Nguyễn Ðạt Thịnh
Cuộc đối thoại Shangri-La giữa tổng trưởng quốc phòng của hơn 20 quốc gia kéo dài 3 ngày, từ 29 đến 31 tháng 5, tại Tân Gia Ba, nhưng Shangri-La lại không phải là một thành phố hay một ngọn núi của Tân Gia Ba, cũng không phải là tên của bất cứ một địa điểm nào trên thế giới.
Shangri-La là Ðịa Ðàng, là Tiên Cảnh, một địa điểm tưởng tượng được nhà văn Anh James Hilton đặt ra trong quyển tiểu thuyết Lost Horizon (Chân Trời Ðánh Mất).
Hilton mô tả Shangri-La là Ðịa Ðàng, nơi con người không lo buồn, không lam lũ cực khổ, vì cái ăn, cái mặc, và mọi nhu cầu khác đều tự chúng tìm đến với con người.
Shangri-La nằm ở cuối thung lũng Kunlun --một địa danh hư cấu khác.
Cuộc đối thoại của những viên chức mang cấp bực lớn trên địa hạt quốc phòng chọn cái tên là đối thoại Shangri-La chỉ vì họ gặp nhau tại khách sạn 5 sao Shangri-La. Những viên chức này tự đặt cho mình một thiên chức: tạo ra một vùng Á Châu-Thái Bình Dương địa đàng của hòa bình bằng cách kêu gọi mọi nước công khai hóa tổ chức quân đội, vũ khí, và kế hoạch binh bị của mình.
Thứ trưởng quốc phòng Teo Chee Hean của Tân Gia Ba, quốc gia chủ nhà, đọc diễn văn đề cao giải pháp “transparent about military armaments” (công khai trên địa hạt võ khí); ông Teo cho rằng việc công khai nói lên tình trạng võ khí của mọi quốc gia sẽ giúp tránh được mọi hiểu lầm, và làm gia tăng tín nhiệm giữa các quốc gia trong vùng Á Châu-Thái Bình Dương. Ông cũng đề nghị mỗi quốc gia nói lên ý định chiến lược và những lo ngại về quốc phòng cuả mình.
Bộ trưởng “Thế Giới Quốc Phòng và An Ninh” của Anh Quốc, nữ bá tước Ann Taylor nói bà hoàn toàn đồng ý là vấn đề quốc phòng không còn là một bí mật quốc gia nữa.
“Khai triển việc ‘công khai hoá quốc phòng’ đến khắp mọi quốc gia trên thế giới phải là công tác chung của mọi người,” bà Taylor nói. “Vì nó làm giảm bớt tình trạng thiếu an toàn do việc không biết rõ về nhau tạo ra.”
Tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ Robert Gates kêu gọi Trung Cộng công khai hóa hơn nữa việc họ đang tăng cường khả năng quân sự; một cựu tổng trưởng quốc phòng Hoa Kỳ, ông William Cohen cũng đồng ý. Cohen nói, “Thiếu công khai tạo ra nghi ngờ, nghi ngờ đưa đến những dự đoán, và đó là một tiến trình tối nguy hiểm.”
Tổng trưởng quốc phòng Việt Cộng, tướng Phùng Quang Thanh, công khai hoá chính sách quốc phòng bằng 5 chữ “không”. “Không liên minh quân sự, là một; không liên minh với nước này để chống lại nước khác, là hai; không cho nước ngoài lập căn cứ quân sự trên lãnh thổ Việt Nam là ba; không sử dụng vũ lực hay đe dọa sử dụng vũ lực trong tranh chấp chủ quyền lãnh thổ là 4; và không chạy đua vũ trang, chỉ từng bước hiện đại hóa quân đội và tăng cường tiềm lực quốc phòng để phòng thủ, bảo vệ đất nước, là 5.”
Lập trường 5 không này hơi gần với lập trường trung lập của Thụy Sĩ, một liên bang nhỏ tại Âu Châu, chỉ có non 8 triệu dân và trên 41,000 cây số vuông diện tích. Việt Cộng muốn có một chính sách trung lập giống Thụy Sĩ, nhưng hoàn cảnh Việt Nam lại không gần với Thụy Sĩ chút nào, nhất là không gần về mặt dân sinh.
Lợi tức đầu người tại Thụy Sĩ là 67,384 mỹ kim mỗi năm, và cuộc sống của họ cao hơn cả Hoa Kỳ, được liệt vào mức thứ 3 trên thế giới, trong lúc lợi tức đầu nguời của Việt Nam chỉ có 726 mỹ kim; 20% người Việt Nam còn sống dưới mức 1 mỹ kim mỗi ngày.
