Ngày 16/02/1965, Trung Tướng Nguyễn Khánh, nhân danh Chủ Tịch Hội Đồng Quân Đội, cử Bác Sĩ Phan Huy Quát giữ chức Thủ Tướng thay Giáo Sư Trần Văn Hương. Vậy là Trung Tướng Khánh đã vượt quyền hạn của Quóc Trưởng Pahn Khắc Sửu. Nhưng từ ngày ấy, giữa Quốc Trưởng với Thủ Tướng bất đồng quan điểm về chính sách quốc gia. Hơn một tuần sau đó (25/2/1965), Đại Tướng Nguyễn Khánh rời Việt Nam lưu vong theo quyết định của Hội Đồng Quân Đội trong khi Sắc Lệnh thăng cấp Đại Tướng do Quốc Trưởng ký.
Vào những ngày đầu trung tuần tháng 6 năm 1965, Thủ Tướng Phan Huy Quát gởi đến Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Tổng Trưởng Quốc Phòng, một văn thư quay roneo dài 2 trang giấy dầy, khổ 21x33 phân tây, có đóng dấu của Thủ Tướng. Văn thư này có thông báo Trung Tướng Trần Văn Minh, Quyền Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, và tôi đã đọc nó. Lúc ấy tôi là Thiếu Tá, Trưởng Phòng Quân Sự Vụ Nha Đổng Lý Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Xin nhắc lại. Sau cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964, Trung Tướng Nguyễn Khánh trong chức vụ Chủ Tịch Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng, hành sử chức năng Quốc Trưởng, hệ thống hóa tổ chức quân đội dưới danh xưng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, gồm: Hải Quân, Lục Quân, Không Quân, và Địa Phương Quân Nghĩa Quân, từ đầu tháng 4/1964. Cùng lúc, Bộ Tổng Tham Mưu trở thành Bộ Tổng Tư Lệnh. Ngày 8/10/1964, Trung Tướng Khánh có trong tay chức vụ Quốc Trưởng, Thủ Tướng, Tổng Trưởng Quốc Phòng, kiêm nhiệm thêm chức Tổng Tư Lệnh đang khuyết, sau khi Đại Tướng Trần Thiện Khiêm bị Trung Tướng Khánh đẩy lưu vong ngày trước đó. Lập tức, văn phòng Tổng Tham Mưu Trưởng biến cải thành “Nha Đổng Lý Bộ Tổng Tư Lệnh: gồm: Phòng Quân Sự Vụ mà tôi là Trưởng Phòng. Phòng Dân Sự Vụ do Thiếu Tá Hoàng Ngọc Tiêu -tức nhà thơ Cao Tiêu- Trưởng Phòng. Và Phòng Báo Chí do Thiếu Tá Tâm làm Trưởng Phòng.
Văn Thư của Thủ Tướng Phan Huy Quát, nói lên sự bất đồng quan điểm giữa Thủ Tướng với Quốc Trưởng Phan Khắc Sửu, về vấn đề thay đổi 3 vị Tổng Trưởng. Vấn đề chưa kết thúc, bỗng dưng Quốc Trưởng tuyên bố từ chức. Vậy là Thủ Tướng cũng phải từ chức. Sau cùng, Thủ Tướng Quát yêu cầu Hội Đồng Quân Đội, hãy nhân danh quân đội nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia trong giai đoạn cực kỳ khó khăn.
Hội Đồng Quân Đội họp liên tục trong căn cứ Không Quân, và kết quả: “Hội Đồng đồng ý nhận lời yêu cầu của Thủ Tướng”. Để thực hiện trách nhiệm lãnh đạo quốc gia, Hội Đồng quyết định thành lập một tổ chức có danh xưng “Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia”, với những thành viên trên căn bản theo chức vụ đương nhiệm trong quân đội là 11 vị, gồm: Chủ Tịch. Tổng Thư Ký. Thủ Tướng. Tổng Trưởng Quốc Phòng. Tổng Tham Mưu Trưởng. Tư Lệnh Hải Quân. Tư Lệnh Không Quân. Tư Lệnh Quân Đoàn I. Tư Lệnh Quân Đoàn II. Tư Lệnh Quân Đoàn III. Và Tư Lệnh Quân Đoàn IV. Sau cuộc tham khảo bầu chọn, kết quả như sau:
- Chủ Tịch: Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu.
