Đinh Minh Đạo
Đã lâu rồi, tôi thường thờ ơ với các chỉ thị, nghị quyết,văn kiện của đảng, bởi trong quá khứ đã phải đọc, học tập, thảo luận góp ý với quá nhiều những loại văn kiện này, mà đa số là xa rời cuộc sống của người dân, lời lẽ thường sáo rỗng, “lên gân”, “lên cốt”. Vì vậy, dự thảo văn kiện chuẩn bị cho đại hội đảng XI không làm tôi quan tâm.
Nhưng khi đọc qua những bài góp ý mới đây của các cán bộ tiền bối của Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN), tôi ngạc nhiên về những gì mà những nhà lý luận của đảng đã viết trong dự thảo văn kiện chuẩn bị cho đại hội.
Chẳng lẽ đã hơn 20 năm kể từ ngày hệ thống XHCN đông Âu sụp đổ, Liên Xô, quê hương của XHCN đã tan giã, những người cộng sản Việt Nam vẫn quyết tâm xây dựng XHCN?
Chẳng lẽ những nhà lý luận của ĐCSVN không đủ nhận thức, hay cố tình không muốn công nhận XHCN, một xã hội không tưởng bởi nó trái với quy luật phát triển tư nhiên, nó đã bị thế giởi loại bỏ cả vể lý thuyết và thực tế?
Nhân dân không thể là quần thể để đảng thử nghiệm các hình thái xã hội
Sau thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Pháp 1954, ĐCSVN đã vạch ra đường lối xây dựng Việt Nam trở thành một nước XHCN. Chúng ta thử điểm lại những thử nghiệm mà ĐCSVN đã thực hiện để đưa đất nước tiến lên XHCN:
- Cuôc thử nghiệm cải cách ruộng đất đã làm cho nền nông nghiệp nước ta vốn đã yếu kém bị suy sụp. Hàng vạn những nông dân – những người làm ăn chăm chỉ, lương thiện, biết tổ chức sản xuất – bị đảng quy chụp là phú nông, địa chủ, bị tước đoạt hết ruộng đất, nhiều người bị tù đầy, bị hành quyết.
- Thử nghiệm ép buộc 100% nông dân vào hợp tác xã nông nghiệp đã đưa nước ta từ một nước nông nghiệp, sản xuất đủ nhu cầu lương thực trở thành một quốc gia thiếu lương thực triền miên. Người nông dân bị đói khát ngay trên mảnh đất mầu mỡ của mình. Chúng ta đã trở thành quốc gia hàng năm phải đi xin, đi vay lương thực.
- Cuộc cải tạo tư bản tư doanh ở miền Bắc sau năm 1954 đã triệt hạ những cơ sở của kinh tế thị trường, hình thành hàng loạt các xí nghiệp nhà nước, công tư hợp doanh. Dưới sự điều hành của nhà nước, các xí nghiệp này làm ăn kém hiệu quả, nền kinh tế ngày một yếu kém, người dân thiếu từ sợi chỉ, cái kim đến các nhu yếu phẩm tối thiểu của đời sống.
- Đảng vẫn không chịu rút ra những bài học của cuộc cải tạo tư bản tư doanh ở miền Bắc. Sau tháng 04-1975, đảng lại tiến hành chiến dịch „đánh tư sản” ở miền Nam, làm cho các cơ sở công thương nghiêp tan giã, đưa nền kinh tế miền Nam vốn ngang bằng hoặc hơn các nước láng giềng trở nên thua kém họ vài chục năm.
Một vài những thử nghiệm được nêu trên đây, cùng với nhiều chủ trương, chính sách khác của đảng để đi lên XHCN, đã đưa Việt Nam thành một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới. Để tồn tại, đảng đã phải cải cách, đưa đất nước phát triển theo nền kinh tế thị trường. Giờ đây, đảng lại tiếp tục kiên trì đường lối đi lên XHCN. Đảng lại định dẫn dắt nhân dân vào những cuộc thử nghiệm mới. Nhân dân đã chịu bao nỗi thống khổ do các cuộc thử nghiệm tiến lên XHCN gây ra. Đã đến lúc nhân dân không thể là những quần thể để đảng thử nghiệm những hình thái xã hội đã bị cả thế giới loại bỏ. Đã đến lúc đảng phải thay đổi! Phải trả lại cho người dân quyền lựa chọn hình thái xã hội mà họ mong muốn được sống trong đó.
Khát vọng hay thất vọng?
Chúng ta kinh ngạc về sự thậm xưng của các tác giả văn kiện khi họ viết: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta”.
Ngày nay, trong tất cả các quốc gia dân chủ trên toàn thế giới, không một đảng phái chính trị (kể cả đang nắm chính quyền), hay một nhà chính trị nào (dù là người đứng đầu nhà nước) dám công bố, rằng những chính sách,hay một giải pháp xã hội do họ đưa ra được toàn dân chúng ủng hộ. Họ chỉ dám công bố tỷ lệ dân chúng ủng hộ sau khi đã có các cơ quan thăm dò dư luận độc lập, đáng tin cậy tiến hành thăm dò.