Người dân nghèo Việt Nam lăn vào sinh kế, đôi khi bất chấp đến cả mạng sống để tạo lợi tức nuôi gia đình.
Ðiển hình là việc 8 ngư dân bị tầu Ngư Chính của Việt Cộng bắn chết trong vịnh Bắc Việt ngày mùng 8 tháng Giêng năm 2005. Trung Cộng tuyên bố họ bắn chết ngư phủ Việt Nam vì những người này định cướp thuyền đánh cá của ngư phủ Tầu.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã yêu cầu phía Trung Quốc cho điều tra và trừng phạt những kẻ đã bắn chết người và trả lại cho Việt Nam những người bị bắt và thi hài những người đã chết; giải quyết mọi hậu quả, bồi thường thiệt hại về người và của cho ngư dân Việt Nam; phối hợp cùng phía Việt Nam điều tra làm rõ sự thật, báo cáo lên lãnh đạo hai nước".
Trung Cộng không buồn trả lời, họ chỉ nói họ không bắn chết 8 ngư dân Việt Nam, mà bắn chết đến 9 người; họ cho phép tổng lãnh sự Việt Nam tại Quảng Châu tới thăm các ngư dân đang bị họ giam giữ từ sau vụ bắn giết hôm 01/08/2005
Một ngư thuyền thoát nạn về đến bến và đếm được trên 4,000 vết đạn trúng vào mạn thuyền.
Vịnh Bắc Việt rộng 128.000 cây số vuông được chia giữa Trung Quốc và Việt Nam theo một hiệp định ký từ năm 2000; nội dung của hiệp định này như thế nào là điều nhà nước Việt Cộng không công bố. Nhưng Trung Cộng nắm quyền thi hành luật trên vịnh Bắc Việt.
Chúng ban hành luật cấm đánh cá 3 tháng mỗi năm, nói là để dưỡng ngư; báo Tầu loan tin 8 tàu tuần tra được cử từ ba tỉnh Trung Cộng giáp vịnh Bắc Việt vào Vịnh để “theo dõi và củng cố việc thực hiện lệnh cấm đánh bắt trong ba tháng trên phạm vi toàn quốc".
Toàn quốc của Tầu thì có liên quan gì đến vịnh Bắc Việt? Nhưng ngư dân Việt Nam đã mất nghiệp từ ngày 16 tháng 5/2009. Họ nghỉ đánh cá theo luật dưỡng ngư của Tầu.
Một ngư thuyền Việt Nam vi phạm luật dưỡng ngư của Tầu đã bị đụng chìm vào ngày 19 tháng 5/2009, ngày sinh nhật của quái thái Hồ Chí Minh.
Một cán bộ địa phương xã Bình Chánh, tỉnh Quảng Ngãi, nói với BBC rằng 26 ngư dân trên tàu đã được cứu thoát sau khi tàu câu của họ bị một con tàu lớn tông vào.
Vụ ủi tầu xảy ra lúc 3 giờ sáng ngày 19 tháng 5, khi tàu câu mực của người dân địa phương đang đánh bắt ở vùng biển Đông; truyền thông nhà nước Việt Cộng tường thuật vụ này nhưng không nêu quốc tịch của 'tàu lạ'. Nhà nước Việt Cộng cũng không phải đối ai cả.
Giới chức địa phương không được phép nói thêm về con tàu nước ngoài, chỉ cho biết sau cú va chạm mạnh, tất cả 26 thuyền viên bị rơi xuống biển. Các thuyền viên phải bám vào các can nhựa, phao cứu sinh để không bị chìm.
“Tầu lạ” không dừng lại để cứu, nhưng ngư dân may mắn được một tàu câu mực khác của ông Bùi Đức Quang cùng quê cứu thoát.
Địa điểm câu mực không được nói rõ nhưng căn cứ vào độ vĩ tuyến và kinh tuyến - (tọa độ 10'54 độ vĩ bắc, 111 độ kinh đông) - thì đây là khu vực không xa quần đảo Hoàng Sa.
Trước đó không lâu, Trung Quốc tuyên bố cử hai tàu hải quân cũ đến vùng Biển Đông để 'tuần tra' sau khi ra lệnh cấm ngư phủ Việt Nam không được đánh cá trong 3 tháng dưỡng ngư theo luật của Tầu.