- Tổng Thư ký: Trung Tướng Phạm Xuân Chiểu.
- Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, tức Thủ Tướng: Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ. Thiếu Tướng Kỳ còn kiêm nhiệm chức vụ Tư Lệnh Không Quân
- Tổng Ủy Viên Chiến Tranh tức Tổng Trưởng Quốc Phòng: Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có. Thiếu Tướng Có, kiêm nhiệm chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
- Các thành viên: Đề Đốc Trần Văn Chơn, Tư Lệnh Hải Quân. Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Tư Lệnh Quân Đoàn I. Thiếu Tướng Vĩnh Lộc, Tư Lệnh Quân Đoàn II. Thiếu Tướng Cao Văn Viên, Tư Lệnh Quân Đoàn III. Thiếu Tướng Đặng Văn Quang, Tư lệnh Quân Đoàn IV.
Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ gọi nội các của ông là “nội các chiến tranh”. Trong nội các chiến tranh của ông có một Bộ mới thành lập, đó là Bộ Xây Dựng Nông Thôn, và Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng được cử giữ chức Tổng Trưởng. Bộ này đáp ứng nhu cầu bình định nông thôn trong chiến lược tách dân ra khỏi vòng kiểm soát của cộng sản. chánh phủ của Thủ Tướng Nguyễn Cao Kỳ, chính sách Ấp Chiến Lược được phát triển đến mức có một Bộ phụ trách, và Thiếu Tướng Nguyễn Đức Thắng được đánh giá là một Tướng Lãnh có khả năng, nhiệt tâm, cương quyết, được xem là trong sạch, lãnh đạo Bộ này (và những Đoàn Cán Bộ Xây Dựng Nông Thôn lần lượt ra đời từ kế hoạch của Thiếu Tướng Thắng).
Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia theo thành phần nói trên là 11 vị, nhưng vì Tổng Trưởng Quốc Phòng kiêm Tổng Tham Mưu Trưởng, nên thực tế là 10 thành viên.
Ngày 19 tháng 6 năm 1965, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia ra mắt đồng bào và ngoại giao đoàn, đánh dấu ngày Quân Đội nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia. Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có kiêm nhiệm chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng đúng 3 tháng. Ngày 15 tháng 10 năm 1965, Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, chủ tọa buổi lễ Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có bàn giao chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng cho Thiếu Tướng Cao Văn Viên.
Từ sau cuộc đảo chánh ngày 01/11/1963, chức vụ Tổng Tham Mưu Trưởng đã lần lượt trong tay 6 vị mà trong đó 4 lần không có bàn giao, 1 lần bàn giao không đúng lễ nghi quân cách, chỉ 1 lần bàn giao hẳn hòi. Và ngày 15 tháng 10 năm 1965 là lần bàn giao thứ 6. Lễ bàn giao tuy mức độ trang trọng không đạt đúng chức vụ đứng đầu quân đội, nhưng giao nhận đàng hoàng. Lần thứ nhất, Trung Tướng Trần Văn Đôn nhận chức ngày 02/11/1963 sau khi Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ và bị giết chết. Lần thứ hai, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, nhận chức ngày 31/01/1964 sau khi Trung Tướng Trần Văn Đôn bị bắt.
Chưa tròn 2 năm mà thay đổi 5 vị Tổng Tham Mưu Trưởng, và Thiếu Tướng Cao Văn Viên là vị Tổng Tham Mưu Trưởng thứ 6. Nếu đem thời gian chia đều thì mỗi vị chỉ ngồi ghế Tổng Tham Mưu Trưởng có bốn tháng rưỡi, thử hỏi làm sao xây dựng được chiến lược chiến thuật thích ứng với mọi biến chuyển của tình hình để quân đội nắm quyền chủ động trên chiến trường, trong khi tình hình quân sự ngày càng đẫm máu với những trận đánh cấp Trung Đoàn, Sư Đoàn.
Nhận bàn giao xong, Thiếu Tướng Cao Văn Viên cho dọn sang văn phòng mới vừa xây dựng xong, và kiến trúc này do Trung Tướng Khánh cho khởi công từ tháng cuối năm 1964. Lúc ấy tôi được cử giữ chức Chánh Văn Phòng.
Ngày 01/11/1965, Quốc Khánh Việt Nam Cộng Hòa, Thiếu Tướng Cao Văn Viên được thăng cấp Trung Tướng. Cùng thăng cấp Trung Tướng với ông còn có nhiều vị nữa, và trong số đó có Thiếu Tướng Nguyễn Hữu Có, Thiếu Tướng Nguyễn Chánh Thi, Thiếu Tướng Đặng Văn Quang.
Nhân lễ Giáng Sinh 1965, Trung Tướng Tổng Tham Mưu Trưởng tổ chức buổi tiếp tân trọng thể ngay tại võ đình trường trước tòa nhà chánh Bộ Tổng Tham Mưu. Tôi với anh Hoàng Ngọc Tiêu trách nhiệm tổ chức. Khách mời:
- Ngoại quốc, gồm: Các vị trong Ngoại Giao đoàn, kể cả các vị Tùy Viên quân sự. Các vị Tư Lệnh lực lượng Đồng Minh đang có mặt trên lãnh thổ Việt Nam Cộng Hòa, các đơn vị trưởng cùng các sĩ quan tham mưu trực thuộc lực lượng này.
- Nội bộ, gồm: Các vị trong Chánh Phủ, trong Quốc Hội. Tất cả các vị Tướng Lãnh đang phục vụ tại thủ đô và lân cận, các vị Chỉ Huy Trưởng binh chủng, Tổng Cục Trưởng, Cục Trưởng, và các sĩ quan cao cấp phục vụ tại Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Tổng số gần 500 vị.
Đây là lần đầu tiên các cấp chỉ huy lực lượng Đồng Minh, gồm: Đại Hàn, Phi Luật Tân, Tân Tây Lan, Úc Đại Lợi, Thái Lan, và Hoa Kỳ, với các cấp chỉ huy của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, có cơ hội tiếp xúc tìm hiểu nhau về cá nhân cũng như về kiến thức quân sự. Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu và Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ đều có mặt. Chương trình tổng quát với lời chúc Giáng Sinh ngắn gọn của Trung Tướng Cao Văn Viên, Tổng Tham Mưu Trưởng, của Trung Tướng Nguyễn Văn Thiệu, Chủ Tịch Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, và của Thiếu Tướng Nguyễn Cao Kỳ, Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương. Tiếp đó là chương trình văn nghệ với những bài hát Giáng Sinh bằng tiếng Anh và tiếng Việt. Buổi tiếp tân diễn ra trong bầu không khí thân hữu và trang trọng.
Về cấp hiệu sĩ quan mà Tổng Thống Ngô Đình Diệm qui định từ đầu năm 1956, thay thế cấp hiệu của Pháp mà quân đội áp dụng khi mới thành lập, cấp Uý biểu tượng bằng bông mai vàng và cấp Tá là bông mai trắng trên cổ áo hoặc trên mũ lưỡi trai. Nhưng vì kỹ thuật của các nhà sản xuất chưa hoàn hảo nên màu sắc không chính xác giữa trắng với vàng, nhất là thời gian sử dụng càng lâu thì màu sắc càng dễ gây lầm lẫn.
Nhân vụ cấp hiệu này xin nói thêm về nhiều loại huy chương được thiết lập trong thời gian Trung Tướng Nguyễn Khánh cầm quyền, trong mục đích tạo điều kiện thuận lợi cho các sĩ quan tham mưu và sĩ quan chuyên môn, được tưởng thưởng thích hợp và nhiều huy chương hơn để đeo trên ngực áo trong những lễ hội, những lần đón tiếp các phái đoàn quân sự ngoại quốc, hoặc du học du hành ngoại quốc. Trung Tướng Khánh có sáng kiến này là do ông trông thấy một vị Tướng khi xuất ngoại, trên ngực áo chỉ có 3 huy chương cuống, trông “yếu quá”.
Xin nói đến Ngày Quân Lực.
Ngày 19/06/1965, Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia và Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương ra mắt quốc dân đồng bào và ngoại giao đoàn. Sau đó, ngày này được chọn làm Ngày Quân Lực. Và Ngày Quân Lực được tổ chức lần đầu tiên là ngày 19 tháng 6 năm 1966 rất trọng thể.
Trên đây là Ngày Quân Lực 19 tháng 6, nhưng thật ra còn một Ngày Quân Lực đã được chọn và tổ chức trước đó.
Đó là Ngày Quân Lực 30 tháng 1. Chuyện như thế này. Xin nhắc đến cuộc Chỉnh Lý ngày 30/01/1964 do Trung Tướng Nguyễn Khánh, Trung Tướng Trần Thiện Khiêm, và Đại Tá Cao Văn Viên, lãnh đạo lật đổ Hội Đồng Quân Nhân Cách Mạng của Trung Tướng Dương Văn Minh, và thành công. Nhưng sau khi Trung Tướng Khánh công bố bản Hiến Chương tại Vũng Tàu, liên tiếp những cuộc mít tinh biểu tình cáo giác Trung Tướng Nguyễn Khánh là độc tài, từ đó Trung Tướng Khánh cho rằng Đại Tướng Khiêm đứng đằng sau những vụ đó. Thế là Trung Tướng Khánh đẩy Đại Tướng Trần Thiện Khiêm lưu vong (7 tháng 10 năm 1964). Và rồi Trung Tướng Khánh quyết định chọn ngày 30 tháng 1 làm Ngày Quân Lực.
Ngày Quân Lực 30 tháng 1 được tổ chức vào tối 30/01/1965, trên sân thượng câu lạc bộ Bộ Tổng Tư Lệnh Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Thiếu Tướng Nguyễn Văn Vỹ, Đổng Lý Văn Phòng Tổng Tư Lệnh, chỉ thị tôi Trưởng Phòng Quân Sự Vụ, và Thiếu Tá Hoàng Ngọc Tiêu -tức nhà thơ Cao Tiêu- Trưởng Phòng Dân Sự Vụ, trách nhiệm tổ chức.
Tham dự Ngày Quân Lực 30/01/1965, gồm: quí vị trong Chánh Phủ, quí vị Tướng Lãnh, quí vị trong Ngoại Giao đoàn, các đơn vị trưởng trong Quân Trấn Sài Gòn, và sĩ quan cao cấp phục vụ tại Bộ Tổng Tư Lệnh. Ngày Quân Lực 30 tháng 1 được tổ chức hôm ấy là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất.
Tôi nghĩ rằng, “Ngày Quân Lực tổ chức ngày 30/01/1965” rất ít người biết đến, vì không có văn kiện ban hành, cũng không phổ biến bất cứ hình thức nào, Trung Tướng Khánh chỉ ra lệnh ngang qua Thiếu Tướng Vỹ, và chúng tôi thực hiện. Chương trình Ngày Quân Lực 30 tháng 1 đơn giản như một buổi tiếp tân ngoài trời. Không diễn văn dài dòng, không một ai phát biểu, chỉ sau vài lời ngắn gọn của Trung Tướng Khánh là vào tiệc, với chương trình văn nghệ rất đông nghệ sĩ tân nhạc nổi tiếng của Sài Gòn lúc ấy trình diễn.
Nhân đây cũng xin nói thêm về những ngày khác, nếu như có cuộc thăm dò ý kiến trong quân đội để chọn ngày Ngày Quân Lực, tôi nghĩ là những ngày sau đây có thể được bàn đến là ngày 1 tháng 1, ngày 1 tháng 5, hay ngày 1 tháng 7.
