Ai ở lại ? Ai ra đi ? Ai nâng đỡ Nguyễn Tấn Dũng lên làm Tổng Bí Thư Đảng ?
Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản lần thứ 13 đang khai mạc tại Hà Nội, nhằm chốt lại nhân sự lãnh đạo Đảng.
Theo BBC, nguồn tin cho biết hội nghị 13 sẽ là hội nghị chủ chốt cho vấn đề nhân sự, nhằm chuẩn bị bầu bán các chức danh trong Đảng vào kỳ Đại hội XI diễn ra vào tháng 1/2011.
Từ trái qua : "Thái thượng hoàng" Lê Đức Anh, Lê Khả Phiêu, Nguyễn Tấn Dũng
Nhiều động thái cũng như các nguồn tin cho thấy, khả năng 2 ông Nông Đức Mạnh và Nguyễn Minh Triết sẽ bị cho “về vườn”, do tuổi cao sức yếu, đầu óc bắt đầu lẩm cẩm.
Ông Mạnh – hiện đang là TBT Đảng CSVN đã tại vị 2 nhiệm kỳ, năm nay 71 tuổi, việc rút lui là điều hiển nhiên. Bên cạnh đó, ông Nguyễn Minh Triết cũng cho biết sẽ nghỉ hưu trong nhiệm kỳ tới, nhưng có lẽ điều này còn phụ thuộc vào phe cánh của ông ta.
BBC trích lời Giáo sư Carl Thayer, chuyên gia về Việt Nam tại Đại học New South Wales, Úc châu nhận định :
“Để trở thành Tổng Bí thư, ứng viên sẽ phải là người đã đứng trong Bộ Chính trị ít nhất một nhiệm kỳ, do vậy tôi thấy có 5 ứng cử viên hàng đầu là các ông Trương Tấn Sang, Nguyễn Phú Trọng, Hồ Đức Việt, Phạm Quang Nghị và Nguyễn Văn Chi.”
Tuy nhiên, có chút khác biệt trong cách dự đoán giữa Giáo sư Carl Thayer – dựa trên sự logic, và giới đối lập VN – dựa trên những kinh nghiệm, hiểu biết về “thâm cung bí sử” trong hàng ngũ Đảng CS.
Lê Đức Anh
Những người đối lập VN cho rằng, việc lựa chọn chức danh TBT Đảng sẽ phụ thuộc nhiều vào các thế lực phe cánh, trong đó hai nhân vật “Thái thượng hoàng” Đỗ Mười – Lê Đức Anh là một thế lực có ảnh hưởng bao trùm.
Ông Nguyễn Gia Kiểng – Thường Trực Ban Lãnh Đạo Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên, trong cuộc phỏng vấn với báo Việt Luận (Úc) [1] đã nêu nhận định : Ba nhân vật hiện đang tranh giành chức TBT là Nguyễn Tấn Dũng, Nguyễn Phú Trọng và Trương Tấn Sang. Trong đó, gay gắt nhất vẫn là cuộc tranh giành, đấu đá giữa hai ông Dũng – Trọng.
Cùng quan điểm này, ông Nguyễn Thanh Giang – nhân vật đối lập nổi tiếng tại Hà Nội, trong bài viết “Việc hệ trọng hàng đầu hiện nay” [2] đăng trên Talawas (11/10), đã cung cấp thông tin về cuộc trò chuyện giữa hai ông Lê Đức Anh và Đặng Quốc Bảo. Nội dung xoay quanh vấn đề chọn nhân sự cho chức danh TBT, được đánh giá là : “một cách nghiêm trọng” và “hết sức bức thiết”. Các ý chính mà ông Lê Đức Anh đã nói:
1. Tình hình rất đáng quan ngại là hiện nước ngoài đang tích cực can thiệp vào vấn đề nhân sự Đại hôi XI của Đảng ta;
2. Điều rất nguy hiểm là họ đang âm mưu dựng Nguyễn Phú Trọng lên làm Tổng Bí thư;
