Việt định cư rất là tốt rất là chiếu cố về mọi mặt. Thành ra cuộc sống ở Na Uy từ trẻ tới già rất tốt đẹp.
2011 tới thì ước vọng của Hùynh Báu là Na Uy giúp đỡ người Việt mình ở đây rất là nhiều, chỉ mong muốn người Việt ở đây nhớ ơn Na Uy. Ước ao người Việt Nam đừng có làm những cái việc gì mà để mang tiếng cho người Việt mình. Tại vì ở đây cũng có một số phần tử ở ngòai Bắc, một thời gian cũng làm mang tiếng người Việt nhiều lắm làm cho Na Uy hơi kỳ thị, họ làm nhiều cử chỉ mình cũng nhột lắm.”
Cũng trong vùng Châu Âu nhưng gần hơn, nước Đức, chị Thanh Bình bày tỏ:
“Kinh tế của thế giới thật ra chưa vững chắc nhưng mà có phần tiến triển tốt. Nước Mỹ và nước Đức không bị sa lầy, đấy là điều may cho người Việt ở Đức.
Đối với người Việt ở Đức thì năm 2010 không phải là một năm may mắn lắm vì ảnh hưởng kinh tế thế giới. Nhưng mọi người đã vượt qua được năm 2010. Hy vọng năm 2011 mọi chuyện sẽ tốt đẹp hơn, thiên tai sẽ ít đi, thế giới sẽ bắt tay với nhau tốt đẹp hơn, Trung Quốc không còn là mối đe dọa kinh khủng đối với thế giới. Nhất là đối với Việt Nam thì mong Trung Quốc sẽ là người hàng xóm khá hơn nhiều. Mong các nước hợp tác với nhau để làm cho khí hậu tốt đẹp hơn.”
Ưu tư kinh tế toàn cầu
Hồng Kông về đêm. AFP PHOTO. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của một nhà báo như ông Phạm Trần ở Washington DC, thủ đô Hoa Kỳ, mọi chuyện qua năm mới không đơn giản như mơ ước, bởi 2010 chấm dứt nhưng hệ lụy của nó chưa chấm hết khi bước sang 2011:
“Vấn đề kinh tế toàn cầu, tình hình chính trị thế giới, trong đó hai cuộc chiến tranh ở tại Afghanistan và Iraq vẫn chưa được giải quyết, khủng hoảng ở Trung Đông, triển vọng hòa bình giữa Palestine và Do Thái càng ngày càng lu mờ, Iran với vấn đề vũ khí nguyên tử.
Qua Á Châu thì hiểm họa chiến tranh Nam và Bắc Hàn vẫn còn đe dọa vùng này. Rồi vấn đề đe dọa về sức mạnh quân sự của Trung Quốc đối với các nước Á Châu trong đó có Việt Nam.
Tôi cho rằng tình hình biển Đông năm 2011 có thể có những biến cố mới. Điều mà người ta trông đợi ở năm 2011 là hòa bình thế giới vãn hồi, rồi cả kinh tế phải thay đổi chứ không thể như 2010. Đấy là hy vọng chung cho 2011.”
Vẫn trong mối ưu tư về kinh tế toàn cầu, tiến sĩ kinh tế Phan Văn Song, đang cư ngụ tại Lyon, Pháp, đóng góp:
“Năm 2010 đặc biệt tại Âu Châu này là sự sập tiệm của một nước. Tại Irlande(Ireland), Greece (Hy Lạp), và Portugal, có thể là Spain (Tây Ban Nha) nữa. Cả một nước bị bankcruptcy (phá sản) là một hiện tượng mới, bất ngờ, đáng lo.
Càng lo lắng hơn nữa là ngày hôm nay người ta đặt lại câu hỏi có nên giữ đồng tiên euro hay không. Đồng euro lập ra để có thể cạnh tranh với đồng đô la Mỹ, mới tám tuổi đã gặp khó khăn rồi. Đó là cách nhìn của Âu Châu.
Người Việt Nam hải ngoại hy vọng Việt Nam được dân chủ hóa thì may ra thoát khỏi nanh vuốt của Trung Quốc. Hy vọng nhà cầm quyền Việt Nam khôn ngoan và giữ tình bạn bè đối với những nước ASEAN. ASEAN sẽ là một khối tương đối mạnh, mạnh về mặt kinh tế, chính trị, để có thể đương đầu với Trung Quốc và xa hơn nữa là với khối Anzus gồm Tân Tây Lan, Úc Châu và US. Có như vậy Việt Nam may ra giữ được sự độc lập đối với Trung Quốc.”
Xin mời quí vị ghé đến Đông Âu, gặp ông Cang, sinh sống tại Praha, thủ đô Tiệp:
“2010 có ảnh hưởng đến 2011 là điều hiển nhiên bởi đó là một quá trình tiếp nối. Cả thế giới trong cơn khủng hoảng kinh tế thì nước Tiệp cũng vậy. Hy vọng lớn nhất là kinh tế sẽ thay đổi sẽ đi lên trong năm 2011.
Mình người Việt thì không thể không nghĩ đến đất nước Việt Nam. Ước nguyện cho 2011 cũng là mong sao cho người dân Việt Nam có thêm được những quyền tự do, tự do mưu cầu hạnh phúc và có quyền tạo dựng hạnh phúc của mình. Đất nước Việt Nam bị tàn phá một cách nặng nề, tài nguyên khoáng sản bị bốc đi bán thô, người dân không để tâm đến vấn đề môi trường. Hầu như ai cũng có những hoạt động làm ảnh hưởng đến môi trường, rừng bị tàn phá khiến lũ lụt liên tục kéo về, hậu quả từ sự quản lý không có ý thức bảo vệ môi trường. Để thay đổi thì hy vọng đất nước Việt Nam sẽ thay đổi theo hướng dân chủ.”
