Người Việt biểu tình trước Tổng lãnh sự quán Trung Quốc ở San Francisco tháng 12-2007. (Ảnh Bùi Văn Phú)
Bùi Văn Phú
Cuối thập niên 1970 dân Mỹ đã phải xếp hàng để mua xăng khi khủng hoảng năng lượng xảy ra. Là nước cần dầu hoả để phát triển nên những can dự của Hoa Kỳ vào những khu vực nhiều mỏ dầu cũng không ra ngoài chủ đích kiểm soát lượng dầu hoả cung ứng cho nhu cầu tiêu thụ của Mỹ và cả thế giới.
Các nước ngày nay đều cần “vàng đen” cho việc phát triển và nguồn năng lượng này đã là nguyên do gây chiến tranh ở nhiều nơi từ Trung Đông, châu Phi đến Đông Á.
Tranh chấp lãnh hải ở Hoàng Sa Trường Sa trong vài thập niên qua cũng là vì dầu hoả. Philippines, Brunei, Malaysia, Việt Nam, Trung Quốc, Đài Loan nhiều khi đã phải nổ súng và đổ máu để kiểm soát các hòn đảo với diện tích rất nhỏ trong vùng Biển Đông, nhưng ngầm dưới đó là những túi dầu khổng lồ.
Năm 1974 Trung Quốc đem quân xuống chiếm Hoàng Sa chỉ ít lâu trước khi cuộc chiến giữa hai miền Việt Nam chấm dứt. Đây là thời điểm ngay sau khi các công ti dầu khí quốc tế công bố đã tìm thấy dầu hoả tại thềm lục điạ Việt Nam Cộng hoà.
Năm 1988 Trung Quốc đem tàu chiến xuống đánh chiếm một số đảo của Trường Sa. Trong hai trận chiến Hoàng Sa dưới thời Việt Nam Cộng hoà và Trường Sa thời Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, cả trăm binh lính Việt đã hy sinh nhưng không giữ được biển đảo quê hương.
Trung Quốc đang đi tìm nguồn dầu hỏa ở nhiều nơi, trong đó có việc lấn biển của Việt Nam và Philippines vì giá xăng dầu đã lên quá cao và nước này ngày càng lệ thuộc vào lượng dầu nhập cảng nhiều hơn để tăng tốc phát triển kinh tế.
Theo số liệu của U.S. Energy Information Administration (www.eia.doe.gov), tức Cơ quan Thông tin Năng lượng Hoa Kỳ, từ sau năm 1993 mức tiêu thụ dầu hoả của Trung Quốc đã lên cao hơn mức sản xuất và từ đó đến nay chênh lệch này ngày một tăng. Năm 2006 Trung Quốc sản xuất trung bình 3 triệu 800 nghìn thùng dầu mỗi ngày, trong khi nhu cầu tiêu thụ lên đến 7 triệu 400 nghìn thùng, gần gấp đôi mức sản xuất. Hiện nay mức tăng tiêu thụ dầu của Trung Quốc chiếm hơn một phần ba tổng số gia tăng của thế giới.
Là quốc gia đông dân nhất thế giới với 1 tỉ 300 triệu người, đang trên đường hiện đại hoá công nghiệp, với tầng lớp trung lưu sẽ có xe ô-tô để di chuyển thì nhu cầu tiêu dung xăng dầu của Trung Quốc ngày càng cao nên lãnh đạo Bắc Kinh không thể không nghĩ đến việc tìm nhiên liệu. Một ước lượng của Trung Quốc cho biết Biển Đông có lượng dự trữ dầu khoảng 213 tỉ thùng. Nhưng theo cơ quan E.I.A của Hoa Kỳ là 28 tỉ thùng. Cũng theo một con số của người Hoa đưa ra thì Hoàng Sa Trường Sa có lượng dự trữ 105 tỉ thùng.
Trong những năm gần đây việc khai thác dầu trong Biển Đông, đặc biệt là những dự án của Việt Nam thường bị Trung Quốc làm khó dễ bằng cách cảnh cáo những công ti dầu khí không được hợp tác khai thác với Việt Nam nếu không muốn mất thị trường ở Trung Quốc. British Petroleum và ConocoPhillips đã phải ngưng tìm kiếm và khoan giếng ngoài khơi bờ biển Việt Nam là những dự án trị giá đến 2 tỉ Mỹ-kim.
