Phạm Trần
Trước thềm Đại hội tòan quốc đảng Cộng sản Việt Nam XI diễn ra vào tháng 1 năm 2011, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN), Bộ Ngoại giao đã tổ chức "Hội nghị tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài".
Cuộc họp chính thức diễn ra tại Hà Nội vào ngày 4/11 (2010), theo thông tin của Nhà nước CSVN, các viên chức tham dự gồm có : Phạm Gia Khiêm, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính, Bộ trưởng Ngoại giao; Trương Mỹ Hoa, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Nguyên Phó Chủ tịch nước; Nguyễn Dy Niên, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao; Vũ Trọng Kim, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài.
Ngòai ra báo chí cũng đưa tin còn có "Đông đảo đại biểu đại diện các bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể ở Trung ương và các đại diện lãnh đạo 63 tỉnh thành; chủ tịch các hội liên lạc, hội thân nhân kiều bào; các cán bộ lãnh đạo lão thành trong công tác đối với NVNONN... đã đến dự Hội nghị."
Bản tin chính thức của Hội nghị cho biết mục đích là "nhằm đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 36-NQ/TW và đề ra phương hướng, kiến nghị chủ trương, chính sách lớn về công tác đối với NVNONN trong giai đoạn tiếp theo cũng như đưa ra các giải pháp, cơ chế cụ thể triển khai Nghị quyết, đóng góp vào việc chuẩn bị cho Đại hội XI của Đảng."
Ngòai ra tin này cũng cho biết Đặng Thế Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về NVNONN báo cáo tổng kết 6 năm thực hiện Nghị quyết số 36-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác đối với NVNONN cho biết: "Tuy vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót không thể tránh khỏi song với sự nỗ lực phấn đấu của các cấp, các ngành, công tác về NVNONN đã đạt được những kết quả tích cực, tạo cơ sở nền tảng cho giai đoạn tiếp theo."
Hùng cũng nói: "Cộng đồng NVNONN ngày càng tin tưởng vào công cuộc đổi mới, xu hướng đồng thuận và ủng hộ công cuộc phát triển đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh ngày càng tăng."
MẶT THẬT PHÍA SAU
Đó là mặt nổi để tuyên truyền. Còn mặt chìm của Hội nghị này đã phơi bầy bản chất hận thù ăn sâu, lan rộng vẫn tồn tại trong đảng CSVN đối với cộng đồng người Việt ở nước ngòai.
Bằng chứng của từng câu chữ sắt máu đã phát ra từ chính cửa miệng Phạm Gia Khiêm, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngọai Giao và Nguyễn Thanh Sơn, Thứ trưởng Ngọai giao, Chủ nhiệm Ủy ban Người Việt Nam ở nước ngoài. Lập trường này đã lộ ra bên cạnh hai nhóm chữ "hòa giải và hòa hợp" dân tộc.
Hãy đọc Báo điện tử đảng CSVN (4-11-2010) ghi lại lời Khiêm nói tại Hội nghị : "Theo Phó Thủ tướng, trong thời gian tới đây, cần tiếp tục tiến hành công tác tuyên truyền về Nghị quyết 36-NQ/TW đối với công tác NVNONN cũng như tấn công mạnh hơn nữa vào các thế lực phản động, phản bác lại những quan điểm sai trái trên diễn đàn quốc tế, từ đó tạo bước tiến mới trên con đường củng cố hòa bình và độc lập dân tộc. Phó Thủ tướng cũng nhấn mạnh cần phải nhìn nhận, xem xét một cách chính xác, cụ thể và hiệu quả các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với công tác về NVNONN để từ đó đề xuất các hướng điều chỉnh, bổ sung hợp lý."
Tại sao còn cần phải tuyên truyền thêm về Nghị quyết này cho phí phạm tiền bạc và thời giờ của nhân dân ? Cán bộ làm công tác này có thể phục vụ đất nước và người dân đắc lực hơn nếu biết rằng Nghị quyết bịp bợm này này đã mất hiệu lực ngay từ khi nó ra đời năm 2004 ?
Những chữ nghĩa mị dân như đòan kết dân tộc, hay nói như Nghị quyết rằng: "Một bộ phận đồng bào do chưa có dịp về thăm đất nước để tận mắt thấy được những thành tựu của công cuộc đổi mới hoặc do thành kiến, mặc cảm, nên chưa hiểu đúng về tình hình đất nước. Một số ít người đi ngược lại lợi ích chung của dân tộc, ra sức chống phá đất nước, phá hoại mối quan hệ hợp tác giữa nước sở tại với Việt Nam."