Trung Cộng không chỉ độc quyền khai thác nguồn lợi hải sản trên Biển Ðông, chúng còn nuôi tham vọng về những nguồn lợi nhiên liệu và khí đốt trong vùng quần đảo Hoàng Sa-Trường Sa nữa.
Chúng đã chiếm Hoàng Sa, và đang đòi chủ quyền trên đảo Truờng Sa. Việt Nam là một trong sáu nước tuyên bố chủ quyền đối với Trường Sa. Mới đây Việt Cộng và Mã Lai đã nộp lên Liên Hiệp Quốc một thỏa thuận chung về giới hạn thềm lục địa tại Biển Đông mà hai nước này đã đạt được theo Công ước LHQ về Luật biển (UNCLOS).
Trung Quốc lên tiếng phản đối hồ sơ đăng ký thềm lục địa mở rộng của Việt Nam và Mã Lai; đại diện thường trực của Trung Cộng tại LHQ đã gửi công hàm cho Tổng thư ký Ban Ki-moon, yêu cầu “ủy ban ranh giới thềm lục địa (Commission on the Limits of the Continental Shelf - CLCS) của LHQ "không xem xét" hồ sơ của Mã Lai và Việt Nam.
Nay với việc Việt Nam và Malaysia nộp thỏa thuận chung, các tuyên bố chủ quyền về thềm lục địa của hai nước sẽ được mang ra giải quyết theo luật pháp quốc tế.
Thủ tướng Mã Lai Datuk Seri Najib Razak đã cho truyền thông biết chi tiết trên sau cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Việt Cộng Nguyến Tấn Dũng bên lề cuộc gặp Asean-Hàn Quốc tại đảo Jeju.
Trước đó một ngày, trong bài phát biểu tại “Đối thoại Shangri-La” bộ trưởng quốc phòng Việt Cộng Phùng Quang Thanh cho hay các nước liên quan trong vấn đề chủ quyền tại khu vực Biển Đông đang thảo luận để nâng Quy tắc Ứng xử Biển Đông 2002 thành luật nhằm giải quyết lâu dài các tranh chấp tại đây.
Thế liên minh giữa các nước nhỏ của khối Asean có thể giúp tìm kiếm giải pháp quốc tế cho các vấn đề phức tạp mà 'lịch sử để lại'.
Nhưng thế mạnh của Trung Cộng, dù công khai hay không vẫn là trở ngại đang làm ngư dân Việt Nam mất nghiệp.
Về viễn ảnh chủ quyền trên đảo Trường Sa, thủ tướng Najib nói việc hai nước đạt thỏa thuận về các tuyên bố có phần chồng lấn cho thấy thành công của quan hệ song phương.
"Chúng tôi muốn dùng luật pháp quốc tế để giải quyết vấn đề. Chúng tôi hiểu là Trung Quốc hay Philippines có thể có ý kiến khác, nhưng các khác biệt đều có thể thảo luận và giải quyết theo các nguyên tắc và cơ chế của luật hàng hải quốc tế."
Tờ Philippine Daily Inquirer cho hay Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Robert Gates, trong lúc có mặt tại Philippines để bàn với lãnh đạo sở tại về quan hệ quốc phòng song phương, tuyên bố Hoa Kỳ "không có quan điểm gì về các tuyên bố chủ quyền" của các nước.
Ông Gates nói: "Chúng tôi luôn mong muốn các bên liên quan giải quyết các vấn đề một cách rõ ràng và hòa bình".
Việc Trung Cộng cưỡng chiếm Biển Ðông, chiếm độc quyền khai thác hải sản tại đó cũng chỉ là một cách “tuyên bố chủ quyền” rất công khai. Chúng chưa sử dụng đến hải quân, mà chỉ dùng lực lượng hải quân như hậu thuẫn cho những chiếc tầu “ngư chính” của chúng, mà 8 ngư dân Việt Nam đã bị giết, 26 người bị rớt xuống biển. Ấy là chưa nói đến những ngư phủ Việt Nam bị chúng cầm tù.
Tình hình tồi tệ đến như vậy mà tướng Phùng Quang Thanh vẫn cứ “5 không”, và tướng Võ Nguyên Giáp vẫn chỉ nặng lòng lo cho văn hoá, xã hội Tây Nguyên, thì quả là cuộc Bắc Thuộc lần thứ 5 đang bắt đầu.
Nguyễn Ðạt Thịnh
No comments:
Post a Comment