Nếu ĐCSVN biết tự trọng, biết tôn trọng sự thật, biết tôn trọng nhân dân, trước khi công bố: “Đi lên chủ nghĩa xã hội là khát vọng của nhân dân ta”, đảng hãy tiến hành một cách công khai, dân chủ để thăm dò ý kiến của nhân dân đối với điều khẳng định của mình.
Nhân dân Việt Nam đã trải qua mấy chục năm khốn khổ theo đảng xây dựng XHCN. Con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là con đường khổ ải, con đường của những thất vọng và thất bại. CNXH là một ảo tưởng. Vây liệu còn bao nhiêu người ngoài những quan chức của đảng còn khát vọng đi lên chủ nghĩa xã hội?
Huyền thoại “Con rắn vuông”
Trong bài viết “Đôi điều suy nghĩ của một công dân”, tiến sỹ Hà Sĩ Phu thật dí dỏm khi kể lại câu chuyện: “Một anh chồng nọ nói khoác với vợ về một con rắn khổng lồ mà anh ta đã đo được bề dài chừng ấy, bề rộng chừng ấy hẳn hoi. Chị vợ biết chồng nói khoác bèn cứ lấy cái lẽ của đời thường mà tấn công vào cái chiều dài vô lý của con rắn. Anh chồng buộc phải lùi một bước…, một bước, rồi… lại một bước nữa, lùi mãi để con rắn ngắn đi cho đỡ chướng. Mỗi lần bị tấn công anh lại lùi một chút và lại cố tình nói cứng như đinh đóng cột, với hy vọng vợ sẽ chấp nhận cho, Nhưng đâu có được, cái lô gích của quy luật cứ phải chạy tiếp cho đến khi con rắn nói khoác phải vuông chành chạnh mới hết chuyện được.”
Những nhà lý luận của ĐCSVN giống như anh chồng trong câu chuyện kể trên. Thay vì công nhận học thuyết chủ nghĩa xã hội của K. Marx sai về cơ bản từ gốc rễ, họ chỉ lùi từng bước ngắn, tìm cách vá víu ở trên ngọn.
Một mặt đảng chấp nhận nền kinh tế thị trường, như lại gắn cho nó cái đuôi định hướng XHCN. Các nhà lãnh đạo, các lý thuyết gia của đảng giải thích bất nhất về kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đảng đã lập các “đại công ty”nhà nước để giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế, thực hiện nhiệm vụ định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng thực tế thì sao? Vinashin là bài học nhãn tiền! Với món nợ khổng lồ 86 nghìn tỷ đồng (tương đương với 4,4 tỷ Đô la) nó đã trở thành gánh nặng cho nhân dân. Sẽ còn bao nhiêu Vinashin nữa? Đó là câu hỏi chưa có lời đáp.
Chính quyền cấp “sổ đỏ” quyền sở hữu ruộng đất cho người dân, nhưng trong luật đất đai lại quy định “đất đai thuộc quyền sở hữu của nhà nước”. Thế là mảnh đất mầu mỡ cho tham nhũng nẩy nở và phát triển như nấm sau cơn mưa. Những quan chức chính quyền, những kẻ bất lương dựa vào quy định này để thực hiện các thủ đoạn như quy hoạch, giải tỏa, cưỡng chế, thu hồi v…v để cướp đất, cướp nhà của dân. Có những sứ đạo được lập cách đây hàng trăm năm bên cạnh ngôi nhà thờ linh thiêng cũng buộc phải rời đi để nhường đất cho những dự án „khu du lịch sinh thái”. Những tha ma, nơi các linh hồn của bao thế hệ, đang mồ yên mả đẹp cũng bị đào bới, di chuyển để lấy đất cho chính quyền sử dụng vào các mục đích riêng. Bao nhiêu gia đình bị mất đất mất nhà, màn trời chiếu đất đi khiếu kiện năm này qua năm khác, cuối cùng lại được đẩy về chính quyền nơi đã cướp đất, cướp nhà của họ để giải quyết.
Đảng luôn vỗ ngực rằng dưới sự lãnh đạo của mình, Việt Nam là một quốc gia dân chủ, báo chí được tư do… Nhưng chính quyền lại bỏ tù những công dân chỉ phát biểu những chính kiến của mình một cách ôn hòa, bỏ tù những người yêu nước, bảo vệ đất đai, vùng biển, hải đảo của tổ quốc. Hơn 700 tờ báo quốc doanh do đảng làm chủ, chỉ được đăng những gì đảng cho phép. Nhiều phóng viên bị đi tù, bị buộc thôi việc vì trái lời đảng.
Kết luận
Chúng ta trông đợi gì ở đại hội sắp tới của ĐCSVN?
Chúng ta mong muốn những người lãnh đạo của đảng, hãy lắng nghe những đóng góp chân thành, thẳng thắn của những trí thức, những người dân, những đảng viên có trách nhiệm của đảng để thay đổi đảng. Đảng hãy từ bỏ chủ nghĩa xã hội không tưởng, từ bỏ độc tải đảng trị để xây dựng Việt Nam trở thành một quốc gia dân chủ, người dân được sống trong một xã hội công bằng, ấm no và hạnh phùc.
Mong rằng câu hỏi: “Bao giờ thì con rắn vuông?” sẽ vĩnh viễn không còn tồn tại trong đầu những người dân Việt Nam.
Warsaw 31-12-2010
© Đàn Chim Việt
tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment