HomeNotesBlogPhotos
metieu
•Photos of Here
•Personal Message
•RSS Feed [?]
•Report Abuse
Norten Security 360
THẾ GIỚI MỚI - PHƯƠNG THỨC ĐẤU TRANH MỚI Jul 27, '10 9:23 PM
for everyone
Luật sư L G L
Rồi một năm nữa sắp qua, với những biến cố trọng đại dồn dập. Hoa Kỳ, đất tạm dung của trên hai triệu người Việt, vẫn chưa tìm ra lối thoát tại Afghanistan và Irak, mặt khác đang vật lộn vất vả với một cuộc khủng hoảng tồi tệ về kinh tế, tài chính, ô nhiễm và mối đe dọa hạt nhân mở rộng đến Bắc Hàn, Iran và Nam Mỹ. Nhìn về quê hương Việt Nam, càng thêm thảm thương: Đảng Cộng Sản (CS) nát bấy nội bộ, tập đoàn cầm quyền vẫn ngáo ngổ tấn công tôn giáo, đàn áp man rợ đối kháng, hỗ trợ tham nhũng, bán rẻ lao công, xuất cảng mãi dâm, đả phá khối người Việt nước ngoài và khiếp nhược hàng phục Trung Quốc bằng cách hiến dâng quốc thổ, hải phận và tài nguyên. Hơn lúc nào hết, quốc nạn bị Hán hóa trở nên một viễn tượng thực tế. Trước bối cảnh ấy, Cộng đồng người Việt hải ngoại nghĩ gì? làm gì? Dưới đây là một cố gắng phân tách thực trạng. Bài này gồm có hai phần: 1) nhận định tổng quát những ưu, nhược điểm của công cuộc đấu tranh chống Cộng, trong và ngoài xứ, từ 1975 cho đến nay. 2) gợi ý về một số biện pháp để đối phó với nhà cầm quyền Hà Nội trong những ngày sắp đến.
Những ưu và nhược điểm trong quá trình đấu tranh cho Dân chủ và Nhân quyền:
1- TRONG NƯỚC
Qua ba cuộc chiến chống Tàu, Pháp và Mỹ, kéo dài gần 40 năm và gây tử vong cho trên ba triệu người dân Việt, CS đã thống nhất Việt Nam bằng võ lực. Các văn khố được giải mật gần đây cho thấy những xung đột này không cần thiết, do Hồ Chí Minh và các đồng chí cố tình gây ra để xây dựng độc quyền đảng trị và đưa đất nước vào quỷ đạo của Đệ tam Quốc tế. CSVN đã trắng trợn vi phạm – trước sự im lặng khiếp nhược của Thế giới - Hiệp định Élysée (ký ngày 8.3.1949 giữa Tổng thống Pháp Vincent Auriol và Quốc Trưởng Bảo Đại), và hai Hiệp ước đình chiến Genève (1954) và Paris (1973). "Độc lập, Tự do và Hạnh phúc", được Hồ đề cao, chỉ là bánh vẽ. Hiện nay, Việt Nam vẫn bị xem như một nước kém mở mang về giáo dục, y tế, môi sinh; nhưng lại đứng hàng đầu về tham nhũng, đồi trụy xã hội và giàu nghèo chênh lệch. Để cứu nguy chế độ, Chính trị bộ áp dụng hối hả năm 1986, theo lệnh của Gorbatchev, kế hoạch "Đổi Mới theo định hướng xã hội chủ nghĩa" mà Hà Sĩ Phu biếm nhẻ mệnh danh "đứa con lai láu cá", kết quả của một cuộc chấp nối gượng ép giữa Adam Smith và Karl Marx. Đến nay, CS Hà Nội cũng không hiểu và giải thích được "theo định hướng xã hội" là gì. Đối với người dân, định hướng này không nhằm mục tiêu nào khác hơn là giúp cho các cán bộ đã mập càng mập thêm! Hiệp thương Việt-Mỹ đánh dấu một sự nhượng bước mới của CSVN trước ngọn thủy triều toàn cầu hóa dân chủ và kinh tế thị trường. Vừa đưa cổ vào chiếc dây thòng lọng của tư bản các lãnh tụ Hà Nội vừa hô hoảng "diễn biến hòa bình". Không còn ai ở Việt Nam, ngay cả trong Đảng, tin tưởng chủ thuyết Mác-Lê có thể hồi sinh, dù có gắn thêm cái đuôi "tư tưởng Hồ Chí Minh". Tuy nhiên, không nên vội tưởng chế độ CSVN sẽ kết thúc đúng theo phương cách đã thấy ở Tây phương. Tại ba xứ Baltic, Hung Gia Lợi, Ba Lan, Tiệp Khắc, Đông Đức…, CS bị giải thể do quần chúng chán ghét chế độ đương quyền, sự đối lập quyết liệt của các tổ chức công đoàn và thái độ phản tỉnh kịp thời của nhà chức trách mác-xít. Những yếu tố này khó tìm thấy ở Việt Nam, một cựu thuộc địa của Pháp, nơi mà đảng CS đã phát động cách mạng bằng cách lợi dụng chiêu bài giải phóng dân tộc và khai thác tận cùng mối hận sâu đậm của quần chúng đối với đế quốc thực dân.
A – Dân trong nước chống Cộng còn rời rạc
Sau một phần tư thế kỷ sống nghèo đói, thiếu tự do và nhứt là sau vụ chính quyền Hà Nội thậm thọt nhường đất và dâng biển cho Bắc Kinh, người dân Việt nhận thấy bộ mặt bán nước của Cộng Sản. Đảng đang phản bội Tiền nhân và Quân đội Nhân Dân. Các thành phần bất mãn, trong và ngoài đảng, bắt đầu lên tiếng, gởi thỉnh nguyện và đơn tố cáo lên Chính phủ, có nơi biểu tình, xung đột với cán bộ an ninh địa phương (vụ Tam Tòa, Thái Hà, Xã Đoài, Tu Viện Bát Nhã; sinh viên, thanh niên xuống đường phản đối năm ngoái về Trường Sa, Hoàng Sa; buổi Hội luận của trí thức về Biển Đông v.v...). Đến nay, mức độ đối kháng CS trong nước còn giới hạn, chưa quyết liệt, thiếu tổ chức và không liên tục vì nhiều lý do. Mạng lưới công an cô lập những thành phần chống đối, trong đạo cũng như ngoài đời, nhục mạ họ để làm mất uy tín và kiểm soát dưới mọi hình thức như buộc khai lý lịch, khám xét bất thần, quản chế theo Nghị định 31/CP không đưa ra tòa án, hăm dọa, cắt điện thoại, tịch thu phi pháp các phương tiện truyền thông, đóng cửa các báo chệch hướng, vv... Lý do khác là đa số dân chúng không được thông tin đầy đủ, kiệt sức sau nhiều năm chinh chiến và phải vô cùng chật vật để sinh nhai. Phần đông giới trẻ lo làm giàu bằng mọi cách. Họ đua tranh hưởng thụ và không mấy thiết tha đến chính trị như một cuộc thăm dò của báo Thanh Niên năm ngoái cho biết. Nhà chức trách cũng không khuyến khích họ tham gia công tác cộng đồng. Trong tác phẩm "Đôi điều suy nghĩ của một công dân", Hà Sĩ Phu chán nãn nhận xét: "Dân tộc phải đương đầu với một cuộc tổng khủng hoảng nhân cách! Xã hội đang lộn ngược do thang giá trị bị lộn ngược. Chủ nghĩa vô hồn tạo ra một khoảng trống ghê rợn. Về văn hóa, lý tưởng và nhân cách".
B - Đường lối vừa áp đảo, vừa ru ngủ của nhà cầm quyền Cộng sản
Cộng sản rất thâm độc: mỗi khi thấy quần chúng bất mãn cao độ thì chúng xoa dịu bằng cách xả bớt ống hơi an toàn, bố thí vài nhân nhượng nhỏ nhoi để tránh cải cách sâu rộng và dứt khoát. Mặt khác, chúng còn tung ra đòn xảo quyệt "hòa hợp hòa giải", kêu gọi thống thiết lòng yêu nước thương nòi của "khúc ruột ngàn dặm" và gài những "cò mồi CS thức tỉnh" trong hàng ngũ đối phương để gieo rắc những tư tưởng cầu an, chờ thời. Vụ tổ chức buổi hội thảo “Gặp gỡ Việt Nam, Meet Viet Nam” ngày 15 và 16.1.2009 tại San Francisco và Hội nghị Việt kiều tiêu biểu tại Hà Nội từ 21 đến 24.11.2009 nằm trong kế hoạch bịp bợm thực hiện “một cộng đồng đoàn kết vững mạnh, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng đất nước”. Âm mưu này thất bại vì chủ trương lộ liễu củng cố một “nội lực bên ngoài, cinquième colonne, để bảo vệ công dân”, theo ngôn từ của Thứ trưởng Ngoại giao Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Ủy ban Nhà nước về người Việt hải ngoại.
Kiệt quệ vì 40 năm chinh chiến, dân trong xứ cần hòa bình để yên thân xây dựng lại. Sống như trong một nhà tù, dân không có cơ hội so sánh với thế giới phát triển bên ngoài. Bởi thế, làm sao dân tình không chán nản, dân khí không suy vi và dân trí không lụn bại?
Mau chóng hơn phía Quốc gia, CSVN biết rút từ sự sụp đổ của Nga sô và các chư hầu một số kinh nghiệm thích đáng để xoay trở thoát nguy. Đảng CS ngày nay là một mafia, liên kết để bảo vệ nồi cơm. Không có viễn kiến chính trị và không đặt nổi kế hoạch dài hạn, họ áp dụng nhu cương tùy lúc, để giải quyết từng khó khăn một, chuẩn bị ngày cuốn gói ra đi. Thật vậy, đã từ lâu, họ biết xã hội chủ nghĩa không còn giúp gì được. Triết thuyết Mác Lê - phản khoa học và ảo tưởng - đã giải đáp sai bài toán nhân loại. Mác Lê chỉ dạy cướp quyền, san bằng xã hội, không dạy làm kinh tế và xây dựng hòa bình.
Để tồn tại, nhà cầm quyền Hà Nội cam nhận đóng vai trò thái thú xả thân phục vụ cho mộng bá quyền của Đại Hán tại Đông Nam Á. Bắc bộ Phủ mở cửa đón hàng hóa Trung Quốc tràn ngập vùng biên giới Lào Cay, Cao Bằng và Lạng Sơn; cho Bắc Kinh khai thác bauxite tại Cao Nguyên, nơi có một trọng lượng uranium đáng kể; đón nhận người Hoa vào VN miễn chiếu khán (visa). Hiện nay, có trên 100.000 công nhân Hán làm việc và sinh sống trong những ốc đảo riêng biệt ở Lâm Đồng, Hải Phòng, Cà Mau, Bắc Kạn, Đak Nông, Nông Sơn, Quảng Nam… Và những cứ điểm chiến lược then chốt. Mặt khác, CSVN cũng đã thương lượng giao cho Trung Quốc xây hai lò phản ứng hạt nhân trị giá 3 tỷ Mỹ kim tại Phước Dinh (Ninh Thuận) và Hòa Tân (Tuy Hòa, Phú Yên), dự trù hoạt động năm 2015. Nói tóm tắt, Trung Quốc đã chiếm thêm của VN trên 7.000 cây số vuông, nới rộng lãnh hải ra 12 hải lý và cho bao vây VN bốn mặt: ở phía Tây, với hai đồng minh Miên, Lào; ở phiá Đông bằng cách chiếm Hoàng Sa và Trường Sa; ở phía Bắc, đột nhập biên giới, đồng thời phong tỏa Vịnh Bắc Việt.
Thái độ hèn hạ của Hà Nội thúc đẩy Bắc Kinh khinh thường và lấn áp thêm. Cuối tháng chín vừa qua, trên 100 ngư phủ Việt thuộc đảo Ly Sơn và Bình Châu ghé vào cảng Cần Cẩu tránh bão. Họ đã bị lính Tàu cướp bóc, tra tấn, đánh dập tàn nhẫn và công khai đòi tiền chuộc mạng. Quốc hội và Bộ Ngoại giao VN không dám lên tiếng khiếu nại, kiện trước Tòa án quốc tế hay loan báo trên báo chí, truyền hình. Trong con mắt nhà cầm quyền Bắc Kinh, đàn em CSVN vẫn là một bọn người vô ơn bạc nghĩa. Họ không quên Lê Duẫn đã sửa Hiến pháp ghi lời lên án Trung Quốc, rồi hoàn toàn thần phục Liên Xô và còn gọi xấc xược Đặng Tiểu Bình là Đặng Lưu Manh. Năm 1979, đại ca Lưu Manh xua quân làm cỏ biên giới Bắc Việt. Thái độ coi rẻ đó còn thể hiện trong các hồi ký quân sự mô tả sự yếu kém của quân đội Bắc Việt và vai trò lãnh đạo chiến thuật và điều binh của các tướng Trung Cộng Trần Canh, Vi Quốc Thanh… trong cuộc chiến chống Pháp và thôn tính miền Nam VN. Năm 1954, tại Genève, Chu Ân Lai đã bắt tay với Molotov ép Hà Nôi chấp nhận chia đôi VN nơi vĩ tuyến 17 khiến cho Thủ tướng Phạm Văn Đồng (người ký công hàm năm 1958 hiến Trường Sa và Hoàng Sa cho Trung Quốc), phải bực tức gọi Chu Ân Lai là “đồ chó má”.
Dưới áp lực mạnh của công luận trong và ngoài nước, CSVN miễn cưỡng tổ chức cuối tháng 11 vừa qua tại Hà Nội một "Hội nghị Quốc tế về Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực”. Ngày 23.11.2009, Quốc hội VN thông qua luật thành lập lực lượng phối hợp các đơn vị biên phòng, hải quân và cảnh sát địa phương để “bảo vệ an ninh biên giới và chủ quyền trên biển”. Quyết định này bị nhiều chuyên gia chỉ trích nặng vì các lực lượng vừa kể quá yếu để giữ gìn môt bờ biển dài 3.200 cây số trong vùng có dầu hỏa. Để trấn an Bắc Kinh, tướng Lê Quang Bình, chủ tịch Ủy ban Quốc phòng của Quốc hội, tuyên bố “nhiệm vụ của dân quân là bảo vệ ngư dân và chủ quyền lãnh hải chứ không nhằm chống bất cứ ai” (sic). Như vậy, Đảng CSVN đã lăng nhục Quân đội Nhân dân vì Quân đội không còn được tin dùng trong trách vụ hàng đầu là bảo vệ quốc gia.
2 - NGOÀI NƯỚC
Sự bức tử của Chính phủ Sàigòn năm 1975 đã buộc gần ba triệu người Việt đi tìm tự do tại 80 quốc gia, 60% hiện sinh sống tại Hoa kỳ. Sánh với tổng số dân 80 triệu của VN ngày nay, đây là một tỷ lệ nhỏ, trên 2%. Cộng đồng VN hải ngoại, tuy nhiên, có một tiềm năng kinh tế và trí tuệ thật quan trọng. Là nạn nhân khốn khổ của CS, khối người này dứt khoát với xã hội chủ nghĩa và tự coi mình như một hậu phương tản mác trên năm châu, một "hậu phương không biên giới" sẵn sàng hỗ trợ "tiền tuyến" chống cộng trong nước.
Người Việt hải ngoại tương đối thành công về mặt vật chất, tiếp cận khá mau với nếp sống nơi tỵ nạn và đã lập ra vô số hội hè văn hóa, tương tế và đoàn thể chính trị, lắm khi nặng về trình diễn. Tiếc thay, trên bình diện phục quốc, từ hơn một phần tư thế kỷ, họ ở trong thế đỡ hơn là thế đánh, thế thủ nhiều hơn thế công. Họ phản ứng bén nhạy khi bị Hà Nội và tay sai khiêu khích. Nhưng mỗi khi cơn thử thách vượt qua, đâu lại vào đó, thụ động đợi một bão tố khác. Trong các nhược điểm, cần phải kể tình trạng phân hóa nội bộ, ảnh hưởng của lối sống buông thả của thế giới tự do, việc đột nhập để phá hoại của CS và sự bất lực kết hợp thành một tổ chức có uy tín trong cộng đồng và trên thế giới, có lãnh đạo, kỷ cương và lập trường để hành động.
Người Việt chống Cộng cũng không "hồ hởi" với "Diễn biến Hòa bình" vì cho rằng chiến lược này giúp cho CS sống lâu hơn và là hình thức “hòa giải, hòa hợp” sẽ bị CS lợi dụng. Nhưng làm thế nào sớm đảo ngược thế cờ trong khi Thế giới Tự do, với Hoa Kỳ đứng đầu, chủ trương cải tiến, phát triển trong hòa bình? Nguyên Tổng Thống Nam Hàn Kim Đại Trọng từng tuyên bố: “Chưa có trường hợp nào mà chủ nghĩa Cộng sản bị đánh bại nhờ vào chiến tranh hay bao vây kinh tế”. Kinh nghiệm cho thấy đường lối chống Cộng bằng cách đánh võ mồm đã lỗi thời. Để khai trừ hữu hiệu chủ trương thống trị của CS căn cứ vào Đói, Sợ và Dốt, cần áp dụng triệt để chính sách "Khai phóng Dân tộc" bằng cách nâng cao mức sống, mở mang trí tuệ của người dân và củng cố các tự do nhân bản, đặt những nền móng cần thiết cho một xã hội công dân. Dân sinh vững, dân trí mới cao, dân khí mới mạnh. Khi được võ trang bằng các tự do tối thiểu, người dân sẽ đòi hỏi quyết liệt hơn và dũng mãnh chọn lựa cấp lãnh đạo xứng đáng của mình. Những số tiền to lớn mà Liên Hiệp Quốc, Hoa Kỳ, Nhật, Úc, Pháp v.v... đang đổ vào Việt Nam để xây dựng có điều kiện hạ tầng cơ sở về kỹ thuật, giáo dục, thông tin v.v... sẽ giúp giải phóng người dân Việt. CSVN không dễ gì lường gạt và quỵt tiền của các con cá xà, cá mập tư bản. Trong thông điệp Ngày Hòa bình Thế giới 2005, Đức cố Giáo hoàng John Paul II đã vạch ra con đường của Giáo hội: “Vượt thắng điều ác bằng điều thiện. Chủ trương này sáng suốt và cũng là hướng đi của Thế giới Tự do.
Ngoài các nhược điểm nêu trên của cộng đồng VN, tưởng cũng nên kể một nhược điểm chung cho hai cánh chống cộng, ở trong và ngoài VN. Nhược điểm này là một hội chứng nguy hiểm: Hội chứng chờ đợi. Tiền tuyến đợï hậu phương, hậu phương đợi tiền tuyến, trẻ đợi già và già đợi trẻ, dân đợi quân, quân đợi dân phất cờ khởi nghĩa. Một sự mong đợi mỏi mòn! Hội chứng trở thành một bi kịch nếu kèm theo tinh thần vọng ngoại, ngồi đợi một cường quốc đồng minh "bực đèn xanh" mới hành động. Từ vọng ngoại chuyển qua vong bổn, chỉ có một bước. Kinh nghiệm tại Việt Nam cho thấy: liên minh với một thế lực ngoại bang, dù mạnh đến đâu, rồi cũng sa vào ngõ cụt thê thảm nếu không có nhân dân hậu thuẫn. Tâm trạng thiếu tự tin này bắt nguồn từ sự coi thường sức quật khởi của dân tộc. Dân tộc bất diệt, dân tộc vĩnh cửu trong khi các thể chế và học thuyết chính trị chỉ là những viên đá lót đường cho lịch sử. Nhưng làm thế nào để tạo ra cái thế nhân dân và nắm được dân? Có dân mới tạo nổi thời cơ. Khai thác thời cơ kịp thời và đúng mức mới thắng địch. Đó là chìa khóa của thành công. Các bậc tiền bối trong dĩ vãng đã bao phen chứng minh điều đó.
Vai trò của Cộng đồng người Việt hải ngoại trong sứ mệnh dân chủ hóa Việt Nam. Thời thế mới đòi hỏi phương sách đấu tranh mới:
Những nhược điểm phân tách trên đây có tính cách tạm thời và có thể điều chỉnh nếu được sớm mổ xẻ can đảm, không tự ti. Mặt khác, cần triệt khai các ưu điểm căn bản. Hiện nay, xã hội chủ nghĩa tại bốn nước cộng sản cuối cùng: Việt Nam, Bắc Hàn, Trung Quốc và Cuba, đang ở trên đà khánh tận. Thế giới đang bị cuốn hút vào cơn lốc Dân chủ và Kinh tế thị trường. Hai khuynh hướng này tất thắng, không thể đảo ngược. Sự giải thể, sớm hay muộn, của chế độ độc đảng tại Việt Nam tùy thuộc chẳng những nơi tốc độ của trận bão toàn cầu hóa mà còn – và trên hết – nơi khả năng kết hợp mau chóng và đối kháng hữu hiệu của khối người đấu tranh cho dân chủ tại VN, trong và ngoài nước. Trên bình diện này, cộng đồng Việt hải ngoại có một tiềm lực kinh tế đáng kể. Thống kê năm 2001 cho biết VN cộng sản có một tổng sản lượng quốc dân 14,7 tỷ Mỹ kim trong khi tổng thu nhập của người Việt nước ngoài đạt đến 15 tỷ Mỹ kim và số tiền họ gởi hằng năm về giúp thân nhân lên tới gần 3 tỷ đô la. Điều buồn nên nhắc lại là năm 1975, chính phủ Nguyễn Văn Thiệu xin Hoa Kỳ viện trợ 700 triệu Mỹ kim mà thôi để tiếp tục đơn độc cuộc chiến và đã bị từ chối. Nếu có kế hoạch chỉ đạo chung để sử dụng thiết thực nguồn tài chính 3 tỷ mỹ kim vừa nói cho công cuộc vận động dân chủ hóa - công khai, bán công khai hay bí mật – trong xứ thì hay biết bao!
Ngoài tài chính, cộng đồng Việt hải ngoại còn có nhiều tiềm năng trí tuệ: một đội ngủ không dưới 300.000 chuyên viên lỗi lạc thuộc đủ mọi ngành (văn hóa, khoa học, giáo dục và kỹ thuật). Không có một nước nào tại Á châu - và ngày cả trên thế giới - có một cái vốn chất xám quý giá như thế, đào tạo bởi quốc tế.
Tiếc thay, đến nay, các nguồn tài lực trên đây không được tận dụng như những lực lượng hạt nhân để đẩy mạnh cuộc cách mạng dân chủ hóa đất nước. Lý do là vì thiếu tổ chức. Thiếu tổ chức vì không đoàn kết. Có đoàn kết mới có lãnh đạo, có lập trường, có cán bộ, có kỷ luật để tiến đến hành động có kết quả hầu gây tin tưởng quốc nội và quốc tế.
Hiện trạng của CSVN có thể tóm tắt như sau:
A- Cộng sản đang sống cầm hơi do sự phân hóa của chúng ta. Cái yếu của cánh chống xã hội chủ nghĩa tạo sức mạnh cho Hà Nội. CS đang tư bản hóa, xã hội chủ nghĩa đang hữu sản hóa do ảnh hưởng xoi mòn của khuynh hướng toàn cầu hóa dân chủ và tự do mậu dịch. Để tránh bị giải thể, chúng run rẩy biến thể. Chúng dùng những danh hiệu mỹ lệ "dân chủ tập trung, dân chủ nhất nguyên" để che đậy một chính thể xuống cấp tận cùng. Hơn nửa thế kỷ nay, đảng CS giành độc quyền: độc quyền yêu nước, độc quyền sát hại, độc quyền cai trị và, gần đây, độc quyền phản bội, bán nước. Điều 4 Hiến pháp vẫn còn thì không có dân chủ, tự do, phát triển và đa nguyên. Phải đấu tranh bứng bỏ điều 4 vì điều 4 (chép y nguyên văn điều 6 của Hiến pháp Liên xô) hợp thức hóa đảng trị và cho phép khủng bố vô tội vạ: khủng bố trí thức, quần chúng, đối lập và tôn giáo.
B- Nhưng Đảng CSVN sẽ chết nhỏ giọt sau khi ký bản Hiệp thương với Hoa kỳ. Để tuân hành các điều khoản cam kết, chúng phải từ nay chấp nhận pháp trị, quyền tư hữu, tự do cạnh tranh và những nhân quyền căn bản. Đó là những viên thuốc đắng sẽ tiêu hóa nền kinh tế chỉ huy của Hà Nội. Khi cơ chế kinh tế CS bị vướng mắc vào cái lưới "thiên la địa võng" kinh tài quốc tế thì sức ép của Thế giới tự do có thêm cơ hội và phương tiện thay đổi mọi việc. Tiến trình "diễn biến hòa bình” - thường được mệnh danh strategy of peaceful evolution hay peaceful change- có thể kéo dài một hay hai thập niên. Bằng mọi cách, CSVN chống Diễn biến Hòa bình, DBHB, mà chúng còn gọi nôm na Cuộc chiến Hòa bình. Phe tư bản áp dụng những thủ đoạn phi quân sự, những “cuộc cách mạng màu” để xóa bỏ các chế độ còn theo Xã hội chủ nghĩa. Gần đây, tạp chí Quân đội Nhân dân có đăng một loạt bài nghiên cứu của Trung tướng Nguyễn Tiến Bình và hai Đại tá Nguyễn Đức Độ và Nguyễn Đức Thắng phân tách nguy cơ DBHB và đề ra một số biện pháp đối phó. Đặc biệt, Tô Huy Rứa, Ủy viên Bộ Chính Trị, kiêm Bí thư Trung ương Đảng, có lên tiếng trên tờ Nhân Dân ngày 3.8.2009 cảnh báo về “hiểm họa chuyển biến nội bộ” và kêu gọi đảng viên CS chống khuynh hướng “tự diễn biến, tự chuyển hóa” và “các quan điểm sai trái, luận điệu tuyên truyền phản động, âm mưu gây bạo loạn, hình thành lực lượng đối lập của các thế lực thù nghịch”.
Để xoa dịu cái mối lo sốt vó Cộng đảng bị tan rã trong tiến trình dân chủ hóa, để tránh cho Đảng thảm họa bị "xử lăng trì", các chiến thuật gia CS như Võ Đại Lược, Vũ Văn Hiền... có một lúc đã ồn ào tuyên bố rằng vẫn có thể hội nhập mà vẫn xây dựng được một nền kinh tế độc lập và tự chủ, chuyển từ kinh tế công nghiệp qua "kinh tế tri thức" để thực hiện một "xã hội tri thức".
Đến nay, chủ đề này chìm dần, không thấy bàn đến nữa. Hiện tượng đầu voi đuôi chuột vừa nói thường thấy ở VN. Chúng ta có trách vụ rút ngắn thời gian ra đi của đảng CS vì hai lý do khẫn yếu:
1 - Để xóa cái nhục chậm tiến. CS còn cai trị thì đất nước thêm thụt lùi, vô phương cứu chữa, trong khi các xứ Á châu liên tục tiến tới.
2 - Để tránh cái họa Hán thuộc. Thật vậy, việc dâng đất và lãnh hải cho Tàu để củng cố Đảng là chủ trương từ lâu của Đảng CSVN chớ không phải âm mưu thầm kín của vài cá nhân hay phe nhóm trong Đảng. Điều 3 trong Thông cáo chung Hoa-Việt ngày 1.3.2002 xác nhận không úp mở: "... Hai đảng góp phần không ngừng củng cố và nâng cao sự tin cậy lẫn nhau, hai bên đã đi đến nhất trí trên một số vấn đề". Điều 5 chú thích thêm: "... Hai bên khẳng định quyết tâm tích cực triển khai quá trình phân giới cắm mốc trên thực địa theo đúng kế hoạch". Bị đặt trước sự chọn lựa "Theo Tàu thì mất nước, theo Mỹ thì tan Đảng", rõ ràng Đảng CSVN đã dứt khoát quyết định: "thà mất Nước, chớ không mất Đảng". CS Hà Nội đang phạm lỗi lầm u tối nhất trong cuộc đời chính trị của họ. Khi hay mất Ải Nam Quan, Trường Sa và Hoàng Sa, toàn dân uất hận. Đây là cơ hội ngàn vàng cho người Việt hải ngoại ngồi lại với nhau, dẹp bỏ tị hiềm và lập một Ủy ban Vận động để hình thành một Liên minh rộng rãi, có lãnh đạo, có lập trường và quyết tâm hành động.
Ba công tác khẩn yếu sau đây nên được đặc biệt chú ý:
1 - Điều nghiên lại kế hoạch ngoại vận và quốc tế vận. Sử dụng tối đa kỹ thuật thông tin hiện đại (paltalk, websites, bloggers, tweeters…) để quảng bá sâu rộng các tư tưởng dân chủ trong nước hầu thể hiện một khối đối lập có quy củ. Điều chỉnh tổ chức lobby những chính quyền địa phương, các cơ quan quốc tế và giới truyền thông. Thúc đẩy các phần tử Việt có khả năng ứng cử vào những cơ chế địa phương và Liên bang. Trẻ trung hóa cấp lãnh đạo cộng đồng. Lập nhịp cầu giữa các sinh viên Việt ở trong và ngoài nước để thảo luận về công cuộc canh tân, phát triển đất nước. Vấn đề bảo tồn văn hóa và giáo dục con em chúng ta để tránh nạn mất gốc cũng rất hệ trọng. Khi người tỵ nạn chính trị chấp nhận mình là kẻ di cư tha phương cầu thực thì ngọn lửa đấu tranh trong lòng cũng đã tắt. Bởi thế, cần giữ vững lý lịch của chúng ta để tiếp tục chiến đấu, chuẩn bị cho ngày hồi hương.
2 - Trả sự thật lại cho lịch sử bằng cách, một mặt, công nhận những lỗi lầm tai hại của chúng ta trong quá khứ để tự sửa sai và mặt khác, xóa bỏ, với bằng chứng nghiêm chỉnh, một số huyền thoại từng nuôi sống CS Việt Nam cho tới nay trong quần chúng: huyền thoại Hồ Chí Minh là một anh hùng dân tộc (trong khi Hồ lại là một tội đồ khát máu nhuộm đỏ VN với chủ thuyết ngoại lai) - huyền thoại Quân đội Nhân dân có công đầu giải thoát và thống nhất đất nước (trong khi họ chỉ đánh giặc mướn cho Nga-Tàu, cho Đệ tam quốc tế) - huyền thoại đảng CSVN khai phóng dân tộc và đấu tranh thắng lợi về chính trị, ngoại giao (trong khi họ thi hành chính sách ngu dân, đưa gian trá lên hàng quốc sách và vi phạm thô bạo các Hiệp ước, coi thường công pháp quốc tế)… .
