A Sea of Troubles.
Simon Long, Columnist, Singapore.
The World in 2011, The Economist.
December 2010
Bản tiếng Việt: Nguyễn Quốc Khải
Đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) mà hiện nay Trung Quốc đang chiếm đóng, sẽ rất có thể đưa đến xung đột.
Trong 10 năm vừa qua, giới hàn lâm và những học giả về luật pháp có những cuộc tranh luận về một đề tài mà chỉ một số ít người hiểu biết. Đó là chủ quyền trên một số đảo, đảo san hô, và những bãi cát trong vùng Biển Đông (South China Sea). Tuy nhiên, trong năm 2010, vùng biển này đã trở thành một vấn đề được chú ý tới. Trung Quốc tập luyện hải quân ở đây. Hoa Kỳ gửi hàng không mẫu hạm nguyên tử George Washington tuần tra ở khu vực này, kể cả cuộc viếng thăm Việt Nam đầu tiên của chiến hạm này. Hoa Kỳ, Trung Quốc và những quốc gia Đông Nam Á ven biển tranh cãi về Biển Đông. Những cuộc tranh cãi này sẽ làm inh tai nhức óc trong năm 2011.
Có bốn diễn biến gặp nhau ở vùng Biển Đông. Một là chính quyền Obama tái xác nhận vai trò của Hoa Kỳ với tư cách một cường quốc ở Á châu, một thế lực duy trì hòa bình, và cộng tác viên đối với một số quốc gia láng giềng của Trung Quốc. Thứ hai, Trung Quốc xác định là một cường quốc ở trong vùng. Thứ ba, Trung Quốc tăng cường biểu dương sức mạnh quân sự để hỗ trợ vị thế cường quốc. Thứ tư, cho đến nay chưa tìm kiếm ra một diễn đàn nào hiệu quả để có thể đưa những tranh chấp ra bàn cãi và sau cùng có thể đi đến một giải pháp.
Trước khi đến Việt Nam, hàng không mẫu hạm George Washington đã hoạt động ở ngoài khơi Nam Hàn. Hoa Kỳ ủng hộ luận điểm của Nam Hàn – được hỗ trợ bởi một một cuộc điều tra quốc tế - theo đó, Bắc Hàn chịu trách nhiệm về việc đánh chìm chiến hạm Cheonan của Nam Hàn vào tháng 3, 2010. Điều này đặt Hoa Kỳ vào vị thế đối nghịch với Trung Quốc khi quốc gia này từ chối không quy trách nhiệm cho một đồng minh lâu năm. Biến cố Cheonan cũng đã đưa đến một cuộc biểu dương lực lượng hải quân bởi cả hai quốc gia ở ngoài hải phận của Bắc và Nam Hàn. Trong năm 2011, sự căng thẳng sẽ gia tăng. Ngoài khác biệt về lập trường liên quan đến vụ chiến hạm Cheonan và chiến thuật thuyết phục Bắc Hàn hủy bỏ võ khí nguyên tử, hai nước sẽ có hai đường lối khác nhau đối với việc thay đổi cấp lãnh đạo tại Bắc Hàn.
Căng thẳng có thể gay gắt hơn tại vùng Biển Đông so với vụ Nam Bắc Hàn. Việc Trung Quốc công bố lập trường coi Biển Đông là một vấn đề quan trọng chính như Tây Tạng và Đài Loan đã làm Hoa Kỳ quan ngại và đã khiến Hoa Kỳ xác định quyền lợi quốc gia đối với vấn đề tự do lưu thông ở Biển Đông. Lập trường này được công bố trong những buổi họp ôn hòa và bình thường của Diễn Đàn Quốc Gia Đông Nam Á được tổ chức tại Hà Nội. Gần một nửa trong số 27 quốc gia có mặt tại hội nghị đã bầy tỏ sự ủng hộ đối với lời kêu gọi của Hoa Kỳ về việc tìm phương thức mới để giải quyết tranh chấp.