Có phải cần về Việt Nam nhìn tận mắt mới thấy những điều được gọi là "thành tựu của công cuộc đổi mới" không lớn bằng những đói nghèo chồng chất, chậm tiến, lạc hậu, bất công xã hội lan tràn trong tòan xã hội ?
Nhưng thế nào là "lợi ích chung của dân tộc" , nếu lợi ích này chỉ đem lại quyền lợi cho một thiếu số lãnh đạo, nhất là những kẻ có chức, có quyền trong hệ thống cai trị như mọi người đang thấy thì có nghĩa gì không ?
Bởi vì nếu đã là lợi ích chung thì tiếng nói của nhân dân phải được nhà nước lắng nghe, bàn bạc để đạt được sự đồng thuận trong xã hội đồi với chính sách và đường lối cai trị đất nước như đảng vẫn thường rêu rao trong sáo ngữ "dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiềm tra".
Việc này chưa xẩy ra trong qúa khứ, ngay bây giờ và chưa có triển vọng sẽ có trong tương lai nếu đảng và nhà nước CSVN tiếp tục đặt quyền lợi của riêng một thiểu số lên trên quyền lợi của tập thể và đặt quyền lợi của đảng lên trên quyền lợi của Tổ quốc như đã chứng minh trong vấn đề khai thác Bauxite trên Tây Nguyên và cách xử lý vụ phá sản của Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy Việt Nam (Vinashin).
Trong Nghị quyết 36, đảng cũng mơn trớn rằng : "Đảng và Nhà nước ta luôn luôn coi cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam", rằng: "Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài cần thể hiện đầy đủ truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc. Cơ sở của sự đoàn kết là ý thức dân tộc và lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc và mục tiêu chung của mọi người Việt Nam là giữ vững nền độc lập dân tộc, thống nhất của Tổ quốc, làm cho dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Xoá bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội, lý do ra nước ngoài, mong muốn góp phần thực hiện mục tiêu trên đều được tập hợp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc."
THÁCH ĐỐ HAY BỊP BỢM ?
Nhưng trong thực tế, đảng và nhà nước có làm như vậy không hay miệng thì nói nói, cười cười mà trong nham hiểm chứa đầy dao găm, mã tấu ?
Hãy nghe Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) đối thọai với Báo chí ở Hà Nội ngày 2/11 (2010) :
Phóng Viên: Thưa Thứ trưởng, được biết là ông sẽ đích thân có các cuộc gặp gỡ các phần tử đi ngược lại các lợi ích của dân tộc. Xin ông cho biết cụ thể các cuộc gặp đã được tiến hành như thế nào?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: "Trong quá trình quá trình hòa giải, hòa hợp dân tộc, chúng ta không muốn đặt các tổ chức, cá nhân này ra khỏi vị trí với cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài vì chúng ta muốn cảm hóa họ, cùng họ nhìn nhận một cách khách quan thực chất phát triển của đất nước, nhìn nhận khách quan vị thế phát triển của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay. Những người này có thể ra đi bằng nhiều con đường khác nhau, họ được tuyên truyền về những nỗi kinh hoàng không có hoặc không tưởng, họ bị nhồi nhét vào đầu quá nhiều những tư tưởng hận thù.
Hiện nay, còn lại bộ phận không nhiều những người đi ngược lại lợi ích dân tộc và họ càng bị phân hóa, bị yếu đi bởi khi chúng ta tổ chức càng nhiều hoạt động ở trong và ngoài nước, bà con càng có nhiều thông tin, càng hướng về quê hương đất nước, hiểu về quê hương đất nước thì càng không tin họ. Chính vì vậy, số lượng dù còn ít nhưng họ lại rất quyết liệt, kiên quyết chống phá chúng ta vì họ đang hoảng loạn trước nguồn cung cấp tài chính của quốc gia sở tại và chính vị thế và uy tín của họ đang bị giảm sút."
Trong đọan đầu, Sơn đã xúc phạm đến hương hồn của hàng chục ngàn người Việt đã bỏ mình trên Biển đông trên đường vựợt biên tìm tự do khi Sơn cho rằng những người chạy trốn Cộng sản vì bị đầu độc bởi "tuyên truyền về những nỗi kinh hoàng không có hoặc không tưởng, họ bị nhồi nhét vào đầu quá nhiều những tư tưởng hận thù."
