Căng thẳng Trung Quốc - Indonesia về chủ quyền vùng đánh cá tại Biển Đông
Trọng Nghĩa,RFI
Bài đăng ngày 26/06/2009 Cập nhật lần cuối ngày 26/06/2009 16:30 TU
Bắc Kinh chính thức lên tiếng đòi tự do cho hơn 70 ngư dân bị Jakarta bắt giữ về tội đánh bắt cá trái phép trong một vùng tại Biển Đông thuộc Indonexia. Căng thẳng song phương bắt nguồn từ những đòi hỏi chủ quyền quá bao quát của phiá Trung Quốc.
In bài
Gửi bài
Bình luận bài
Ngày 25/06/2009, Trung Quốc chính thức lên tiếng đòi Indonesia phải trả tự do ngay lập tức cho 75 ngư dân Trung Quốc bị chính quyền Jakarta bắt giữ về tội đánh bắt cá trái phép trong vùng Biển Đông thuộc chủ quyền Indonexia.
Được đưa ra trong bối cảnh chính Trung Quốc lại chận bắt ngư dân các nước khác bị Bắc Kinh cho là đã vi phạm lệnh cấm đánh cá trên vùng biển của Trung Quốc, yêu sách của Bắc Kinh, theo giới quan sát, một lần nữa thể hiện ý muốn áp đặt chủ quyền của Trung Quốc trên các vùng đang tranh chấp với láng giềng.
Sự vụ bắt nguồn từ cách đây một tuần, khi 8 chiếc tàu đánh cá của Trung Quốc cùng với 75 ngư dân bị lực lượng tuần tra trên biển của Indonesia bắt giữ với lý do ''đánh cá trái phép trong Khu vực Đặc quyền Kinh tế của Indonesia''. Theo phiá Jakarta, các ngư dân Trung Quốc đã bị bắt quả tang đang dùng lưới đánh cá tại vùng Biển Đông.
Thái độ cứng rắn của Jakarta
Phải nói là chính quyền Indonesia trong thời gian gần đây đã có thái độ rất kiên quyết đối với những người nước ngoài vào đánh bắt cá trong hải phận của nước này.
Indonesia đã từng bắt giữ hàng trăm ngư dân Việt Nam, Thái Lan hay Philippines, và vào thượng tuần tháng Sáu vừa rồi đã từng lên tiếng đe dọa sẵn sàng bắn chìm các tàu nước ngoài vào đánh cá trái phép trong vùng biển của Indonesia.
Vụ bắt giữ tàu đánh cá và ngư dân Trung Quốc xẩy ra hôm 20/6. Thoạt đầu đại sứ quán Trung Quốc ở Jakarta đã can thiệp nhưng đến hôm qua thì Bắc Kinh lên tiếng phản ứng công khai.
Trong một buổi họp báo, ông Tần Cương, phát ngôn viên bộ ngoại giao Trung Quốc, đã bác bỏ các nguồn tin cho rằng số ngư dân nói trên đánh bắt cá trong vùng biển thuộc chủ quyền của Indonexia.
Theo ông Tần Cương thì nơi xẩy ra sự cố ngoài khơi quần đảo Nam Sa (tên Trung Quốc của Trường Sa) là ''ngư trường truyền thống'' của ngư dân Trung Quốc. Do đó, Bắc Kinh đã yêu cầu chính quyền Jakarta trả tự do ngay lập tức cho toàn bộ các ngư dân cùng tàu thuyền của họ.
Theo các nhà phân tích, căng thẳng giữa Trung Quốc và Indonexia cũng bắt nguồn từ những đòi hỏi chủ quyền quá bao quát của phiá Trung Quốc, xuống đến tận phiá Nam của Biển Đông gần sát với Indonexia, một nước không hề có tranh chấp với Bắc Kinh về chủ quyền ở Trường Sa.
Ngư trường và vùng biển "truyền thống" !
Luận điểm ''ngư trường truyền thống'' mà Trung Quốc nêu ra để bảo vệ ngư dân của họ cũng tương tự như khái niệm ''vùng biển truyền thống'' mà nước này viện dẫn để khẳng định chủ quyền và đơn phương ban hành lệnh cấm đánh cá trên vùng Biển Đông.
Để buộc các nước khác tuân thủ lệnh này, Bắc Kinh đã không ngần ngại dùng đến các biện pháp cưỡng hành như bắt giữ tàu đánh cá nước ngoài vi phạm lệnh cấm, phạt vạ nặng nề các ngư dân. Khi bị phản đối, Bắc Kinh chỉ có một lời giải thích : vùng biển đó thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Thí dụ cụ thể minh hoạ cho thái độ này là trường hợp của Việt Nam. Mới đây, trước yêu cầu của chính quyền Việt Nam muốn Trung Quốc hủy bỏ lệnh cấm đánh cá tại một số khu vực thuộc chủ quyền Việt Nam ở Biển Đông, phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc đã trả lời rằng đó là một vấn đề ''không thể bàn cãi''.
Thái độ dùng uy thế vốn có của mình để áp đặt các đòi hỏi chủ quyền như vậy cũng thể hiện trong vụ căng thẳng với Indonexia, khi chính ngư dân Trung Quốc bị bắt giữ.
Giới quan sát ghi nhận là phản ứng của Bắc Kinh đối với Jakarta vào hôm qua khá gay gắt. Theo ông Tần Cương, Trung Quốc hoàn toàn ''không hài lòng'' về hành động của Indonesia.
Không những thế Bắc Kinh còn hàm ý đe dọa là quan hệ song phương có thể bị tổn hại khi nhấn mạnh rằng hai bên là ''đối tác chiến lược'', do đó ''cần phải sớm giải quyết vấn đề trong tinh thần thân hữu''.
Theo các nhà phân tích, không phải là ngẫu nhiên mà Bắc Kinh lại gia tăng áp lực lên Jakarta vào thời điểm này. Trong hai ngày mồng 1 và mồng 2 tháng Bảy tới đây, Ngoại trưởng Indonesia Hasan Wirayuda dự trù công du Trung Quốc theo lời mời của đồng nhiệm Dương Khiết Trì. Vì thế Jakarta có thể sẽ nhượng bộ để khỏi ảnh hưởng đến chuyến viếng thăm kể trên.
THỜI SỰ
No comments:
Post a Comment