Trên hết, Trung Quốc (Đài Loan), Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân, và Việt Nam đều đòi hỏi chủ quyền lãnh thổ trong Biển Đông. Ngay cả Nam Dương cũng có một phần lãnh hải nằm trong bản đồ của Trung Quốc. Nhưng đòi hỏi chủ quyền của Việt Nam trên đảo Hoàng Sa (Paracel Islands) hiện nay Trung Quốc đang chiếm đóng, sẽ rất có thể đưa đến xung đột. Chính vì vậy mà sự thân thiết giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, một đối thủ truyền thống của Trung Quốc, mang tính cách khiêu khích. Điều này sẽ còn thể hiện mạnh mẽ hơn vào năm 2011, khi Hoa Kỳ tăng cường thỏa hiệp với Việt Nam về sự hợp tác nguyên tử dân sự. Đối với những quan sát viên Trung Quốc, việc này nhắc nhở đến sự hợp tác gây tranh cãi tương tự với Ấn Độ và có vẻ liên hệ tới chiến lược be bờ của Hoa Kỳ.
Tuy nhiên, Trung Quốc đã gây ra sự nghi ngờ của các nước láng giềng. Các tầu của Trung Quốc coi Biển Đông như một cái hồ của Trung Quốc. Những bản đồ bí ẩn của Trung Quốc cho thấy Trung Quốc đòi hỏi chủ quyền trên những vùng rất lớn vượt ra ngoài cả những phạm vi có thể chứng minh được dù sử dụng cả chủ quyền trên các hòn đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Trong năm 2010, Trung Quốc phô trương bằng cách cho một tầu ngầm nhỏ cắm cờ dưới lòng biển sâu đến hơn hai dặm (chính xác là 3,759 thước).
Tầm ảnh hưởng của hải quân Trung Quốc không những bành trước sâu hơn mà còn phát triển xa hơn từ bờ biển. Vào năm 2010, Sri Lanka khánh thành một hải cảng do Trung Quốc xây ở phía nam tại Hambantota. Công việc xây cất một hải cảng khác đang được tiến hành tại Gwadar, Pakistan. Chiến hạm của Trung Quốc đã viếng thăm Myanmar lần đầu tiên. Tất cả những sự việc này làm tăng sự nghi ngờ của Ấn Độ về một chiến lược gọi là “chuỗi hạt trai” nhắm vào việc ngăn chặn sự vận chuyển của tầu bè Ấn Độ. Đây là một phần của việc bành trướng ảnh hưởng của Trung Quốc và Biển Đông sẽ là trọng điểm của mối lo ngại.
Thời gian để chuẩn bị cho một ngày mưa gió
Sự lo ngại này được tăng cường bởi hai khía cạnh đặc biệt của việc hiện đại hóa quân lực Trung Quốc. Thứ nhất, chương trình không được công bố về việc chế tạo hàng không mẫu hạm. Thứ hai, chương trình chế tạo hỏa tiễn đạn đạo chống chiến hạm lần đầu tiên trên thế giới mà Trung Quốc và một báo ngoại quốc đã giới thiệu là một loại võ khí nhắm tiêu diệt các hàng không mẫu hạm và sẽ làm đảo lộn chiến thuật trên biển.
Tuy nhiên nhiều chiến lược gia Hoa Kỳ tiếp tục tin tưởng rằng quan niệm Trung Quốc bắt kịp sức mạnh kỹ thuật của Hoa Kỳ là vượt xa thực tế. Trong khoảng thời gian sắp tới, Hoa Kỳ sẽ tiếp tục là một lực lượng hàng hải đứng đầu trong Biển Đông, nhưng không đủ để có thể bảo đảm nền hòa bình. Công việc này đòi hỏi những diễn đàn để giải quyết những tranh chấp trong vùng chứ không chỉ là những nơi để trò chuyện. Trung Quốc đã có thể ấn định những điều kiện để tranh luận về Biển Đông bằng cách từ chối tất cả những việc bàn cãi về những tranh chấp ngoại trừ những buổi họp song phương.
Trong năm 2011, tình hình sẽ rõ rệt hơn đối với Đông Nam Á rằng một hoạt động ngoại giao đa phương sẽ mang lại lợi ích cho cả vùng. Quyền lợi của Đông Nam Á đòi hỏi một cơ chế để giải quyết những căng thẳng nội bộ một cách dễ dàng – thí dụ như giữa Nam Dương và Mã Lai hoặc giữa Cam Bốt và Thái Lan. Chiếc dù Hoa Kỳ tiếp tục bảo vệ sự an toàn trong vùng nhưng sẽ không chống được mưa mãi mãi.
No comments:
Post a Comment