3 - Chuẩn bị ngay bây giờ tiến trình chuyển tiếp qua giai đoạn hậu CS càng khó hơn. Phe chống cộng, nếu không thức tỉnh, sẽ không được đại diện hay sẽ yếu thế trong những cuộc thương thảo sắp đến quyết định tương lai đất nước. Tới nay, cộng đồng Việt hải ngoại vẫn chưa tổ chức nổi những nhóm nghiên cứu (think tanks) có tầm vóc và khả năng để cứu xét nghiêm chỉnh các vấn đề quốc gia trọng đại. Quan niệm về dân chủ và quốc gia vẫn còn nhiều ý kiến đối chọi. Ngay cách thực thi quy tắc dân chủ căn bản giữa anh em chúng ta ở nước ngoài vẫn còn sơ sót đáng tiếc. Không thể chấp nhận ý niệm rằng chỉ cần phỏng theo các mẫu dân chủ tân tiến của ngoại bang là đủ. Dân chủ không phải là một món hàng nhập cảng. Tự do không phải là một món quà tặng không. VN hậu CS xứng đáng có một nền dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, một nền dân chủ nhân bản thích hợp với nhu cầu và trình độ của dân tộc, với đầy đủ đặc tính VN, một nền dân chủ bởi dân, của dân và vì dân. Dân Việt Nam. Không lai căng, không vay mượn.
Tình trạng xã hội suy đồi trầm trọng, chính sách nhân nhượng quá độ Trung Quốc, chủ trương bưng bít thông tin, đàn áp tôn giáo... là những căn nguyên của mọi tai họa và hiện gây nhiều bất mãn trong giới trí thức, thanh niên và ngay cả nội bộ Đảng. Lãnh đạo CSVN đang sống trong lo sợ, vì thế ráo riết chuẩn bị rất kỹ - từ các ngành, địa phương cho đến trung ương - Đại hội Đảng XI sẽ họp đầu năm 2011.
Không có con đường đấu tranh nào dễ dàng, trải đầy gấm hoa. Đấu tranh từ bên ngoài đất nước, xa quê cha đất tổ nghìn dặm lại càng gay go thập bội. Nhưng tất cả chúng ta đều tin chắc ngày mai trời lại sáng, dân chủ và phồn thịnh sẽ nở rộ trên quê hương rách nát, sau cơn mê sảng triền miên. Đến nay dư luận vẫn thắc mắc vì sao Quân đội Nhân dân lại có thể cam chịu gục mặt thị chứng cho Đảng ta tái diễn trân tráo bi hài kịch Lê Chiêu Thống?
Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 và nội bộ thối nát là tử huyệt của CS. Thật vậy, độc đảng tạo đặc quyền, bất công gây bất mãn. Giữa Đảng và Dân, sự chia tay ý thức hệ đã kết thúc bằng một cuộc ly hôn vĩnh viễn. CSVN phản bội dân nên mất dân. Hồ đã nói: “Mất dân là mất tất cả”. Khổng Tử từng xác quyết: “Thuận thiên giả tồn, nghịch thiên giả vong”. CS hành động trái ý dân. Ý dân là ý trời. Với chính sách tàn bạo và sai lầm chồng chất, CS lấn dân vào ngõ bí, gây phẫn uất, nổi loạn. Lửa cách mạng sẽ cắt ngắn và hỏa thiêu giấc mơ "diễn biến hòa bình". Gieo gió thì gặt bão. Đó là hai quy tắc thiên nhiên “Vật cùng tắc biến” và “Tương quan nhân quả”.
Thời cơ đã đến để chấm dứt một chế độ phi nhân, phi pháp và vô thần. Nếu thất bại lần này thì đó sẽ là đại họa chung cho dân tộc. Và tất cả chúng ta - người dân Việt, trong và ngoài nước, già trẻ, nam nữ, bất phân chính kiến và tín ngưỡng - sẽ phải gánh hết trách nhiệm. Trách nhiệm với tiền nhân, với hậu thế.
Tags: đấu tranh
Prev: The Indonesian Mimic Octopus
Next: Lạ thật, nhà nước Việt cộng cũng biết nhận khuyết điểm, hay chỉ là trò hề hòng xoa dịu lòng dân ?
Tro ve dau trang
No comments:
Post a Comment