Ngày 1 tháng 1. Trong cuộc chiến giữa thực dân Pháp với Việt Minh cộng sản 1945-1954, chánh phủ Pháp ước tính không thể dẹp tan đối phương trong thời gian 6 tháng như Cao Ủy Pháp tại Đông Dương đã từng tuyên bố, nên sử dụng chính sách dùng người Việt không cộng sản đánh nhau với người Việt cộng sản, bằng quyết định thành lập một số Tiểu Đoàn Việt Nam và những đơn vị nhỏ hơn, dưới quyền chỉ huy của Pháp. Đầu tiên là Chi Đội Thám Thính của binh chủng Thiết Giáp thành lập ngày 1 tháng 1 năm 1951. Lần lượt sau đó, một vài đơn vị đầu tiên là:
Ngày 1 tháng 2 năm 1951: một đơn vị Truyền Tin.
Ngày 1 tháng 5 năm 1951: một đơn vị Không Quân.
Cùng ngày 1 tháng 5 năm 1951: một đơn vị Quân Vận.
Ngày 1 tháng 8 năm 1951: một đơn vị Nhẩy Dù.
Ngày 1 tháng 9 năm 1951: một đơn vị Công Binh.
Ngày 1 tháng 11 năm 1951: một đơn vị Pháo Binh.
Ngày 1 tháng 3 năm 1952: một đơn vị Hải Quân.
Trong nét nhìn nào đó, những đơn vị Việt Nam đủ tiêu biểu cho Hải Lục Không Quân nhưng quá đổi khiêm nhường, ngoại trừ Lục Quân có một số đơn vị khả dĩ có khả năng "đánh tay đôi" với quân Việt Minh cộng sản.
Như vậy, ngày 1 tháng 1, là ngày mà đơn vị đầu tiên của Việt Nam được thành lập, dù rằng đơn vị này do Liên Hiệp Pháp chỉ huy và yểm trợ.
Ngày 1 tháng 5. Do Dụ số 43 ngày 23 tháng 5 năm 1952 (sau này gọi là sắc lệnh) của Quốc Trưởng Bảo Đại, thành lập Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam từ ngày 1 tháng 5 năm 1952. Vị Tổng Tham Mưu Trưởng đầu tiên là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hinh. Ông là sĩ quan Không Quân Pháp chuyển sang. Tuy có cơ quan đầu não của quân đội, nhưng thực chất các đơn vị Việt Nam đã thành lập trước đó vẫn do sĩ quan Pháp chỉ huy và yểm trợ mọi nhu cầu của đơn vị.
Ngày 1 tháng 7. Căn cứ quân sự trong vùng lòng chảo Điện Biên Phủ của Pháp bị thất thủ vào ngày 7 tháng 5 năm 1954, trước những cuộc "tấn công biển người" của quân Việt Minh cộng sản dưới sự yểm trợ mạnh mẽ của quân Trung Hoa cộng sản, dẫn đến Hiệp Định Đình Chiến ký ngày 20 tháng 7 năm 1954 tại Genève, Thụy Sĩ. Lãnh thổ Việt Nam bị chia đôi thành hai quốc gia:
Vĩ tuyến 17 trở lên Bắc là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa, theo chế độ cộng sản độc tài.
Vĩ tuyến 17 trở xuống Nam là Quốc Gia Việt Nam, theo chế độ tự do.
Trung tuần tháng 12 năm 1954, Tướng Collins của Hoa Kỳ và Tướng Paul Ely của Pháp thỏa thuận, Bộ Tư Lệnh Quân Viễn Chinh Pháp sẽ trao toàn quyền chỉ huy quân sự cho quân đội Việt Nam từ ngày 1 tháng 7 năm 1955. Sau thỏa thuận này, một phái bộ hổn hợp Mỹ Pháp được thành lập từ ngày 20 tháng 1 năm 1955, dưới tên gọi "Phái Bộ Liên Lạc Và Huấn Luyện Tại Việt Nam" (tiếng Anh là Training Relations Instruction Mission, gọi tắt là TRIM), với số sĩ quan gồm 200 của Pháp và 217 của Hoa Kỳ.
Từ sau thỏa ước trên, Bộ Tổng Tham Mưu quân đội quốc gia Việt Nam, gần như ào ạt tiếp nhận quyền chỉ huy hệ thống tổ chức lãnh thổ, từ Chi Khu (quận), Tiểu Khu (tỉnh), Phân Khu (2 hoặc 3 Tiểu Khu), đến Quân Khu (nhiều Phân Khu), và các đơn vị tác chiến lẫn yểm trợ. Và thật sự là Bộ Tổng Tham Mưu nắm quyền chỉ huy quân đội quốc gia Việt Nam từ ngày 1 tháng 7 năm 1955.
Vậy, ngày "1 tháng 1 năm 1951" là ngày thành lập đơn vị Việt Nam đầu tiên nhưng do sĩ quan Pháp chỉ huy, ngày "1 tháng 5 năm 1952" là ngày thành lập Bộ Tổng Tham Mưu Quân Đội Quốc Gia Việt Nam, và ngày "1 tháng 7 năm 1955" là ngày Bộ Tổng Tham Mưu chánh thức thật sự nắm quyền lãnh đạo chỉ huy quân đội. Tôi nghĩ, nếu phải chọn một ngày trong 3 ngày nói trên thì ngày 1 tháng 5 có thể được chọn là "Ngày Quân Lực" nếu so với ngày 30/01 hay ngày 19/06, vì thông thường Ngày Quân Lực là ngày thành lập quân đội.
Nhưng tôi cũng nghĩ rằng, vì quân đội được khai sinh từ quân đội Pháp trong hoàn cảnh chiến tranh giữa thực dân với cộng sản trong khi người Việt không cộng sản chúng ta chưa có vị trí rõ ràng trên bàn cờ chính trị, nên quí vị không chọn một trong những ngày đó mà chọn ngày quân lực nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia để kỷ niệm.
Và kỷ niệm “Ngày Quân Lực 19 tháng 6” đã được Bộ Tổng Tham Mưu Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tổ chức trọng thể hằng năm kể từ năm 1966. Trong chốn riêng tư, ngày 19 tháng 6 năm 1966, còn tiềm ẩn ý nghĩa sự thành công của Ủy Ban Lãnh Đạo Quốc Gia, trong nỗ lực giải quyết vụ khủng hoảng chính trị mà báo chí thường gọi là “khủng hoảng miền Trung” nữa. Nói là thành công, nhưng thật sự có phải là thành công hay không, tùy sự đánh giá của quí vị quí bạn.
Từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 đến nay, cựu Quân Nhân chúng ta trong những hoàn cảnh thích hợp tại mỗi quốc gia hay thành phố định cư, đã cùng nhau tổ chức kỷ niệm Ngày Quân Lực 19 tháng 06. Hành động như vậy, tôi nghĩ là hoàn toàn đúng và cần duy trì truyền thống cao quí này. Đúng, vì cho đến nay -năm 2009- trong Cộng Đồng Việt Nam chúng ta tị nạn cộng sản tại hải ngoại, không một cá nhân hay một tổ chức nào khả dĩ có đủ tư cách để thay đổi.
Tôi đến Hoa Kỳ đầu tháng 4 năm 1991 trong đợt HO 5. Hai tháng sau đó, tôi sang làm việc trong trường thẩm mỹ của người bạn tại thành phố Westminster, và rất sung sướng được tham dự Ngày Quân Lực trong khuôn viên nghĩa trang mà tôi không nhớ tên. Buổi lễ hôm ấy có 18 bạn hiện diện, sau lễ chào quốc kỳ là diễn văn ngắn, đến “tiệc trà” với vài cái bánh và chai nước ngọt. Buổi lễ rất đơn giản nhưng rất xúc động, vì lần đầu tiên sau 16 năm trong nhà tù nhỏ và nhà tù lớn của cộng sản Việt Nam, được đứng nghiêm chào quốc kỳ mà tôi đã phụng sự 21 năm trước kể từ năm 1954. Và tôi không bao giờ quên Ngày Quân Lực hôm ấy./.
Houston, tháng 4 năm 2007
Hoàn chỉnh tháng 6 năm 2009
*****
Trở về đầu trang
No comments:
Post a Comment