Mọi người muốn bịết Sơn ở đâu mà không thấy những cảnh khốn cùng của người Việt miền Nam sau 1975 trong các trại tù lao động mang danh "cải tạo" và ở những "vùng kinh tế mới" sau chiến dịch đánh tư sản mại bản ở miền Nam ?
Và chắc hẳn Sơn cũng không thể nào không biết có bao nhiêu ngàn người Việt ở Huế, kể cả đàn bà, trẻ con đã bị quân Cộng sản trả thù giết chết trong trận tấn công Tết Mậu Thân 1968 ?
Và ở đọan trả lời sau, Sơn cũng đã can tội vu khống và mạ lỵ những người chống chế độ khi xác quyết: "vì họ đang hoảng loạn trước nguồn cung cấp tài chính của quốc gia sở tại và chính vị thế và uy tín của họ đang bị giảm sút."
Nếu Sơn và nhà nước CSVN có bằng cớ thì cứ việc trưng ra cho mọi người thấy chứ đừng nhắm mắt nói càn mà không những chỉ vạ vào thân mà còn gây thêm hận thù, chia rẽ dân tộc.
Sơn còn nghênh ngang nói thêm rằng: "Không có lý gì mà chúng ta không giành thế chủ động, chìa bàn tay với những người còn hiểu lầm về đất nước, còn mơ hồ về việc họ có thể lật đổ chế độ chúng ta. Chúng tôi đã quyết định có đoàn liên ngành cùng với các cơ quan báo chí trong nước đi công khai, gặp gỡ những phần tử còn chống đối quyết liệt nhất, cố tình không hiểu tình hình trong nước. Chúng tôi đã nêu công khai với Đại sứ quán Mỹ, thông qua cơ quan đại diện Ngoại giao ở các quốc gia như Mỹ, Canada... để có thông tin đến các tổ chức, cá nhân này. Họ rất bất ngờ trước kế hoạch này và lúng túng, cố tình không gặp.
Khi nào họ thực sự muốn gặp công khai như họ nói (nhưng thực ra khi yêu cầu gặp công khai họ lại không dám gặp), thì chúng tôi sẽ sẵn sàng gặp. Chúng tôi đang muốn gặp họ công khai với sự chứng kiến của phóng viên trong và ngoài nước, bà con kiều bào để tìm hiểu xem vì sao họ còn hận thù với đất nước. Và cũng để họ hiểu rõ rằng, Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn mở rộng vòng tay đối với họ, nếu họ thực sự muốn hướng về Tổ quốc, mang lại lợi ích cho cộng đồng và cho đất nước."
Nhưng Sơn có biết tại sao đã có những cá nhân hay tổ chức người Việt ở nước ngòai không muốn đối thọai tay đôi với đảng và nhà nước không?
Có mấy lý do giúp Sơn nên coi lại sự thách đố này:
1.- Trước khi đảng muốn bắt tay với người Việt ở ngòai nước thì hãy bắt tay, đòan kết với mọi tầng lớp người dân trong nước để tạo sự thống nhất, đồng thuận theo đúng phương châm : Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiềm tra.
Nhưng cho đến bây giờ, nhà nước đã làm được như điều mình nói chưa hay vẫn nói một đừơng, làm một nẻo, hay lời nói không đi dôi với việc làm hoặc nói rồi để đấy theo kiều "đánh trống bỏ dùi"?
Các lời than phiền của nhiều Đại biểu Quốc hội trong kỳ họp 8 về quyền kiểm tra của dân và của Quốc hội vẫn bị nhà nước "treo niêu" là một bằng chứng.
2.- Nếu Nguyễn Thanh Sơn đã có sáng kiến tổ chức các cuộc đối thọai công khai với người Việt ở nước ngòai trước sự chứng kiến của cộng đồng và báo chí người Việt ở nước ngòai thì tại sao chưa dám làm như thế với người dân trong nước với sự hiện diện của báo chí để tìm ra giải pháp cho các vấn đề chủ nghĩa Mác-Lênin và Tư tưởng Hồ Chí Minh và những vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa, gíao dục, xã hội, khiếu kiện, công bằng xã hội, đền bù, chống tham nhũng v.v... ?
Bởi lẽ trong thời gian gần đây, trên báo chí trong nước và trong các báo mạng điện tử đã xuất hiện nhiều bài báo của các trí thức, cựu đảng viên cao cấp, cựu lãnh đạo, cựu tướng lãnh có bề dầy đảng tịch. huân chương, bằng khen ghi công trạng chiến đấu, thành tích cách mạng đã đòi đảng từ bỏ Chủ nghĩa Cộng sản Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh; chấm dứt tình trạng một đảng độc quyền lãnh đạo; đòi dân chủ và các quyền tự do chính trị, lập hội, báo chí, tôn giáo, kinh doanh và phải có một nhà nước thật sự là của dân, do dân và vì dân như Hiến pháp đã quy định.