Việc giành chủ quyền ở Hoàng Sa Trường Sa kéo dài đã lâu và các nước trong vùng không muốn dùng chiến tranh để giải quyết. Dù những tranh chấp có lúc nóng lên nhưng chiến tranh toàn diện sẽ khó xảy ra trong tình hình kinh tế mang tính toàn cầu và nhiều quốc gia đã lệ thuộc quá nhiều vào nhau, từ quan hệ Mỹ-Trung đến Việt-Trung, Phi-Trung.
Hiện tại Trung Quốc ỷ thế nước lớn chỉ muốn đàm phán song phương với từng nước để giải quyết tranh chấp, theo cách chia để trị. Nhưng nếu Việt Nam và Philippines cùng với khối ASEAN nhờ quốc tế giải quyết để có sự ổn định trong khu vực thì sẽ có lợi hơn, vì khi có ổn định những công ti tìm kiếm và khai thác dầu hoả, phần lớn là của Hoa Kỳ, Anh và Pháp sẽ đầu tư nhiều hơn và nguồn lợi về dầu hỏa sẽ giúp các đồng minh của Hoa Kỳ trong vùng như Nhật, Nam Hàn bớt lệ thuộc vào OPEC.
Hơn một thập niên qua tình hình tranh chấp trong khu vực trở nên căng thẳng. Riêng với Việt Nam, nước láng giềng của Trung Quốc thì đã có những thương thuyết và kí các hiệp định về biên giới nhưng không phổ biến ra công chúng. Một số người Việt như Lê Chí Quang, Nguyễn Vũ Bình lên tiếng báo động về hiểm họa Bắc triều đã bị giam tù nhiều năm.
Từ năm 2007 đã có những cuộc biểu tình của dân Việt phản đối Trung Quốc, nhưng bị dập tắt ngay và nhiều người bị bắt và hiện còn bị giam là Điếu cày Nguyễn Văn Hải, Phạm Thanh Nghiên, Anh Ba Saigon Phan Thanh Hải.
Gần đây Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền trên vùng biển phía nam, bao trùm gần như cả biển Đông của Việt Nam mà một số người Việt gọi là đường lưỡi bò hay chữ U. Tàu của Trung Quốc đã gây hấn mạnh hơn với việc cắt dây cáp tàu thăm dò dầu khí và bắn vào thuyền đánh cá của ngư dân Việt trong đặc khu kinh tế của Việt Nam. Các động thái trên đã khiến dân Việt xuống đường biểu tình trong nhiều ngày Chủ nhật kể từ 5-6.
Mới đây một số nhân sĩ và trí thức như Thiếu tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, các giáo sư Hoàng Tụy, Nguyễn Huệ Chi, Tương Lai, Chu Hảo, nhà nghiên cứu Nguyễn Đình Đầu, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện, nhà văn Nguyên Ngọc, chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh, Thiền sư Lê Mạnh Thát, Linh mục Huỳnh Công Minh, Luật sư Trần Quốc Thuận, các ông Hồ Uy Liêm, Lê Hiếu Đằng, bà Phạm Lan Chi v.v… đã kiến nghị Quốc hội và Bộ chính trị về “Bảo vệ và phát triển đất nước”, yêu cầu cho dân biết rõ tình hình quan hệ Việt-Trung hiện nay, về chủ quyền của Việt Nam trong các vùng quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và đòi hỏi cải cách chính trị để đưa đất nước ra khỏi tình trạng bị lệ thuộc vào Trung Quốc.
Sự kiện chủ quyền đất nước Việt Nam liên tục bị xâm phạm đã làm lòng dân sôi sục lên những phản đối chính sách bá quyền của Trung Quốc qua nhiều lần biểu tình ở Hà Nội, Sài Gòn vào các ngày Chủ nhật vừa qua.
Phản đối Trung Quốc không có nghĩa là Việt Nam muốn chiến tranh. Đã kinh qua nhiều cuộc chiến, người dân Việt chắc không ai muốn phải hy sinh xương máu nữa. Nhưng nếu lãnh đạo Việt Nam muốn giải quyết những tranh chấp trong tinh thần hoà bình, bình đẳng, theo Công ước biển của Liên hiệp quốc dù là song phương, đa phương, trước Liên hiệp quốc hay trước Toà án Quốc tế thì lãnh đạo cũng cần phải có sức mạnh của lòng dân để dựa vào.
© 2011 Buivanphu
No comments:
Post a Comment