3. Người ngoan ngoãn vâng lời Trung Quốc đến mức vô nguyên tắc là Nông Đức Mạnh;
4. Dẫu chưa thỏa đáng lắm nhưng trong tình hình này có thể là nên chấp nhận Nguyễn Tấn Dũng làm Tổng Bí thư.
Ông Nguyễn Gia Kiểng
Có thể thấy, ứng cử viên nặng ký cho chức TBT đang thuộc về ông Thủ tướng Dũng, vì được “thái thượng hoàng” Lê Đức Anh nâng đỡ. Điều này được chứng minh qua việc phe ông Dũng càng mạnh hơn, khi mới đây, ông Lê Thanh Hải – đã tái đắc cử chức vụ Bí thư Thành ủy TPHCM – chức vụ này xem như đã chắc xuất về việc ông Hải tiếp tục có chân trong Ủy viên Bộ CT khóa tới
Tuy nhiên, cũng cần lưu ý đến điều mà ông Lê Đức Anh cho là “rất nguy hiểm”, về sự “tích cực can thiệp” của “nước ngoài”. Nói thẳng ra, điều “nguy hiểm” ở đây chính là việc ông Nguyễn Phú Trọng được sự hậu thuẫn mạnh mẽ của Trung Quốc nhằm dựng lên làm TBT.
Về thực lực giữa 2 phe Dũng – Trọng trong cuộc đấu đá, tranh giành quyền lực này, ông Nguyễn Gia Kiểng nêu lên nhận định :
“…ông Nguyễn Tấn Dũng được thế lực sau lưng hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh ủng hộ, qua hai ông này ông cũng được Tổng Cục 2 yểm trợ. Lực lượng riêng của ông Dũng là thành phần tài phiệt đỏ được ông bao che và làm giàu chủ yếu nhờ tham nhũng. Trước mặt ông là một liên minh lỏng lẻo không có đồng thuận trên một dự án chính trị nào cả ngoại trừ lập trường chung là chống ông Dũng. Nhân vật điển hình của liên minh này là ông Nguyễn Phú Trọng một người thường lặp đi lặp lại lời kêu gọi kiên trì với chủ nghĩa Mác – Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh…”
Thái thượng hoàng Đỗ Mười, Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Minh Triết
Ứng cử viên thứ 3 cho chức TBT, ông Trương Tấn Sang không được đánh giá cao, “nhưng sẽ là một giải pháp thỏa hiệp trong trường hợp hai ông Đỗ Mười và Lê Đức Anh không thể cứu được ông Dũng”, hoặc sẽ xảy ra khi cuộc tranh giành chức vụ TBT gặp bế tắc giữa hai phe Dũng – Trọng.
Có lẽ những diễn biến trong các ngày tới sẽ cho một dự đoán chính xác về nhân sự Đảng trong kỳ Đại Hội đang cận kề. Về cương lĩnh cũng như phương thức điều hành dự báo sẽ không có thay đổi đáng kể, nhưng sự phân hóa giữa các phe nhóm sẽ khiến Đảng trở nên suy yếu hơn. Để kết luận, ông Nguyễn Gia Kiểng tiếp tục đưa ra những dự đoán :
- Dù ông Dũng, ông Trọng, ông Sang hay bất cứ một ai khác làm tổng bí thư thì cũng sẽ chỉ là một tổng bí thư yếu, trong một bộ chính trị yếu và chia rẽ, do đó không ngăn chặn được đà phân hóa trong đảng.
- Sự đào thải của chế độ cộng sản là điều chắc chắn, có thể đến ngay trong khóa 11 này, nghĩa là trước năm 2016. Tất cả vấn đề là nó sẽ diễn ra như thế nào và nhường chỗ cho cái gì.
Theo Dân Làm Báo
No comments:
Post a Comment