Điển hình như Kiến nghị yêu cầu đình chỉ dự án khai thác Bauxite để tránh hiểm họa cho dân tộc của hàng ngàn chữ ký , trong đó có Bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Phó Chủ tịch Nước và rất nhiều trí thức, chuyên gia, các nhà khoa học của đủ mọi ngành nghề trong và ngòai nước chưa được đảng và nhà nước đáp ứng hay đề nghị tranh luận công khai như Sơn đã huyênh hoang với người Việt ở nước ngòai thì làm sao những người sống bên ngòai Việt Nam có thể tin nhà nước nói thật lòng mà bụng không chứa dao găm ?
Ngòai ra Sơn cũng để lộ ra sự gian dối khi thách đố đối thọai với người Việt ở nước ngòai thì nhà nước lại không dám để cho những người bất đồng chính kiến với đảng về Việt Nam tìm cách "đối thọai" bằng cách này hay cách khác với nhà nước.
Hãy đọc cuộc đối thọai giữa Phóng viên và Nguyễn Thanh Sơn :
Phóng Viên: Qua một số kênh báo chí quốc tế, một số đối tượng Việt Nam ở nước ngoài phản ánh về việc khó khăn trong xin visa về nước. Xin ông cho biết đối tượng nào không được giải quyết và chúng ta có công bố rõ ràng không?
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn: "Trước hết, những đối tượng bị cấm nhập cảnh Việt Nam, chúng ta đã có danh sách cụ thể. Đó là những đối tượng công khai tham gia các tổ chức hoạt động chống lại Chính phủ và Nhà nước Việt Nam với âm mưu lật đổ chính quyền. Phần lớn đây là những người chủ chốt, cầm đầu các Đảng phái phản động đang tìm cách chống đối lại chúng ta, đi ngược lại với lợi ích nhân dân. Chúng tôi đã phối hợp với các cơ quan chức năng ở nước ngoài nắm danh sách cụ thể của từng người.
Số còn lại không nằm trong danh sách chủ chốt, chúng ta vẫn cho về bình thường, để họ khỏi không thể bao biện rằng Việt Nam vi phạm dân chủ, nhân quyền hay cư trú đi lại. Con số này chúng ta cũng đã có con số thống kê chính xác và biết rõ họ về nước làm gì.
Có thể khẳng định, số người đến cơ quan đại diện nhận được visa hoặc không nhận được visa là do có tham gia hay không vào các tổ chức phản động chống phá đất nước. Còn tất cả các công dân làm ăn sinh sống bình thường ở nước ngoài, trở về nước hết sức dễ dàng vì đã có quy định của Thủ tướng năm 2007 là miễn visa cho những người còn hộ chiếu Việt Nam. Điều đó chứng tỏ Đảng, Nhà nước Việt Nam không phân biệt, không gây khó khăn cho người Việt Nam đang sinh sống ở nước ngoài, kiều bào có quốc tịch nước ngoài nói riêng. Cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài cũng được chỉ đạo là không được gây khó khăn, cản trở cho những đối tượng không nằm trong danh sách."
Nhưng sự phân biệt và kỳ thị này có đi ngược lại chủ trương "hòa giải và hòa hợp" dân tộc như nội dung Hội nghị ngãy 4/11 (2010) đã bàn không ?
Tại sao nhà nước không dám để cho những người đối lập về nước đối thọai dân chủ với nhà nước để phá vỡ những bế tắc và lực cản đòan kết dân tộc ?
Và liệu đảng CSVN có dám làm theo ý kiến của Nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên khi ông đề nghị tại Hội nghị ngày 4/11 rằng: "Cần phải tháo gỡ vướng mắc để bà con kiều bào hướng về đất nước, thấy "đất nước này là của họ". Không chỉ các quyền lợi về kinh tế, văn hóa, xã hội... nên hướng tới mở rộng quyền lợi về chính trị khi điều kiện thuận lợi như dành cho kiều bào ghế đại biểu trong Quốc hội."
Nguyễn Thanh Sơn có giỏi thì đề nghị với đảng nên nghe theo lời khuyên của ông Niên để mở cửa cho người Việt ở nước ngòai về nước họat động chính trị và ganh đua dân chủ, tự do với đảng ?
Phạm Trần
Tro ve dau trang
===================================
No comments:
Post a Comment