Rời Đông Âu qua Moscow, thủ đô Liên Bang Nga, chị Lan Hương, định cư tại Nga hai mươi hai năm, cho biết năm 2010 là năm mà nước Nga có mức tăng trưởng lạc quan gần 4%. Thế nhưng, chị nói tiếp, những diễn biến khí hậu đặc biệt bất thường như khí nóng tột độ mùa hè năm nay và hiện tượng mưa băng đá lần đầu tiên từ hơn hai thập kỷ qua trong mùa đông:
“Mong rằng năm 2001 là bậc thang cho người ta đi lên, điều quan trọng hơn cả là cho người ta một tinh thần lạc quan ổ định hơn. Mong rằng năm 2011 thì chính sách người nước ngoài ở Nga sáng sủa hơn khả quan hơn đối với cộng đồng người Việt, bởi sau khi đóng cửa chợ Vòm từ 2008 đến nay thì người Việt trải qua nhiều biến đổi không mấy thuận lợi. Hy vọng năm 2011 với một thị trưởng mới, với một thập kỷ mới của thiên niên kỷ 21 thì hy vọng người Việt sẽ tìm thấy cho mình một hướng đi mới ở nước Nga.”
Mong Việt Nam tiến bộ
Ở đất nước thuộc khối Liên Xô trước kia, sau tách ra thành Cộng Hòa Moldovia, một thương gia nơi đây là ông Tuấn:
“Tôi thì ở bên này lâu, vừa rồi có tham gia vào một số công trình trọng điểm cấp nhà nước giữa Nga và Việt Nam. Tôi thấy năm vừa rồi Việt Nam tiến bộ lên nhiều, có nhiều cái cởi mở hơn và hình như cách nhìn của thanh niên bây giờ cũng có khác hơn. Đó là chiều hướng tốt.
“Ước ao cho Việt Nam là người Việt Nam ta ở nước ngoài có tiếng nói chung để mà gần gũi đóng góp tích cực cho bên nhà .
Ông Tuấn
Vì vậy tôi nghĩ năm 2011 này thì nước mình phải tốt hơn, anh em bên này cũng sẽ cảm thấy gần gũi hơn và vui vẻ hơn. Mà nói thực nhiều lúc cũng cảm thấy đỡ xấu hổ về những quan niệm buồn cười của nhà mình. Ước ao cho Việt Nam là người Việt Nam ta ở nước ngoài có tiếng nói chung để mà gần gũi đóng góp tích cực cho bên nhà . vì tôi nghĩ mình ở bên này có cách nhìn khác hơn, rộng rãi hơn, có điều kiện tốt hơn thì mình cũng phải làm cái gì đấy. Còn lại thật lòng mà nói thì … thấp cổ bé họng…”
Trở lại Paris của nước Pháp, mà năm 2010 được nhận định là một năm khó khăn với số người thất nghiệp tăng cao bên cạnh những cuộc đình công phản đối chính sách cải tổ, ông Đỗ Bình bày tỏ niềm hy vọng trước những chỉ dấu khả quan vào khi kết thúc 2010:
“Năm 2010 là một năm thật ra cũng không đẹp đẽ gì đối với nhân loại. Qua năm 2011 có thể kinh tế phục hồi , con người sẽ sống khá hơn, tử tế với nhau hơn.
Con người trong nhiều thập niên qua đã thiêu hủy đi cái thiên nhiên, và thiên tai chỉ là hậu quả mà con người đã phung phí tài sản của thiên nhiên một cách không ý thức. Sự tàn phá mà con người gây ra còn gấp nhiều lần hơn cái sự thông minh của con người. Do đó tôi ước vọng con người ý thức được nhiều hơn để tự chế.”
Và đã đi khắp nơi thì sau rốt phải đến quê nhà, nghe cô Ý Ly ở Hà Nội nói về tuổi trẻ ngày nay và ước mơ ngày mai:
“Năm 2010 em thấy có khá nhiều biến động, khá nhiều thay đổi và khá là nhiều những sự không may mắn. Thế nhưng khi nhìn lại cả năm, em nghĩ qua 2010 mình đã học được rất nhiều bài học để bước tiếp vào năm 2011. Em hy vọng vào sự tươi sáng của năm 2011 bởi mình khôn ngoan hơn trưởng thành hơn.
Em nghĩ giới trẻ Việt Nam hiện đang để ý đang có nhiều ý thức để nhắc nhở cũng như làm các dự án khác nhau để bảo vệ môi trường. Càng ngày, với sự hỗ trợ của Internet, các bạn có động lực và sức mạnh để kết nối với nhau, kêu gọi nhau hành động chứ không ngồi chờ một cách thụ động nữa. Điều này cho thấy khả năng thay đổi từ dưới lên được nhiều như vậy, mong sẽ có sự chủ động nhiều hơn từ các thanh niên các bạn trẻ bởi tác động của tuổi trẻ tạo nên sự thay đổi tích cực trong xã hội.”
Đó là quan điểm và cảm nghĩ của người Việt khắp nơi nhân Tết Dương Lịch 2011. Phải chăng mẫu số chung mà người Việt khắp nơi tìm ra cũng chính là nỗi lo của nhân loại trước hai việc cần thiết, một là vực dậy nền kinh tế, hai là cùng nhau giải quyết hậu quả thay vì tiếp tục hủy hoại môi trường trên địa cầu của chúng ta.
No comments:
Post a Comment